Bài học hình thành từ trò chơi

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
- Bài học hình thành từ trò chơi sẽ đi theo trẻ suốt đời, giúp các em thành công hơn trong tổ chức công việc và trong cư xử với bạn bè hay với đối tác, với đồng nghiệp sau này.

Thông điệp từ hành động


Đổi mới chương trình và nội dung dạy học không thể tách rời việc đổi mới phương pháp dạy học (PPDH), thay đổi phong cách lên lớp của các thầy giáo, cô giáo – những người đóng vai trò là nhân tố hàng đầu quyết định thành công và chất lượng của sự nghiệp giáo dục.


PGS.TS Hoàng Hoà Bình – Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam - cho rằng, nếu giáo viên (GV) muốn truyền thông điệp đến học sinh (HS) qua mỗi bài học chỉ bằng lời thuyết giảng thì chưa thể chuyển thành kĩ năng nhận thức và tự nhận thức. Để bài học nhận thức được khắc sâu trong trí óc các em, trở thành kĩ năng sống, GV cần tổ chức cho HS tiếp nhận thông điệp trên qua hoạt động.


”Khi triển khai chương trình mới, nhiều GV thấy điều khó thực hiện nhất là đổi mới PPDH, phần vì đã quen với phương pháp thuyết giảng, không dễ thay đổi ngay một sớm một chiều, phần vì chưa nắm thật chắc PP mới, làm gì cũng sợ sai.


Thực ra, nguyên tắc vận hành của lớp học mới rất đơn giản. Nó giống như nguyên tắc tập luyện của một đội bóng, trong đó GV là huấn luyện viên, đóng vai trò tổ chức cho HS thực hiện các nhiệm vụ nêu trong SGK để tự chiếm lĩnh kiến thức và phát triển kĩ năng thực hành. Về phía HS, nếu không tự mình thực hiện đủ các bài luyện tập thì không có được thể lực, kĩ năng và kiến thức cần thiết của một cầu thủ. Nắm chắc nguyên tắc này, GV sẽ cảm thấy tự tin và có nhiều sáng kiến trong quá trình thực hiện PPDH mới” - PGS.TS Hoàng Hòa Bình cho hay.





images672122_1.jpg





Sách giáo viên: Rất quan trọng


Làm thế nào để GV hiểu đúng tinh thần tổ chức hoạt động thể hiện qua từng bài dạy? PGS.TS Hoàng Hòa Bình cho rằng - đó là nhiệm vụ của sách giáo viên (SGV).


Đồng quan điểm với PGS.TS Hoàng Hoà Bình, GS Nguyễn Minh Thuyết cũng khẳng định: SGV là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của cải cách giáo dục (CCGD), đặc biệt cải cách PPDH trong giai đoạn hiện nay. Vì không bao giờ có thể đợi đào tạo lại tất cả GV hoặc thay đổi chương trình đào tạo của tất cả các trường sư phạm xong mới bắt đầu CCGD ở trường phổ thông, nên SGV sẽ phải đảm nhận chức năng bồi dưỡng GV về PPDH, ít nhất là trong thời gian 5 năm đầu của CCGD.


SGV được biên soạn tốt sẽ giúp GV thực hiện được tư tưởng của chương trình mới, giảm thiểu những tranh cãi, thắc mắc trong nội bộ cũng như tránh được khả năng làm cho chương trình bị tăng tải, đảm bảo sự thành công của chương trình mới.


Để SGV có tác dụng thiết thực, thu hẹp khoảng cách giữa lời hướng dẫn trong SGV với bài soạn có thể dùng để lên lớp, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, SGV cần đưa ra cho mỗi bài (hoặc cụm bài) một phương án tổ chức hoạt động, một quy trình dạy học tường minh, tinh giản, đúng trọng tâm, có thể triển khai thành chuỗi hoạt động nhịp nhàng, hợp lý.


Nếu SGV soạn thảo được các quy trình mẫu dạy từng kiểu bài điển hình của từng phân môn theo tinh thần tổ chức hoạt động, vừa có những chỉ dẫn cụ thể về PP, vừa phù hợp với đối tượng HS thì sẽ là những gợi ý tốt để GV tham khảo, hiểu thế nào là đổi mới PPDH, là dạy học phát huy tính tích cực của HS. Trên cơ sở nắm vững một phương án, GV sẽ tự tin, có nhiều khả năng sáng tạo thêm những cách tổ chức dạy học mới, tạo nền tảng cho một phong trào đổi mới PPDH diễn ra thực sự ở tất cả các cấp học phổ thông.


Từ những quy trình mẫu thích hợp với từng kiểu bài, GV còn có thể giúp HS vận dụng PP tiếp cận hợp lý để tự học các bài cùng dạng trong chương trình. Như vậy, dù khối lượng kiến thức trong chương trình có lớn cũng không nảy sinh vấn đề quá tải.


Có quan niệm cho rằng việc biên soạn các giáo án trong SGV sẽ hạn chế sự sáng tạo của GV, theo GS Nguyễn Minh Thuyết đây là quan niệm cực đoan.


“Sẽ không thể tạo nên được một sự chuyển biến thật sự về PP trong chuyên ngành (có thể sẽ chỉ là chuyển biến nhất định ở những cá thể GV giỏi) nếu GV không nhận được giúp đỡ thiết thực qua các bài soạn trong SGV để được tạo điều kiện sáng tạo một cách tự tin. Giáo án vì vậy được hiểu là bản thiết kế tổ chức hoạt động của mỗi GV trên cơ sở đọc SGK, tham khảo SGV và các tài liệu khác để dạy học phù hợp với đối tượng HS” - GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định.


Ba việc phải làm khi dạy học theo phương pháp hoạt động

1. Giao việc cho HS: Cho HS trình bày yêu cầu của câu hỏi, bài tập trong SGK. Cho HS thực hiện một phần câu hỏi, bài tập trong SGK (làm thử, làm mẫu) nếu nhiệm vụ đặt ra trong những câu hỏi, bài tập ấy là khó hoặc mới đối với HS. Sau khi cả lớp đã hoàn thành nhiệm vụ làm thử, GV tổ chức chữa bài để giúp HS nắm được cách làm. Nêu yêu cầu về hình thức hoạt động của HS để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đã giao. Có ba hình thức hoạt động là làm việc độc lập, làm việc theo nhóm hoặc làm việc theo lớp.

Trong phần lớn các trường hợp, nhất là trong trường hợp câu hỏi, bài tập đề ra đã rất cụ thể, HS được tổ chức làm việc độc lập. Trong trường hợp câu hỏi, bài tập tương đối trừu tượng hoặc đòi hỏi một sự khái quát nhất định và trong trường hợp nếu làm việc chung theo đơn vị lớp sẽ có ít HS được hoạt động thì làm việc theo nhóm là giải pháp tốt nhất.

2. Tổ chức cho HS làm việc: Hoạt động của HS trong giờ học theo PP tổ chức hoạt động là hoạt động giao tiếp (đọc, viết, nghe, nói), phân tích, tổng hợp, cảm thụ, thực hành lí thuyết,… Trong quá trình HS làm việc, GV cần kiểm tra công việc của các em. Nội dung kiểm tra là: Xem HS có làm việc không; nếu HS không làm việc thì cần tìm hiểu lí do, động viên các em làm việc để đảm bảo yêu cầu tích cực hóa hoạt động học tập của người học. Xem HS có hiểu việc phải làm không; nếu HS không hiểu việc phải làm thì cần giải thích, hướng dẫn lại cho HS làm để hoạt động của các em đạt được mục đích đề ra. Trả lời thắc mắc của HS.

3. Tổ chức cho HS báo cáo và đánh giá kết quả làm việc: HS có thể báo cáo trực tiếp với GV, báo cáo trong nhóm, báo cáo trước lớp. Các hình thức báo cáo có thể là: báo cáo bằng miệng, bằng phiếu học tập hoặc bằng cách trình bày trên bảng, trên máy chiếu,... Theo PPDH mới, người đánh giá HS không nhất thiết là GV. Có thể hướng dẫn để HS tự đánh giá nhau trong nhóm hoặc trước lớp. Các biện pháp đánh giá có thể là: khen, chê (định tính) hay cho điểm (định lượng).GV nêu vấn đề và tổng kết (nếu cần)” .

PGS.TS Hoàng Hòa Bình
Theo giaoducthoidai.vn
 
×
Quay lại
Top Bottom