50 sự thật thú vị về Trái Đất (Phần 2)

Mèo Cọp

“This world is merciless.”
Thành viên thân thiết
Tham gia
25/11/2012
Bài viết
351
(kenhsinhvien.vn) Từ khí hậu khắc nghiệt tới những sinh vật kì dị, sau đây là top những sự thật về Trái Đất.

26. HỒ CÓ THỂ PHÁT NỔ

Ảnh: Jack Lockwood, 1986.

Ở Cameroon và trên biên giới giữa Rwanda và Cộng hoà Dân chủ Congo, có 3 hồ gây chết người: Nyos, Monoun và Kivu. Cả ba hồ đều là hồ miệng núi lửa nằm trên đất núi lửa. Mắc ma bên dưới bề mặt giải phóng cacbon dioxit vào hồ, tạo nên một lớp giàu cacbon dioxit sâu ngay trên lòng hồ. Cacbon dioxit đó có thể được giải phóng qua một vụ nổ, làm ngạt thở bất kỳ ai đi ngang qua.

27. CHÚNG TA ĐANG MẤT ĐI NƯỚC NGỌT

Ảnh: Angus Duncan.

Khi khí hậu thay đổi, các sông băng thu hẹp và góp phần làm tăng mực nước biển. Có một dãy sông băng đang góp một con số khổng lồ 10% lượng nước tan chảy trên thế giới. Vinh dự đó thuộc về vùng Bắc Cực của Canada, vùng này đã mất một lượng băng tương đương 75% hồ Erie từ năm 2004 tới năm 2009.

28. SÔNG BĂNG ĐANG TAN NHANH

Ảnh: Getty Images.

Nhân loại để lại dấu ấn trên hành tinh theo đủ mọi cách thức kì lạ. Đơn cử như những cuộc thử nghiệm hạt nhân những năm 1950 đã thải một lớp bụi phóng xạ vào khí quyển. Những hạt bụi phóng xạ đó cuối cùng rơi xuống theo mưa và tuyết, và một phần lượng mưa đó bị giữ lại trong các sông băng, hình thành nên một lớp mỏng giúp các nhà khoa học xác định niên đại của băng.

Tuy nhiên, một số sông băng đang tan rất nhanh đến độ một nửa thế kỷ lịch sử đã biến mất.


29. TRÁI ĐẤT TỪNG CÓ MÀU TÍM

Ảnh: Feng Yu/Shutterstock.

Trái Đất từng có màu tím. Sự sống trên Trái Đất thuở hồng hoang có thể từng có màu tím tương tự màu xanh của hiện tại. Cổ khuẩn có thể đã sử dụng một loại phân tử khác không phải là chất diệp lục để tận dụng ánh sáng mặt trời, chất đó trao cho sinh vật một màu tím.

Các nhà khoa học cho rằng chất diệp lục xuất hiện sau khi một loại phân tử nhạy sáng khác gọi là retinal đã có mặt trên Trái Đất thuở sơ khai rồi. Retinal ngày nay được tìm thấy trong lớp màng màu mận chín của một loài vi khuẩn sống nhờ quang hợp là halobacteria, hấp thụ ánh sáng xanh lục và phản chiếu lại ánh sáng đỏ và tím, sự kết hợp ấy tạo ra màu tím. Ý tưởng này có thể giải thích tại sao mặc dù mặt trời truyền phần lớn năng lượng ở phổ xanh lục của quang phổ khả kiến, nhưng chất diệp lục chỉ hấp thụ bước sóng xanh lam và đỏ.


30. TRÁI ĐẤT CÓ ĐIỆN

Ảnh: Getty Images.

Sấm và sét cho thấy một bộ mặt dữ dội hơn của hành tinh này. Một tia sét đánh có thể làm nóng không khí đến khoảng 30.000 độ C, khiến không khí giãn nở nhanh chóng. Khối khí giãn nở đó tạo ra một làn sóng xung kích và cuối cùng là một vụ nổ, gọi dễ hiểu hơn là sấm.

Sự thật thêm: Bạn có biết có khoảng 6000 tia chớp xung quanh Trái Đất mỗi phút?


31. TRÁI ĐẤT ĐƯỢC BIỂN BAO PHỦ

Ảnh: Getty Images.

Các đại dương bao phủ khoảng 70% bề mặt Trái Đất, nhưng con người chỉ mới khám phá và lập bản đồ được khoảng 20%, nghĩa là phần lớn biển cả bao la của hành tinh này chưa được quan sát hết.

Khoảng 300 triệu năm trước, chỉ có một lục địa. Siêu lục địa khổng lồ đó gọi là Pangaea. Điều đó đồng nghĩa chỉ có một đại dương khổng lồ, gọi là Panthalassa.


32. TRÁI ĐẤT CHỨA ĐẦY CHÂU BÁU

Ảnh: Getty Images.

Và những đại dương bao la giàu có ấy chứa hơn 20 triệu tấn vàng. Nhưng bạn chớ vội xách xẻng lên đường, vì vàng loãng đến mức mỗi lít nước biển chứa trung bình chỉ khoảng 13 phần triệu gam vàng. Vàng chưa hoà tan cũng nằm trong đất đá dưới đáy biển, nhưng lại không có cách nào hiệu quả để chạm tới được thứ kim loại quý giá ấy. Nếu chúng ta có thể chiết xuất tất cả vàng, mỗi người trên Trái Đất có thể sở hữu 4 kg vàng lấp lánh.

33. TRÁI ĐẤT BỊ BỤI VŨ TRỤ BAO PHỦ

Ảnh: Getty Images.

Mỗi ngày hành tinh của chúng ta đều được rải bụi “tiên”, hay bụi từ trên trời. Mỗi ngày có khoảng 100 tấn vật chất liên hành tinh (phần lớn ở dạng bụi) bay xuống bề mặt Trái Đất. Những hạt bụi bé xíu ấy do các sao chổi giải phóng ra khi băng của chúng bốc hơi gần mặt trời.

34. CHÚNG TA ĐANG QUAY QUANH MỘT NGÔI SAO

Ảnh: Getty Images

Trái Đất cách mặt trời khoảng 150 triệu kilomet. Với khoảng cách đó, ánh sáng mặt trời cần tốn khoảng 8 phút 19 giây để đến được Trái Đất.

35. CÓ MỘT THIÊN THỂ TỪNG VA CHẠM VỚI MẶT TRĂNG

Ảnh: NASA/GSFC.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng xưa kia một số thiên thể lớn từng đâm vào Trái Đất, và những mảnh vỡ đã kết hợp lại thành mặt trăng của chúng ta. Không rõ liệu thiên thể va chạm đó là một hành tinh, tiểu hành tinh hay sao chổi. Một số nhà khoa học cho rằng kẻ chủ mưu là một hành tinh giả định có kích thước sao Hoả tên là Theia.

36. TỪNG CÓ MỘT SIÊU LỤC ĐỊA

Ảnh: Getty Images.

Giới khoa học cho rằng các lục địa của Trái Đất từng va chạm nhau hình thành nên những siêu lục địa và bị tách ra nhiều lần trong lịch sử 4,5 tỷ năm của Trái Đất. Siêu lục địa gần đây nhất là Pangaea, bắt đầu tách ra khoảng 200 triệu năm trước. Các mảng lục địa tạo nên Pangaea cuối cùng trôi dạt thành hình dáng của những lục địa ngày nay.

37. ĐẤT ĐÁ NÂNG LÊN TẠO THÀNH NÚI

Ảnh: NASA Earth Observatory.

Dù chúng ta không nhìn thấy các mảng đất đá đang nâng lên, được gọi là các mảng kiến tạo, nhưng một số tác động của nó là rất lớn. Đơn cử là dãy Himalaya trải dài 2900 km dọc biên giới Ấn Độ và Tây Tạng. Dãy núi đồ sộ này bắt đầu hình thành khoảng 40-50 triệu năm trước, khi mảng Ấn Độ và Á-Âu va chạm nhau do chuyển động mảng. Sự va chạm kiến tạo này tạo ra những đỉnh núi lởm chởm ở Himalaya.

38. KILAUEA KHÔNG PHẢI LÀ NÚI LỬA HOẠT ĐỘNG NHẤT

Ảnh: Getty Images.

Trong lịch sử, Kilauea được coi là núi lửa hoạt động nhất. Nhưng dù núi lửa Kilauea của Hawaii thường xuyên phun trào, nó vẫn không phải là núi lửa hoạt động nhất trên Trái Đất. Núi lửa hoạt động hơn là núi lửa Stromboli ngoài khơi bờ tây miền nam Italy, đã phun trào gần như liên tục hơn 2000 năm. Những vụ nổ nóng sáng ngoạn mục đã khiến ngọn núi có được danh hiệu “Hải đăng vùng Địa Trung Hải”.

39. TỪNG CÓ MỘT VỤ PHUN TRÀO SIÊU KHỦNG

Ảnh: NASA Earth Observatory.

Vụ phun trào núi lửa lớn nhất được ghi nhận trong lịch sử loài người xảy ra vào tháng 4/1815, đỉnh điểm phun trào của núi Tambora. Vụ phun trào được xếp mức 7 (hay “siêu khủng”) trong thang đo Chỉ số phun trào núi lửa (VEI), vốn đi từ 1 đến 8 và khá giống với thang đo độ lớn của động đất.

Người ra kể rằng vụ nổ ấy rất lớn, ở đảo Sumatra cách hơn 1930 km cũng nghe thấy. Con số tử vong từ vụ phun trào ước tính khoảng 71.000 người, và những đám mây tro bụi dày đặc đã rơi xuống nhiều hòn đảo xa.


40. ĐƯỜNG BỜ BIỂN ĐÔNG ĐÚC

Các đường bờ chiếm khoảng 20% diện tích Hoa Kỳ (không bao gồm Alaska) và là nơi sinh sống của gần 40% dân số Hoa Kỳ.

41. THÁI BÌNH DƯƠNG LÀ BỒN TRŨNG LỚN NHẤT

Ảnh: NOAA.

Thái Bình Dương hiện là bồn trũng đại dương lớn nhất, bao phủ một diện tích khoảng 163 triệu kilomet vuông và chiếm hơn một nửa lượng nước tự do trên Trái Đất. Bồn trũng Thái Bình Dương lớn đến độ tất cả lục địa trên thế giới có thể nằm gọn trong nó.

42. CÂY XANH LÀ NHỮNG GÃ KHỔNG LỒ BIẾT HÔ HẤP

Ảnh: Getty Images.

Khi nghĩ về sự sống kích thước lớn thì ta sẽ nghĩ ngay đến cá voi và voi. Nhưng hãy xem kích thước của loài cây này: Cây cự sam khổng lồ General Sherman là cây thân gỗ có thể tích lớn nhất được biết trên Trái Đất. Thân cây chứa hơn 1.486,6 mét khối vật chất.

43. NẤM KHỔNG LỒ LÀ SINH VẬT SỐNG LỚN NHẤT

Ảnh: Getty Images.

Nếu bạn muốn xác định sinh vật lớn nhất hành tinh, thì có khi bạn phải đặt cược vào một loài nấm khổng lồ. Năm 1992, các nhà khoa học đã công bố đến thế giới về một loài nấm mật ong Armillaria, sinh vật nấm trải dài 2200 mẩu ở Oregon. Có khả năng những nhánh nhỏ của loài siêu nấm này không phải là vô tính, mà chỉ là có quan hệ chặt chẽ với nhau, nhưng dù sau cũng khiến chúng ta ngạc nhiên.

44. LOÀI DƠI NÀY LÀ ĐỘNG VẬT CÓ VÚ NHỎ NHẤT THẾ GIỚI

Ảnh: Fiona Reid/fionareid.ca

Loài dơi mũi heo Kitti, còn gọi là dơi ong nghệ, sống ở Đông Nam Á dài chỉ khoảng 29-33 milimet và nặng chỉ 2 gam, sánh ngang với loài chuột chù Etrusca, vốn nhẹ hơn nhưng dài hơn.

45. TOKYO LÀ THÀNH PHỐ ĐÔNG DÂN NHẤT

Ảnh: Getty Images.

Nếu bạn không thích đám đông, hãy tránh xa Tokyo. Thành phố Nhật Bản này là thành phố đông dân nhất trên thế giới. Theo Đánh giá Dân số Thế giới năm 2021, có 37.435.191 người sống ở đây.

46. GREENLAND CÓ NHIỀU KHÔNG GIAN MỞ NHẤT

Ảnh: Getty Images.

Những tín đồ yêu thích sự vắng vẻ có thể ghé thử qua Greenland. Quốc gia này có mật độ dân số thấp nhất trên Trái Đất. Tính đến năm 2016, có 55.847 người sống trên 2.180.000 kilomet vuông. Tuy nhiên phần lớn các khu dân cư ở Greenland đều co cụm ở bờ biển, nên mật độ dân số thấp này cũng có chút gây hiểu lầm.

47. HOANG MẠC ATACAMA LÀ NƠI KHÔ NHẤT

Ảnh: ESO/S. Guisard

Hoang mạc khô nhất trên Trái Đất không tính ở hai cực là sa mạc Atacama của Chile và Peru. Ở vùng trung tâm của sa mạc này, có những nơi chưa bao giờ ghi nhận có mưa.

48. ROALD AMUNDSEN LÀ NGƯỜI ĐẦU TIÊN ĐẾN NAM CỰC

Nói về hoang mạc, ngưởi đâu tiên vượt qua hoang mạc châu Nam Cực thành công để đi đến điểm Cực Nam là Roald Amundsen người Na Uy. Ông và 4 cộng sự khác đã dùng xe trượt tuyết chó kéo để tới nơi. Amundsen sau đó cho rằng sự thành công của ông là nhờ vào việc lên kế hoạch cẩn thận.

49. CÓ NHỮNG HÀNH TINH KHÁC GIỐNG TRÁI ĐẤT

Ảnh: NASA/Ames/JPL-Caltech

Gần như chắc chắn có những hành tinh giống như Trái Đất chúng ta. Các nhà khoa học vũ trụ đã tìm ra bằng chứng về các hành tinh ấy quay quanh những vì sao xa xôi, gồm cả một hành tinh lạ là Kepler 22-b đang quay trong một khu vực có thể sinh sống được của một ngôi sao rất giống của chúng ta.

Các hành tinh đó có sự sống hay không vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.


50. BẦU TRỜI LẤP LÁNH ÁNH SÁNG NHẢY MÚA

Ảnh: Keith Vanderlinde, National Science Foundation.

Cực quang xảy ra khi các hạt tích điện từ mặt trời bị từ trường của Trái Đất dẫn truyền tới Trái Đất và va chạm với tầng không khí phía trên gần hai cực. Chúng hoạt động hơn khi hoạt động của mặt trời đạt đỉnh trong chu kỳ thời tiết 11 năm của nó.

Ánh sáng phương nam, hay còn gọi là nam cực quang, không thường xảy ra so với bắc cực quang, vì rất ít người có đủ dũng khí để đối mặt với mùa động lạnh giá và tối tăm ở châu Nam Cực.


Dịch bởi Kenhsinhvien.vn
(Theo Live Science)
 
×
Quay lại
Top