- Tham gia
- 31/7/2018
- Bài viết
- 407
Những thông tin về tình hình kinh tế bất ổn thường xuyên lấn át trên các trang báo và điều này hẳn nhiên sẽ gây cho bạn nỗi lo lắng mơ hồ, nhất là khi bạn đang trong giai đoạn tìm kiếm việc làm.
Dẫu vậy thì thay vì cảm thấy vô vọng, bạn cần nhớ rằng, ở bất kỳ giai đoạn kinh tế nào thì các công ty vẫn luôn cần những ứng viên có năng lực. Bằng cách điều chỉnh hiệu quả chiến lược “săn” việc, có thể bạn sẽ kiếm được một vị trí tưởng như ngoài tầm với.
Dưới đây là những cái bẫy mà các ứng viên thường mắc phải và cách giải quyết chúng.
1. Bạn đặt tất cả "trứng" của mình trong một cái giỏ
Nếu giống như đa số các ứng viên, có thể bạn cũng coi Internet là lựa chọn hàng đầu trong khi tìm việc. Đúng là web rất tiện dụng, nó giúp bạn tìm ra các ông chủ tương lai, xác định mau chóng các công ty đang có nhu cầu tuyển và cả những vị trí công việc cụ thể xung quanh khu vực bạn ở, nhưng nó cũng chỉ là một trong rất nhiều phương tiện bạn khai thác. Bạn cũng nên để ý kiếm tìm trong các ấn phẩm kinh doanh thương mại, nên kết giao với các bạn cùng ngành và nên đăng ký tìm việc tại một trung tâm môi giới việc làm để tăng thêm cơ hội cho mình.
2. Bạn không coi tìm việc là một công việc full-time của mình
Mỗi tuần gửi đi một nhúm hồ sơ xin việc thì cũng giống như rót một chai nước vào đại dương và hy vọng ai đó sẽ hồi đáp lại thông điệp bạn gửi gắm. Để tìm việc, bạn cần phải mở rộng phạm vi “quăng lưới”. Đây là một trò chơi con số, bạn càng gửi nhiều hồ sơ, gửi nhiều yêu cần và được phỏng vấn nhiều thì cơ hội thành công của bạn càng lớn. Tất nhiên, tất cả những việc này đòi hỏi bạn phải đầu tư thời gian và công sức, vì vậy hãy bỏ ra ít nhất vài tiếng mỗi ngày để tập trung vào công cuộc tìm việc của mình.
3. Bạn vẫn còn sơ suất
Bạn tin hay không thì tuỳ nhưng ngay cả một lỗi morát hay chính tả rất nhỏ thôi trong đơn xin việc cũng đủ để bạn trở thành “quan sát viên” trong cuộc chạy đua tìm việc. Trước hàng tá, có khi hàng trăm ứng viên cần phải đánh giá, nhà tuyển dụng hiển nhiên sẽ chẳng ngại ngần loại bỏ một hồ sơ có những lỗi dù đơn giản. Theo một điều tra của hãng HR International, 47% giám đốc khẳng định, chỉ một lỗi mo rát trên đơn xin việc cũng có thể loại bỏ ứng viên khỏi vị trí mong muốn.
Hãy nhờ ai đó xem lại cho bạn các giấy tờ trong hồ sơ xin việc trước khi gửi đi. Dành ra khoảng 10 phút để kiểm tra lại mọi thứ đã thực sự hoàn hảo chưa trước khi gửi đi một bộ hồ sơ còn khiếm khuyết.
4. Bạn không hỏi han gì về hồ sơ của mình sau khi nộp
Có một cách dễ nhất để bạn nổi bật lên giữa một đám đông ứng viên là hãy hỏi nhà tuyển dụng về việc nộp hồ sơ của bạn. Cũng theo điều tra của hãng HR International, 86% giám đốc cho rằng các ứng viên nên liên hệ với nhà tuyển dụng trong vòng hai tuần sau khi gửi đơn xin việc và thư giới thiệu. Dù vậy thì rất ít các ứng viên làm được như thế. Thường thì chỉ cần một cuộc điện thoại hay một bức email để khẳng định lại sự quan tâm với vị trí và những phẩm chất phù hợp với vị trí của bạn cũng đã đủ để ông chủ tương lai “ngắm nghía” lại hồ sơ của bạn rồi.
5. Bạn sửa chữa quá nhiều “vấn đề”
Các ứng viên bình thường sau một thời gian tìm việc thường lại quá chú trọng tới việc trau chuốt tất cả những yếu tố như hồ sơ xin việc, thư giới thiệu, kỹ năng phỏng vấn. Đây là một sự nhầm lẫn. Việc đánh giá tất cả các khía cạnh trong quá trình tìm việc của mình và sửa chữa lại từng khía cạnh cũng giống như bạn uống tới 10 loại thuốc khác nhau chỉ để điều trị một cơn đầu nhẹ do lạnh của mình. Công việc đó làm tốn quá nhiều công sức của bạn mà có khi lợi bất cập hại.
Một phương pháp tốt hơn là bạn hãy chẩn đoán “căn bệnh” cụ thể trong tìm việc của mình và tập trung tăng cường phần đó thôi. Chẳng hạn bạn đã trải qua rất nhiều cuộc phỏng vấn nhưng lại chưa nhận được lời mời làm việc nào. Vấn đề nhiều khả năng nằm ở những kỹ năng phỏng vấn của mình, sau đó có thể là đơn xin việc, thư giới thiệu và khả năng lôi kéo sự quan tâm của ứng viên với bạn. Hãy tạo ra những thay đổi đáng kể với hồ sơ xin việc của bạn để các công ty khác sẽ để mắt tới nó. Cùng với đó, hãy nghiền ngẫm lại các câu hỏi mà nhà tuyển dụng đặt ra với bạn từ trước tới nay để luyện lập lại với một người bạn, đây là việc cần làm với bạn trước khi “tấn công” sang một vị trí công việc mới.
6. Bạn không có các mối quan hệ công việc
Một thực tế cho thấy, kết giao chính là phương thức tìm hiệu quả nhất. Mời lời đề xuất của người quen nào đó của bạn có thể đưa bạn tới một cuộc phỏng vấn hay đặt đơn xin việc của bạn lên hàng trước nhất. Ngay cả khi bạn bè của bạn không biết có vị trí nào còn ngỏ thì họ vẫn có thể giới thiệu bạn với những người khác có thể biết về công việc bạn đang cần.
Điểm tốt nhất trong kết giao bè bạn là nó dễ dàng hơn bạn tưởng rất nhiều. Hãy trò chuyện với bạn bè, những người thân trong gia đình, đồng nghiệp cũ, các chuyên gia, giám sát trong những sự kiện của ngành và ngay cả với các bác sỹ về vấn đề tìm việc của bạn.
7. Bạn vẫn chưa đăng ký tìm việc ở trung tâm môi giới việc làm
Việc này có thể khuyếch trương mạng lưới kết giao của bạn đáng kể. Những người làm việc trong các công ty này có rất nhiều quan hệ trong lĩnh vực ngành nghề của họ và thường biết rõ các vị trí cần tuyển song lại không quảng bá rộng rãi. Thêm nữa, các chuyên gia việc làm có thể giải quyết rất nhiều quá trình tìm việc cho bạn như quảng bá đơn xin việc, tổ chức phỏng vấn và theo dõi những cơ hội giàu tiềm năng.
Như đã nói, ngay cả trong những giai đoạn kinh tế bất ổn thì các công ty vẫn luôn tìm kiếm những ứng viên có kỹ năng và trình độ cao. Biết cách tránh bỏ những cái bẫy trên, bạn sẽ chứng tỏ được giá trị của mình tốt hơn với nhà tuyển dụng và gia tăng cơ hội tìm được công việc mong muốn cho mình.