TyPro
Tương tác
9

Tường nhà Bài viết Giới thiệu

  • Ngày hôm này của bạn thể nào?

    Ngày hôm nay của tôi là gần một tiếng đồng hồ lau nước mắt.

    Tôi không phải là kiểu người yếu đuối, cũng không phải dạng người động tới là nước mắt rơi cho ai đó dỗ dành. Tôi chỉ khóc khi thực sự điều đó mang lại nỗi buồn mà tôi không thể tự kiềm chế được. Và khi tôi khóc, chẳng ai thấy.

    Có lẽ với một ai khác, họ sẽ cảm thấy tôi mạnh mẽ đến mức chẳng cần một người đồng hành, nhưng mà, làm sao họ biết, tôi mạnh mẽ như thế là vì sao? Bởi đằng sau tôi, có người Bố đủ làm trụ cột to lớn trong gia đình, có người Mẹ tất bật mọi thứ để cơm no áo ấm. Họ làm sao biết được, mỗi ngày nhìn thấy sự vất vả lo toan của Bố và Mẹ, tôi đã phải âm thầm cỗ vũ bản thân mình mạnh mẽ bao nhiêu lần.

    Cố dặn lòng phải đủ kiên cường, trước ánh mắt của người đời mà can đảm tiến lên. Cố dặn lòng dù sống nơi đất khách quê người, có nhớ nhà cũng phải gồng mình cam chịu. Dù người ta khinh thường mình quê mùa hay nghèo khó, hãy nghĩ đến sự lo lắng của Bố Mẹ nơi quê nhà mà bền chặt ý chí vươn lên.

    Tôi làm được rồi. Tôi mạnh mẽ lắm.

    Tôi cứ tưởng chẳng có gì khiến tôi bật khóc cho đến hôm nay, chị tôi gửi một bức ảnh. Khi nhìn thấy hình ảnh Mẹ ngồi bên hiên nhà, mồ hôi nhễ nhại phân từng món đồ gửi cho những đứa con xa xứ giữa trưa nắng gắt để kịp chuyến xe khách vào Sài Gòn. Nước mắt tôi cứ thế tuôn ra không ngừng được. Tôi cứ thế khóc. Trong đầu, hình ảnh đó cứ tồn tại mãi không thể xóa đi. Tôi nghĩ, cho đến chết tôi cũng không thể nào quên được.

    Khi viết lên những dòng này, mắt tôi đã sưng húp lên rồi. Cảm xúc cũng chẳng biết là vui hay buồn. Ngay khoảnh khắc, tôi chỉ ước mình có phép thần tiên, bay ngay về nhà và ôm lấy Mẹ một cái ôm thật chặt.

    Tôi muốn gọi về nhà, nhưng ngay cả dũng khí ngừng khóc để nói chuyện cũng không có. Chỉ biết lặng lẽ nhủ thầm, cổ vũ chính mình, cố lên, mọi chuyện sẽ tốt đẹp thôi.

    Mẹ ơi, con nợ Mẹ quá nhiều. Con sẽ thật mạnh mẽ, cố gắng kiếm thật nhiều tiền, để dù cho điều gì xảy ra trong cuộc sống này thì con cũng đủ kinh phí để bay về ngay với Mẹ.

    Yêu Mẹ.

    _TyPro. 01.08.20_
    CHUYỆN ĐỜI

    Chương 2.

    Sau khi cu Út ra đời nhà ta lại càng nghèo hơn, nghèo đến nỗi chị Hai phải vào Sài Gòn đi ở cho người ta để kiếm tiền gửi về cho chị em ta đi học, mua sữa cho Út. Chị Hai hi sinh cả việc học hành của chính bản thân, không quan tâm điều tiếng, cứ thế im lặng kiếm tiền phụ giúp cả nhà. Từ ngày chị Hai đi, trong mắt Mẹ là cả một khoảng trời u ám. Có đêm ta giật mình dậy, ta thấy Mẹ không ngủ, yên lặng nhìn ra đầu ngõ, bất động, ta chỉ nghe ân ẩn tiếng nấc nghẹn trong bóng đêm não nề đến lạ, ta ngơ ngác không cảm giác. Năm đó ta mới sáu tuổi.

    Năm thứ hai chị Hai đi xa, ta cũng bắt đầu đi học trường mẫu giáo. Vùng quê nghèo nàn sau khói lửa chiến tranh, ngôi trường tiểu học gắn với trí nhớ của ta lúc đó là một căn nhà với hai phòng được ngăn cách bởi vách tường mỏng. Trong phòng là vài bộ bàn ghế gỗ cũ mềm được sơn sửa lại từ các khu nhà người dân. Lần đầu tiên được đi ra khỏi cái thế giới nhỏ bé là nhà để khám phá thế giới bên ngoài một mình, có phần lạ lẫm, có phần lo lắng, nhưng lúc đó trong thâm tâm ta, không có gì đáng sợ, chỉ có thú vị hơn, thay vì cô đơn quanh quẩn trong nhà, ta đã gặp được nhiều bạn bè, gặp được cô giáo mặc chiếc áo dài màu xanh lam xinh đẹp. Ấn tượng đầu tiên trong trí nhớ của một đứa trẻ sáu tuổi là hình tượng cô giáo với khuôn mặt dịu dàng, giọng nói nhỏ nhẹ và êm ái, không giống với khuôn mặt Mẹ luôn trầm lặng. Đó cũng là lí do ta thích đi học hơn ở nhà, niềm vui sau khi ở trường về nhà chỉ là thằng nhóc một tuổi mang tên cu Út.

    Bước vào lớp một, chủ nhiệm lớp ta là một cô giáo trung niên, khuôn mặt vô cùng dữ tợn, cô ấy có một giọng nói ồm ồm như đàn ông và luôn quát tháo. Năm ấy đúng vào thời gian bộ giáo dục đổi mới sách giáo khoa, mà nhà ta lại chỉ có một bộ sách cũ được truyền lại từ ông anh họ đã học xong tiểu học mấy chục đời. Mà một bộ sách giáo khoa thời đó là nguyên gần một tháng Mẹ ta đi làm công cho người khác, nhà ta làm gì có đủ điều kiện mua. Chính vì thế nên sau khi đổi mới sách hơn một tuần, ta vẫn sử dụng sách cũ để đi học. Thật ra cũng không khác nhau bao nhiêu, chỉ là mới hơn và thay đổi cách giáo viên dạy mà thôi.

    Cô giáo ta lúc ấy ngày nào cũng kêu ta lên, bảo về nói với Bố Mẹ mua sách, không được mang sách cũ đi học nữa. Ta cũng có nói nhưng Mẹ ta vẫn im lặng, chỉ bảo cứ nói với cô học như vậy một thời gian nữa sẽ mua. Cho đến gần một tháng sau đó, ta bị cô giáo gọi lên bảng, ta không đọc đúng phần của sách giáo khoa mới, vì sách ta là sách cũ, nên ta bị cô giáo phạt. Cô ấy bắt ta chúm năm đầu ngón tay lại rồi dùng thước gỗ gõ lên ba cái. Ta đau đến nỗi nước mắt tràn ra nhưng không dám khóc, cũng không dám méc Mẹ. Sau khi về nhà ăn cơm ta không cầm được nổi cái chén, thế là Mẹ thấy năm đầu ngón tay bầm tím của ta, tra hỏi đến cùng ta mới vừa mếu vừa kể lại. Ta nhìn thấy ánh mắt Mẹ tối đi, mím môi kìm nén sự tức giận đang trào dâng trong người.

    Sáng hôm sau đi học, Mẹ đích thân dắt ta đến trường, ngồi sau chiếc xe đạp cũ mềm của Mẹ, lòng ta thoáng run rẩy, chỉ sợ cô giáo biết ta méc Mẹ thì sẽ lại phạt ta. Cũng không biết cô và Mẹ nói chuyện với nhau những gì, nhưng sau ngày hôm đó cô không phạt ta nữa. Một tuần tiếp theo ta lại được đi học với bộ sách mới tinh. Với một con bé bảy tuổi, đó là niềm vui vô bờ bến khi không phải lạc loài giữa biết bao nhiêu bạn bè cùng trang lứa.

    Cứ thế, những năm tiểu học của ta đi qua trong nhẹ nhàng, có lẽ đối với ta mà nói thì mọi thứ đều bình yên.

    Năm ta học lớp năm, chị Ba ta lúc đó lớp chín. Cuộc sống khó khăn, chị em chúng ta đều phải lao động từ nhỏ, chính vì thế nên tay chân đều chân lấm bùn. Chị Ba đi chăn trâu từ nhỏ, học hành cũng không mấy giỏi giang nhưng việc nhà thì siêng năng lắm. Bà ấy là người nóng tính nhất trong nhà, cứ mỗi lần làm việc gì đó mệt nhọc là lằng nhằng lẩm bẩm mãi không thôi. Mới đầu Ba Mẹ ta bực quá thì quát mắng, nhưng rồi sau đó không quan tâm nữa, tùy chị muốn nói gì thì nói, bởi thói quen như vậy không thể bỏ được, miễn sao công việc vẫn cứ làm là xong.

    Ba ta không đi tàu nữa mà về nhà nghỉ, lo đồng áng với Mẹ. Sau bao năm khổ cực và chị Hai đi làm trong Sài Gòn gửi tiền về, năm đó nhà ta cũng mua được một chiếc Honda Cup 70, giá tới ba cây vàng. Họ hàng xúm xít vây quanh xem xét, người vui mừng cho gia đình ta, người thì tò mò xem xét. Ngay thời điểm ấy lại xảy ra một chuyện mà có lẽ suốt cuộc đời này, đó là nỗi ám ảnh lớn nhất của Ba, và là sự nuối nhất của chị Ba cho tới bây giờ.

    Chuyện là chị Ba ta hay đi chăn trâu với mấy ông anh họ gần nhà. Tính bà ấy thì hay vui chơi, nhảy nhót như con trai, mấy lần để trâu gặm cỏ trong đất nhà của ông Chín hàng xóm. Mà người hàng xóm này nổi tiếng ác tính, mỗi khi có trâu vào ăn cỏ là sẽ bị đánh cho đến chết, hoặc bắt trâu về để người chủ tới tận nhà khom đầu xin lỗi, bị chửi bới cho nhục nhã mới được dắt trâu về. Mà trong nhà ông Chín có một thằng nhóc cũng bằng tuổi chị Ba ta, là kẻ thù không đội trời chung của nhóm chăn Trâu mà bà ấy cầm đầu. Một lần do chị Ba ham chơi, trâu nhà ta lại quen đường cũ vào nhà ông Chín ăn cỏ, bị thằng nhóc ấy đánh cho bị thương đầy mình, chị Ba ta thấy thế thì xót, hôm sau đi học, hội tập bạn bè xì lốp xe nó, sau đó nữa là ném đá làm nó u cả đầu, thế là thù lại thêm thù.

    Ngày nhà ta mua được chiếc xe, chị em ta đang đi tắm biển gần nhà cùng với bà chị họ con bác Hai. Tụi con ông Chín kéo ra biển đánh chị Ba ta tím hết cả mặt mày, ta hồi đó chỉ mới có mười một tuổi, bị chị Ba đẩy ra khỏi đám hỗn loạn, chỉ biết sợ hãi trơ mắt đứng nhìn, nước mắt cứ thế thi nhau rơi xuống không kìm nén được. Trong mười một năm ta sống, chưa từng thấy người thân của mình bị đánh đến mức thảm hại như thế bao giờ.

    Chuyện sẽ không là gì nếu như chị Ba ta không chạy về méc Ba. Ba ta là một người trầm tính, nghiêm khắc nhưng thương con thì không ai bằng. Ngó nhìn khuôn mặt tím bầm của con gái, ông không kìm chế được sự tức giận, ngay lập tức dắt con qua nhà ông Chín để nói chuyện phải trái, Bác Hai ta, chú Năm lúc đó đang coi xe mới cũng đi theo. Mọi chuyện trong cuộc sống này không ai có thể đoán được chữ ngờ, chào đón ba người là một nhóm gần chục người với bao nhiêu là dao kéo gậy gộc. Họ dường như mất hết cả nhân tính, mất hết cả đạo đức làm người, chỉ biết dùng bạo lực để giải quyết mọi thứ. Ba người chưa kịp nói tiếng nào thì đã có người đánh tới. Mọi diễn biến lúc ấy như thế nào ta cũng không còn nhớ, chỉ biết sau khi Ba về đến nhà đã thương tích đầy mình, nhưng nỗi tức giận thì dường như vẫn không hề vơi bớt.

    (Còn tiếp...)
    CHUYỆN ĐỜI

    Chương 1.

    Cuộc đời con người, không ai đoán trước số phận. Đời dài, tương lai ở phái trước, có người đến một ngày tiến lên đỉnh vinh quang, nhưng cũng có người chìm xuống tận đáy xã hội. Ai cũng khoát lên mình một lớp mặt nạ dày để sống, cứ thế mà sống, cứ thế mà đi. Liệu có mấy ai nhớ về những chuyện đã đi qua? Có mấy ai một lần nhìn nhận cuộc đời và ngồi chấm bút viết lại? Thật ra, cho đến giờ, ta cũng không hiểu, vì sao con người phải cố gắng sống và chiến đấu với cái xã hội đầy thử thách này? Cho dù vậy, không có câu trả lời cho bản thân, ta vẫn cứ phải tiếp tục bước đi về phía trước, cho đến khi mỏi gối chùn chân, rồi có một lần, nhớ về chuyện mình, viết lên câu chuyện đời…

    Ta sinh ra trong những ngày tháng vừa hết chiến tranh. Gia đình ta nghèo lắm, nghèo đến nỗi mái nhà tranh nắng cháy, mưa dột, tường chỉ là những mảnh đất sét ghép vào với nhau, nền nhà cũng bằng đất sét được nén cứng lại để không bị nhão khi mưa về. Sinh ra là con gái út trong nhà, ta chỉ biết ăn rồi chơi bời, thích mè nheo, thích trèo cây, thích bắt chim, bắt cá…

    Bởi hoàn cảnh không cho phép gia đình chúng ta chung sống mãi bên nhau, Ba phải đi theo người ta lái tàu, đánh cá ở tỉnh khác, một năm Ba về với mấy Mẹ con vài ngày rồi lại đi. Mẹ tất bật đồng áng, vun vén cho mấy đứa con còn đang tuổi ăn tuổi học. Chị Hai ta sáu tuổi đã biết nấu cơm, gánh nước, giặt giũ, vừa đi học vừa theo Mẹ làm việc nhà. Cuộc sống trải qua những ngày khó khăn, thiếu thốn về vật chất, về tình cảm khiến Mẹ như già thêm mười tuổi. Cơm mỗi ngày còn không đủ ăn, Mẹ lại phải nhịn bớt đi, chỉ ăn khoai lang khô với muối. Cũng bởi cuộc sống chật vật cơm áo gạo tiền, Mẹ hầu như không còn thời gian để gần gũi bên ta nhiều nữa. Mỗi ngày Mẹ chỉ ngủ bốn tiếng rồi lại dậy ra đồng. Nhà thiếu vắng bóng dáng người đàn ông, Mẹ thay Cha làm người đàn ông che nắng che mưa trong ngôi nhà tranh tàn tạ. Ta lúc đó bốn tuổi, mỗi ngày sau khi ngủ dậy chỉ ríu rít không ngừng, hết chạy đông lại chạy tây, không ở yên một chỗ. Mẹ hay cáu gắt với ta, nhiều lúc còn dùng roi đánh vào mông ta đến mức mông hằn lên nhiều vết đỏ. Mẹ cũng mặc không dỗ dành, chỉ có chị Hai lén lút đem dầu vào bôi cho ta sau những trần đòn như thế. Lúc đó, ta luôn cảm thấy Mẹ không hề thương ta, Mẹ chỉ biết đánh ta, mắng ta.

    Một ngày nọ, có một lần ta trèo cây mận trợt chân té xuống gốc, đầu va vào mũi dao nhọn, máu chảy cả một vùng. Lúc đó ta vẫn không cảm thấy đau, chỉ yếu ớt gọi Mẹ, nhìn thấy trong mắt Bà là sự hoảng hốt, kèm theo một điều gì đó mà ta không hiểu, sau này ta mới biết, đó là sự xót xa. Ta dần lim đi, chỉ nghe văng vẳng bên tai tiếng kêu nghẹn ngào của Mẹ. Lúc đó ta chỉ nghĩ, cuối cùng Mẹ cũng ôm ta vào lòng. Sau này nghe chị Hai kể lại, Mẹ đã khóc rất nhiều vào cái ngày ta bị nạn, Mẹ bỏ cả ăn uống chỉ một mực nhìn vào phòng cấp cứu bệnh viện, chỉ sợ ta bị điều gì không may.

    Số ta cũng may mắn, bị mũi dao cắm vào đầu thế mà không ảnh hưởng gì, chỉ bị mất máu quá nhiều nên cần phải nằm vài ngày không được xuống gi.ường, nếu không sẽ lại chảy máu. Tin ta bị thương cũng truyền đến tai Ba, ông vội vàng về. Nhìn vẻ mặt lo lắng của Ba Mẹ và các chị mà lòng ta cảm thấy hào hứng, phải nói là vô cùng vui vẻ. Hóa ra ta cũng là bảo bối của cả gia đình này.

    Ngày ta được xuất viện về nhà, buổi tối nằm trong lòng Ba nghe Ba kể chuyện, ta cũng kể cho Ba nghe rất nhiều chuyện ở nhà, rồi chuyện con gà hàng xóm bị con diều hâu bắt, chuyện ta té từ trên cây mận,… Ba chỉ im lặng lắng nghe, thỉnh thoảng xoa đầu ta vài cái, rồi mỉm cười… Có lẽ với ta sau này, đó là đêm tối đẹp nhất, ấm áp nhất mà ta từng trải qua.

    Thời đó, nhà nào không có con trai thì đều bị xã hội coi thường, người phụ nữ còn bị xem là không biết đẻ. Mà bà Nội ta thì khỏi phải nói, bà rất phong kiến, nhà ta lại có ba chị em gái nên chị em chúng ta không được bà xem là gì, Mẹ ta càng bị bà ghẻ lạnh. Nội ở với chú thím, may mắn cho Mẹ là không phải làm dâu, nhưng cách nhà nhau chỉ vài bước chân, Mẹ cũng phải chịu đựng cái nhìn đầy xem thường và những lời nói bóng gió của Nội.

    Năm ta năm tuổi, Mẹ ta có thai, siêu âm thai là con trai khiến cả nhà đều vui mừng. Nhất là Ba. Nhà sắp thêm một thành viên lại khiến Ba đi lâu hơn không thể về, Mẹ lại càng vất vả. Em trai ta có lẽ cũng biết Ba Mẹ khổ cực nên cũng không quấy, cho đến ngày Mẹ chuyển dạ sinh nó ra. Ngày cu Út ra đời cũng là ngày Mẹ ta nhẹ lòng bởi không còn phải nghe lời ra tiếng vào của thiên hạ. Còn ta lúc đó, mọi thứ đều quy về bởi sự ghanh tị, bởi ta nghĩ Út sinh ra thì Ba không thương ta, Mẹ lại càng ghét ta hơn. Họ hàng hai bên Nội Ngoại ai cũng chỉ nhìn vào nó, còn ta không còn giá trị gì nữa.

    Mỗi ngày ra vào nhìn khuôn mặt nhăn nheo của nó, ta chỉ muốn véo nó một cái. Ta nghĩ nó xấu xí như thế sao lại được mọi người yêu quý, còn ta trước kia được Ba khen, được cụ cố xoa đầu bảo lanh lợi, thì bây giờ ngược lại, không ai thèm nhìn. Đôi lúc ta nhìn chăm chú vào nó, còn bị chị Hai phòng bị, sợ ta không chú ý mà đụng trúng em. Ta tủi thân, lại càng ghét thằng nhóc.

    Rồi sau ba tháng ở cữ, Mẹ lại phải ra đồng làm việc. Hết lớp chín, chị Hai nghỉ học để phụ Mẹ chăm em. Nhà chỉ có mấy chị em với nhau, cu Út cũng được ba tháng tuổi nhưng không bụ bẫm như những đứa trẻ khác, vì Mẹ không đủ sữa cho bú, nhà lại nghèo không đủ tiền mua sữa ngoài. Được cái là nó rất ngoan, không thường xuyên quấy khóc, chị Hai cũng bận cả ngày không chăm nó thường xuyên, chị Ba thì đi học, chỉ có ta rảnh rỗi nên nhận nhiệm vụ trông em. Mới đầu vì ghét nên ta cũng khó chịu ra mặt, tranh thủ khi chị Hai không để ý mà cắn vào má nó làm nó khóc um lên, chị Hai chạy vào thấy dấu răng trên mặt nó, mắng ta một trận ra trò, làm ta tủi thân khóc đến bỏ cơm. Ta cứ tưởng sau này chị Hai không cho ta trông em nữa, nhưng cuối cùng nhà không còn ai rảnh rỗi hơn ta, cho nên đành để ta tiếp tục. Ta vẫn chứng nào tật nấy, lại cắn nó vài lần, nhưng rút kinh nghiệm không cắn vào má nữa mà là gót chân, ta cứ tưởng thằng nhóc sẽ sợ ta, sẽ gào khóc nhưng nó vẫn im lặng giương đôi mắt lạ lẫm nhìn ta, nắm tay nhỏ xíu quơ quơ lên thích thú, ta không cam lòng nhìn nó, nó lại cười nhìn ta. Cứ thế, sau một thời gian gánh trách nhiệm trông trẻ thì ta lại không ghét nó nữa, chỉ cảm giác vui vẻ khó diễn tả, mà cu Út thấy ta cũng ê a đòi bế, ta lại thấy tự hào. Ít ra trong nhà này, cu Út cũng thích ta.

    ( Còn tiếp...)
  • Đang tải…
  • Đang tải…
Quay lại
Top Bottom