10 lời khuyên này ít nhiều sẽ có ích đối các bạn

mai_lady

past - present - future
Thành viên thân thiết
Tham gia
2/3/2012
Bài viết
4.910
Cuộc sống quá ngắn ngủi và quý giá. Hãy làm theo 10 cách sau để giảm bớt nỗi lo lắng và tăng cường niềm vui, tiếng cười trong cuộc đời:


1- Mỗi ngày làm một thứ gì đó khẳng định lại vẻ đẹp và niềm vui cuộc sống. Cho dù là đi dạo, làm vườn, ngồi chơi với trẻ em trong công viên, thưởng thức âm nhạc yêu thích hoặc chỉ ngồi ngắm hoa trong vườn, hãy tự cho phép mình nhớ lại những gì đẹp đẽ quanh ta.

2- Làm điều gì đó tích cực: hiến máu, ủng hộ từ thiện, làm tình nguyện viên tại địa phương. Hành động tự nguyện của bạn sẽ giúp xây dựng một cộng đồng mạnh mẽ hơn, từ đó giúp ích cho tất cả mọi người.

3- Tắt bản tin truyền hình và đài phát thanh. Thay vào đó hãy xem bộ phim yêu thích, rủ cả gia đình ra ngoài vui chơi. Mời bạn thân đến ăn tối. Đi xem hài kịch hoặc phim giải trí. Chơi với trẻ con hoặc chó, mèo.

4- Tìm hiểu hàng xóm. Ra khỏi nhà và gặp gỡ những người bạn chưa thực sự quen biết. Xây dựng tình hàng xóm sẽ giúp bạn an toàn hơn trong cộng đồng những người sống quanh ta. Nói chuyện cũng giúp bạn giảm bớt lo lắng và cảm thấy tốt đẹp hơn về cuộc sống.

5- Cười vang. Cười là một trong những cách tốt nhất để loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực mà không gây hại. Ngoài ra, tiếng cười cũng làm giảm lo lắng, trầm cảm và sợ hãi.

6- Mở đầu và kết thúc một ngày bằng một thông điệp tích cực. Thay vì vừa tỉnh dậy đã bật ngay tivi hoặc vớ lấy tờ báo để xem bản tin thì hãy bắt đầu bằng một bài hát yêu thích hoặc lời cầu nguyện. Tự nhắc nhở mình rằng có nhiều điều tốt hơn thứ xấu trên thế giới này.

7- Không để sự giận dữ và cáu bẳn thống trị cuộc sống. Những cơn nóng giận vô cớ không chỉ làm tổn thương người khác mà chính bạn. Tìm cách giải tỏa mà không làm ảnh hưởng đến bất cứ ai, như tập thể dục, viết nhật ký, vẽ tranh, chơi game...

8- Trước khi ra khỏi gi.ường vào buổi sáng, hãy nghĩ về một điều gì đó khiến bạn mỉm cười. Nụ cười đón chào buổi sáng sẽ nhắc nhở bạn tìm niềm vui trong cả ngày, ngoài ra cười cũng giúp bạn đẩy mạnh hệ miễn dịch và tăng sức chịu đựng stress.

9- Biết tha thứ. Khả năng tha thứ sẽ làm bền vững các mối quan hệ, giúp bạn hàn gắn và tiến về phía trước.

10- Nuôi dưỡng tinh thần gia đình. Bằng lời nói và hành động cho mọi thành viên trong gia đình, dù gần, dù xa, dù nội hay ngoại, rằng bạn yêu họ trên tất cả. Hãy để trái tim nói lời hộ bạn khi đầu óc rối bời khiến bạn quên cả lời nói.
(Theo Inspiration)
 
Sự bùng nổ của Internet và phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin – truyền thông đã tạo cơ hội cho tất cả mọi người trở thành các nhà cung cấp thông tin. Thế giới thông tin trở nên đa dạng và phong phú hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, đi cùng với sự nở rộ của blog, wiki,và các kênh xuất bản online khác nhau là một thực tế không thể tránh khỏi: thông tin trở nên hỗn tạp, người tiêu dùng có thể phải trả giá cho việc sử dụng thông tin thiếu chất lượng, thiếu độ tin cậy, thậm chí sai lạc.

Bài viết này là một hướng dẫn ngắn gọn giúp người dùng tin có cách tiếp cận các nguồn thông tin tìm được trên Internet một cách đúng đắn và sử dụng những thông tin đó một cách hợp lý.

Khi quyết định sử dụng một nguồn tin nào đó tìm được trên Internet, người dùng tin nên xem xét 10 điểm quan trọng dưới đây. Bài viết không cung cấp câu trả lời cho mỗi câu hỏi, vì điều đó phụ thuộc vào mục tiêu và cách thức sử dụng thông tin của người dùng tin. Nói cách khác, đây là những gợi ý về những điều người dùng tin cần cân nhắc khi sử dụng một nguồn tài liệu online.

1. Kiến thức của bạn
- Nguồn tin mới này khác gì so với những thông tin mà bạn đã biết?
- Thông tin đó tác động như thế nào đến những gì bạn đã biết?

2. Tác giả
- Ai cung cấp nguồn tin đó? Là người quản trị website hay một tác giả độc lập?
- Thông tin về tác giả nguồn tin đó ở đâu?
- Bạn có thể liên hệ được với tác giả không?
- Tác giả có đưa ra các thông tin về nghề nghiệp, kinh nghiệm, chức vụ, quá trình đào tạo, hay những thông tin chứng thực nào khác?
- Nếu là website của một tổ chức/cơ quan thì tên của tổ chức/cơ quan có được nêu rõ trong tài liệu? Tổ chức đó có được thừa nhận trong lĩnh vực mà bạn đang nghiên cứu/tìm hiểu? Có những dấu hiệu gì chứng tỏ tài liệu đó có nguồn gốc từ một website chính thức hay của một tổ chức khoa học? Bạn có thể liên hệ với BQT website từ tài liệu đó hay không?
- Hãy kiểm tra tên miền của tài liệu, hãy ưu tiên nhiều hơn tới các tên miền có phần mở rộng là .edu, .gov, .org, hay .net.

3. Tính cập nhật
- Lần cuối thông tin này được xuất bản hay cập nhật là khi nào?
- Tài liệu đó có thể hiện những thông tin về những vấn đề hiện tại?

4. Tính khách quan
- Tác giả có cung cấp các luận điểm và ví dụ nhằm chứng minh cho các quan điểm của họ?
- Bạn nghĩ vì sao tác giả lại cung cấp thông tin đó?
- Mục tiêu/mục đích của tài liệu đó là gì? Đối tượng sử dụng của tài liệu đó là ai?
- Tác giả đã thể hiện những quan điểm gì (nếu có)?
- Tác giả có tham chiếu đầy đủ và đúng cách đến những nguồn tài liệu tham khảo mà tài liệu đó sử dụng?

5. Phạm vi thông tin
- Mức độ chi tiết của thông tin như thế nào?
- Độ rộng của phạm vi chủ đề mà tài liệu đó thể hiện?
- Độ sâu của thông tin đó ra sao?

6. Hình thức
- Thông tin đó được trình bày dưới hình thức nào?
- Đó là một trang web dạng www, một đề mục chủ đề, một file văn bản, một bài viết của nhóm tin tức, một nhật ký cá nhân (blog), một diễn đàn trực tuyến, hay một nội dung thư điện tử?
- Tài liệu đó dạng chữ, hình ảnh, hay/hoặc dạng âm thanh?

7. Mức độ rõ ràng
- Thông tin đó có được trình bày một cách rõ ràng?
- Có được tổ chức tốt?
- Giao diện có thân thiện với người dùng?

8. Sự khuyến cáo từ những người khác
- Bạn có nhận được khuyến cáo/giới thiệu nào từ những người mà bạn tôn trọng (bạn bè, giáo viên, cán bộ thư viện, hoặc người thân gia đình …) rằng đây là một nguồn thông tin tốt?

9. Tính hợp thức
- Bạn thấy mức độ đúng đắn của thông tin này như thế nào?
- Điều gì khiến bạn nghĩ như vậy?

10. Độ quan trọng
- Đây có phải là thông tin quan trọng đối với bạn không?
- Nếu phải, vì sao nó lại quan trọng?

Tùy theo yêu cầu, mục tiêu, và cách thức sử dụng, bạn hãy đưa ra quyết định một cách sáng suốt. Khi xem xét những vấn đề nêu trên và trả lời các câu hỏi trong mỗi vấn đề đó tức là bạn đã thực hiện việc đánh giá thông tin online một cách khách quan. Bạn cần/nên/phải là người đưa ra quyết định cuối cùng cho việc sử dụng thông tin của mình.
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top Bottom