Bài học rút ra từ những câu chuyện nhỏ về giáo dục Phần Lan

duhoc chd

Thành viên
Tham gia
21/9/2015
Bài viết
1
(Du Học CHD) - Về mọi khía cạnh cuộc sống, người Phần Lan đều có cách nghĩ và cách làm việc khác với người Việt. Và điều mà người dân cũng như chính phủ Phần Lan quan tâm, chú trọng nhất chính là giáo dục.
Điều này lí giải tại sao đây là đất nước luôn dẫn đầu trong số các nền giáo dục phát triển nhất thế giới, trên cả các cường quốc như Anh, Pháp, Đức, Nhật, Úc … và thậm chí là Mỹ đồng thời thu hút được lượng lớn sinh viên du học Phần Lan.

Họ quan niệm, điều đầu tiên dẫn để giáo dục tốt, đó là sự bình đẳng. Trong một lớp học, không có khái niệm lớp trưởng. mọi thành viên có quyền và lợi ích như nhau. Giữa các trường đại học cũng không có sự phân biệt thứ hạng, đặc biệt là các trường đại học khoa học ứng dụng (University of Applied Sciences), nơi mà chủ yếu các du học sinh Việt Nam theo học.

Khi ai đó có ý kiến, không cần giơ tay xin sự đồng ý của giáo viên, người đó tự do nói lên quan điểm, suy nghĩ của mình, ngay lập tức giáo viên sẽ ngừng lại và phân tích. Trong một lớp học tuyệt nhiên không có sự thì thầm, bàn tán này nọ, mà hầu hết các sinh viên (đặc biệt là sinh viên châu Âu) rất chú ý nghe giảng.

Họ vẫn nói chuyện với nhau, vẫn thân thiện với mọi người, nhưng họ chỉ nói chuyện khi đó là một giờ giải lao hoặc trước khi vào lớp, thường là đứng (chứ không ngồi) bàn về một vấn đề nào đó bên những chiếc bàn cao trong căng-tin, bên cốc café nóng.

Khi được hỏi, tôi nhận được những câu trả lời như sau:

- Ồ, tại sao lại phải ngồi mới nói chuyện với nhau được cơ chứ? Tôi đã ngồi cả tiếng trong lớp rồi, giờ tôi không muốn ngồi nữa.

- Ngồi xuống rồi mà nói chuyện với nhau là khó đứng dậy để vào lớp, hơn nữa chúng ta chỉ có ít phút, vậy đứng chẳng hơn sao.

- Đơn giản là vì bọn tôi thích thế.
….

karelia0802151-7e6d7.jpg

Không khí buổi học tại trường ĐH Khoa học ứng dụng Karelia.


Sinh viên tại đây nhận được sự giúp đỡ của nhà trường, 24/7. Có một văn phòng để giúp đỡ các câu hỏi, thắc mắc, cũng như hướng dẫn mọi sinh viên về các hoạt động tại trường, các cơ hội và các chương trình ngoại khóa, những người làm việc trong văn phòng này được gọi là các điều phối viên (coordinator).

Tại trường tôi đang theo học, Karelia UAS (Joensuu, Phần Lan), người giúp đỡ niên khóa chúng tôi là hai cô Satu và Heidi. Hàng ngày, các cô gửi email đến tất cả các học sinh để thông báo các cơ hội đi exchange các nước, các chương trình, sự kiện sắp diễn ra, các gói internship để thực tập tại các công ty trên thế giới, kèm theo là những lời khuyên, những đường link, những tập tài liệu.

Trước khi vào năm học, chúng tôi được hai cô hướng dẫn cách sử dụng máy tính, máy in, mượn và trả sách online, dịch vụ y tế … từ A đến Z, một cách chi tiết. Sau khi kì học kết thúc, mỗi sinh viên sẽ nhận được một lịch hẹn riêng với các cô, để có thể thoải mái nói lên ý kiến phản hồi của mình về kì học vừa qua, những gì chưa hài lòng với chất lượng giáo dục của nhà trường, qua đó các cô tiếp nhận ý kiến để giúp nhà trường ngày càng hoàn thiện hơn.

Tháng trước, được người chị họ khuyên nên thi lấy tấm bằng An toàn thực phẩm (Food Hygiene Passport) của chính phủ Phần Lan, để có thể kiếm việc làm thêm tại các nhà hàng trong dịp nghỉ hè, tôi có đến thẳng văn phòng của các cô để hỏi về thủ tục, cách thi ra sao, mà không đặt trước một lịch hẹn.

Chỉ khoảng mười lăm phút nói chuyện với cô Heidi, lúc về nhà kiểm tra hộp thư đến, đã thấy email của cô có hướng dẫn đầy đủ cách thi, lệ phí, địa điểm, và đường link dẫn tới các tài liệu liên quan, cùng với đó là lời chúc của cô.

Không chỉ có các cô giúp đỡ chúng tôi, mà nhà trường còn tạo cơ hội để sinh viên khóa trên giúp đỡ các sinh viên khóa dưới. Trước khi bay sang Phần, nhà trường có gửi email, nói rằng tôi nên liên lạc với các sinh viên phụ đạo (tutors) cho riêng mình để nhận được sự giúp đỡ.

Làm theo những chỉ dẫn trong email, tôi đăng nhập vào một tài khoản nhóm trên facebook. Một cô gái chủ động kết bạn trước, hỏi han, rằng tôi có cần sự giúp đỡ? Ba giờ chiều hôm đó, sau khi xách hành lý xuống tàu từ Helsinki về Joensuu, một cô gái lại gần bắt tay tôi, nói:

- Bạn có phải là Din Lon Ngoen? Xin lỗi có lẽ tôi phát âm chưa đúng tên bạn. Tên tôi là Marianne, sinh viên năm 2 chuyên ngành IB (International Business – Kinh tế quốc tế), rất vui vì được làm tutor của bạn.

Và Marianne xếp hành lý của tôi lên xe ô tô (có gắn logo của nhà trường), đưa tôi về địa chỉ nhà của mình, nơi mà tôi cũng như các sinh viên đã phải đặt trước một tháng với công ty nhà của thành phố trước khi bay sang đây.

Những ngày tiếp theo, cô ấy đưa tôi đi làm số an sinh xã hội, làm thẻ ngân hàng, đi mua xe đạp, và hướng dẫn cách đi lại, mua sắm trong thành phố. Tuần đầu tiên, chính Marianne là người đã dẫn tôi đi tham quan các chi nhánh của trường (campus), đến văn phòng từng thầy cô để chào ra mắt, rồi cách học tập, văn hóa trong nhà trường như thế nào. Tôi tự hỏi tại sao họ lại tốt với mình như thế ? Sau tôi mới hiểu, đó là một nét văn hóa của người Phần Lan. Không chỉ tôi, mà tất cả các sinh viên ngoại quốc đến đây đều được hướng dẫn tận tình như vậy.

Khi bắt đầu học kì hai, tôi có nhận được email từ POKA Student Union (Hội sinh viên thành phố Joensuu), họ thông báo đang cần một số tutor cho sinh viên khóa tiếp theo vào năm học tới. Trong thư, họ viết ‘Có phải bạn đã từng được sự giúp đỡ nhiệt tình từ tutor trong những ngày đầu nhập trường ? Đây là cơ hội để bạn có thể sẻ chia và trở thành một tutor như thế !’. Trong tư duy của người phương Tây nói chung, được giúp đỡ người khác là một vinh dự, tôi cảm nhận được điều đó.

Hamk1.jpg

Các du học sinh quốc tế


Không chỉ dừng lại ở đó, chính phủ và nhà trường Phần Lan còn tổ chức chương trình Family friend (Gia đình bè bạn) cho các sinh viên quốc tế. Chúng tôi được chọn kiểu gia đình trong một bảng mẫu (phụ huynh già hay trẻ, có trẻ em trong nhà hay không …), và một tháng sau tôi nhận được email của cô Satu, nói rằng cô và nhà trường đã tìm được một gia đình địa phương phù hợp cho tôi, kèm theo là địa chỉ của họ.

Nhà trường có tổ chức một bữa tiệc gặp gỡ nhỏ giữa sinh viên và các gia đình của họ, trong đó mỗi nhóm sinh viên đến từ cùng một quốc có thể giới thiệu ngắn gọn về đất nước mình qua những bài hát, video, … trong 15 phút, và sau đó là trở về với gia đình địa phương được chọn của mình.

Tôi may mắn được làm quen với một gia đình gồm năm thành viên với ba người con (bé gái lớn nhất mới 17). Khi bắt chuyện, tôi rất bất ngờ về trình độ tiếng Anh chuẩn xác của cậu bé Benjamin, đứa con út trong gia đình, năm nay mới lên 9 tuổi.

Trong những ngày lễ, ngày hội truyền thống, các gia đình sẽ mời sinh viên đến nhà chung vui và thưởng thức các bữa tiệc nhỏ cùng với họ (Giáng sinh, Phục sinh, Halloween, ngày của cha, mẹ, May Day, …). Bữa tiệc đầu tiên gặp mặt tại nhà riêng, cô Katriina (người mẹ) đã hướng dẫn cho tôi xem cách làm món ăn đặc trưng của Joensuu, đó là bánh kẹp Karelia (Karelian pasty), loại bánh mà bạn có thể mua tại bất cứ siêu thị nào tại hai miền Karelia trên đất Nga và Phần (Russian Karelia và Finnish Karelia). Mục đích của chương trình này là giúp cho sinh viên quốc tế hiểu rõ về văn hóa truyền thống của người Phần Lan hơn.

Mới chỉ nghĩ đến khía cạnh giúp đỡ học sinh, sinh viên trong lĩnh vực giáo dục, Việt Nam chúng ta chưa làm được những điều tương tự như họ.Du học Phần Lan, tôi nhận ra trí tuệ của người Việt Nam nói chung không hề thua kém các nước bạn, thậm chí những sinh viên Việt Nam còn được đánh giá là thông minh và nhanh nhạy hơn hẳn trong nhiều vấn đề (ví dụ như trong môn tính toán tài chính – Financial Calculation, tôi và một số bạn Việt Nam thấy rất đơn giản và đạt điểm cao trong kì thi cuối kì, thì các sinh viên nước khác lại loay hoay và điểm thường không cao). Vậy tại sao chúng ta vẫn cứ chậm phát triển, vẫn còn bao vấn đề cần giải quyết trong xã hội ?

Có phải giáo dục là vấn đề then chốt mà chúng ta vẫn chưa dành nhiều sự quan tâm thích đáng, cũng như chưa có một bước đột phá trong cải cách không ? Câu hỏi này tôi tự đặt ra cho mình, nhưng cũng chưa thể tự trả lời một cách hợp lý nhất.

Hotline_CHD-tu-van-du-hoc.jpg

(CHD - EDUCATION)
 
×
Quay lại
Top Bottom