Bỏ bao tiền để mua thêm một năm sự sống?

nhipcautre0904

Keep moving forward
Thành viên thân thiết
Tham gia
6/3/2012
Bài viết
4.111
151231164244_health_extra_year_of_live_1_640x360_getty_nocredit.jpg


Cuộc sống con người thật quý giá, và có lẽ thật thô thiển nếu chúng ta tìm cách gắn một cái mác về giá cả cho nó.

Làm sao để những đồng tiền hay thỏi vàng có thể so sánh với một năm sự sống trên Trái Đất, khi mà cuộc sống là vô giá?

Tuy nhiên đó là câu hỏi mà các dịch vụ y tế ở bất cứ đâu cũng đều không thể tránh khỏi.

Họ chỉ có một số tiền hạn chế để có thể đầu tư chữa chạy cho những người đang ốm hoặc đang hấp hối, và mỗi khi một loại thuốc mới được đưa ra thị trường, họ phải đứng trước câu hỏi: Liệu kéo dài sự sống ra thêm vài tháng, vài năm, có đáng với số tiền bỏ ra?

Bản năng của chúng ta thường khiến câu trả lời trở nên đơn giản: Tất nhiên là chúng ta cần làm tất cả những gì có thể để mua thêm thời gian cho những người mình yêu thương.

Tuy nhiên, Dominic Wilkinson, một bác sỹ và nhà đạo đức học từ Trung tâm Ứng dụng Đạo đức Uehiro thuộc Đại học Oxford, gần đây đã viết một bài trong đó đặt nghi vấn trước lối suy nghĩ này và kêu gọi chúng ta xem xét lại nên bỏ ra bao nhiêu tiền để kéo dài sự sống.

BBC Future đã có cuộc phỏng vấn qua điện thoại với ông để được nghe quan điểm từ ông, và cũng để hiểu thêm về cách mà chúng ta hiện đang tính giá cả cho sự sống.

Nên chi bao nhiêu tiền để có thêm một năm sự sống?
Hiện tại, các loại thuốc đối với những căn bệnh ở giai đoạn cuối thường được quyết định dựa trên hai thứ - nó sẽ kéo dài sự sống bao lâu, và đem lại chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ra sao, được đo đạc bằng thước đo có tên gọi Quality Adjusted Life Year-saved (QALY).

Ví dụ, một loại thuốc có thể giúp bạn sống thêm một năm nhưng chỉ với chất lượng bằng một nửa so với chất lượng cuộc sống bình thường của bạn chỉ được chấm là nửanăm trên thang điểm này.

151231164325_health_extra_year_of_live_2_640x360_getty_nocredit.jpg

“Loại thuốc có thể nâng chất lượng cuộc sống của bạn từ mức nửa bình thường cho đến mức hoàn toàn khoẻ mạnh cũng được chấm 0,5 năm,” Wilkinson giải thích.

Từ những tính toán này, một dịch vụ y tế có thể bắt đầu tính toán liệu một loại thuốc nào đó có đáng với mức giá của nó hay không.

Theo bảng chỉ dẫn được sử dụng tại Anh, mỗi loại thuốc sẽ đáng giá khoảng 30 nghìn đến 45 nghìn đôla cho mỗi năm nó giúp bệnh nhân có sức khoẻ tốt.

Vậy, một loại thuốc chỉ đạt 0,5 năm trên thước đo QALY sẽ chỉ đáng từ 15 nghìn đến 22,5 nghìn đôla.

Điều này đồng nghĩa với việc một số loại thuốc đã bị Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) của Anh bác bỏ vì nó quá đắt.

Ví dụ, thuốc cho bệnh ung thư vú Kadycla chỉ có thể kéo dài sự sống khoảng sáu tháng và phí tổn là 95 nghìn bảng Anh.

Ngay cả khi chất lượng cuộc sống trong thời gian này ngang với một người khoẻ mạnh, nó vẫn vượt quá xa so với giới hạn.

Các nhà vận động cho rằng các công ty dược phẩm cần hạ chi phí cho những loại thuốc như vậy, và các dịch vụ y tế cần đầu tư thêm tiền vào các loại thuốc có thể mang lại cho các bệnh nhân ở giai đoạn cuối thêm thời gian sống.

Trước những lập luận mạnh mẽ như vậy, Anh quốc gần đây đã xem xét việc tăng giới hạn chi phí cho các căn bệnh giai đoạn cuối lên khoảng 120 nghìn đôla cho một năm đạt chất lượng cuộc sống tốt.

Wilkinson nói thái độ này là hoàn toàn có thể hiểu được, và thường thì các bác sỹ hoặc chính các bệnh nhân sẽ đưa ra lý lẽ cho trường hợp của mình.

151231164409_health_extra_year_of_live_3_640x360_getty_nocredit.jpg

“Khi các bác sỹ chăm sóc cho bệnh nhân, chúng tôi thường dựa vào những giá trị đạo đức nghề nghiệp để đấu tranh cho các bệnh nhân, để nói rằng ‘tôi biết chi phí là rất đắt nhưng nhiệm vụ đầu tiên của tôi là giúp đỡ bệnh nhân của mình,’’’ ông nói.

Tuy nhiên sự hy sinh không tránh khỏi đó là số tiền này sẽ không thể được chi cho các lĩnh vực y tế khác, như chăm sóc tâm thần, hay giúp đỡ người khuyết tật, và không thể đầu tư vào các biện pháp quan trọng có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của những người đang mới bước vào hoặc đã đi được nửa cuộc đời.

Có nên cứu bằng mọi giá?
Vậy có đáng để từ chối một ai đó một cuộc sống thoải mái để mua cho người khác thêm một vài tháng cuối đời?

Khi đưa ra những quyết định như vậy, việc lấy ý kiến dư luận là rất cần thiết.

Có thể bạn sẽ nghĩ rằng phần lớn con người ta sẽ trả bất cứ khoản tiền nào để được sống thêm vài năm, thế nhưng một nghiên cứu gần đây cho thấy chúng ta không hẳn là coi trọng độ dài của cuộc đời.

Wilkinson đề cập đến một nghiên cứu chi tiết đối với 4.000 người tại Anh.

Những người này đã được giải thích nhiều cách khác nhau mà các nguồn lực hạn chế của dịch vụ y tế có thể được triển khai, và sau đó được yêu cầu cho ý kiến.

“Họ rõ ràng là không cảm thấy thoải mái với việc chi tiền cho những người đang bệnh ở giai đoạn cuối, thay vì những người có thể được hưởng lợi ích ở những giai đoạn khác của cuộc đời”.

Có lẽ điều ngạc nhiên nhất là kết quả từ một nghiên cứu ở Singapore, trong đó hỏi những người già mạnh khoẻ và cả những người đang ung thư ở giai đoạn cuối.

Sống khỏe đáng giá hơn là sống lâu?
“Điều kỳ lạ là họ sẵn sàng trả rất nhiều tiền cho các biện pháp giảm đau để được điều trị tại nhà, thay vì những loại thuốc có khả năng kéo dài sự sống,” Wilkinson nói.

151231164439_health_extra_year_of_live_4_640x360_getty_nocredit.jpg

Trung bình, những người tham gia khảo sát nói họ sẽ trả 7.500 đôla cho các biện pháp kéo dài sự sống thêm một năm. Nhưng họ sẵn sàng trả cao hơn gấp đôi, 15 nghìn đôla, cho các biện pháp giảm đau tạm thời, các dịch vụ chăm sóc tốt hơn để họ được ra đi tại nhà riêng thay vì ở bệnh viện.

“Đây là cách nghĩ rất mới về những quyết định đầy khó khăn.”

Rõ ràng là những nghiên cứu này không phải là câu trả lời cuối cùng. Rất khó để biết liệu những người khác có đồng lòng với những ý kiến này hay không, nhất là khi xét đến những nền văn hoá khác nhau hay những căn bệnh khác nhau.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều câu hỏi được đặt ra về độ hiệu quả của thước đo giống như QALY trong việc đánh giá một cách khách quan về khả năng của một phương pháp trị liệu.

Tuy nhiên Wilkinson cho rằng chúng ta cần ít nhất phải xem xét qua những sự lựa chọn khác nhau, trước khi đầu tư thêm tiền vào việc kéo dài sự sống.

“Mặc dù ý muốn mua thêm những loại thuốc đắt tiền cho các bệnh nhân ở giai đoạn cuối là dễ hiểu, tôi không nghĩ rằng việc này phản ánh ý kiến chung của dư luận hay chính những bệnh nhân đó,” ông nói.

“Đây cũng không hoàn toàn là phương pháp nhân đạo.”

Trong lúc dân số lão hoá và dịch vụ y tế trở nên ngày càng hiện đại và đắt tiền, những vấn đề này sẽ chỉ ngày càng được đề cập đến nhiều hơn.

Bác sỹ phẫu thuật người Mỹ Atul Guwande từ lâu đã đặt câu hỏi rằng liệu có nên kéo dài sự sống thay vì tăng cường chất lượng cuộc sống trong những năm ta đang sống hay không.

Ezekiel Emanuel, cựu giám đốc của Clinical Bioethics Departent tại Viện Nghiên cứu Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, thậm chí còn nói rằng ông sẽ từ chối tất cả các biện pháp kéo dài sự sống ở tuổi 75.

Ít người trong chúng ta có thể sẽ có những quyết định như vậy.

Tuy nhiên bất cứ ai ở bất cứ độ tuổi nào đều nên hiểu rõ giá trị của số thời gian mà chúng ta có trên cõi đời này, và nên làm gì để tận dụng tốt nhất khoảng thời gian đó.

BBC Future​
 
×
Quay lại
Top Bottom