9 lỗi thường gặp trong xây dựng đề án kinh doanh

Linh Nhi

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
20/7/2015
Bài viết
1.309
tai-xuong-25-.jpg

Các thí sinh vào đến Vòng chung khảo Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can 2015 phải trải qua phần thi thuyết trình để bảo vệ đề án kinh doanh của mình. Qua đó, các thí sinh đã nhận được nhiều nhận xét cũng chính là những tư vấn thiết thực từ các giám khảo là những doanh nhân đã trải nghiệm và thành công trong nhiều lĩnh vực kinh doanh.

Theo các giám khảo – doanh nhân, đề án kinh doanh của thí sinh tham gia Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can 2015 nói riêng và các đề án kinh doanh của những người đang nuôi ước mơ khởi nghiệp nói chung thường mắc phải những lỗi sau đây:

1. Vướng trở ngại pháp lý

Thực hiện đề án kinh doanh các loại sản phẩm có liên quan đến lĩnh vực sức khỏe, giáo dục… đòi hỏi một sự nghiên cứu kỹ lưỡng về các quy định của pháp luật. “Kinh doanh các thực phẩm bình thường chỉ cần chứng nhận của Sở Y tế nhưng đối với thực phẩm chức năng thì cần phải đáp ứng những quy định khắt khe hơn của Bộ Y tế” - giám khảo Phạm Phú Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trường Lộc góp ý cho một thí sinh.

“Đề án kinh doanh Cửa hàng dưa xoài non Cao Lãnh có kèm theo tên riêng của địa phương. Tuy nhiên, cá nhân sử dụng tên riêng của địa phương làm nhãn hiệu kinh doanh sẽ gặp trở ngại về mặt pháp lý” - giám khảo Trần Hải Linh, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Sen Đỏ cho biết.

2. Chưa giải được bài toán mở rộng quy mô sản xuất

“Với nhãn hiệu Tinh dầu tràm Đồng Hương, trong tương lai, doanh nghiệp (DN) sẽ xử lý như thế nào khi muốn mở rộng quy mô sản xuất sang các loại tinh dầu khác như tinh dầu vỏ bưởi, tinh dầu sả…?” - giám khảo Phan Bảo Giang , Giám đốc điều hành Công ty Saycheese Event Communication đặt vấn đề với một thí sinh. Ông Giang cho rằng, ngay từ đầu, DN nên tránh một sai lầm thường gặp là tự giới hạn quy mô sản xuất kinh doanh của dự án.

Việc kinh doanh mặt hàng “độc, lạ” thường đi liền với đặc thù là sản phẩm được sản xuất với số lượng ít, không đại trà. Nhưng khi DN muốn mở rộng quy mô sản xuất sẽ gặp nhiều khó khăn vì sản phẩm sẽ phải đến được với nhiều khách hàng hơn, dễ dàng đánh mất đi “tuyên ngôn” ban đầu. Lúc này, DN sẽ phải tìm ra phương án để vừa phổ biến sản phẩm vừa giữ vững bản sắc “độc, lạ” cho thương hiệu.

3. Tư duy cảm tính về tài chính

“Phải tính ra được giá thành cụ thể của từng đơn vị sản phẩm, ví dụ như 100ml rượu sẽ có giá bao nhiêu, chỉ có như thế mới có thể thuyết phục được nhà đầu tư, để họ không nghĩ rằng yếu tố tài chính trong đề án được đưa ra một cách cảm tính” - giám khảo Đinh Hà Duy Trinh, Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Công nghệ tin học HPT, góp ý cho đề án kinh doanh Cơ sở sản xuất rượu mận Quang Minh.

Bên cạnh đó, đối với lần đầu tiên thực hiện đề án kinh doanh, các thí sinh nên có một khoảng thời gian thử nghiệm vào thực tiễn để có đầy đủ căn cứ thiết lập bài toán tài chính một cách hợp lý.

4. Không xác định được ưu – nhược điểm của từng nhóm đối tượng lao động cụ thể

Để kinh doanh thành công, DN cần xác định chính xác những ưu – nhược điểm cụ thể của từng nhóm đối tượng lao động.

Chẳng hạn, ưu điểm của lao động sinh viên là chi phí rẻ, có khả năng tiếp thu công nghệ tốt nhưng nhược điểm là họ chỉ phù hợp với làm việc bán thời gian và không muốn cam kết gắn bó lâu dài với DN. Vì thế, nếu mong muốn nhân viên gắn bó lâu dài với công việc thì đối tượng lao động sinh viên là không phù hợp.

"Chọn sinh viên làm đối tượng lao động, đối tượng khảo sát, khách hàng tiềm năng... là 'lối mòn' trong đề án kinh doanh của nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên, để đề án khả thi hơn, chủ đề án cần phải thay đổi cách tiếp cận, mạnh dạn thoát ra khỏi “đặc thù sinh viên” trong cả khâu khảo sát thị trường lẫn định vị đối tượng khách hàng tiềm năng" - giám khảo Tiêu Yến Trinh, Tổng giám đốc Talentnet Corporation cho biết thêm.

5. Lỗi trình bày đề án

Các đề án kinh doanh dù được trình bày lưu loát và có sức thuyết phục nhưng nếu mắc phải những lỗi sơ đẳng trong việc trình bày văn bản như lỗi chính tả, canh lề hay lỗi trình bày slide thuyết trình sẽ khiến đề án nhận những “điểm trừ” lớn.

Khi đó, nhà đầu tư sẽ nhận định rằng chủ nhân của đề án kinh doanh không có tính cẩn thận, tỉ mỉ. Điều này ảnh hưởng lớn đến quyết định đầu tư của họ.

6. Đầu tư lãng phí

Đối với những dự án kinh doanh sản phẩm/dịch vụ đòi hỏi phải vận chuyển nguyên liệu với khối lượng lớn nhưng không thường xuyên, DN không nhất thiết phải chi ra một số tiền lớn để mua phương tiện vì còn phải tốn thêm một khoản chi phí để trả cho việc bảo trì và lương cho tài xế. Giải pháp phù hợp và tiết kiệm hơn là thuê phương tiện mỗi khi cần sử dụng.

Việc đăng thông tin tràn lan trên các ấn bản truyền thông cũng là chiến lược quảng bá lãng phí.

Chẳng hạn, nếu kinh doanh sản phẩm giày vẽ dành cho giới trẻ thì DN không nên đăng thông tin quảng cáo hoặc bài PR lên các tờ báo tin tức xã hội với đối tượng độc giả thường trên 25 tuổi. Để phù hợp với đối tượng khách hàng mục tiêu, chiến lược kinh doanh hiệu quả nhất là chỉ nên chọn lọc những tờ báo, tạp chí, chương trình tivi hướng đến các đối tượng độc giả/khán giả trẻ trung.

7. Chiến lược marketing không hợp lý

Chiến lược marketing không hợp lý sẽ làm giảm đi độ nhận diện thương hiệu.

Ví dụ như việc thiết kế logo mang quá nhiều màu sắc hay chi tiết rườm rà sẽ rất khó đảm bảo hiệu quả hình ảnh khi được thể hiện trên nhiều phiên bản truyền thông khác nhau như băng rôn, backdrop, truyền hình, trang web… Câu slogan của thương hiệu cũng phải nói lên được đặc tính của sản phẩm thì mới ghi dấu ấn đối với người tiêu dùng chứ không nên chung chung kiểu như “phục vụ tốt cho mọi người”, “lựa chọn hoàn hảo cho mọi gia đình”…

Bên cạnh đó, phát hành thẻ khách hàng thân thiết cũng không phải là chiến lược marketing phù hợp với mọi DN. Chiến lược này chỉ dành cho những DN kinh doanh mặt hàng có thể được mua thường xuyên như thực phẩm, nhu yếu phẩm... Còn đối với những mặt hàng không thiết yếu, chẳng hạn như sản phẩm thủ công mỹ nghệ, khách hàng sẽ không lặp đi lặp lại hành vi mua hàng nên không cần phát hành thẻ để giữ chân khách hàng.

8. Tính toán các chỉ số tài chính chưa hợp lý

Một nhược điểm chung của các đề án khởi nghiệp là chưa hiểu kỹ về các chỉ số tài chính, dẫn tới việc tính toán không hợp lý (quá cao hoặc quá thấp). Chẳng hạn, nhiều thí sinh chưa phân biệt rõ giá thành và giá bán sản phẩm, đưa ra chỉ số IRR (tỷ lệ hoàn vốn nội bộ), NPV (giá trị hiện tại thuần) quá cao khiến dự án không có tính khả thi, nhiều chủ dự án còn tính toán dòng tiền chưa đúng…

Ngoài ra, việc hoạch định con số doanh thu kỳ vọng cũng như ước lượng số vốn đầu tư chưa sát với thực tế cũng là một trong nhiều nguyên nhân khiến đề án kinh doanh thiếu tính khả thi.

9. Thiếu đầu tư kiến thức và nghiên cứu thị trường

Để tiến hành nghiên cứu thị trường, trước hết chủ dự án kinh doanh phải am hiểu về lĩnh vực chuyên môn cũng như lựa chọn phương pháp nghiên cứu hợp lý. Xác định sai khách hàng mục tiêu, lựa chọn đối tượng khảo sát chưa phù hợp, số lượng mẫu khảo sát quá thấp (không thể mang tính đại diện)… sẽ dẫn đến định hướng sai chiến lược phát triển sản phẩm kinh doanh, bài toán tài chính và sau cùng là tầm nhìn dài hạn của chủ dự án kinh doanh.

Khi muốn kinh doanh lĩnh vực thực phẩm, người thực hiện đề án cũng phải lưu ý đầu tư đầy đủ những kiến thức, kỹ năng, như: quy trình chế biến hợp vệ sinh, cách lưu trữ sản phẩm mẫu, hàm lượng nguyên liệu như thế nào trong từng món ăn thì đảm bảo tốt cho sức khỏe…

(Theo Doanh Nhân Sài Gòn)​
 
×
Quay lại
Top Bottom