- Tham gia
- 15/12/2011
- Bài viết
- 1.979
Ở Việt Nam ta thị trường hàng hóa phong phú đa dạng, người tiêu dùng (NTD) nhờ đó mà cũng có nhiều lựa chọn. Và cũng ở ta thì khái niệm hàng zin (original), lô, tốt, xấu, hàng loại 1 loại 2 hay các chữ mập mờ tương tự đã trở nên quá quen thuộc với NTD, từ đồ điện tử, điện thoại, linh kiện xe gắn máy hay vô số hàng hóa tiêu dùng khác. Nói chung là thứ gì cũng có 2-3 loại để người mua lựa chọn.
Nhưng đôi khi sự chọn lựa lại thuộc về... người bán nên mới có cái sự "nhầm hàng" - đúng là éo le. Nếu ta không rành, chịu tốn tiền mua đồ zin nhưng cái sự zin hay lô thì chỉ có trời và... người bán biết mà thôi!
Ở đây chúng ta không phê phán hàng lô, hàng nhái, mà chủ yếu là làm sao biết được thật-giả thôi, vì thường NTD hay bị mua hàng giả với giá hàng thật. Bài viết này trao đổi chút ít kinh nghiệm phân biệt hàng thật-giả, chủ yếu là mấy món linh tinh mà rất nhiều người đi mua hàng hay gặp phải.
Cách phân biệt
Quan sát và so sánh là chính. Hàng thật thì do công nghệ chế tạo cao hơn và được kiểm tra chất lượng chặt chẽ hơn, nên luôn sắc sảo hơn hàng nhái. Hiện nay hàng nhái đã đạt đến trình độ cao siêu, làm cũng rất sắc sảo, nhưng vẫn không bằng hàng thật được.
Kinh nghiệm chủ yếu: quan sát hàng thật và ghi nhớ những chi tiết tinh tế mà hàng thật mới có được.
Dưới đây là một số kinh nghiệm đối với phụ kiện điện thoại di động Nokia - làm ví dụ vì khá phổ biến.
Pin Nokia
Pin Nokia trên thị trường hiên nay, trừ phi vào hãng mua, còn lại rất ít hàng thật mà mới 100%. Tất cả đều là pin nhái. Nhái rất siêu, đẹp và sắc sảo hơn 2-3 năm về trước rất nhiều. Chất lượng cũng tốt mà giá lại rất rẻ. Nhưng nếu bạn vẫn muốn mua pin Nokia thật thì cần chú ý mấy điểm sau:
Pin Nokia thật luôn có tem laser, mua hàng ngoài cũng vẫn có. Và hiện nay pin giả chưa nhái được con tem này (dù có dán). Nếu có 1 cục pin thật chắc chắn sẽ phân biệt được.
Một số điểm chú ý:
- Tem thật và tem giả đổi màu khác nhau thấy rõ. Chỉ cần con tem này là đủ phân biệt.
- Tem thật viền xung quanh logo Nokia là chữ "Originial Enhancements" liên tục, rất nhỏ. Soi kính lúp mới thấy. Tem nhái chưa làm được.
- Phần phủ đen bên cạnh khi cào ra là code của pin, có thể check trên site Nokia.
Tem laser của pin chính hãng
Tem chứng nhận thật
Tem chứng nhận giả
Sạc Nokia
Sạc zin thì thường hơi nặng, chữ in chìm rất nét và bóng ở đáy. Hàng nhái in cũng khá đẹp nhưng không nét cứng, đáy chữ ít bóng. Dấu hiệu (trong vòng đỏ) in rất rõ ràng và nổi chứ không in qua loa như hàng nhái. Đặc biệt, kích thước của hàng nhái nhỏ hơn hẳn so với hàng thật, đôi khi người bán nói rằng nhỏ như vậy là thời trang hơn và bán thậm chí còn cao giá hơn....?
Chữ in trên sạc pin thật-giả
Kích thước bất thường của sạc pin giả so với hàng thật
Tai nghe Nokia
Tai nghe zin 3 tiếp điểm đầu tiên không đều nhau. Tai nghe lô tiếp điểm bằng nhau hết! Cao su trên tai nghe zin cầm có cảm giác rít và dai, không bóng.
Tiếp điểm trên chân cắm của tai nghe
Chuẩn Pop-port của Nokia thì 3 chân này làm nhiệm vụ giúp máy nhận đúng phụ kiện zin của hãng thông qua IC nằm trên nút PTT (Push To Talk).
Với tai nghe lô, khi cắm vào máy cũng nhận ra có phụ kiện nhưng không xuất đủ tín hiệu Stereo ra, và tai nghe lô thì 2 đầu loa nối song song nên chỉ có tín hiệu mono. Có đấu tách nhau ra cũng chỉ nghe được một bên, do máy điện thoại tự nhận biết phụ kiện.
Một số kinh nghiệm đối với thẻ nhớ và pin sạc
Thẻ nhớ
Hiện nay thẻ nhái khá nhiều. Bài viết này chỉ minh họa với thẻ SD (Secure Digital)
Đặc điểm đáng chú ý: Thẻ xịn mặt sau khắc laser rất rõ ràng và sâu. Số này có thể check trên website của hãng. Thẻ nhái cũng có số, nhưng rất mờ. Thậm chí không có gì ở mặt sau cả.
Mặt sau thẻ nhớ
Mặt trước, chỉ nhìn không thôi thì chẳng phân biệt được thật-giả đâu. Tuy nhiên có kinh nhiệm nhỏ, là gần như mấy thẻ nhái cái cần gạt Lock chỉ để chơi, bỏ vào ổ đọc Lock hay Unlock cũng đọc/ghi được tất. Đã hi sinh tháo 1 cái, chỉ là cái lẫy nhựa gắn cho vui. Nếu bạn không tin, có thể thử với cái của mình xem sao.
Mặt trước thẻ nhớ
Pin sạc Ni-MH cỡ AA-AAA
Loại pin này hiện nay bị nhái khá nhiều, chủ yếu là Sony và Panasonic (vỉ đựng tiếng Anh, 25.000-30.000đ/cặp)
Toàn bộ hình minh họa sau đây đều của pin thật.
Pin thật, trừ Panasonic, tất cả đều có chữ "HR" dập chìm trên đáy, và chỉ sử dụng một font như trong hình. Pin nhái chữ dập rất sâu, chữ to hơn, font khác.
Đáy của pin thật
Trên đỉnh của pin thật, đều có lỗ thông hơi nhỏ.
Đỉnh của pin thật
Bên cạnh thân có dập chìm series và ngày sản xuất.
Thân của pin thật
Pin máy ảnh số Nikon
Một loại pin cũng bị nhái rất siêu là pin Nikon EN-EL3e cho Nikon D200/D80.
Pin EN-EL3 của D70 ngày trước cũng bị nhái rất nhiều, thậm chí đã có trường hợp D70 bị nổ rách cả grip vì mấy cục pin nhái này (ClubSnap của Singapore nêu)
Tuy pin EN-EL3e này cũng có thêm chân giữa là chân nhận dạng giúp thân máy Nikon nhận biết chính xác dung lượng pin. Tuy nhiên pin nhái hiện nay cũng lừa được body Nikon luôn!
Pin nhái rất giống pin thật, màu sắc, độ nét tem in, độ nhám bề mặt v.v...
Tuy nhiên, những đặc điểm sau sẽ giúp bạn phân biệt:
Mặt dưới pin thật. Các con tem dán luôn ngay ngắn trong các khoang. Pin nhái in rất nét và giống, nhưng chắc dán tay nên thường xiêu vẹo.
Mặt trên pin thật. Chữ in đậm nét, màu trắng đều, rất sắc nét và ngay tâm. Pin nhái chữ này thường nhạt và mực in không đều, chỗ đậm chỗ hơi nhạt.
Tem laser trên pin thật. Hiện tem laser nhái chưa đạt được như vậy. Nhìn cũng đổi màu nhưng mà rất lem nhem, dán vào khoang cũng nghiêng ngửa, 4 góc chặt cũng không tinh xảo.
Lô sản xuất. Pin nhái cũng có, ép chìm. Nhưng vẫn không nổi lên được cỡ này.
Tiếp điểm giữa trên pin thật luôn cao hơn tiếp điểm nguồn 2 bên.
Rất tiếc, tôi không có một cục pin nhái để có thể chụp làm mẫu so sánh.
Tốt hơn cả, khi đi mua pin, các bạn hãy quan sát thật kỹ những chi tiết bên trên, và nên nhớ, pin chính hãng bao giờ cũng kèm hộp và rất nhiều giấy tờ chứng minh nguồn gốc, phiếu bảo hành...
Kết luận
Như đã nói, một thị trường đa dạng sẽ tạo nhiều điều kiện chọn lựa hơn cho khách hàng, đó chính là bạn, hãy đừng để sự chọn lựa đó rơi vào tay... người bán hàng.
Nguồn: Sức mạnh số