Tượng điêu khắc Kinh Dương Vương
Kỷ Hồng Bàng
Hồng Bàng (chữ Hán: 鴻龐) là giai đoạn lịch sử thời thượng cổ lịch sử Việt Nam, dựa nhiều các truyền thuyết truyện kể và một số ít bằng chứng khảo cổ học với ghi chép lịch sử.
Niên đại
Thời Hồng Bàng theo truyền thuyết và dã sử bắt đầu từ 2879 trước Công Nguyên (TCN), niên đại vua Kinh Dương Vương húy Lộc Tục nghĩa là nối lộc Tổ tiên. Quốc hiệu Xích Quỷ.
Lãnh thổ quốc gia thời Kinh Dương Vương rộng lớn, phía Bắc tới sông Dương Tử (cả vùng Hồ Động Đình), phía Nam tới nước Hồ Tôn (sau này là Chiêm Thành), phía Đông là Đông Hải (một phần Thái Bình Dương), phía Tây là Ba Thục (Tứ Xuyên, TQ nay).
Về sau người Việt chỉ thấy có ở miền Bắc Việt Nam nay, có thể một phần do lấn áp của các tộc người Hoa Hạ từ phương Bắc.
Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (ĐVSKTT):
Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông. Minh tuần thú phương Nam đến núi Ngũ Lĩnh (nay thuộc tỉnh Hồ Nam, TQ) gặp và lấy con gái Vụ Tiên sinh ra Lộc Tục.
Sau này Đế Minh truyền ngôi cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc (từ núi Ngũ Lĩnh về phía Bắc), phong Lộc Tục làm vua phương Nam (từ núi Ngũ Lĩnh về phía Nam) xưng Kinh Dương Vương, đặt quốc hiệu Xích Quỷ.
Kinh Dương Vương làm vua Xích Quỷ năm Nhâm Tuất 2897 TCN. Theo Ngô Sĩ Liên, Kinh Dương Vương lấy con gái của Động Đình Quân, sinh Sùng Lãm tức Lạc Long Quân.
Nguyên văn:
"Thú Động Đình Quân nữ, viết Thần Long."
Theo câu này phải hiểu Thần Long là tên con gái của Động Đình Quân. Nhưng ở đoạn dưới (tờ 2b), soạn giả lại viết:
"Kinh Dương Vương lấy con gái của Thần Long, sinh ra Lạc Long Quân."
Như vậy tên của Động Đình Quân là Thần Long.
Ngô Sĩ Liên nói:
“Khi trời đất mới mở mang, có thứ do khí hóa ra, đó là Bàn Cổ thị. Có khí hóa ra rồi sau có hình hóa, không thứ gì ngoài hai khí Âm Dương. Kinh Dịch nói:
"Trời đất nung ủ, vạn vật thuần hóa, đực cái hợp tinh, vạn vật hóa sinh”[1].
Nên có vợ chồng rồi mới có cha con, có cha con rồi mới có vua tôi. Nhưng thánh hiền sinh ra, tất có khác thường, đó là do mệnh trời.
Nuốt trứng chim huyền điểu mà sinh ra nhà Thương[2], giẫm vết chân người khổng lồ mà dấy nhà Chu[3], đều là ghi sự thực như thế.
Con cháu Thần Nông thị là Đế Minh lấy con gái của Vụ Tiên mà sinh Kinh Dương Vương, tức Thủy Tổ của Bách Việt.
Vương lấy con gái của Thần Long sinh Lạc Long Quân, Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai mà có phúc lành sinh trăm con trai. Đó chẳng phải cái đã gây nên cơ nghiệp nước Việt ta hay sao?
Xét sách Thông Giám Ngoại kỷ[4] nói:
“Đế Lai là con Đế Nghi.”
Cứ theo sự ghi chép ấy thì Kinh Dương Vương là em ruột Đế Nghi, thế mà kết hôn với nhau, có lẽ vì đời ấy còn hoang sơ, lễ nhạc chưa đặt mà như thế chăng?”
Chú thích:
1.Kinh Dịch: Hệ từ.
2.Truyền thuyết Trung Quốc nói là bà Giản Địch (vợ thứ Đế Cốc) nuốt trứng chim huyền điểu thì có mang, sinh ra ông Tiết, Tổ của nhà Ân - Thương.
3.Bà Khương Nguyên giẫm vết chân người khổng lồ, sinh ra ông Khi, tức Hậu Tắc, Tổ nhà Chu.
4.Thông Giám Ngoại kỷ: tức phần Ngoại kỷ của sách Tư Trị Thông Giám (294 quyển) do Tư Mã Quang đời Tống soạn.
Tộc Việt gồm có trăm họ khác nhau, mang tên Bách Việt. Những tên như Âu Việt, Lạc Việt, Đông Việt, Nam Việt, Việt Thường đều thuộc Bách Việt.
Cái tên trăm họ, hay trăm Việt (Bách Việt) phát xuất từ huyền thoại nói Lạc Long Quân sinh trăm con. Trăm có nghĩa là toàn thể, tất cả, không hoàn toàn là con số như ta tưởng ngày nay.
Theo kết luận trên, biên cương phía Bắc của Văn Lang tới Hồ Động Đình, xa hơn đỉnh Ngũ Lĩnh vài trăm dặm về phía Bắc.
Sùng Lãm nối ngôi làm vua, xưng Lạc Long Quân tức Hùng Hiền Vương. Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai (con của Đế Nghi) là Âu Cơ, sinh một bọc trứng nở trăm con trai. Một hôm, Lạc Long Quân bảo Âu Cơ:
"Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó."
Hai người từ biệt, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về ở miền biển, phong con trưởng làm Hùng Vương, nối ngôi vua (ĐVSKTT, Ngô Sĩ Liên).
Xét từ đời Kinh Dương Vương đến đời Hùng Vương thứ 18, cả thảy 20 vua, tính từ năm Nhâm Tuất (2879 TCN) đến năm Giáp Thìn (257 TCN) được 2622 năm.
Tính hơn bù kém, mỗi vua trị vì 120 năm! Dẫu người đời thượng cổ cũng khó có nhiều người sống lâu được vậy.
Do đó chuyện thời Hồng Bàng chưa hẳn chính xác, nhưng điều đó phần nào cho thấy lịch sử Việt Nam hình thành từ rất lâu đời, thậm chí không sau lịch sử Trung Hoa là mấy.
Đầu thời đồ đồng, người Việt khoảng 15 nhóm Lạc Việt khác nhau sống trên vùng núi miền Bắc và châu thổ sông Hồng cùng hơn 12 nhóm Âu Việt sống ở vùng Đông Bắc.
Tiện trao đổi buôn bán, phòng chống lụt lội, chống kẻ thù. Những bộ lạc Lạc Việt dần gom lại thành một nước lấy tên Văn Lang, người đứng đầu tự xưng Hùng Vương.
Thông tin về các đời Vua Hùng dựa nhiều các truyền thuyết. Nhưng có nhiều bằng chứng khảo cổ học như trống đồng Đông Sơn thấy ở miền Bắc Việt Nam cùng niên đại thời Hồng Bàng, thể hiện nền văn hóa đồ đồng rất phát triển (Văn hoá Đông Sơn).
Hình thái xã hội
Trồng lúa nước, thuần hóa gia súc, dụng cụ có lưỡi cày, đồ dùng có thạp, vũ khí có rìu, đi lại có thuyền.
Sinh hoạt tinh thần có những tục xăm mình, nhuộm răng đen, ăn trầu, theo chế độ mẫu hệ, thờ cúng Tổ tiên, tôn thờ sức mạnh thiên nhiên:
Thần núi, thần sông, thần gió. Các ngày lễ hội thường đội trên đầu mũ lông chim, thổi kèn, đánh trống, nhảy múa, bơi chải.
Trích Thủy Kinh chú (TKC):
"Giao Chỉ có ruộng Lạc, trông nước triều lên xuống mà làm. Người ăn ruộng là Lạc Vương (Lạc Hầu). Đứng đầu các bộ là Lạc Tướng (quan cai quản), có ấn đồng dải xanh, tức quan lệnh ngày nay."
Trích Lĩnh Nam Chích Quái (LNCQ):
"Hồi quốc sơ, dân không đủ đồ dùng, phải lấy vỏ cây làm áo, dệt cỏ gianh làm chiếu, lấy cốt gạo làm rượu, lấy cây quang lang, cây tung lư làm cơm, lấy cầm thú, cá, ba ba làm mắm, lấy rễ gừng làm muối, cày bằng dao, trồng bằng lửa.
Đất sản xuất được nhiều gạo nếp, lấy ống tre thổi cơm. Bắc gỗ làm nhà tránh hổ sói. Cắt tóc ngắn dễ đi trong rừng rú.
Đẻ con lấy lá chuối lót cho nằm, có người chết thì giã cối làm lệnh để người lân cận nghe tiếng đến giúp.
Chưa có trầu cau, việc hôn thú giữa nam nữ lấy gói đất làm đầu rồi giết trâu dê làm đồ lễ, lấy cơm nếp để nhập phòng cùng ăn, sau đó mới thành thân."
Hành chính thời Hồng Bàng phản ánh bộ máy chính quyền từ trung ương tới địa phương.
Chính quyền trung ương
Hồng Bàng là thời đấu tranh hình thành bộ tộc và hình thành nhà nước đầu tiên ở Việt Nam. Hùng Vương đứng đầu bộ lạc Văn Lang, bộ lạc mạnh nhất trong cộng đồng người Lạc Việt.
Hùng Vương lấy quốc hiệu Văn Lang. Văn Lang là quốc hiệu đầu tiên của Việt Nam, kinh đô đặt ở Phong Châu (nay thuộc Phú Thọ).
Lãnh thổ gồm Bắc Bộ và ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh nay. ĐVSKTT và Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (KĐVSTGCM) ghi giới hạn lãnh thổ:
“Đông giáp biển Nam Hải, Tây đến Ba Thục, Bắc đến Hồ Động Đình, Nam giáp nước Hồ Tôn tức Chiêm Thành sau này.”
Đại Việt Sử Lược (ĐVSL) ghi:
“Những địa hạt lãnh thổ Văn Lang không có trong Thiên vũ cống là sách ghi chép về địa lý cổ đại của TQ.”
Sử ghi vắn tắt và không hệ thống bộ máy chính quyền thời Hùng Vương. Các sử gia nhận định nhà nước Văn Lang đơn sơ, đậm dấu ấn bộ lạc-công xã. Theo “Lĩnh Nam Chích Quái”:
“Nước Văn Lang phía Đông giáp Nam Hải, Tây tới Ba Thục, Bắc tới Động Đình Hồ, Nam tới nước Hồ Tôn (Chiêm Thành).
Hùng Vương sai các em phân trị, đặt em thứ làm tướng võ, tướng văn; tướng văn gọi là Lạc Hầu, tướng võ gọi là Lạc Tướng.
Con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mỵ Nương, quan Hữu Ty gọi là Bồ Chính, thần bộc nô lệ gọi là nô tỳ, xưng thần là khôi, đời đời cha truyền con nối gọi là Phụ Đạo, thay đời truyền cho nhau đều hiệu là Hùng Vương không đổi.”
"ĐVSKTT" và "KĐVSTGCM" chép tương tự, chỉ thay hai chữ "Phụ Đạo" 輔導 bằng 父道.
Xã hội phân ba tầng lớp:
Vua quan, dân, nô tỳ (nô lệ). Nữ nô lệ gọi là "xảo xứng" (nô tỳ). Sinh hoạt vật chất còn thô sơ, gỗ làm nhà sàn ở, dệt cỏ làm chiếu, vỏ cây làm áo.
Các sử gia hiện đại nói sử gia thời Hậu Lê mô phỏng triều đình phong kiến TQ để mô tả nhà nước thời Hùng Vương, theo đó đứng đầu phải là Vương hoặc Đế, danh hiệu Hùng Vương xuất phát từ Khun hay Cun trong tiếng Môn-Khmer để chỉ thủ lĩnh bộ tộc.
Lúc đó thời này chưa phân biệt văn võ, chưa định ra tước Vương - Hầu. Chữ “Mỵ Nương” là phiên âm Hán Việt của chữ “mế, nàng” trong tiếng Mường (nay vẫn dùng) để chỉ con gái nhà quyền quý.
Quan Lang là chữ “Lang Đạo” trong tiếng Mường; “Phụ Đạo” là chế độ “phìa” cha truyền con nối của người Mường.
Công việc thực hiện và sự kiện có luật lệ quy định chung mà sau này Mã Viện thời Đông Hán nói:
“Luật Việt khác luật Hán hơn 10 việc.”
ĐVSL mô tả “chính sự dùng lối kết nút”, các nhà nghiên cứu hiện nay xác nhận là dùng dây thắt nút để ghi nhớ sự việc, tương tự như chuỗi dây ghi nhớ sự việc của đồng bào thiểu số Việt Nam hiện nay làm chứng thực cho ghi chép trên.
Cư dân phạm vi Văn Lang gồm người Việt, người Mường, người Tày-Thái.
Nảy sinh hình thái nhà nước dù sơ khai, đánh dấu bước tiến quan trọng của lịch sử, xác nhận quá trình dựng nước thời Hùng Vương, đặt cơ sở ra đời loại hình cộng đồng tộc người mới:
Cộng đồng quốc gia, cộng đồng bộ tộc có ít nhiều tính dân tộc.
Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh, sđd, tr97 tổng kết sơ đồ chuyển hóa từ xã hội nguyên thủy tan rã sang xã hội phân hóa giai cấp sơ kỳ:
Hình thái danh hiệu
Công xã thị tộc: Tộc trưởng ---> Công xã nông thôn: Bồ Chính.
Bộ lạc: Tù trưởng ---> Bộ: Lạc Tướng, Phụ Đạo.
Liên minh bộ lạc: thủ lĩnh ---> Nước Văn Lang: Hùng Vương
Theo các sử gia, mối quan hệ chung trong cả nước nặng tính liên minh bộ lạc. Hùng Vương tương đương ngôi vị “cun” (tộc trưởng) của bộ tộc mạnh nhất, các bộ tộc khác vẫn có “cun” riêng và phục tùng Hùng Vương bằng chế độ tiến cống và chỉ chịu chỉ huy khi có việc lớn.
Lạc Tướng và Lạc Hầu là tộc trưởng bộ lạc mình, giúp Hùng Vương khi có việc chứ không phải quan chức theo biên chế thường trực ở cạnh vua.
Chính quyền địa phương
ĐVSKTT ghi kinh đô đóng tại bộ Văn Lang, KĐVSTGCM chép kinh đô ở Phong Châu, ĐVSL không nói đến kinh đô. Theo LNCQ, Hùng Vương chia nước 15 bộ (còn gọi quận):
Việt Thường, Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Hoài Hoan, Cửu Chân, Nhật Nam, Chân Định, Văn Lang, Quế Lâm, Tượng Quận.
Theo bộ sử cổ nhất là ĐVSL, Văn Lang gồm 15 bộ lạc, Đào Duy Anh đối chiếu xác định các vị trí thời hiện đại:
1.Giao Chỉ (vùng Hà Nội và lân cận thuộc hữu ngạn sông Hồng)
2.Việt Thường Thị (tương đương Hà Tĩnh)
3.Vũ Ninh (tương đương tỉnh Bắc Ninh)
4.Quân Ninh (tương đương vùng Yên Định thuộc Thanh Hóa)
5.Gia Ninh (Phú Thọ, Sơn Tây nay)
6.Ninh Hải (miền Nam Khâm Châu thuộc Quảng Đông, TQ nay)
7.Lục Hải (ven biển Hải Phòng nay)
8.Thanh Tuyền (vùng Tây Nam Quảng Tây, TQ nay)
9.Tân Xương (tương đương miền Vĩnh Phúc, Phú Thọ nay)
10.Bình Văn (không xác định được)
11.Văn Lang (tương đương Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, phía Bắc Hà Tây cũ và Hòa Bình nay)
12.Cửu Chân (tương đương vùng Thanh Hóa nay)
13.Nhật Nam (tương đương vùng Nam Hoành Sơn, từ Quảng Bình)
14.Hoài Hoan (tương đương miền Nghệ An nay)
15.Cửu Đức (tương đương miền Hà Tĩnh nay)
ĐVSKTT, Dư địa chí (DĐC của Nguyễn Trãi) và KĐVSTGCM đưa danh sách 15 bộ có một số khác biệt với ĐVSL.
Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Vũ Định, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Tân Hưng, Cửu Đức, và Văn Lang là bộ nơi vua đóng đô.
KĐVSTGCM chú thêm sự đối chiếu với địa danh thời Nguyễn. Trần Trọng Kim trong Việt Nam Sử Lược (VNSL) ghi chép theo KĐVSTGCM:
1.Giao Chỉ (KĐVSTGCM chú là vùng Sơn Nam, giờ là Hà Nội, Nam Định, Hưng Yên)
2.Chu Diên (KĐVSTGCM chú là thuộc Sơn Tây)
3.Vũ Ninh (KĐVSTGCM chú là thuộc Kinh Bắc tức Bắc Ninh nay)
4.Phúc Lộc (KĐVSTGCM chú là thuộc Sơn Tây)
5.Việt Thường (KĐVSTGCM chú là Thuận Hóa, từ Hải Lăng thuộc Quảng Trị đến Điện Bàn thuộc Quảng Nam, nhưng Đào Duy Anh căn cứ theo tên huyện Việt Thường quận Cửu Đức thời thuộc Ngô thì xác định đây là khu huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh)
6.Ninh Hải (KĐVSTGCM chú là thuộc Quảng Yên, tức Quảng Ninh)
7.Dương Tuyền (KĐVSTGCM chú là vùng Hải Dương, Đào Duy Anh căn cứ tên huyện Thang Tuyền của Thang Châu xác định là đất Thang Châu thời thuộc Đường, tức Tây Nam Quảng Tây, TQ nay)
8.Lục Hải (KĐVSTGCM chú là Lạng Sơn, Đào Duy Anh xác định là ven biển Hải Phòng nay)
9.Vũ Định (KĐVSTGCM chú là Thái Nguyên, Cao Bằng)
10.Hoài Hoan (KĐVSTGCM chú là Nghệ An)
11.Cửu Chân (KĐVSTGCM chú là Thanh Hóa)
12.Bình Văn (KĐVSTGCM nghi ngờ, không khẳng định ở đâu)
13.Tân Hưng (KĐVSTGCM chú là Hưng Hóa và Tuyên Quang tức Tuyên Quang và Lào Cai nay)
14.Cửu Đức (KĐVSTGCM chú là Hà Tĩnh)
Các nhà nghiên cứu, từ Lê Quý Đôn thế kỷ 18 tới thời hiện đại đều xác định hầu hết tên các bộ của Văn Lang là vay mượn tên đời sau chép vào.
Đại đa số các tên bộ lạc được sử sách lấy theo địa danh quận hoặc huyện từ thời Bắc thuộc lần 1 đến thời Bắc thuộc lần 3, như Đào Duy Anh chỉ ra từng tên khi liệt kê các bộ mà cổ sử đã ghi:
Giao Chỉ là tên quận nhà Hán đặt.
Việt Thường Thị là tên huyện thuộc quận Cửu Đức thời thuộc Ngô và huyện thuộc quận Nhật Nam thời thuộc Tùy.
Vũ Ninh là huyện thuộc quận Giao Chỉ thời thuộc Đông Ngô.
Quân Ninh là tên huyện thuộc Ái Châu do nhà Đường đặt.
Gia Ninh là tên huyện thuộc Phong Châu thời thuộc Đường.
Ninh Hải là tên quận đặt thời thuộc Lương.
Tân Xương là quận thời thuộc Tấn.
Thang Tuyền là tên quận và huyện thời Đường thuộc Thang Châu.
Lục Hải tức Lục Châu thời thuộc Đường.
Cửu Chân là tên quận thời thuộc Hán.
Nhật Nam cũng là tên quận thời thuộc Hán.
Hoài Hoan là tên huyện thời Đường thuộc Hoan Châu.
Cửu Đức là tên quận thời thuộc Ngô.vv...
Các nhà nghiên cứu nói sở dĩ như vậy vì sử gia cổ đại muốn nước Văn Lang trong truyền thuyết có nội dung cụ thể, chọn một số tên với 2 mục đích vừa đủ số 15 bộ trong truyền thuyết vừa trùm đủ địa bàn người Lạc Việt sinh sống thời Hùng Vương. Dân cư đương thời còn thưa thớt. Tổ chức chính quyền có 2 cấp:
Bộ lạc đến thời thuộc Hán sau này thành huyện và dưới bộ lạc là cộng đồng công xã nông thôn (kẻ, chạ, chiềng, mường), kết hợp quan hệ hàng xóm với quan hệ họ hàng.
Một chiềng có thể cai quản nhiều bản. Đứng đầu công xã là Bồ Chính (phiên âm Hán của từ Việt cổ, giống âm Pó Chiêng tiếng Tày-Thái, chiềng là bản lớn có thế lực cai quản những bản nhỏ, có nghĩa là già làng). Hội đồng công xã do các thành viên cử ra để giải quyết mọi việc địa phương.
Sử gia hiện đại dẫn chứng một số địa danh còn thành tố “chiềng” phân bố trong không gian rộng lớn từ Bắc Việt Nam qua Bắc Lào tới Bắc Thái Lan.
Nơi có địa danh “Chiềng” mật độ lớn nhất là vùng Sơn La, khu vực Hà Nội cũng có (Chiềng Lôi, Chiềng Tăng, Chiềng Vậy).
Đỗ Văn Ninh thống kê được 80 địa danh ở Việt Nam, 35 địa danh ở Lào và 23 địa danh ở Thái Lan có thành tố “Chiềng.”
Các truyền thuyết
Thời Hồng Bàng gắn nhiều truyền thuyết. Có thể độ chính xác không cao do truyền miệng qua nhiều thế hệ, nhưng cho thấy nhiều khía cạnh đời sống văn hóa và chính trị ở Việt Nam thời này:
Truyền thuyết bánh chưng bánh dày gợi ý về chính trị, các Vua Hùng có thể công khai tổ chức các cuộc thi tìm người kế vị.
Về triết học, bánh chưng và bánh dày tượng trưng cho quan niệm vũ trụ gồm mặt đất hình vuông màu xanh lá cây và bầu trời hình tròn màu trắng.
Nhà sử học Trần Quốc Vượng nói bánh chưng nguyên thủy có hình tròn và dài giống bánh tét; bánh chưng và bánh dày tượng trưng cho d.ương v.ật và âm hộ trong tín ngưỡng phồn thực Việt Nam.
Bánh tét dùng thay cho bánh chưng dịp Tết trong cộng đồng người Việt ở miền Nam Việt Nam theo Trần Quốc Vượng là dạng nguyên thủy của bánh chưng.
Về nông nghiệp, người Việt thời này phát triển trồng lúa nước (có thể gồm cả lúa nếp) và chăn nuôi (có thể gồm lợn, gà, chó...).
Truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh thể hiện phần nào thiên tai:
Người Việt cổ phải chống chọi thuỷ tai.
Nó cho thấy sức mạnh thiên nhiên hay nhân vật quan trọng giúp dân chống chọi thiên nhiên được thần tượng hoá (Sơn Tinh).
Thần này có thể vốn là người bình thường có tình cảm qua hôn nhân với con gái của Vua Hùng. Thông lệ cống nạp sản vật quý hiếm như thước đo giá trị đã thịnh hành thời các Vua Hùng.
Các truyền thuyết khác như Phù Đổng Thiên Vương diệt giặc Ân xâm lược thời Hùng Vương thứ 6, chuyện Mai An Tiêm miêu tả khai phá vùng đất phía Nam (Thanh Hoá) với giống hoa quả mới (dưa hấu), Sự tích Trầu cau giải thích phong tục ăn trầu.
Văn Lang chấm dứt
Đời Hùng Vương thứ 18, Thục Phán ở phía Đông Bắc Văn Lang hợp nhất nước Văn Lang của người Lạc Việt với vùng đất của người Âu Việt (tức Tây Âu) (năm 257 TCN), kết thúc thời kỳ nhà nước Văn Lang.
Nay vùng cao nguyên Đà Lạt vẫn còn tộc người thiểu số tự xưng con cháu loài chim Lạc, có thể giả định là di dân của các bộ lạc Lạc Việt cổ sau nhiều thời chiến tranh loạn lạc.
Nghi vấn lịch sử
Sách giáo khoa bậc phổ thông ghi đời Hồng Bàng từ Kinh Dương Vương tới 18 Vua Hùng như sự thật hiển nhiên. Nhưng trong giới sử học, một số nghi vấn vẫn đặt ra.
Quốc gia
Có đời Hồng Bàng không? Có người nói di tích lịch sử chưa chứng minh được hiện hữu của chế độ cai trị như sử vẫn chép về đời Hồng Bàng.
Người khác nói sự hiện diện trống đồng những năm 200-300 TCN, nếu chưa chứng minh được đời Hồng Bàng cũng đủ để không bác bỏ những điều sử cũ chép về đời Hồng Bàng.
Có phải đời Hồng Bàng là sản phẩm tưởng tượng của một sử gia thế kỷ 14? Người đặt nghi vấn này dựa việc sử cổ không viết về đời Hồng Bàng:
Đại Việt Sử Ký (ĐVSK năm 1272) của Lê Văn Hưu không chép gì về đời Hồng Bàng mà bắt đầu từ đời Triệu Vũ Vương tức Triệu Đà.
An Nam Chí Lược (ANCL) của Lê Tắc viết tại nhà Nguyên khoảng năm 1335 cũng không viết về đời Hồng Bàng dù có nói An Nam giao thiệp với Trung Nguyên từ thời Nghiêu Thuấn.
1377, Đại Việt Sử Lược (khuyết danh tức không rõ tác giả là ai) nhắc sơ qua đời Hồng Bàng. Truyền thuyết Kinh Dương Vương được ghi lại lần đầu do Ngô Sĩ Liên biên soạn trong ĐVSKTT năm 1479.
Việt Sử Tiêu Án (VSTA năm 1775), Ngô Thì Sĩ đặt nghi vấn về Kinh Dương Vương, Xích Quỷ và nhiều truyền thuyết liên quan.
Niên đại đời Hồng Bàng có bắt đầu từ 2879 TCN? Sử gia đặt nghi vấn này (như Trần Trọng Kim) tính từ con số truyền thuyết về Kinh Dương Vương (2879 TCN) qua Lạc Long Quân và 18 Vua Hùng (kết thúc 257 TCN), tính ra 2622 năm cho 20 vua, trung bình mỗi người 120 năm, một điều quá hoang đường.
Nhiều người chấp nhận niên đại khoảng năm 600 TCN là năm bắt đầu đời Hồng Bàng vì Đại Việt Sử Lược ghi Văn Lang bắt đầu từ đời Chu Trang Vương (696-682 TCN).
Đại Việt Sử Lược thất lạc. Đến thời Càn Long (trị vì: 1735 - 1796), sách mới được tìm thấy trong Khâm Định Tứ Khố Toàn Thư của triều Thanh ở Trung Quốc.
Bổ cứu cho ngoại truyện của Tống sử và Nguyên sử, một học giả đời Thanh là Tiền Hy Tộ (người Kim Sơn, nay thuộc tỉnh Giang Tô) đã hiệu đính, cho khắc in rồi đưa sách vào Tứ Khố, nhờ vậy Đại Việt Sử Lược còn tồn tại đến ngày nay.
Nhưng vì khắc in ở nhà Thanh, vì Trung Hoa luôn coi mình là to lớn, là thiên triều, các nước khác chỉ là man di nhược tiểu, nên sách bị bỏ chữ Đại, sau này sách mang tên Việt Sử Lược.
Nói về niên đại đầu đời Hồng Bàng (2879 TCN) ở Việt Nam cũng giống giả thuyết về quốc gia cổ Gojoseon trong lịch sử Triều Tiên (Triều Tiên này không phải Bắc Hàn nay, mà là bán đảo Triều Tiên) được Dangun lập năm 2333 TCN và suy tàn khoảng thế kỷ 3 TCN, vương quốc này nay cũng được chứng minh chỉ thực sự hình thành ở thế kỷ 5 TCN (tương tự Văn Lang).
Một vấn đề khác là họ Hùng:
Các sử gia nói người Việt cổ tới tận thời Hai Bà Trưng vẫn chưa có họ.
Theo sách Lịch sử Việt Nam, tập 1 của Viện Sử học Việt Nam, chữ "Hùng" trong "Hùng Vương" thực ra là lấy từ tên các vua nước Sở là nước chư hầu thời nhà Chu của TQ.
Các vua Sở có tên mang chữ Hùng: Hùng Thông (Sở Vũ Vương), Hùng Vận (Sở Thành Vương), Hùng Hòe (Sở Hoài Vương).
Tổ tiên nước Sở vốn tên Hùng Dịch. Bởi Bách Việt gần nước Sở nhất nên những người Việt lấy theo tên vua nước này.
Mặt khác, người Việt ở Việt Nam tự gọi là người Kinh, chữ "Kinh" vốn xuất phát từ vùng Kinh Châu, sông Kinh mà nước Sở cai quản.
Như vậy Hùng Vương nói riêng và Hồng Bàng nói chung với nhiều tình tiết lịch sử pha lẫn truyền thuyết, có thể còn là sản phẩm pha trộn của người Việt gốc và người Việt lai Hán - người Kinh sau này. (Lịch sử Việt Nam - Viện Sử học, NXB Đại học và giáo dục chuyên nghiệp, 1993)
Giả thiết khác đặt ra về họ của Vua Hùng là họ Lạc theo họ của Lạc Long Quân và Hùng Vương thì chỉ là tên. Biểu hiện là những chức danh, tên gọi như Lạc Hầu, Lạc Tướng (quan giúp việc), Lạc dân (dân đen), Lạc điền (đất ruộng)...
Một số thần phả ghi rõ thụy hiệu các Vua Hùng (như Hùng Hi Vương, Hùng Duệ Vương), nhưng các nhà nghiên cứu không cho rằng đó là đáng tin.
Lãnh thổ
Theo ĐVSKTT và LNCQ, tên 15 bộ của Văn Lang không thuyết phục vì tên các bộ trên phần lớn là tên Hán-Việt chỉ có sau khi lệ thuộc nhà Hán.
Chỉ có tên 2 bộ được sử cũ TQ ghi có trước khi văn hóa Hán xâm nhập là Việt Thường (thời Chu Thành Vương) và Gia Ninh (thời Chu Trang Vương). Bộ Việt Thường ở cực Nam Văn Lang tức vùng Hà Tĩnh nay, bộ Gia Ninh ở Phú Thọ nay.
Về dân số đến đầu Công Nguyên trên khu vực Giao Chỉ, Cửu Chân chưa đến 1 triệu người. Vậy trước đó hàng trăm năm thời Hùng Vương dân số còn ít hơn, chắc chỉ vài trăm nghìn người là tối đa, tương đương dân số tỉnh Điện Biên (500 nghìn) hoặc Lào Cai (560 nghìn) nay, với dân cư như trên thì Văn Lang không thể là quốc gia rộng như miêu tả của LNCQ được.
Nhưng trước đây vùng Bắc Mỹ - Canada và Hoa kỳ - có nhiều bộ lạc người da đỏ, mỗi bộ lạc chỉ có vài chục người đến hai, ba trăm người là nhiều. Vậy thuyết "ít dân số không thể tản mác trên một diện tích rộng lớn" cũng không có tính thuyết phục.
Về lãnh thổ, phía Bắc không biết ở đâu nhưng chắc chắn phía Nam lãnh thổ Văn Lang chỉ đến Đèo Ngang vì khi An Dương Vương chiếm Văn Lang, chia đất của Vua Hùng ra 2 bộ tương ứng đất Giao Chỉ và Cửu Chân thời Hán. Và bộ Việt Thường là phần đất cực Nam của Văn Lang - tương ứng Hà Tĩnh nay.
Cây chiên đàn và những trò diễn xưa ở đất Bạch Hạc
Nguyễn Tuệ
Trong "Thiên Nam Vân Lục Liệt Truyện" (tân biên) của Nguyễn Hãng, hiệu Nại Hiên tiên sinh, quê làng Dòng (Xuân Lũng, Lâm Thao) viết vào thời Lê Thánh Tông (1460-1497) có truyện "Quỷ Xương Cuồng", nói về cây chiên đàn và những trò diễn xưa ở đất Bạch Hạc, thuộc thành phố Việt Trì bây giờ:
"Thời thượng cổ, đất Phong Châu có cây cổ thụ lớn là cây chiên đàn, gỗ thơm, cao hơn ngàn trượng, cành lá um tùm phủ quanh đến mấy chục dặm.
Có đôi hạc trắng sống trên cây nên người ta gọi đất ấy là Bạch Hạc. Cây lâu năm khô chết, hóa thành yêu quái dũng mãnh đầy uy lực chuyên làm hại dân lành. Kinh Dương Vương dùng thần thuật thắng nó khiến yêu khí có bớt nhưng vẫn xuất hiện đây đó rất khó lường.
Dân quanh vùng sợ lắm, gọi nó là Quỷ Xương Cuồng (quỷ điên), dựng đền thờ nó. Cuối năm, phải dùng người sống tế mới được yên. Năm nào cũng thế mà không làm gì được.
Đến thời Đinh Tiên Hoàng, vua mời một đạo sĩ tên Vân Du dùng thuật lạ mới giết được con quỷ điên. Thuật lạ gồm:
Kỵ (cưỡi), can (sào), điếu (câu), hiểm (vỗ tay) thường tổ chức dịp cuối năm để dâng hiến các thần, có thể dùng để lừa quỷ điên.
Kỵ là cưỡi ngựa phi chạy, lựa mình nhặt lấy vật rơi dưới đất.
Can là nằm ngửa dùng chân nâng gậy để người khác quất vào đầu gậy mà không đổ.
Điếu là làm cầu phi vân cao 12 thước, bện đay làm chão dài 26 thước, buộc hai đầu chôn dưới đất mắc lên cây mà đi lại, chạy nhảy, treo mình, cúi ngửa trên cây mà không ngã xuống.
Hiểm là vỗ tay nhảy nhót, hoan hô, lăn đi lật lại, tiến lui lên xuống.
Những trò chơi này thường có chuông trống náo loạn, ngâm vịnh, nhảy múa góp vui. Lúc bày cuộc vui náo nhiệt, thờ phụng, quỷ điên vui vẻ hưởng lễ, không để ý đến việc khác.
Vân Du lừa lúc nó không đề phòng, đọc câu quyết thần bí, dùng kiếm chém chết. Bộ hạ của quỷ điên chạy tan tác. Từ đó yêu khí hết, dân chúng yên ổn làm ăn."
Qua câu chuyện trên, chúng ta hiểu thêm thời xa xưa, Bạch Hạc không chỉ có những lễ hội bơi chải, giã bánh dày như bây giờ mà còn có những trò diễn văn hóa dân gian cổ xưa, độc đáo.
Những trò diễn này diễn ra dịp cuối năm, tiến hành tỉ mỉ, lần lượt từng tiết mục, từng động tác trong không gian náo nhiệt.
Những động tác khỏe khoắn, điêu luyện của trò diễn như phi ngựa, chạy nhảy trên dây, lăn lộn gào thét y như làm xiếc thời nay.
Phải chăng Bạch Hạc là vùng đất phát tích nghề xiếc Việt Nam? Trò chơi tổng hợp này có chiêng trống phụ họa, nhảy múa, ngâm vịnh, hát ca, cực kỳ cuốn hút.
Nếu những trò diễn cổ xưa này được phục dựng trong thời hiện đại chắc chắn sẽ làm sống lại nét độc đáo của di sản văn hóa phi vật thể một thời đã bị chúng ta quên lãng.
***
Diệt Mộc Tinh
Lĩnh Nam Chích Quái chép:
“Mộc Tinh trải không biết bao năm, khô héo rồi biến thành yêu tinh, rất dũng mãnh, giết người hại vật. Kinh Dương Vương dùng thuật thần đánh thắng nó.
Nó hơi chịu khuất phục nhưng vẫn nay đây mai đó, biến hóa khôn lường, thường ăn thịt người. Dân phải lập đền thờ.
Hàng năm 30 tháng Chạp, theo lệ phải mang người sống tới nộp, nó mới cho yên ổn. Dân thường gọi Quỷ Xương Cuồng.
Biên giới Tây Nam giáp nước Mi Hầu, vua nước này sai dân mọi ở Bà Lộ (nay phủ Diễn Châu) bắt giống mọi sống ở Sơn Nguyên tới nạp, thành lệ thường mọi năm.
Tần Thủy Hoàng cho Nhâm Ngao làm Quan Lệnh huyện Long Xuyên, Ngao muốn bỏ lệ đó, cấm nạp lễ người sống, Xương Cuồng tức giận vật chết Ngao. Sau phải phụng thờ nhiều hơn.
Đời Đinh Tiên Hoàng có pháp sư Du Văn Tường người phương Bắc, đức hạnh thanh cao, khoảng 40 tuổi qua nhiều nước, biết tiếng các dân mọi, học thuật làm mình vàng và răng đồng, sang nước Nam lúc hơn 80 tuổi.
Tiên Hoàng lấy lễ thầy trò mà tiếp, pháp sư dạy pháp thuật làm trò vui cho Xương Cuồng xem để giết y.
Người biết pháp thuật này có Thượng Kỵ, Thượng Can, Thượng Đát, Thượng Toái, Thượng Hiểm Can, thường làm người cưỡi ngựa hoặc làm bọn con hát.
Hàng năm tháng 11 dựng lầu cầu vồng cao 20 trượng, dựng một cây đứng ở trong, tết vỏ gai làm dây thừng dài 136 thước, đường kính rộng 3 tấc, lấy mây quấn ngoài rồi chôn hai đầu dây xuống đất, ở giữa gác lên cây.
Thượng Kỵ đứng lên dây chạy nhanh 3, 4 lần, đi lại không ngã. Kỵ đội khăn đen, mặc quần đen. Dây của Thượng Can dài 150 thước, có một chỗ mắc chạc ba. Hai người (mỗi người cầm một cán cờ) đi trên dây, gặp nhau ở chỗ chạc ba thì tránh, lên xuống không ngã.
Khi thì Thượng Đát lấy tấm gỗ lớn rộng 1 thước 3 tấc, dày 7 tấc đặt lên cây cao 17 thước, Đát đứng ở trên nhảy 2, 3 lần, tiến tiến lùi lùi.
Khi thì Thượng Toái lấy tre đan thành lồng giống cái lờ bắt cá, dài 3 thước, tròn 4 thước rồi chui vào đứng thẳng mình mà không ngã.
Khi thì Thượng Câu vỗ tay nhảy nhót, miệng la hét kêu gào, chuyển động chân tay, rờ xương vỗ bụng, tiến lên lùi xuống, hoặc làm người cưỡi ngựa phi nhảy, cúi xuống nhặt vật dưới đất mà không rơi khỏi lưng ngựa.
Khi thì Thượng Hiểm Can ngả mình nằm ngửa, lấy thân đỡ một gậy dài cho đứa trẻ trèo lên. Khi thì cho bọn ca hát gõ trống khua chiêng, ca múa rầm rĩ. Giết súc vật mà tế.
Xương Cuồng tới xem, pháp sư đọc mật chú, lấy kiếm chém. Xương Cuồng cùng bộ hạ chết hết. Lệ làm lễ nạp dâng người sống hàng năm bèn bỏ, dân sống yên lành như xưa.”
***
Mộc Tinh là “ma mộc” gỗ khô, tức những gì hư hóa, nhất là các thứ dị đoan. Long Quân cũng đuổi đi, sau có người dùng ma thuật cũng chỉ tạm bợ, nên nó còn lưu hành trong dân gian, nhưng cả ba thứ tinh không còn nhô đầu lên văn đàn được nữa. Hồ Tinh, Ngư Tinh chỉ còn tác hại dưới hình thức du mục võ biền.
baophutho.vn/dat-nguoi-phu-tho/201304/Cay-chien-dan-va-nhung-tro-dien-xua-o-dat-Bach-Hac-2232141/
vi.wikipedia.org/wiki/Kinh_Dương_Vương
vi.wikipedia.org/wiki/Đại_Việt_sử_lược
informatik.uni-leipzig.de/~duc/sach/dvsktt/dvsktt01.html.