Cách giảm và trị căn bệnh viêm mũi dị ứng

tranvo.huunhan1

Thành viên
Tham gia
3/2/2015
Bài viết
12
Viêm mũi dị ứng là căn bệnh gây ra rất nhiều khó chịu cho người bệnh Những người có cơ địa dị ứng khi gặp các tác nhân gây dị ứng như bụi bẩn , phấn hoa sẽ rất dễ mắc bệnh Bạn có thể tham khảo một số bài thuốc đông y giúp giảm các triệu chứng của bệnh sau đây

Bệnh viêm mũi dị ứng có thể chia thành hai nhóm chính: theo mùa và quanh năm. Nhóm bệnh theo mùa thường xuất hiện vào mùa xuân hoặc mùa hè hàng năm; thời điểm mắc bệnh này gần như đã trở thành quy luật. Nhóm bệnh quanh năm thường xuất hiện do những dị nguyên mà bệnh nhân gặp phải gây ra như lông thú vật, phấn hoa, khí thải…

Đông y phân biệt chứng hư hay chứng thực để điều trị. Chứng thực thường có hai thể phong hàn và phong nhiệt. Chứng hư thường do phế khí hư, tỳ khí hư hoặc thận dương hư.

Tùy theo từng thể bệnh mà có phương cách điều trị thích hợp

1. Thể phong hàn phạm phế

Triệu chứng: Mũi ngứa, hắt hơi từng đợt, nước mũi chảy nhiều, trong, tăng lên khi bị cảm gió lạnh, nghẹt mũi, người ớn lạnh, sợ lạnh.

Phép trị: Sơ phong, tán hàn, thông khiếu (bằng những loại thuốc có vị cay, tính ấm, nóng).

Bài thuốc: Thương nhĩ tử (ké đầu ngựa) 12g, quế chi 4-6g, bạch chỉ 8-10g, kinh giới 8-10g, bèo cái 10-12g (chỉ lấy lá, bỏ rễ), thông bạch (hành trắng) 6-8g, gừng tươi 4-6g, mã đề 8-10g, đại táo 3 quả. Nấu với 600 ml nước, sắc còn 300 ml, chia 2 lần uống ấm trước bữa ăn.

2. Thể phong nhiệt phạm phế

Triệu chứng: Mũi ngứa, hắt hơi, chảy nước mũi vàng nhẹ, nghẹt mũi, khứu giác bị giảm, gặp trời nóng thì chảy mũi liên tục kèm phát sốt, nhức đầu, ra mồ hôi.

Phép trị: Tán phong thanh nhiệt, thông khiếu (bằng thuốc có vị cay, tính mát).

Bài thuốc: Kim ngân hoa 12-16g, ké đầu ngựa 12g, bồ công anh (hoặc sài đất) 12g, lá dâu tằm 8-10g, rau diếp cá 10-12g, cúc tần 8-10g, mã đề 8-10g, cam thảo nam 8-10g, bạc hà 6-8g, kinh giới 8-10g. Nấu với 750 ml nước, sắc còn 300 ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn. Uống thuốc nguội.

3. Thể phế, tỳ khí hư

Triệu chứng

Thể này có các triệu chứng sau đây: Mũi ngứa, nhức, hắt hơi nhiều, nước mũi trong, chảy nhiều, khi gặp lạnh hoặc khi gặp dị ứng nguyên thì bệnh phát, tái phát liên tục kèm theo tình trạng thở ngắn hơi, khó thở, người mệt mỏi, không có sức.

Phép trị: Ích phế cố biểu, bổ khí thông khiếu.

Bài thuốc chữa trị

Đẳng sâm 12g, rễ đinh lăng 12g, kinh giới 10-12g, bạch chỉ 8-10g, bạc hà 8-10g, mã đề 8-10g, ý dĩ (sao) 12g, đậu ván (sao) 12g, ké đầu ngựa 12g, ngũ vị tử 6g. Nấu với 750 ml nước, sắc còn 300 ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn.

Hoặc dùng bài thuốc sau: Đậu ván 12g, đinh lăng 12g, vỏ trái sầu riêng 10g, ké đầu ngựa 12g, kinh giới 8g, bèo cái 12g, kim ngân hoa 8g, lá lốt 8g, cam thảo nam 8g. Nấu với 750ml nước, sắc còn 200ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn.

Trường hợp cơ thể có tình trạng thận dương hư , thì có thể gia thêm một số vị thuốc có tác dụng bổ thận như: ba kích, quế chi, cốt toái bổ, thố ty tử (hạt tơ hồng), trinh nữ tử (hạt mắc cỡ), câu kỷ tử,…mỗi thứ 10-12g.

Một số vị thuốc Nam thường được dùng chua viem mui di ung là bèo cái, còn gọi là bèo ván, bèo tai tượng, ké đầu ngựa, còn gọi là thương nhĩ tử, kim ngân hoa, kinh giới, lá lốt…

Khi bị viêm mũi dị ứng, nếu cơ thể còn có sức, không có tình trạng cơ thể suy yếu thì có thể dùng một trong các bài thuốc đơn giản:

beo-cai.jpg


Bột ké đầu ngựa: Lấy quả ké đầu ngựa 500g, thu hái khi già nhưng chưa ngả màu vàng, phơi hoặc sấy thật khô, sao vàng cho xém các gai nhỏ rồi tán thành bộ mịn. Ngày uống 6 – 12g, chia làm 2 lần trước bữa ăn, uống với nước ấm (theo các tài liệu cổ thì uống ké đầu ngựa phải kiêng ăn thịt lợn).

Sirô bèo cái: Lấy khoảng 250g bèo cái tươi (thu hái tốt nhất vào mùa hạ), rửa thật sạch, bỏ rễ và lá vàng úa, giã nát vắt lấy nước, lọc qua gạc. Nước bèo cái pha với sirô để uống trong ngày.

Theo một công trình nghiên cứu về khả năng chống dị ứng của bèo cái của Trường Đại học Dược Hà Nội ( Kỷ yếu công trình dược. NXB Y học 1978), dùng bèo cái tươi với liều 200g/ngày trong 1 – 2 tháng không thấy có tác dụng phụ nào xảy ra. Cần phân biệt bèo cái với bèo tây (lục bình, bèo Nhật Bản).

Nước mật gừng: Gừng tươi 30g, bèo cái tươi 100 – 120g, hai thứ rửa sạch, giã nát, hoà với nước lọc lấy 150 – 200ml nước cốt. Trộn đều với mật ong 20g, đun sôi. Chia làm 3 lần uống lúc đói, uống với nước ấm.


Chế độ ăn: Nên ăn sữa chua, hành tây, các loại rau thơm gia vị (kinh giới, tía tô, bạc hà, húng quế, ngò gai, lá đinh lăng…), ngũ cốc còn lứt (chưa xát, chứa nhiều selenium) sẽ giúp ngăn ngừa dị ứng. Không nên ăn các loại quả mọng nước như lê, dưa leo, cà chua, nho, mận, táo … Không uống nước đá lạnh hoặc các thức uống ướp quá lạnh…

Mỗi liệu pháp điều trị mang đến những hiệu quả khác nhau, bài viết mang tính chất tham khảo, hãy hỏi ý kiến chuyên gia trước khi áp dụng chúng, chúc bạn có thể tìm được cách chữa viêm mũi dị ứng phù hợp và hiệu quả nhất và khỏe mạnh
 
×
Quay lại
Top Bottom