TRỞ THÀNH “NGƯỜI THÀNH CÔNG” HAY “NGƯỜI GIÁ TRỊ”
----------------------
Einstein nói: “Try not to become a man of success but rather to become a man of value” (Đừng cố gắng trở thành người thành công mà hãy cố gắng trở thành người có giá trị). Hai khái niệm “Man of value” và “Man of success” này khác nhau nhiều đến nỗi có thể dẫn dắt xã hội đến hai tình trạng trái ngược nhau. Ta thử đưa ra vài ý quan trọng để giới thiệu.
1) Man of Value (người có giá trị):
- Người có giá trị là người biết nỗ lực không mệt mỏi trước khó khăn, không buông xuôi trước nghịch cảnh, người biết chấp nhận thiệt thòi hay đau khổ để hoàn thành bổn phận của bản thân đối với gia đình, xã hội và đơn vị, tổ chức.
- Người có giá trị khi làm ở bất kỳ cương vị nào, xử lý bất kỳ công việc gì cũng luôn khiêm nhường, thận trọng và trung thực. Họ có thể đúng, có thể sai trong mỗi tình huống khác nhau nhưng luôn giữ được giá trị căn bản của con người
- Người có giá trị luôn được kính trọng dù có thực sự “thành công” hay không. Giá trị của họ được công nhận bởi cộng đồng nơi họ làm việc và sinh sống, chẳng hạn anh A được kính trọng bởi tính trung thực, chị B được yêu mến bởi lòng nhiệt tình và thương người…
2) Man of Success (người thành công):
- Là người hoàn thành mục tiêu đề ra, đạt được những thành tích khiến người khác phải nể phục. Mục tiêu càng lớn thì thành công càng lớn. Trên con đường để đạt mục tiêu, cách làm của người thành công có thể giống hoặc không giống với cách của người có giá trị.
- Ta không thấy rõ tính vị tha của người thành công trong khi tính vị kỷ thì thể hiện rất rõ. Xin nhấn mạnh vị kỷ khác với ích kỷ. Các đức tính khiêm nhường, thận trọng và trung thực thường bị hào quang của sự thành công lấn át hẳn đi.
- Rất được hâm mộ khi đang ở đỉnh cao của vinh quang nhưng khi xuống dốc thì sự hâm mộ ấy cũng giảm đi nhanh chóng. Trong thực tế, chẳng phải nhiều người đã từng than câu “hận đời đen bạc” khi “hết cơm hết rượu hết ông tôi”* đó sao.
Để trở thành người có giá trị (Man of value) đòi hỏi phải có nhiều lương tri (Common Sense), nghĩa là biết lẽ phải. Người có giá trị tạo ra xã hội có nhiều lương tri. Xã hội có nhiều lương tri thì mọi sự rạch ròi, đúng sai phân biệt, thang bậc đạo đức được bảo đảm. Để minh họa tôi xin lấy hình ảnh sau đây: Một thầy giáo trẻ đứng nói chuyện với 3 người là phụ huynh của 3 em học sinh trong lớp. Người ta thấy 3 vị phụ huynh này thưa chuyện rất cung kính với người thầy trong khi người thầy tỏ ra lễ độ với họ. Khi 3 vị đó đi rồi, ta vô tình được biết thêm thông tin cá nhân của các bậc phụ huynh đó: một người là phu quét đường, một người là giám đốc công ty và một người là đại tá quân đội. Đó là hình ảnh của một xã hội có nhiều lương tri.
Khi xã hội có nhiều lương tri – coi trọng Man of Value – thì những người này sẽ trở thành thần tượng của mọi người. Họ được yêu mến không phải vì cái hào nhoáng bên ngoài mà vì đức hy sinh, lòng can đảm hay tính chuyên nghiệp trong công việc mà họ thể hiện hàng ngày.
Như vậy, người-có-giá-trị, trong một ý nghĩa nào đó ta đã có thể gọi là người-thành-công (hay thành nhân); còn người được xem là thành công về địa vị hay tiền bạc, trong một xã hội có lương tri trung bình thì chưa chắc đã là một người có giá trị. Điều đó còn tùy thuộc vào cách họ đi đến thành công có lương thiện không, có phù hợp với lợi ích của cộng đồng hay không…
Einstein nói như trên là vì ông muốn dẫn dắt nền văn minh nhân loại đi đúng hướng. Có lẽ ông cũng đã quá rõ tâm lý chung của con người là muốn hưởng thụ hơn hy sinh, ham thành công hơn giá trị và chạy theo cái bề ngoài hào nhoáng của cuộc sống hơn là biết thưởng thức một cách sâu sắc đời sống tinh thần.
(Theo tuduythehemoi)