9+5, mô hình phân luồng mới

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
Dự kiến trong 2 năm học tới, TPHCM sẽ có 15% học sinh tốt nghiệp THCS và 60% tốt nghiệp THPT vào học hệ giáo dục chuyên nghiệp.

351ec8d8a686fb.img.jpg
Học sinh, sinh viên Khoa Y Dược Trường Trung cấp Bách khoa Sài Gòn trong giờ thực hành.

Để đạt được mục tiêu này, thành phố sẽ đẩy mạnh các giải pháp phân luồng học sinh, trong đó thí điểm xây dựng mô hình đào tạo phân luồng tiên tiến.

Chọn ngã rẽ phù hợp

Theo Sở GD-ĐT TPHCM, năm học 2012-2013, TPHCM có khoảng 5.000 học sinh rớt lớp 10 công lập. Số học sinh này có quyền lựa chọn các trường tư thục, dân lập, trung tâm giáo dục thường xuyên để học tiếp lớp 10. Thế nhưng, trước khi đăng ký học tiếp bậc THPT, nhiều phụ huynh chưa lưu ý đến năng lực, sức học các môn văn hóa của con em mình. Họ chấp nhận đóng học phí cao để con mình học ở các trường tư thục nhưng do học lực yếu nên nhiều học sinh tỏ ra chán nản, muốn nghỉ học. Vì thế, nếu được định hướng-giáo dục nghề nghiệp và chọn trường trung cấp chuyên nghiệp hoặc trường nghề phù hợp với năng khiếu, sở trường, các em sẽ thích thú hơn.

TS Châu Văn Dưỡng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách khoa Sài Gòn, cho biết: “Trường chúng tôi sẽ đón nhận tất cả học sinh ở huyện Củ Chi thi vào lớp 10 dưới 30 điểm, không đủ điều kiện học lớp 10 hoặc học sinh lưu ban lớp 10, đến trường để tư vấn chọn nghề hướng nghiệp tương lai phù hợp với năng lực và hoàn cảnh gia đình”. Trường ký kết với một tập đoàn của Nhật Bản nên có chính sách hỗ trợ 30% học phí và tạo điều kiện cho học viên thực hành, có việc làm bán thời gian. Không chỉ có chính sách hỗ trợ học viên học nghề, ở ký túc xá miễn phí, trường còn giới thiệu việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp. Tuy tốt nghiệp hệ trung cấp, nhưng nhiều học viên của trường dễ dàng tìm được việc làm ổn định với thu nhập cao (khoảng 8-10 triệu đồng/tháng) không thua gì cử nhân.

Thời gian gần đây, nhiều trường trung cấp chuyên nghiệp và trường nghề ở TPHCM đã đầu tư đổi mới cơ sở vật chất, máy móc trang thiết bị, áp dụng phương pháp đào tạo tiên tiến để thu hút học sinh. Thế nhưng, thông tin về những cơ sở đào tạo có môi trường giáo dục nghề nghiệp khá tốt, có thể yên tâm chọn nghề nghiệp vững chắc cho tương lai, vẫn chưa phủ sóng rộng đến phụ huynh, học sinh. Đó là trăn trở của không ít hiệu trưởng trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Điều này cho thấy công tác tư vấn-hướng nghiệp tại các trường trung học, nhất là kết nối thông tin về giáo dục chuyên nghiệp vẫn còn nhiều khoảng trống.

Theo các chuyên gia giáo dục, cần đổi mới nền giáo dục để đánh giá đúng năng lực học tập của từng học sinh, từ đó phân luồng ngay sau khi các em tốt nghiệp THCS. Có như thế chúng ta không phải loay hoay hạ quyết tâm cả chục năm nay nhưng tỷ lệ phân luồng học sinh vẫn giẫm chân tại chỗ hoặc nhỉnh hơn một chút. Trong khi đó yêu cầu cần nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật, chuyên môn, kỹ năng cao cho nền kinh tế thời kỳ hội nhập quốc tế luôn cấp thiết.

Đào tạo hệ 9+5

Theo ông Lưu Đức Tiến, Phó Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT TPHCM, nhằm tiếp cận chuẩn đào tạo giáo dục chuyên nghiệp trong khu vực, gần đây, ngành giáo dục TPHCM đã đẩy mạnh việc chuyển giao, tổ chức giảng dạy theo mô hình tiên tiến của Singapore tại 4 trường chuyên nghiệp và thí điểm chương trình đào tạo 2 ngành truyền thông đa phương tiện, cơ điện tử của Trường Singapore Polytechnic. Chương trình đào tạo, giáo trình, trang thiết bị, giảng viên được huấn luyện theo chuẩn chất lượng của trường này.

Bên cạnh đó, một số trường CĐ như Công nghệ Thủ Đức, Kinh tế kỹ thuật Phú Lâm, Kỹ thuật Lý Tự Trọng cũng hợp tác đào tạo nghề với Hàn Quốc, Trung Quốc… Để sinh viên ra trường thích ứng với công nghệ và môi trường làm việc tiên tiến, các trường không chỉ đầu tư trang thiết bị, công nghệ, vừa đổi mới chương trình đào tạo, tiếp cận thực tiễn sản xuất tại công ty, xí nghiệp. Nhờ chú trọng gắn kết giữa đào tạo - doanh nghiệp, đầu ra ở những trường đào tạo có uy tín, thương hiệu luôn được xã hội, thị trường lao động đón nhận.

Tuy nhiên, so với yêu cầu, sự chuyển động đổi mới của hệ thống giáo dục chuyên nghiệp ở TPHCM còn chậm chạp, chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của nền kinh tế. Không chỉ thiếu trang thiết bị, máy móc hiện đại để đào tạo bài bản, tiếp cận chuẩn tiên tiến, đội ngũ giảng viên ở nhiều cơ sở đào tạo vừa thiếu vừa yếu về chuyên môn, nghiệp vụ.

Do chạy theo số lượng, lợi nhuận, nhiều trường trung cấp chuyên nghiệp chỉ dạy học sinh kiến thức “chay” mà không tạo điều kiện thực hành, nâng cao tay nghề. Chính vì thế, chất lượng đầu ra ở các trường trung cấp chuyên nghiệp thấp, tỷ lệ thất nghiệp cao khiến học sinh e dè chọn lựa.

Một nguyên nhân sâu xa lưu cữu khiến học sinh quay lưng với trường trung cấp chuyên nghiệp, trường nghề là do tâm lý chuộng bằng cấp, khoa bảng vẫn ngự trị trong xã hội. Theo ông Lưu Đức Tiến, để khắc phục trở ngại này, Sở GD-ĐT TP đang xây dựng thí điểm đào tạo phân luồng tiên tiến theo mô hình của Nhật Bản.

Cụ thể, mô hình tiên tiến tiếp cận chuẩn trong khu vực này sẽ đào tạo học sinh hệ 9+5. Nghĩa là học sinh tốt nghiệp THCS sẽ học tiếp 5 năm và nhận bằng tốt nghiệp cử nhân chính quy hệ cao đẳng. Ở giai đoạn 1 (hai năm đầu) học sinh sẽ học văn hóa và nghề nghiệp sơ cấp. Giai đoạn 2, hoàn tất trình độ trung cấp và năm cuối học xong trình độ cao đẳng. Sau khi đề án được phê duyệt, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ chọn 3 trường thí điểm đào tạo gồm: Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, CĐ Công nghệ thực phẩm, CĐ Viễn Đông. Hy vọng, phương thức đào tạo tiên tiến này sẽ mở rộng cửa thu hút học sinh vào con đường vừa học nghề vừa học văn hóa và ra trường sẽ có việc làm ổn định.


Theo Xaluan
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
Quay lại
Top Bottom