Âm tiền cả năm

HuongNguyen_93

怠惰なエディタ
Thành viên thân thiết
Tham gia
31/12/2011
Bài viết
3.334
Chi tiêu như thế nào để không rơi vào tình trạng “đầu tháng ăn thịt cá, cuối tháng uống nước lã cầm hơi” là chuyện không hề đơn giản đối với sinh viên.


Sinh viên đi làm thêm để kiếm thêm thu nhập – Ảnh: Vân Anh

Thiếu quá hóa liều

Nguyễn Văn Tùng, sinh viên Trường CĐ Hàng hải Hải Phòng, cho biết: “Một tháng mình cần tối thiểu 1,5 triệu đồng cho chi phí sinh hoạt gồm tiền nhà trọ và tiền ăn”. Bên cạnh đó là các khoản chi tiêu khác như tiền sách vở, tiền xăng xe, điện thoại, nhậu nhẹt, uống nước với bạn bè. Đó là chưa kể thêm khoản… tình phí: “Mình chưa có người yêu nên không phải lo khoản này, nhưng mấy thằng bạn của mình mất kha khá cho vụ tình phí”, Tùng cho biết thêm.

Tại TP.HCM, nơi được coi có mức sống đắt đỏ nhất cả nước, chi phí sinh hoạt của sinh viên cũng cao hơn. “Mỗi tháng mình được gia đình gửi cho 2,7 triệu đồng, nhưng tiền nhà trọ đã hết hơn 1 triệu đồng”, Nguyễn Văn Duy, sinh viên Trường ĐH Mở cho hay. Với số tiền 1,7 triệu đồng còn lại, Duy chẳng biết mình tiêu những gì mà hết vèo trong thời gian ngắn.

“Đôi khi đầu tháng mình ăn uống thoải mái nhưng cuối tháng phải đi mượn bạn bè. Nhiều lúc có tháng bị âm, tháng sau phải trả bù. Rồi lại bị âm, rồi trả bù…”, Hoàng Văn Hậu, sinh viên Trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội, cho biết. “Đấy là với những người không chơi game, còn những người nghiện game thì không biết bao nhiêu cho đủ”.

Khi lên thành phố học đại học, đồng nghĩa với việc bạn trẻ bắt đầu với cuộc sống tự lập, tự quản lý bản thân và chi tiêu. Sẵn tiền trong tay, không ít sinh viên sử dụng đồng tiền vào những trò chơi vô bổ để rồi lúc túng thiếu thường có hành động liều lĩnh.

Thiên, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, kể về những năm tháng sinh viên của mình. Nhà cậu không thuộc dạng khá giả, nhưng bố mẹ không bao giờ để cậu đói cả, thậm chí máy tính xách tay, xe máy, điện thoại đều có đầy đủ. Nhưng tất cả những thứ đó lần lượt ra đi vì lô đề, bài bạc và những trận cá độ bóng đá. Thậm chí có hôm cậu chỉ uống nước rồi lên gi.ường ngủ vì không có tiền ăn.

Tùng ấm ức kể, phòng cậu mới bị mất máy tính xách tay mà thủ phạm chính là người trọ ở phòng đối diện: “Chỉ vì chơi độ xe nên mới thế. Giờ thì mất tích về quê luôn rồi”. Tiền, sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, buồn bã nói: “Mình cho thằng bạn cùng phòng mượn xe máy đi, rồi nó… đi luôn”. Không chỉ là các vật dụng giá trị như máy tính xách tay, xe máy hay điện thoại mà ngay cả quần áo cũng bị bạn cùng phòng hoặc cùng dãy trọ lấy. Duy than thở, lâu rồi cậu không mua quần áo vậy mà mới hôm trước bị mất cái quần jeans vì phơi ở ban công mà không biết ai lấy nhầm.

Cân bằng chi tiêu

“Dù là 1 triệu hay 10 triệu cũng chẳng biết bao nhiêu mới đủ, quan trọng là phải biết cách chi tiêu”, Duy nói.

Đối với sinh viên nữ, việc chi tiêu cũng được cân nhắc và khéo léo hơn. Nguyễn Thị Hằng, sinh viên Trường ĐH Sài Gòn, chia sẻ bí quyết của mình: “Mình thường tra thông tin trên mạng xem vào dịp lễ các mặt hàng nào được giảm giá để mua những vật dụng cần thiết. Chất lượng vẫn đảm bảo mà giá cả rẻ hơn ngày thường”.

Sau 3 năm học đại học, Nguyễn Thị Hương, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết: “Tháng nào mình bị âm tiền là do việc mua sắm bột phát. Vì vậy phải lên kế hoạch chi tiết cho việc chi tiêu như một ngày ăn bao nhiêu, mua sắm những gì trong tháng. Và phải thực hiện theo đúng kế hoạch chứ không thì bao nhiêu cũng hết”.

Hậu đưa ra kinh nghiệm: “Khi được nhận “lương” từ gia đình, việc đầu tiên là mình đóng tiền nhà, sau đó trả nợ, rồi trích ra một phần đóng tiền ăn chung để không lo bị đói”. Theo Hậu, đi làm thêm cũng là cách để tăng thêm thu nhập mà không tốn thời gian, tiền bạc đi chơi: “Đi làm như thế mình biết được nhiều điều hơn, ngoài ra sẽ giảm bớt chơi bời nhưng lại khá bận rộn. Tuy nhiên, nếu biết cách sắp xếp thời gian thì sẽ ổn”.

Để không phải “viêm màng túi”

Thực ra chúng ta sẽ không ai tài giỏi gì để làm chủ túi tiền của mình nếu không có kế hoạch. Vì vậy, để không phải “viêm màng túi” thì cần phải có kế hoạch và chia nó làm 3 khoản chính: Những thứ cần, bắt buộc chi như: tiền nhà trọ, điện, nước, điện thoại, internet, tiền ăn. Khoản thứ hai sẽ là dự phòng chung để chi các việc đột xuất chiếm khoảng 10% trong tổng tiền chúng ta có. Khoản thứ 3 sẽ là “của để dành”, khoản này không nhất thiết phải đưa ra con số cụ thể nhưng cần phải để lại một ít và “tạm quên” nó, thậm chí xem như là nó không có.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hữu Long

Phòng Tham vấn học đường thuộc Trung tâm hỗ trợ học sinh – sinh viên TP.HCM

Vân Anh (Thanh Niên)
 
×
Quay lại
Top Bottom