Cách để làm người trung thực

Ánh Minh

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
5/10/2017
Bài viết
1.322
Không ai thích những lời nói dối. Nhưng thật không may, đôi khi chúng ta cảm thấy nói những lời dối trá với người khác và bản thân dễ hơn phải nói ra sự thật.

Tuy nhiên, chúng ta không nên làm như vậy. Học cách trở thành người trung thực và đừng đưa bản thân vào những tình huống phải nói dối có thể giúp chúng ta cảm thấy thanh thản lương tâm và không áy náy với bất cứ ai trong các mối quan hệ. Thay đổi quan điểm của bạn một chút và hướng bản thân đến mục tiêu trở thành người trung thực có thể giúp bạn cảm thấy không cần phải nói dối và dễ dàng nói ra sự thật. Hãy tiếp tục từ Bước 1 để tìm hiểu thêm.

I. Trung thực với người khác


cach-lam-nguoi-trung-thuc-1.jpg


1. Trả lời câu hỏi tại sao bạn phải nói dối và nói dối ai. Chúng ta đều đã từng nói dối một lần hoặc một vài lần, nói dối những người khác nhau hoặc nói dối chính bản thân vì nhiều lý do khác nhau. Nếu bạn không chỉ ra được tại sao bạn phải nói dối và nói dối ai thì sẽ khó để bạn thực hiện “kế hoạch” làm người trung thực.

Nói dối để đánh bóng bản thân là việc chúng ta kể với người khác hoặc nói với chính mình những câu chuyện có sự phóng đại, thêm thắt hoặc thậm chí không có thật để khiến bản thân cảm thấy tốt hơn về thiếu sót của chính mình. Khi chúng ta không hài lòng vì điều gì đó, chúng ta sẽ thích nghe những lời nói dối hơn là sự thật.

Nói dối để cảm thấy ngang bằng với một số người mà chúng ta nghĩ rằng họ tốt hơn mình, bởi vì chúng ta tôn trọng họ nên muốn họ cũng tôn trọng mình. Thật không may kết quả là chúng ta sẽ bị coi thường vì nói dối. Hãy làm một người đáng tin cậy để mọi người có thể đồng cảm và hiểu về bạn hơn.

Nói dối để tránh cảm thấy ngượng ngùng có thể là việc nói dối để che giấu những hành vi xấu, tội lỗi hoặc bất cứ hành động nào mà chúng ta cảm thấy xấu hổ khi phải nói ra. Nếu mẹ của bạn tìm thấy một bao thuốc lá trong túi của bạn, có thể bạn sẽ nói dối đó là bao thuốc của một người bạn để tránh bị mẹ phạt.

Chúng ta nói dối cấp trên hoặc những người có quyền lực để tránh cảm thấy ngượng ngùng và không bị trừng phạt, bao gồm cả việc nói dối chính mình. Khi chúng ta làm gì đó và cảm thấy có lỗi, chúng ta nói dối để lờ đi tội lỗi của mình, để không bị trừng phạt và lại tiếp tục hành động đáng chê trách mà chúng ta đã phải nói dối. Đó thực sự là một vòng luẩn quẩn.


cach-lam-nguoi-trung-thuc-2.jpg


2. Lường trước những hành động có thể khiến bạn cảm thấy có lỗi sau đó. Để thoát khỏi sự ngượng ngùng và tiếp tục phải nói dối thì việc lường trước những hành động có thể khiến bạn cảm thấy có lỗi và tránh những hành động đó là rất quan trọng. Khi bạn nói dối, bạn phải che giấu một sự thật và bạn thấy sự thật dễ dàng được che giấu bằng sự dối trá. Khi đó bạn sẽ cảm thấy yên tâm về sự thật đang bị che giấu hoặc thậm chí không nghĩ đến hành động đã khiến bạn phải ngượng ngùng.

Nếu bạn hút thuốc lá và mọi người đều biết điều đó thì bạn sẽ không phải nói dối. Hãy thú nhận nếu bạn thực sự làm điều đó. Một hành động mà bạn không dám thú nhận thì có lẽ cách tốt nhất là đừng làm. Bạn đời của bạn sẽ cảm thấy bẽ bàng nếu phát hiện bạn có mối quan hệ bất chính với một đồng nghiệp, nếu bạn không làm điều đó bạn sẽ không phải nói dối.


cach-lam-nguoi-trung-thuc-3.jpg


3. Ngừng so sánh bản thân với người khác. Đôi lúc, chúng ta nói dối để làm mình có vẻ vĩ đại và tốt hơn con người thực sự của chúng ta. Bởi vì chúng ta luôn cạnh tranh và so sánh mình với người khác nên nếu chúng ta có bất cứ thiếu sót nào, chúng ta sẽ lập tức nói dối một cách khéo léo để che giấu thiếu sót đó. Nếu bạn ngừng cạnh tranh với người khác và hài lòng với chính mình, bạn sẽ thấy không cần phải nói dối để tự nâng mình lên vì bản thân bạn đã ở vị trí cao rồi!

Đừng nói những điều mà người khác muốn nghe từ bạn. Cứ để người khác khen ngợi bạn, làm ra vẻ bạn không biết họ đang “chơi” bạn và làm như bạn bị họ lôi kéo. Hãy nói những lời từ trái tim bạn và nói sự thật, đừng lo lắng thậm chí một chút rằng điều đó có làm mất hình ảnh đẹp đẽ của bạn hay không. Mọi người đánh giá cao sự trung thực, ngay cả khi sự thật bạn nói ra khiến mọi người khó chịu.

Hãy gây ấn tượng với mọi người bằng sự trung thực, chứ không phải sự khoác lác của bạn. Rất nhiều người nói dối vì muốn gây ấn tượng, họ kể những câu chuyện bịa đặt trau chuốt để được chú ý hơn những người khác. Nếu bạn không thể đóng góp một vài câu chuyện lặt vặt về trải nghiệm đi du lịch châu Âu, thì hãy ngồi nghe một cách yên lặng thôi và chờ những chủ đề sắp nói khác, thay vì tô vẽ ra câu chuyện bạn đã đi du học ở Majorca.


cach-lam-nguoi-trung-thuc-4.jpg


4. Chấp nhận và đối diện với hậu quả khi bạn trung thực. Đôi khi sẽ tốt hơn nếu bạn thừa nhận là mình nói dối, lừa đảo hoặc cư xử không đúng thay vì tiếp tục dối trá. Làm như vậy bạn sẽ cảm thấy được giải thoát và cực kỳ thanh thản. Thậm chí nếu bạn thú nhận, bạn sẽ phải chấp nhận hậu quả, nhưng đó là hậu quả đúng với những gì mà bạn xứng đáng được nhận.


cach-lam-nguoi-trung-thuc-5.jpg


5. Hãy làm những việc bạn cảm thấy tự hào. Bạn không phải nói dối nếu bạn cảm thấy bản thân mình tốt. Những người xung quanh quan tâm bạn và hiểu bạn sẽ tôn trọng bạn bởi con người thực sự của bạn. Hãy làm những việc khiến bạn thấy vui và tự hào về bản thân.


Uống quá nhiều mỗi tối làm bạn cảm thấy dễ chịu trong một vài giờ và làm bạn thích thú nhưng sáng hôm sau ở công ty bạn sẽ thấy đầu đau như búa bổ, bạn thấy ân hận và tội lỗi khi không thể làm việc được. Hãy chăm sóc bản thân cả về thể xác và tinh thần. Đừng làm những việc mà bạn cảm thấy ân hận.


cach-lam-nguoi-trung-thuc-6.jpg


6. Tránh những tình huống mà bạn phải nói dối cho người khác. Hãy thận trọng khi ai đó nói với bạn điều gì bí mật mà bạn biết mình nên chia sẻ với một người khác (ví dụ, một tội ác, một vụ lừa đảo hoặc một hành vi làm hại ai đó). Nghe những điều này làm bạn rơi vào tình huống khó xử, đặc biệt khi mọi người biết sự thật và người trong cuộc biết bạn là người biết toàn bộ câu chuyện.

Nếu ai đó định kể với bạn điều gì mà bắt đầu kiểu “Đừng nói thế này thế kia về điều này được không?”, hãy sẵn sàng từ chối: “Nếu điều đó không liên quan đến tôi, đừng kể với tôi. Tôi không muốn chịu trách nhiệm với bất cứ bí mật của ai, trừ bí mật của chính tôi”.


cach-lam-nguoi-trung-thuc-7.jpg


7. Tách biệt điều mà bạn muốn nói và điều người nghe cần biết. Đôi khi, chúng ta cảm thấy sốt ruột như lửa đốt khi chúng ta có điều muốn nói. Khi bạn mắng một người cùng phòng thô lỗ hay nói chuyện thẳng thắn với vợ hoặc chồng hoặc tranh luận với giáo viên là khi bạn phải hết sức trung thực, nhưng nếu bạn nói quá lâu, bạn có thể làm mối quan hệ đó trở lên tồi tệ và thậm chí nói điều mà chính bạn cũng không hiểu. Hãy tránh nói quá nhiều, cố gắng chỉ ra sự khác nhau giữa những điều mà bạn cần nói vì người kia muốn nghe và những điều mà bạn muốn nói để làm chính bạn cảm thấy tốt hơn.

Một người nữa cần biết nếu việc họ không biết có thể gây hậu quả làm họ tổn thương thể xác hoặc tinh thần, hoặc họ tiếp tục có hành động ảnh hưởng đến người khác. Người cùng phòng của bạn cần biết việc họ uống bia rượu quá nhiều làm bạn cảm thấy không thoải mái trong chính căn phòng của mình, nhưng không có nghĩa là sắp tới quan hệ giữa hai bạn sẽ “tồi tệ”.

Bạn có thể muốn nói điều gì đó trong lúc bạn tức giận hoặc căng thẳng, tuy nhiên, để người nghe biết được điều bạn muốn nói, bạn có thể diễn đạt một cách mềm dẻo hơn. Trong lúc hai bạn tranh luận về mối quan hệ hời hợt giữa hai người, bạn có thể muốn nói “Anh thắng rồi và em không muốn tiếp tục mối quan hệ này nữa”, và dù bạn diễn đạt theo cách nào thì bạn cũng muốn chồng bạn hiểu được điều quan trọng này. Mặc dù vậy, bạn nên nói “Em nghĩ là chúng ta nên xem xét lại mối quan hệ này”, nói như vậy vẫn diễn đạt được điều mà chồng bạn cần biết nhưng theo một cách lịch sự hơn.


cach-lam-nguoi-trung-thuc-8.jpg


8. Luôn luôn cư xử khéo léo. Mọi người đều thích sự thẳng thắn, nhưng đôi khi sự thẳng thắn làm cho người nói không đạt được điều mà mình mong muốn. Hãy cân nhắc hậu quả từ những lời nói của bạn và cố gắng diễn đạt chúng theo cách khác để tránh gây tổn thương và khó chịu cho người nghe. Hãy học cách đưa ra quan điểm của mình một cách khéo léo.

Sử dụng đại từ nhân xưng “Tôi” khi chia sẻ những sự thật khó chấp nhận. Khi chia sẻ quan điểm của bản thân và sự thật với người khác, hãy cố gắng trung thực. Bạn nên nhấn mạnh đó là cảm xúc và quan điểm của mình, tôn trọng và lắng nghe người khác.

Cố gắng thêm những cụm từ như "Theo kinh nghiệm của tôi…” hoặc "Cá nhân tôi cho rằng…” trước khi bạn nói hoặc kết thúc câu bằng những cụm từ như "...nhưng đó chỉ là quan điểm/kinh nghiệm của tôi và không phải lúc nào mọi thứ cũng đúng như thế”.

Học cách lắng nghe khi người khác đang nói, thậm chí khi bạn không đồng ý với những gì họ nói hoặc cảm thấy cần đưa ra quan điểm của mình. Khi đến lượt bạn nói, họ sẽ cư xử nhã nhặn như vậy, điều đó sẽ làm cho cả hai thẳng thắn và thoải mái hơn.

II. Trung thực với chính mình



cach-lam-nguoi-trung-thuc9.jpg


1. Tự đánh giá bản thân một cách khách quan. Thỉnh thoảng bạn nên soi gương và nghĩ xem mình cảm thấy thế nào về bản thân. Bạn thích điều gì ở mình? Bạn muốn làm điều gì? Bạn có thể đưa ra những áp lực tâm lý nặng nề khiến bạn có hành vi, ý kiến và hành động nói dối mà lẽ ra bạn không mắc phải nếu tự đánh giá bản thân một cách khách quan. Viết ra danh sách các điểm mạnh và điểm yếu của bạn vào một quyển vở, không phải để bạn đánh giá bản thân mà để bạn biết được điều gì bạn cần cải thiện và điều gì bạn có thể tự hào về mình.

Nhận biết điểm mạnh của bạn. Bạn giỏi cái gì? Bạn có thể làm tốt điều gì hơn hầu hết mọi người mà bạn biết? Bạn cống hiến điều gì vào cuộc sống này? Điều gì khiến bạn tự hào? Bạn đã làm thế nào để bản thân tốt lên mỗi ngày?

Nhận biết điểm yếu của bạn. Điều gì làm bạn xấu hổ về bản thân? Điều gì bạn có thể làm tốt hơn? Điều gì mà càng ngày bạn càng thấy mình kém hơn?


cach-lam-nguoi-trung-thuc-10.jpg


2. Đối diện với những điều mà bạn không thích về bản thân mình. Rất nhiều sự dối trá trong cuộc sống của chúng ta bắt nguồn từ việc chúng ta không dám đối diện với những điều mà chúng ta cảm thấy xấu hổ, ngượng ngùng hoặc chán ghét về bản thân mình. Đừng tiếp tục như vậy, hãy cố gắng thừa nhận chúng một cách trung thực.

Có thể bạn luôn hi vọng tiểu thuyết đầu tay của bạn sẽ được xuất bản khi bạn bước sang tuổi ba mươi, một mục tiêu mà bạn đã đặt ra từ năm năm trước và đến bây giờ vẫn chưa có tiến triển. Có thể bạn biết bạn cần một sự sắp xếp để đạt được mục tiêu nhưng việc làm theo thói quen dễ dàng hơn với bạn. Có thể bạn thấy mối quan hệ nào đó của mình nhạt nhẽo và không muốn tiếp tục nhưng bản thân bạn không tạo được ra thay đổi đáng kể nào.

Đừng bao giờ để những suy nghĩ tự bao biện cho bản thân xuất hiện trong đầu của bạn. Lý do tại sao bạn làm điều thực sự khó chấp nhận như vậy không quan trọng bởi vì bạn không thể quay về quá khứ để thay đổi điều đó. Mặc dù vậy bạn có thể thay đổi hành động của bạn từ bây giờ để bản thân cảm thấy vui vẻ hơn.


cach-lam-nguoi-trung-thuc-11.jpg


3. Tạo cơ hội để hoàn thiện bản thân. Từ danh sách điểm mạnh và điểm yếu, cố gắng nhận ra những điều bạn cần thay đổi để hoàn thiện bản thân cũng như những cách để bạn làm điều đó.

Bạn cần làm gì để phát huy điểm mạnh của bạn? Điều gì bạn đã làm khiến bạn thực sự tự hào? Làm thế nào để bạn có thể cải thiện điểm yếu của mình?

Bạn gặp khó khăn gì khi cố gắng hoàn thiện bản thân? Những trở ngại khách quan như không có tiền để mua thẻ thành viên ở phòng tập thể dục hay bị mất một số tiền hay trở ngại chủ quan như ngại nghiên cứu những cách để tự mình giảm cân.


cach-lam-nguoi-trung-thuc-12.jpg


4. Khi bạn quyết định làm gì đó, hãy cố gắng thực hiện
. Nói dối chính mình rất dễ. Thật dễ để bạn đưa ra hàng trăm lý do để không phải làm điều mà bạn không muốn. Đó là lý do tại sao mà chúng ta thường xuyên nói dối chính mình. Đừng để điều đó trở lên dễ dàng như vậy. Khi bạn quyết định chấm dứt một mối quan hệ, hoặc quyết định bắt đầu công việc, hãy bắt đầu ngay. Hãy thực hiện điều đó. Ngay tức khắc. Đừng đợi cho tới khi bạn đưa ra hàng loạt lý do rằng “chưa đến lúc”. Khi bạn đưa ra một quyết đinh, hãy thực hiện ngay.

Tự mình làm cho việc đạt được mục tiêu trở lên dễ dàng hơn. Khi bạn thực hiện một công việc khó khăn, hãy đưa ra sự đánh đổi, nếu bạn chấp nhận và hoàn thành thử thách, bạn sẽ có phần thưởng, như tự mua cho mình một cây đàn ghi ta mới sau khi chấm dứt một mối quan hệ tồi tệ hay thưởng cho mình một kỳ nghỉ sau khi giảm cân.

Hoàn thành công việc với sự hỗ trợ của kỹ thuật số: bạn có thể đăng ký Skinny-Text để nhận lời nhắc nhở làm việc trên điện thoại, hoặc thậm chí cân nhắc việc đưa ra một Hiệp ước mà theo đó bạn sẽ bị phạt một khoản tiền nhất định nếu bạn chọn cách không thực hiện.

III. Tránh những lời nói dối không cần thiết


cach-lam-nguoi-trung-thuc-13.jpg


1. Đừng thêm màu mè vào câu chuyện của bạn. Một kiểu nói dối phổ biến để lôi cuốn người nghe là thêm một vài chi tiết để câu chuyện trở lên thú vị hơn. Câu chuyện của bạn có thể hấp dẫn người nghe khi bạn kể đến đoạn có một chú gấu đi lạc vào khu cắm trại, thay vì một chú gấu trúc, nhưng làm như vậy sẽ tạo tiền lệ làm bạn có lý do và cơ hội nói dối nhiều hơn. Hãy kể đúng sự thật và trung thực nhất có thể.


cach-lam-nguoi-trung-thuc-14.jpg


2. Linh hoạt với những lời nói dối vô hại. Chúng ta có mặt ở đó thì có người đưa ra những câu hỏi khó trả lời kiểu như: “Tôi mặc bộ này trông có béo không?” hay “Ông già Nô En có thật không?”. Đó là những lúc chúng ta thấy mình cần nói dối để người nghe cảm thấy tốt hơn hoặc để giảm nhẹ bất hạnh hay sự thật khó chấp nhận, nhưng việc lựa chọn giữa trung thực và dối trá không phải lúc nào cũng đơn giản như sự lựa chọn giữa A và B.

Nói theo hướng tích cực. Nếu bạn thấy điều gì đó chưa được, hãy nói điều đó theo hướng tích cực. Thay vì nói “Tôi thấy bạn mặc chiếc quần này không đẹp”, hãy nói “Chiếc quần này không tôn vẻ đẹp của bạn bằng bộ váy đen kia – bộ váy rất hợp với bạn. Bạn đã từng thử mặc nó với đôi bít tất mà bạn mặc đến đám cưới của anh họ của tôi chưa?”.

Giữ một số suy nghĩ cho riêng mình. Thực sự là bạn không muốn đến nhà hàng và quán ba có phong cách đồng quê mà người bạn tốt nhất của bạn muốn đến trong đêm duy nhất của cô ấy ở thị trấn, nhưng bạn không nhất thiết phải trung thực nói ra suy nghĩ của mình trong hoàn cảnh ấy. Điều bạn muốn là một buổi tối tuyệt vời – các bạn chỉ có duy nhất một buổi tối bên nhau – để được tiếp tục vui vẻ với nhau. Vì vậy, thay vì nói “Mình không thích chỗ đó. Chúng ta hãy đến chỗ khác”, hãy nói “Mặc dù đó không phải là nơi mình thích đến, nhưng mình muốn thực hiện điều mà bạn muốn làm. Hãy biến nó trở thành một nơi đáng nhớ”.

Chuyển hướng câu hỏi. Nếu con bạn hỏi ông già Nô En có thật hay không, hãy nói với nó rằng bạn cũng không rõ và hứa là sẽ trả lời sau. Hãy hỏi xem con bạn nghĩ gì: “Con nghĩ sao về điều này? Các bạn ở trường con nói gì?”. Bạn không nhất thiết phải lựa chọn giữa một lời nói dối và sự thật hoàn toàn. Thế giới thực sự phức tạp hơn như vậy nhiều.


cach-lam-nguoi-trung-thuc-15.jpg


3. Im lặng nếu bạn cần phải thế. Nếu bạn rơi vào một hoàn cảnh khó xử mà nếu nói thật bạn sẽ phá vỡ tâm trạng và niềm vui của mọi người thì im lặng không phải là sự dối trá. Nếu bạn không thể nói sự thật thì hãy làm như vậy. Người ta khuyên đôi khi nên im lặng trong những tình huống khó xử.

Lựa chọn rút lui. Khi tranh luận, càng nhiều ý kiến một cách không cần thiết càng làm cho vấn đề khó được giải quyết. Bạn không cần đưa ra lời nói dối vô hại để kết thúc cuộc tranh luận, mà cũng không cần tiếp tục đưa ra những “quả bom sự thật”. Hãy thoát khỏi những tranh luận vụn vặt thay vì châm ngòi cho ngọn lửa bùng phát
Dịch bởi Kênh Sinh Viên
Nguồn: WikiHow
 
×
Quay lại
Top Bottom