nghĩa hà
Tương tác
0

Tường nhà Bài viết Giới thiệu

  • Trước hết về lễ vật. Lễ vật đi chùa là lục vị cúng giàng gồm: Hương, hoa, đăng, trà, quả, thực, đều là những đồ lễ mang tính chất nhẹ nhàng, thanh tao, tuyệt đối không dâng đồ mặn khi đến chùa.
    Nói về điều này, Thượng tọa Thích Minh Hiền, trụ trì chùa Hương cho biết: “Trên thực tế vẫn còn một số các trường hợp khi đi chùa dâng đồ mặn như gà, rượu. Nhà chùa đã khuyến cáo khá nhiều lần nhưng không được nên gần đây phải treo biển thông báo đề nghị du khách không cúng giò, chả khi đi lễ”.
    Cũng theo trụ trì Thích Minh Hiền, nhân dân đi lễ hay mang đồ ăn theo. Một số người mang rượu, bia, thịt vào chùa ăn, trước khi ăn thì thường cúng, dần dần tạo thành một thói quen. Thói quen này chỉ tồn tại ở những người chưa có nhận thức đầy đủ về lễ vật đi chùa, còn đối với phần đa du khách thập phương, các tăng ni, phật tử thì không có.
    Đây là một quan niệm sai lầm của người dân khi đi lễ chùa, gây ảnh hưởng đến sự thanh tao nơi cửa Phật. Dù đã phổ biến nhiều lần với người dân song hiện tượng này vẫn không thể chấm dứt, càng không thể đưa ra một cách xử lý triệt để nào bởi như đã nói, cửa Phật là chốn thanh tịnh, người dân đến với Phật bằng tâm nên nhà chùa chỉ có thể khuyến cáo một cách nhẹ nhàng chứ không thể đưa ra cách xử lý.
    Về nghi thức hành lễ, theo trụ trì Thích Minh Hiền, các phật tử là những người đã nắm rõ các nguyên tắc hành lễ mà thầy sẽ không phải nhắc lại. Sau khi dâng lễ, phật tử còn tụng kinh, niệm phật nhưng đối với du khách thì điều này chỉ mang tính chất tương đối, mọi người cầu sao được vậy, tức là hành lễ theo cái tâm, cái mong muốn của chính bản thân rồi vái lạy theo cách mà họ cho là phù hợp nơi cửa Phật.
    Tuy nhiên, người dân đi lễ chùa cũng nên biết các bước hành lễ đúng khi đi chùa: Thứ nhất là đặt lễ vật: thắp hương và làm lễ bàn thờ Đức Ông trước. Sau khi đặt lễ ở ban Đức Ông xong, đặt lễ lên hương án của chính điện, thắp đèn nhang. Bước tiếp theo là đi thắp hương ở tất cả các ban thờ khác của nhà Bái Đường. Khi thắp hương lên đều có 3 lễ hay 5 lễ. Nếu chùa nào có điện thờ Mẫu, Tứ Phủ thì đến đó đặt lễ, dâng hương cầu theo ý nguyện. Cuối cùng thì lễ ở nhà thờ Tổ (nhà Hậu). Cuối buổi lễ, sau khi đã lễ tạ để hạ lễ thì nên đến nhà trai giới hay phòng tiếp khách để thăm hỏi các vị sư, tăng trụ trì và có thể tuỳ tâm công đức.

    Trang phục đến chùa làm lễ phải là những trang phục kín đáo, quần dài, áo dài tay, không mặc váy ngắn, quần sooc, không nói lớn nơi cửa chùa. Các phật tử khi đến chùa thường mặc áo lễ. Tại nhiều vị trí tại chùa Hương trong ngày khai hội (mùng 6 Tết âm lịch) cũng có những tấm biển hướng dẫn du khách về trang phục cho người dân khi đi lễ.

    Khi đi qua cổng Tam quan vào chùa nên đi vào cửa Giả quan (bên phải) và đi ra bằng cửa Không quan (bên trái). Cửa Trung quan chỉ dành cho Thiên tử, bậc cao tăng, bậc khoa bảng đi vào chùa và đi ra cũng theo cửa này.
    Còn đối với những người chưa có nhiều kinh nghiệm khi đi chùa và gặp phải sự lúng túng trong cách xưng hô, hãy nhớ, khi gặp nhà sư thì gọi là A di đà Phật, bạch Thầy,… và xưng mình là Con. Xưng hô như vậy tức là nhìn thấy tăng mà tưởng nhớ thầy Thích Ca Mâu Ni, giống như đang xưng hô với Đức Thích Ca. Nếu nhà sư đó là Thầy hướng dẫn mình tu tập thì xưng hô là Thầy, vì ngoài ý nghĩa trên còn mang nghĩa là Thầy dạy học đạo. Khi thưa gửi gì với nhà sư thì phải chắp tay hình búp sen.
    Nguyên tắc dâng lễ, hành lễ khi đi chùa còn khá nhiều mà chỉ những người trong chùa hoặc các Phật tử mới nắm rõ, tuy nhiên, nếu là du khách có lòng thành tâm hướng đến Phật và thường tìm đến các cửa chùa trong các dịp lễ, tết, đầu năm và kể cả những ngày thường cũng nên hiểu một số nguyên tắc cơ bản để quá trình hành lễ được chu đáo.
  • Đang tải…
  • Đang tải…
Quay lại
Top Bottom