Lớp học Startup - Phần 2: Nhóm
Tại phần 2, chúng ta sẽ nói về "nhóm" trong startup. Như bạn đã biết, một nhóm trong startup sẽ bao gồm 2 thành phần chính: các đồng sáng lập viên và các nhân viên.
Đồng sáng lập viên với bạn phải là một người mà bạn hiểu và biết trong nhiều năm.
Mối quan hệ giữa các đồng sáng lập viên là một trong những điều quan trọng nhất của một công ty. Trên thực tế, lý do hàng đầu khiến cho startup thất bại sớm chính là việc các đồng sáng lập viên bất đồng với nhau.
Trong khi đó có rất nhiều nhà khởi nghiệp đi tìm đồng sáng lập viên như đi tìm bạn gái một cách bừa bãi vậy, kiểu như: “ê, tôi đang đi tìm một người khởi nghiệp cùng, chúng ta không biết nhau là ai, hãy cùng mở một công ty đi”. Đó là một điều điên rồ để làm. Việc chọn ngẫu nhiên một đồng sáng lập viên, hay chọn một người mà bạn không biết rõ, không phải là bạn của bạn, là một ý tưởng rất rất tồi.
Tự làm startup một mình là một ý tưởng tồi. Tuy nhiên, thà tự một mình mở công ty còn hơn là mở công ty với một đồng sáng lập viên tồi.
Khi bạn đang tìm một người để khởi nghiệp cùng, hãy nghĩ đến James Bond. James Bond là một đồng sáng lập viên lý tưởng cho mọi startup. Hãy tìm một người như mẫu hình điệp viên 007 này: luôn bình tĩnh, cứng rắn, và biết phải làm gì trong mọi tình huống. Anh ta còn phải là một người quyết đoán, sáng tạo, và luôn sẵn sàng cho mọi thứ có thể xảy ra.
Trong nhóm đồng sáng lập viên, nên có ít nhất là một người chuyên về kỹ thuật hoặc chuyên về ngành nghề của công ty.
Có một ý nghĩ mà ngày càng phổ biến hơn trong giới khởi nghiệp, đó là: "chúng ta không cần một đồng sáng lập viên chuyên kỹ thuật, chúng ta sẽ thuê những người làm giúp ta những vấn đề này, chúng ta chỉ cần làm những nhà quản lý giỏi là đủ". Theo kinh nghiệm của những người đi trước, thì đây không phải là một ý nghĩ tốt và nó sẽ không thành công như mong đợi.
Khi nào các đồng sáng lập viên nên thỏa thuận chia cổ phần công ty ? Để tránh các mâu thuẫn và hiều nhầm không đáng có (khiến cho startup thất bại vì bất đồng), hãy làm sớm nhất có thể, ngay sau khi cùng bắt tay làm việc với nhau.
Ngoài ra, các nhà đồng sáng lập nên có điều khoản “vesting” cho trường hợp một sáng lập viên rời khỏi startup. Hãy lấy ví dụ về một startup có 2 sáng lập viên: điều khoản “vesting” sẽ chạy trong 4 năm, sau 4 năm cùng làm việc cho startup, mỗi sáng lập viên sẽ có 50% cổ phần của công ty. Nhưng nếu một trong hai người này rời khỏi công ty trong năm đầu tiên, thì anh ta sẽ không nhận được gì cả (0%). Nếu rời sau 2 năm thì sẽ chỉ nhận được 25%, sau 3 năm là 37.5%. Điều khoản vesting là một điều khoản quan trọng để đảm bảo giá trị của công ty mà nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Hãy cố không tuyển nhân viên trong những ngày đầu tiên của công ty.
Có nhiều người đánh giá sự thành công của một startup thông qua số lượng nhân viên của startup đó. Trên thực tế, có quá nhiều nhân viên lại có thể là một điều tồi tệ cho một startup. Bạn phải chi trả một lượng tiền lớn cho tiền lương hàng tháng, việc điều hành phức tạp hơn, công ty đưa ra được quyết định chậm hơn, và còn rất nhiều nhược điểm khác của việc có quá nhiều nhân viên trong một startup. Ngoài ra, như lớp học trước đã nói, để làm ra được một sản phẩm tuyệt, bạn phải biết làm và đã làm mọi công việc trong startup của mình.
Về sau, bạn có thể tuyển nhân viên nhanh hơn, nhiều hơn, và tăng kích cỡ của công ty, những hãy nhớ rằng trong những ngày đầu tiên, mục tiêu của bạn là Không tuyển nhân viên.
Những nhân viên đầu tiên sẽ là yếu tố quan trọng quyết định đến tương lai của công ty. Vì vậy, bạn phải tìm được những nhân viên mà tin vào ý tưởng, sản phẩm của công ty như chính bạn đang tin vào chúng vậy. Hãy coi những nhân viên đầu tiên của startup mình như những đồng sáng lập viên với mình.
3 câu hỏi mà bạn nên đặt ra cho mình khi tuyển một nhân viên: Anh ta có thông minh không ? Anh ta có thể hoàn thành được công việc mình sẽ giao không ? Và, bản thân mình có muốn làm việc cùng với anh ta không ? Hãy tuyển nhân viên đó vào làm cùng mình khi bạn trả lời cả 3 câu là có.
Ngoài ra, hãy tuyển những người mà bạn đã biết hoặc những nhân viên khác của bạn đã biết.
Bạn muốn tiêu 0% hoặc 25% thời gian của bạn vào việc tuyển nhân viên. Hoặc là không tuyển nhân viên, hoặc là coi việc việc tuyển nhân viên là một trong những việc quan trọng nhất, tốn thời gian nhất của mình.
Ngoài ra, lớp học startup còn có 2 lời khuyên khác cho bạn khi tuyển nhân viên
Thứ nhất, hãy hỏi chi tiết về những công việc, dự án mà trước đây họ đã làm. Vì một lý do nào đó, mà ngày đây các nhà khởi nghiệp, startup thường hay đặt câu hỏi tình huống, logic, giải đố để tuyển nhân viên. Để tìm hiểu đúng năng lực của một người, việc đó thực sự không hiệu quả bằng việc tìm hiểu chi tiết và sâu vào những thứ mà người đó đã làm và đạt được.
Thứ hai, có nhiều người nghĩ rằng, chỉ cần có một ý tưởng tuyệt là sẽ có nhiều người giỏi muốn vào làm cho bạn. Điều đó không thực sự đúng. Trên thực tế, những người giỏi nhất sẽ chỉ muốn làm cho bạn khi họ đã thấy sản phẩm của bạn. Đó cũng là lý do mà tại sao lớp học trước của chúng ta có nói rằng: “Cho đến khi bạn làm ra được một sản phẩm tuyệt, thì những thứ khác không có ý nghĩa gì”.
Hãy nhắm thưởng 10% cổ phần của công ty cho 10 nhân viên đầu tiên, và những người này chỉ được nhận phần thưởng của mình sau 4 năm làm việc thành công tại công ty. Sau 4 năm, những cống hiến mà các nhân viên đầu tiên này mang lại cho công ty sẽ lớn hơn rất nhiều giá trị ban đầu của 10% cổ phần kia.
Bởi vì nhiều lý do, mà các nhà sáng lập thông thường khá là ki bo trong việc thưởng cổ phần cho nhân viên, nhưng lại rất hào phóng khi đưa cổ phần công ty mình cho các nhà đầu tư. Hãy làm ngược lại điều đó. Nhân viên của một startup sẽ chỉ tăng giá trị của công ty theo thời gian. Trong khi đó, các nhà đầu tư thường chỉ biết đưa tiền cho bạn và không làm gì cả (mặc cho những lời hứa giúp đỡ trước đó của họ). Như vậy, nhân viên mới chính là những người xây dựng nên giá trị thật của công ty bạn.
Một điều mà các nhà sáng lập thường quên là: sau khi đã tuyển được nhân viên tốt, bạn còn phải giữ họ ở lại được bên mình. Hãy luôn làm cho nhân viên của mình vui vẻ và cảm thấy họ là quan trọng đối với công ty. Đó cũng là lý do mà tại sao việc thưởng cổ phần cho nhân viên là một điều rất quan trọng để tăng giá trị của công ty.
Hãy học cách sa thải nhân viên.
Sa thải nhân viên là một trong những điều tồi tệ nhất mà một lãnh đạo công ty phải làm. Nhiều nhà sáng lập trẻ đợi quá lâu để mà sa thải một nhân viên nào đó, với hy vọng rằng nhân viên này sẽ thay đổi. Nhưng hy vọng này thường là không thành hiện thực.
Vì vậy, để tốt cho công ty, và tốt cho cả nhân viên của mình, hãy sa thải nhân viên một các nhanh chóng khi bạn thấy họ: 1) làm việc một cách tồi tệ 2) tự tạo những chia rẽ trong công ty, 3) có thái độ tiêu cực với công việc và những người khác.
Nhưng, một nhà lãnh đạo giỏi cũng phải biết cân bằng giữa việc sa thải nhân viên nhanh chóng và việc làm cho các nhân viên khác cảm thấy an toàn, không bất oan khi làm việc. Trên lý thuyết thì đó là biết cách tha thứ cho nhân viên khi họ chỉ làm sai một, hai hoặc ít lần, và biết cách sa thải ngay những nhân viên liên tục làm sai.
Phần 3 nói về Cách thực hiện, hoạt động startup sẽ sớm ra mắt
Để hiểu thêm các kiến thức về khởi nghiệp, hãy ấn vào
ĐÂY