Cuốn sách bạn đang cầm trong tay, như tên gọi của nó, là cuốn sách chỉ dẫn tường tận cho những sinh viên muốn có một trải nghiệm học vấn đại học tốt nhất.
Tác giả là giáo sư của một đại học ở Mỹ, am hiểu mọi ngõ ngách, mọi phương diện của sinh hoạt đại học, từ lớp học nhỏ đến giảng đường lớn; từ học phí đến những chọn lựa đầu tiên có tính quyết định; từ cuộc sống ký túc xá đến hoạt động ngoại khóa; từ tính chất của các loại giảng khóa đến “mặt trái” của điểm số, xếp hạng hay danh tiếng của sinh viên và giảng viên; từ việc viết luận văn cuối khóa đến việc xem xét cách giao tiếp với các giáo sư; từ công việc nghiên cứu đến sự cân bằng giữa nghiên cứu và giảng dạy của sinh viên cao học và các giáo sư; từ sự đa dạng của chương trình giáo dục khai phóng (liberal arts) đến một thị trường lao động mở cho các sinh viên ra trường không mang theo kỹ năng hành nghề mà mang theo một tâm hồn khao khát tiếp tục tìm hiểu và khám phá (mà tác giả cho là sự may mắn kép của xã hội Mỹ)...
Tất cả 75 lời khuyên đều thiết thực và quí báu, như những món hành trang trên con đường đại học mà, theo lời tác giả, bạn có thể thu nhặt ngẫu nhiên, chứ không nhất thiết phải sắp xếp thành hệ thống. Tác giả cung cấp một bức tranh đại học Mỹ, một xứ sở có các đại học luôn ở top trên và chiếm số đông trên bảng xếp hạng các đại học tốt nhất thế giới. Vì thế, tại Việt Nam, sự học tập các mô hình và tinh thần đại học Mỹ hiện đang trở thành phong trào thể hiện không chỉ trong từng sinh viên du học, trong mỗi trường đại học qua các chương trình hợp tác quốc tế, mà quan trọng hơn cả, trên bình diện quốc gia, là nỗ lực của chúng ta muốn hợp tác toàn diện về giáo dục với người Mỹ.
Bức tranh đó dĩ nhiên có nhiều mặt lạ lẫm với sinh viên Việt Nam và ngay cả với người đọc già dặn. Nhưng khi đi vào từng lời khuyên, lời mách nước như cầm tay chỉ việc của tác giả, thì sự khác biệt đó mờ dần đi. Bạn sẽ thấy, xuyên qua 75 lời khuyên này, thực chất là những dấu đi đường, một đại học của chính mình với tất cả những đường nét gần gũi như bạn từng trải qua hoặc lâu nay vẫn hình dung, đồng thời là một đại học xa lạ vì lần đầu tiên bạn được nghe nói đến rất nhiều bí mật, những thách thức mới mẻ, và từ đó những tiền giả định (assumption) hoặc/và những định kiến bị phá vỡ, những huyền thoại bị giải hoặc. Đó có thể là những điều tương phản với trải nghiệm và suy tư còn đơn giản của bạn. Đó cũng có thể là những cánh cửa nhỏ mở ra từng vuông sân mới để suy nghĩ cho tất cả những ai từng có một niềm tin vững chắc về hình ảnh và tinh thần và nội dung của một đại học. Mở ra trước mắt chúng ta là một trường đại học lý tưởng, không phải vì tất cả những vẻ đẹp và ưu điểm của nó, mà vì không ít khía cạnh tiêu cực và khuyết điểm trong học tập, giảng dạy, nghiên cứu, tương tác, sinh hoạt, tổ chức của một trường đại học đã được nêu ra thật bình dị, để tránh.
Nói tóm lại, đây là một toàn cảnh đại học, được viết nên không phải bằng sự đúc kết lô-gic mà bằng sự trải nghiệm của cá nhânmột người đã “làm việc khá lâu trong lĩnh vực giáo dục” và có lẽ đã có những tháng ngày có ý nghĩa nhất bên học trò và đồng nghiệp trong sân trường, giảng đường, phòng nghiên cứu đại học. Đây là một toàn cảnh đại học trong thực tiễn và trong kỳ vọng. Nó rộng lớn và đẹp hơn cái hình ảnh đại học từng được nhìn ngắm quen thuộc hay từng in sâu trong trí tưởng tượng bạn. Nó rộng lớn và đẹp hơn vì sự có mặt sinh động với bao băn khoăn, hoài bão của chính bạn đấy! Nếu bạn không có cảm thức tích cực đó, thì hoặc bạn hoặc tác giả cuốn sách này đã chọn nhầm nhau.
Cuốn sách đặc biệt bổ ích đối với các bạn sinh viên năm thứ nhất và các sinh viên cao học.
Nó còn dành cho các giảng viên và các nhà quản lý đại học muốn mở rộng kích thước học vấn cho sinh viên của mình, và để thấy rằng mỗi sinh viên là một thế giới của những quan tâm riêng biệt, chứ không phải là một đơn vị của cái khối ý chí đơn thuần ham học trước mắt quí vị hàng ngày.
Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.