Bệnh trầm cảm

Thảo Mộc

...Phiêu diêu tựa mây gió....
Thành viên thân thiết
Tham gia
24/12/2010
Bài viết
8.337
1346821876212548407_320_320.jpg


Khái niệm về bệnh trầm cảm

Trầm cảm là một loại bệnh tâm lý, có sự ảnh hưởng đến cảm xúc, tư tưởng và cả hành động của người bệnh. Thông thường mọi người đều cảm thấy buồn rầu, chán nản và thậm chí tuyệt vọng khi gặp phải những điều bất ổn, những chuyện ngoài ý muốn. Nhưng nếu những buồn rầu, chán nản và tuyệt vọng ấy nhanh chóng qua đi chỉ trong vòng một đến hai tuần thì không phải là bị trầm cảm. Đấy chỉ là tâm lý bình thường của con người mà thôi. Khi những tâm trạng này kéo dài và có xu hướng ngày càng nghiêm trọng, càng tồi tệ hơn thì đấy mới là bệnh trầm cảm.


Theo Dan Bilsker và một số tác giả khác thì trầm cảm là tâm trạng suy sụp cực độ, kéo dài và làm cho người ta cảm thấy buồn rầu, dễ cáu kỉnh hoặc cảm thấy trống rỗng. Người bị trầm cảm cảm thấy không còn sinh lực để thực hiện các hoạt động, cảm thấy không còn gì có ý nghĩa nữa cả, họ nhìn nhận cuộc sống theo chiều hướng tiêu cực và cảm thấy tâm trạng của mình sẽ không bao giờ được cải thiện.


Trầm cảm là một chứng bệnh tâm lý khá phổ biến, từ trẻ nhỏ cho đến người lớn, đàn ông lẫn phụ nữ, người giàu cũng như người nghèo, và thậm chí ngay cả những người được xem là hạnh phúc vẫn có thể bị trầm cảm.


Phân loại trầm cảm

Trầm cảm có nhiều loại khác nhau, nhưng trong đó có hai loại chính, đó là trầm cảm nặng và trầm cảm kinh niên.
Trầm cảm nặng, thường được đề cập đến như là trầm cảm lâm sàng, biểu hiện qua sự kết hợp của các triệu chứng có ảnh hưởng xấu đến khả năng làm việc, đến giấc ngủ, việc ăn uống và sự hứng thú đối với những hoạt động đã từng mang lại niềm vui thích cho bản thân, cảm thấy tuyệt vọng, bi quan; cảm thấy tội lỗi, vô tích sự và thiếu tự chủ.


Trầm cảm kinh niên, hay còn gọi là trầm cảm nhẹ, thì không nổi lên từng hồi như trầm cảm lâm sàng; đúng hơn là nó có những triệu chứng ít nghiêm trọng hơn so với trầm cảm lâm sàng, nhưng lại kéo dài hơn, thậm chí kéo dài qua nhiều năm, ít nhất là hai năm đối với người lớn và đối với trẻ nhỏ hoặc thiếu niên thì ít nhất là một năm. Sự bối rối cực điểm và những ý nghĩ tự tử thường không có mặt ở chứng trầm cảm này. Nhiều người bị chứng trầm cảm kinh niên mà đôi khi cũng có những triệu chứng của bệnh trầm cảm nặng, trường hợp này được biết đến như là chứng trầm cảm kép.


Những triệu chứng của trầm cảm

Những triệu chứng của trầm cảm có thể thay đổi tùy theo độ tuổi. Ở trẻ nhỏ, trầm cảm thường kéo theo những chứng bệnh khác như đau dạ dày, đau đầu, và tính hay nổi cáu, né tránh đám đông, thay đổi thói quen ăn uống. Các em có thể cảm thấy không hứng thú đối với việc học và những hoạt động khác. Ở tuổi thiếu niên, những triệu chứng thường thấy nhất là tâm trạng buồn rầu, rối loạn giấc ngủ, thiếu sức sống. Còn ở người lớn tuổi bị trầm cảm thì thường than phiền về những vấn đề sức khỏe hơn là những vấn đề tình cảm, điều này đôi khi dẫn đến sự chẩn đoán sai lầm về bệnh tật của các bác sĩ. Những triệu chứng của bệnh trầm cảm cũng có thể thay đổi tùy theo nền văn hóa. Ở một số nền văn hóa, người bị trầm cảm không bị buồn rầu hay cảm thấy tội lỗi mà lại than phiền về những vấn đề sức khỏe.


Dưới đây là những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh trầm cảm:


- Bệnh trầm cảm thường thay đổi cảm giác thèm ăn của người bệnh, thông thường sẽ làm giảm đi hoặc mất hẳn cảm giác thèm ăn. Tuy nhiên, đôi khi cũng có trường hợp lại rất thèm ăn và dẫn đến tăng cân.


- Xáo trộn giấc ngủ. Người bị trầm cảm thường bị mất ngủ và khó ngủ. Bên cạnh đó thỉnh thoảng có người bị trầm cảm nhưng lại ngủ nhiều hơn bình thường.


- Lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi, không còn hứng thú đối với hầu hết các hoạt động trong cuộc sống thường nhật cũng như trong công việc, cảm thấy uể oải, thiếu sức sống.


- Người bệnh trầm cảm thường cảm thấy mình vô tích sự, thiếu tự chủ, có mặc cảm tội lỗi và tự khiển trách mình. Người bị bệnh trầm cảm nặng có thể cảm thấy đau khổ cùng cực khiến cho họ nghĩ đến việc tự tử hoặc là tìm đến sự tự tử. Có ít nhất 15% những người bị bệnh trầm cảm nghiêm trọng đi tự tử.


- Người bị bệnh trầm cảm thường có thái độ bi quan, tiêu cực và tuyệt vọng.


- Người bị bệnh trầm cảm còn mắc phải những chứng rối loạn tâm thần, chẳng hạn như ảo tưởng và ảo giác. Khi người bệnh có những triệu chứng về rối loạn tâm thần như thế này có nghĩa là họ đang trong tình trạng đặc biệt nghiêm trọng và họ thường tìm đến sự tự tử.


- Bên cạnh đó, người bị trầm cảm cũng có thể có sự khó khăn về mặt tư duy, thiếu sự tập trung, và trí nhớ kém hoặc thậm chí mất trí nhớ.


Nguyên nhân của bệnh trầm cảm

Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm khá đa dạng. Một số người bị trầm cảm là do buồn. Một số khác thì do mâu thuẫn vợ chồng, do khó khăn về tài chính, do những lỗi lầm, thất bại của cá nhân. Tuy nhiên đối với nhiều người, những vấn đề đó không khiến cho họ bị trầm cảm nặng. Các nhà tâm lý học đã xác định năm yếu tố thường làm nguyên nhân dẫn đến trầm cảm trong cuộc sống của chúng ta. Năm yếu tố ấy là hoàn cảnh, tư tưởng, cảm xúc, tình trạng sức khỏe, và cách hành xử của chúng ta.
- Hoàn cảnh: Trầm cảm thường bắt đầu với những hoàn cảnh khó khăn, những tình huống căng thẳng, chẳng hạn như mất đi người thân, bạn bè, mâu thuẫn với người khác, học tập sa sút, hay làm việc kém hiệu quả. Nếu bạn cố gắng để giải quyết vấn đề, nhưng không đem lại hiệu quả thì bạn sẽ cảm thấy tuyệt vọng và không còn khả năng vươn lên.


- Tư tưởng: Mỗi chúng ta đều có cách nghĩ riêng về những tình huống, hoàn cảnh trong cuộc sống. Và cách chúng ta suy nghĩ có ảnh hưởng lớn đến cảm xúc, tâm trạng của chúng ta. Những người bị bệnh trầm cảm thường nghĩ về những hoàn cảnh, và về bản thân của họ theo chiều hướng bị bóp méo một cách tiêu cực. Tức là sự suy nghĩ của họ bị thiên lệch, họ chỉ nhìn mọi thứ theo xu hướng tiêu cực. Cách tư duy này hay thổi phồng khía cạnh không tốt của sự vật, hiện tượng, tình huống một cách quá đáng và thường bỏ qua những khía cạnh tích cực của chúng.


- Xúc cảm: Trầm cảm thường bắt đầu với những cảm giác về sự chán nản hay buồn rầu. Nếu như chúng thật sự tồi tệ, người bị trầm cảm có thể cảm thấy mình bị nuốt chửng trong sự tuyệt vọng. Nhiều người bị trầm cảm cảm thấy giống như họ không còn thích thú đối với những thứ mà họ đã từng thích làm. Nếu sự trầm cảm đến mức cực điểm thì người bệnh thường cảm thấy trống rỗng, không có cảm giác gì cả. Như thể là sự đau đớn cùng cực đến độ tâm của họ mất luôn khả năng xúc cảm.


- Yếu tố sinh học: Tình trạng sức khỏe cũng thường ảnh hưởng đến tâm lý của con người, trong đó có sự trầm cảm. Và cũng không loại trừ khả năng do trầm cảm mà dẫn đến những rối loạn sinh lý, ảnh hưởng đến sức khỏe. Một trong những vấn đề sinh lý có ảnh hưởng đến bệnh trầm cảm đó là sự rối loạn giấc ngủ. Sự rối loạn này ảnh hưởng đến tâm trí con người. Một vấn đề khác về tình trạng sức khỏe thường đi kèm với bệnh trầm cảm là cảm giác thiếu sức sống, suy nhược cơ thể, không muốn ăn uống và cũng không muốn làm gì cả.


Bên cạnh đó còn có một số chứng bệnh có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự trầm cảm, chẳng hạn như những chứng đột quỵ, bệnh tim, hay là những chứng bệnh nan y khác, như là bệnh ung thư, bệnh AIDS,... Những thay đổi về sinh lý đi kèm với sự trầm cảm sẽ làm cho sự trầm cảm càng khó chữa trị hơn.


- Cách hành xử: Người bị trầm cảm thường hành xử theo những cách khiến cho sự trầm cảm càng trở nên nghiêm trọng hơn. Những cách hành xử thường thấy là: Xa lánh người thân trong gia đình và bạn bè; không quan tâm, chăm sóc bản thân, thận chỉ còn lạm dụng bia rượu hay các chất kích thích.


Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trầm cảm, những nguyên nhân ấy bao gồm cả yếu tố sinh lý, tâm lý và cả những yếu tố xã hội. Có khi sự trầm cảm nảy sinh do một vài nguyên nhân riêng lẻ từ yếu tố sinh lý, hay tâm lý, hoặc là yếu tố xã hội. Nhưng đôi khi sự trầm cảm phát sinh do kết hợp nhiều nguyên nhân khác nhau và thậm chí bao gồm cả ba yếu tố sinh lý, tâm lý, và xã hội.


Quan niệm của đạo Phật về bệnh trầm cảm

Theo đạo Phật, nguyên nhân chính và cũng là nguyên nhân khởi thủy của bệnh trầm cảm là do lòng tự ngã, vị kỷ, coi trọng chính mình, lấy mình làm trung tâm, chỉ biết nghĩ đến bản thân, nghĩ đến những lợi ích, niềm hạnh phúc của chính mình, lúc nào cũng chỉ biết có ‘tôi’ và ‘của tôi’ mà không nghĩ đến lợi ích và hạnh phúc của người khác. Chính lòng tự ngã, vị kỷ, coi trọng bản thân, lấy mình làm trung tâm ấy đã dẫn dắt con người đến những lối tư duy tiêu cực, thiếu thực tế, không hợp tình hợp lý. Và điều này đưa đến hậu quả là sự trầm cảm. Hay nói một cách khái quát hơn, nguyên nhân của bệnh trầm cảm xuất phát từ trong nội tâm của chúng ta. Chính tâm của ta là nguyên nhân chính của bệnh trầm cảm mà chúng ta mắc phải. Chính lối tư duy không đúng đắn của chúng ta đã khiến cho chúng ta rơi vào trạng thái trầm cảm. Nói như vậy không có nghĩa là đạo Phật phủ nhận hoàn toàn các yếu tố sinh vật lý và các yếu tố xã hội. Những yếu tố này cũng góp phần tạo nên sự trầm cảm. Nhưng chúng chỉ là những tác nhân phụ. Cách chúng ta tiếp xúc, phân tích và diễn dịch những tác nhân ấy mới là quan trọng, mới là yếu tố chính dẫn đến trạng thái trầm cảm của chúng ta.


Bên cạnh đó, nghiệp lực cũng có dự phần vào chứng trầm cảm của chúng ta. Có nghĩa là sở dĩ ngày nay chúng ta bị trầm cảm là do những nghiệp nhân không tốt trong quá khứ hay là trong đời hiện tại mà chúng ta đã tạo nên. Tuy nhiên, nghiệp cũng chỉ đóng vai trò thứ yếu mà thôi. Nghiệp lực chỉ có thể tạo điều kiện để cho các tác nhân của sự trầm cảm hội tụ và hướng sự tác động vào bản thân ta, chẳng hạn như gặp rủi ro trong cuộc sống, bị người khác đối xử bất công, gặp những bệnh tật hiểm nghèo,... Còn chúng ta có bị trầm cảm do những tác nhân ấy gây ra hay không là còn tùy thuộc vào lối tư duy, phản ứng của chúng ta nữa. Điều này cho chúng ta thấy rằng chúng ta có khả năng làm chủ bản thân và có thể chuyển hóa phần nào nghiệp quả của mình.


Ngoài ra còn có một nguyên nhân của sự trầm cảm đó là cảm giác không hài lòng về bản thân mình, chán ghét bản thân. Điều này cũng xuất phát từ tâm vị kỷ, tự ngã, muốn mình là Số Một, muốn mình nổi trội hơn tất cả mọi người. Và khi mong muốn này không trở thành hiện thực thì lại có những ý nghĩ tiêu cực, tự ghép cho mình những nhãn hiệu xấu, như là “kẻ bất tài”, “kẻ vô tích sự”, “kẻ yếu đuối”, “người bất hạnh”,... Chính những ý nghĩ tiêu cực và sự tự kỷ ám thị về những nhãn hiệu xấu ấy đã ảnh hưởng đến tâm trạng của chúng ta, khiến chúng ta chán nản, bất an và thụ động. Và trầm cảm là hệ quả tất yếu của những tâm trạng này.


Blog YuKi
 
×
Quay lại
Top Bottom