Từ bỏ "tuổi thơ dữ dội” để học nghề lương thiện.

hondacodon

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
8/3/2011
Bài viết
751
- 17 tuổi, bỏ học từ năm 14 tuổi, lêu lổng, trộm cắp, vài lần bị công an bắt, gần một năm theo chân các TNV Đoàn cơ sở, Nguyễn Tuấn (trú tại Q. Sơn Trà, Đà Nẵng), đã từ bỏ quá khứ “chậm tiến” và dự định học nghề đàng hoàng. Hàng trăm em “chậm tiến” như Tuấn trong toàn thành phố đã chuyển biến tư tưởng tích cực sau chiến dịch cảm hóa thanh thiếu niên chậm tiến (thanh thiếu niên bỏ học, hư hỏng, vi phạm pháp luật...). Chiến dịch do Thành đoàn thành phố, Hội Liên Hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, ngành công an TP.... cùng chung tay thực hiện, khởi động từ hơn nửa năm nay.

a1-TTNCT.JPG

Những thanh thiếu niên "chậm tiến" đã chuyển biến tích cực được Thành Đoàn Đà Nẵng tuyên dương

Quyết tâm trở lại trường, đi học nghề, không lêu lổng nữa
Trò chuyện cùng chúng tôi trong buổi gặp mặt thanh thiếu niên chậm tiến và tuyên dương những thanh thiếu niên có chuyển biến tích cực nổi bật ngày 30/3 vừa qua, Tuấn tâm sự: “Hồi đó nhà em nghèo, sức học em lại dở, nản quá, em bỏ học giữa chừng năm học lớp 7. Ở không sinh hư, em theo tụi bạn đường phố chơi bời rồi rủ rê nhau trộm cắp, kiếm tiền chơi. Mấy lần bị bắt lên công an phường, lần đầu cũng sợ, nhưng sau quen rồi không thấy sợ nữa.

Rồi khoảng hồi tháng 9 năm ngoái, phường tập trung em dự buổi nói chuyện với Bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh, rồi đi tham quan trường giáo dưỡng 05-06 ở trên Hòa Sơn, nơi tập trung những thanh thiếu niên vi phạm pháp luật. Sau đó thì mấy anh chị bên đoàn phường cứ tới nhà rủ em đi làm tình nguyện viên. Đi giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, em thấy nhiều cảnh nhà còn khổ gấp trăm cảnh nhà mình, rứa mà con cái họ vẫn sống đàng hoàng, chịu khó đi học.

Thấy cái dở của mình, em quyết tâm làm lại từ đầu. Mấy anh chị bên đoàn phường rồi mấy anh công an khu vực nữa, giúp em làm hồ sơ đăng ký học lái xe để xin lái xe taxi, kiếm tiền phụ giúp ba mẹ. Em cũng định ban đêm, đi học bổ túc văn hóa. Ba mẹ mừng mà em thấy mình sống cũng có ý nghĩa hơn”.

Cũng như Tuấn, Nguyễn Ngọc Hải (trú tại tổ 21, phường An Khê, Q. Thanh Khê) cũng được các cán bộ Đoàn cơ sở và công an khu vực tiếp cận, sẻ chia tâm tư và tận tình hỗ trợ công ăn việc làm. Tại buổi gặp mặt thanh thiếu niên đã từng "chậm tiến", Hải đã đứng giữa Hội trường, mạnh dạn xin rút khỏi danh sách thanh thiếu niên chậm tiến và sẻ chia, tâm sự với các bạn cùng dự:

“Các bạn đều đã từng có lúc sống thiếu suy nghĩ như em, sa vào con đường tăm tối, nhưng nếu mình biết sửa đổi, quyết tâm sửa đổi, chịu khó trở lại trường học nếu còn nhỏ và chịu khó đi học nghề, thì không chỉ bản thân mình có được cuộc sống tốt hơn mà gia đình và địa phương cũng đỡ gánh lo. Hải đã từng nghĩ đứa như mình thì ai quan tâm làm gì nhưng thật ra không phải vậy... Nếu mình hướng thiện, sẽ có nhiều người sẵn lòng giúp mình vượt qua khó khăn...”

a3-TTNCT.JPG

em Nguyễn Ngọc Hải nay đã có công việc làm đàng hoàng, tuwj tin từ bỏ hẳn quá khứ "chậm tiến"

Trong số 300 em, đều chưa đến tuổi trưởng thành, hầu hết bỏ học sớm, lêu lổng, phạm pháp…, qua hơn nửa năm, đã có gần 200 em có chuyển biến tích cực. Trong đó, có 30 em tiến bộ vượt bật, được Thành Đoàn TP. tuyên dương và khen thưởng.
Sẽ tăng cường giải pháp
Thượng tá Nguyễn Hữu Lài, Công an TP. Đà Nẵng, người trực tiếp theo dõi thanh thiếu niên chậm tiến trên địa bàn thành phố, chia sẻ thêm những con số biết nói: “Trong năm 2009, có đến gần 300 thanh thiếu niên phạm pháp. Nhưng đến năm 2010, chỉ còn gần 200 trường hợp; đặc biệt khoảng gần cuối năm, số thanh thiếu niên phạm pháp trên địa bàn thành phố giảm hẳn. Trong 3 tháng đầu năm 2011, chỉ có khoảng 10 em phải tập trung vào trường giáo dưỡng để rèn luyện. Con số này năm trước đến hơn 60 em. Nói vậy để thấy giảm nhiều, nhưng vẫn còn. Và lực lượng liên ngành sẽ còn phải tăng cường giải pháp”.
Tại cuộc họp ngay sau buổi tuyên dương các em có chuyển biến tích cực, các đoàn thể Thành Đoàn TP., Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Công an TP.... đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong quá trình cảm hóa thanh thiếu niên chậm tiến. Ông Đoàn Hồng Chương, Hội viên Hội Cựu Chiến binh TP, người cũng tham gia cảm hóa thanh thiếu niên hư tại địa phương góp ý:

“Mỗi đứa trẻ hư do mỗi hoàn cảnh. Có đứa vì nhà nghèo, nản học, rồi quẫn sinh ra trộm cắp, lêu lổng... Cũng có đứa nhà rất giàu, nhưng hoàn cảnh gia đình buồn, ba mẹ không quan tâm, cũng chơi bời đâm hư... Nên không phải cứ rập khuôn một cách mà cảm hóa được. Phải biết khi nào cần hỗ trợ vật chất, khi nào cần vực dậy tinh thần các em...Có vậy, các em mới “phục” và nghe lời”.

a2-TTNCT.JPG

Thành Đoàn, Hội Cựu Chiến binh, Công an TP.... đã cùng nhau họp bàn chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường giải pháp giúp đỡ TTN chậm tiến

Anh Lê Hoàng Nam, Bí thư Đoàn phường Phước Mỹ, Q. Sơn Trà, tâm đắc: “Tiếp cận các em ban đầu rất khó. Vì tính cách các em vốn dĩ đã cá biệt. Nhưng lân la, tìm hiểu hoàn cảnh các em rồi thấy thương nhiều hơn giận. Coi như em mình, rủ các em cùng tham gia công tác xã hội, để các em qua đó mở rộng lòng, nhận thức được đúng – sai từ thực tế. Với những em hoàn cảnh khó khăn, giải pháp hỗ trợ các em học nghề và kiếm công ăn việc làm ổn định cho hiệu quả trông thấy”
Thành đoàn TP. đã thông qua quyết định hỗ trợ hơn 250 đồng đến hơn 100 em thanh thiếu niên chậm tiến để hỗ trợ các em học nghề, mua sắm dụng cụ học nghề, mua sách vở trở lại trường học bổ túc văn hóa..., với mức hỗ trợ tùy trường hợp từ 2 – 7 triệu đồng/em.
“Song song mọi giải pháp là tấm lòng, và sự đồng lòng chung tay cùng giúp đỡ các em tiến bộ của mọi người, mọi lực lượng. Để một ngày vấn nạn trẻ chưa đến tuổi vị thành niên đã hư hỏng, phạm pháp, gây mất trật tự an ninh xã hội... không còn là nỗi nhức nhối”- Bí thư thành Đoàn Đà Nẵng- Lương Nguyễn Minh Triết chia sẻ hy vọng cùng các lực lượng, đoàn thể cùng tham gia chiến dịch cảm hóa thanh thiếu niên chậm tiến.

Khánh Hiền
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
Nhìn mấy thằng í mặc đồ sành điệu thế nhỉ:KSV@19::KSV@19::KSV@19:
 
×
Quay lại
Top