Bắt tay

tuannau

Thành viên
Tham gia
10/1/2017
Bài viết
10
Bắt tay là nghi thức xã giao rất được ưa chuộng trong thế giới văn minh. Trong cuộc sống hiện đại, việc bắt tay khi gặp gỡ đã trở thành không thể thiếu trong giao tiếp, trong kinh doanh, trong các cuộc họp, ký kết hợp đồng, các cuộc phỏng vấn… Những tình huống giao tiếp sau đây không thể thiếu nghi thức bắt tay:

- Khi bạn được giới thiệu làm quen với một người nào đó hoặc khi bạn chào tạm biệt một người nào đó.

- Khi khách hàng, đối tác bước vào công ty.

- Khi bạn có dịp gặp lại một người quen mà lâu nay không liên lạc.

- Khi bạn bước vào phòng họp và được giới thiệu với những người trong phòng.

Riêng trong lĩnh vực kinh doanh, bắt tay không chỉ đơn thuần là một nghi thức giao tiếp mà còn là dấu hiệu cho phép đối tác nhận biết một phần nào về nhân cách, cá tính và mức độ tự tin của bạn trước đối tác.

Các kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, có mối liên hệ mật thiết giữa cái bắt tay với những ấn tượng tốt đẹp trong buổi đầu tiếp xúc. Mọi người sẽ nhớ tới những người mà họ đã từng bắt tay khi gặp mặt hơn là những người không bắt tay.

Một cái bắt tay lịch sự tạo được ấn tượng tốt đẹp đối với người mà chúng ta giao tiếp - dù là nam giới hay nữ giới.

Một cái bắt tay chuyên nghiệp có thể xem là một trong những chiếc chìa khóa mở cánh cửa thành công, tạo lập một mối quan hệ làm ăn lâu dài với đối tác. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết bắt tay đúng cách.

Những cái bắt tay lờ đờ, uể oải thể hiện sự lúng túng, vụng về, nhút nhát, rụt rè, miễn cưỡng, thiếu tự tin, có thể khiến cho người khác cảm thấy chán nản, khó chịu, thậm chí mất thiện cảm ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên.

Thông thường, một cái bắt tay lịch sự phải thể hiện được tình cảm nồng ấm, thân thiện và chân thành mà bạn dành cho người đối diện. Người có cương vị thấp không nên chủ động đưa tay ra bắt trước.

Nếu có cùng cương vị, thì người nhiều tuổi hơn được quyền chủ động đưa tay ra trước. Trong các buổi gặp gỡ, nếu bạn được giới thiệu trước, hãy giơ tay ra trước, biểu lộ ý muốn sẵn sàng làm quen.

Nhưng khi bạn đang làm quen với một người có địa vị cao hơn, tốt nhất bạn nên đợi người đó chìa tay ra trước.

Trái lại, nếu bạn ở cương vị càng cao hơn thì bạn càng phải quan tâm nhiều hơn đến nghệ thuật bắt tay, vì nếu không có thể bạn sẽ làm cho những người có cương vị thấp hơn cảm thấy khó xử hoặc mặc cảm, không hài lòng.

Trong tình huống giao tiếp có nhiều người gặp gỡ, nếu bạn là cấp trên hay là người nhiều tuổi hơn so với những người còn lại, bạn nên bắt tay tất cả mọi người, lần lượt từ người cương vị cao xuống đến cương vị thấp hoặc theo độ tuổi từ người lớn tuổi nhất đến người trẻ tuổi hơn.

Khi tiếp khách tại nhà, chủ nhà nên đưa tay ra trước để bắt tay từng người. Trường hợp khách đến nhà là một đôi vợ chồng, thì chủ nhà nên bắt tay người vợ trước, người chồng sau. Nếu là giao tiếp giữa nam giới và nữ giới, thì nữ giới được quyền chủ động đưa tay ra trước. Chúng ta chỉ nên bắt tay khi tất cả cùng đứng và thẳng người.

Nên đưa tay phải ra, nét mặt tươi vui, mắt nhìn thẳng vào đối tượng. Bạn tuyệt đối không nên bắt tay người này nhưng lại đưa mắt lơ đễnh nhìn sang người khác. Ngoài ra, chúng ta cần biểu thị tình cảm đúng mức khi bắt tay. Nam giới với nhau nên nắm cả bàn tay, xiết vừa đủ độ tin cậy nhưng không quá mạnh, không nên giật giật nhiều, chỉ rung nhẹ 2, 3 lần rồi buông tay ra, nhưng cũng đừng buông tay người khác một cách quá đột ngột, có thể gây hụt hẫng cho người mình đang giao tiếp.

Riêng với việc bắt tay giữa phái nam và phái nữ thì phái nam chỉ nên nắm tay phái nữ một cách nhẹ nhàng, tuyệt đối không nên giữ tay phái nữ quá lâu, càng không nên siết mạnh tay phái nữ. Vì khi bạn làm như vậy, người phái nữ có thể sẽ đánh giá thấp về tư cách đạo đức của bạn, cho rằng bạn là người bất lịch sự hoặc không hiểu những nghi thức xã giao thông thường. Cuối cùng, về cách ăn mặc trong khi bắt tay, bạn cũng cần chú ý.

Với các bạn nam giới, khi mặc veston lúc ngồi, bạn thường không cài hoặc chỉ cài một nút, nhưng khi bạn đứng lên để bắt tay, bạn nên nhớ cài khuy áo veston trước khi bắt tay người khác.
 
xã hội bây giờ cái j cũng nâng tầm lên thành nghệ thuật nhỉ :D
 
×
Quay lại
Top Bottom