Trăng

up date thêm bài viết cho file trên
Trăng
Chào các bạn, chúng ta lại được gặp nhau sau 2 tháng hè xa cách. Trung thu vừa qua, buổi sinh hoạt của các mem ở quê nhà thật vui, thật ý nghĩa cũng đã qua, chỉ còn lại đâu đó một vài tiếng trống của các em nhỏ tiếc nuối mùa trăng rằm gõ tùng tùng như gọi trăng về một lần nữa. Chương trình phút 46 online hôm nay xin gởi đến các bạn bài viết của một bạn cựu học sinh về một mùa trung thu xa nhà.

Sài Gòn không có mùa thu, chỉ có Trung Thu. Trung Thu Sài Gòn vàng rực rỡ hai bên đường, trong các gian hàng bánh trung thu dài dằng dặc. Trung thu sặc sỡ sắc màu trên những chiếc xe đẩy bán lồng đèn dọc các khu vui chơi và các ngã ba ngã tư. Trung Thu len lỏi trong từng ngõ ngách của từng khu phố theo những đội lân tí hon chỉ có trống, có lân, có ông địa và lèo tèo một vài “lâu la” cùng với tiếng cười ré um trời. Trung thu hớn hở tươi cười trên gương mặt của những em nhỏ trong đêm hội trung thu ở trường. Trung thu kiêu hãnh và xa vời trong ánh trăng nghiêng mình nhìn xuống nhân gian, ánh nhìn càng sáng càng thấy trăng xa vời vợi.

Nhìn trăng tròn, tôi lại nhớ đến cuộc thi trăng – đèn trong bài ca dao ngày nhỏ. Ngày xưa nghêu ngao “trăng khoe trăng tỏ hơn đèn” tôi chỉ tưởng tượng được mỗi cái đèn dầu hiu hắt ở nhà ngoại với ánh trăng kiêu hãnh ở tít trên cao, ánh đèn bỗng trở nên nhỏ bé tội nghiệp. Ở cái nơi tôi hai mươi tuổi, đèn đường, đèn xe đông đúc và sáng chói chang khắp mọi nẻo đường, mọi ánh sáng khác đều trở nên vô nghĩa. Trăng dẫu có sáng đến đâu thì khi gặp ánh đèn cũng bị biến màu, hoặc biến mất, dưới mặt đất chỉ nhận được ánh sáng vàng vọt của ánh đèn. Thế mà trăng vẫn ở trên kia, vành vạnh. Như tuổi thơ tôi đang tròn trịa ở đó, chỉ cần không cúi đầu là tôi có thể thấy nó trong sáng nhìn vào tôi, như thể đang tròn xoe thắc mắc là tại sao tôi còn chưa chịu bay lên mà cùng nó rong chơi.

Dường như trăng chia đôi mọi thứ ra để được tròn trịa. Mùa Thu cũng chia làm hai nửa để trăng vành vạnh Trung Thu. Giữa hai đầu của chia ly là một sự viên mãn không một gợn khiếm khuyết. Ta có thể chờ trong đêm tối để được thấy trăng rằm vừa sáng vừa tròn, để tráng lệ huy hoàng trong phút giây.

(“Em và trăng” Thùy Chi.)

· Thưa các bạn, tuổi thơ là một điều gì đó thật lung linh và đầy ám ảnh. Với mỗi con người, mọi kí ức đều hiện thân trong một hình hài nào đó để ta bị ám ảnh suốt đời, đối với tác giả bài viết này, tuổi thơ là một nỗi ám ảnh luôn hiện thân trong hình ảnh vầng trăng tròn và sáng như gương.

Tôi chờ trăng như chờ tuổi thơ tôi. Cái tuổi thơ đã không còn thuộc về hiện tại cứ như đang quay về viếng thăm mỗi lần tôi nhìn trăng. Kí ức về những đêm trung thu cầm đèn cầm đuốc chạy theo lân vốn đã nằm sâu trong kí ức, được ánh trăng ghi hình lại để rồi sau này, mỗi lần nhìn trăng tròn là tôi như đang xem đoạn phim ấy tua đi tua lại, như vỗ về, như trêu ngươi. Trăng tròn đêm nay chẳng khác gì ánh trăng của cái đêm chúng tôi ôm nhau “khóc lân” ngày xưa. Trung thu năm tôi 10 tuổi, bọn trẻ trong xóm tôi tự làm một con lân từ giấy cũ. Gần một tháng trời chúng tôi mang con lân đó đi quanh xóm, vòi vĩnh bố mẹ của từng đứa “cho lân ăn tiền”. Đêm trung thu chúng tôi giải nghệ cho con lân bằng cách đốt nó đi, anh Bưởi - thủ lĩnh của chúng tôi lúc đó khoảng 13 tuổi, dặn tụi tôi lúc lân cháy phải xúm lại ôm nhau vĩnh biệt lân, đứa nào cũng phải la to lên vờ như khóc, vừa khóc vừa kêu lân ơi, lân ơi. Thế là cả bọn xúm lại giả đò la khóc om sòm, ôm nhau kêu lân ơi lân ơi. Anh Bưởi vừa đốt lân ở giữa vòng tròn, vừa quay quanh nhìn tụi tôi kiểm tra xem có đứa nào không khóc hoặc không chịu kêu lân không. Thế là cả bọn được thể om sòm. Phải tội tôi là đứa mít ướt, khóc giả riết rồi tôi thấy thương con lân chết cháy, thành ra khóc thiệt, lây qua con Tí, con Na, rồi cả đám nước mắt nước mũi lem lút. Tụi con trai tròn mắt nhìn, tụi con gái ôm nhau hu hu hic hic. Lân cháy hết, lửa tắt thui, chỉ còn lại ánh trăng mát mẻ dịu dàng soi sáng cả bãi đất trống tụi tôi đang đứng. Tôi nhân cơ hội chạy biến về nhà cho đỡ xấu hổ, tụi con trai từ đó không cho tụi mít ướt tôi chơi lân nữa. Ánh trăng năm ấy hẳn nhìn rõ chúng tôi, mỗi tháng tròn khuyết đều mang bên mình kỉ niệm đó của tôi để bây giờ lại làm nhức nhối trong tôi cái lần khóc đưa tang con lân cuối cùng của tuổi thơ.

Sau này, tôi thườnng bỏ hàng giờ để ngồi ước đoán, rằng nếu trăng cứ tròn mãi thế ở cái nơi tôi đang nhìn trăng thì liệu thì đời trăng có dài hơn đời tôi? Thế nhưng trăng không mãi tròn nên bao câu trả lời chưa đến cũng vội đi, câu hỏi của tôi còn mãi cùng với ánh trăng cứ đến hẹn lại vẹn nguyên như chưa từng một lần khuyết. Trăng cứ đến đến đi đi như vậy, nên nhân gian luôn còn cái để chờ, khi mà chẳng còn gì để chờ nữa.

Moonlight shadow.
Trâm.

· Những đêm không trăng thì bầu trời đầy sao...Ngày trước, có người từng hỏi bầu trời có mấy ông sao. Ngước mặt lên một lượt rồi trả lời một con số lạ, không quen, để chụm cười khúc khích. Người bảo có những ông sao liền nhau là những ông sao bạn, những ông sao có thứ ánh sáng xanh như nháy mắt cười nhau, rồi cũng có những ông sao lẻ, yếu ớt đứng một mình, ấy là những ông sao cô đơn. Nhiều ông sao khác nữa, cả rừng sao bạn bè, sao mẹ sao cha, người bảo đố tìm được cặp sao tình nhân. Tìm đi rồi sẽ biết, người đi để lại một câu đố cho những giấc mơ trăn trở cả sau này.
Cả thế kỷ rồi, lần nào cũng nhìn lên bầu trời căng mắt tìm cặp sao tình nhân. Hằng trăm đốm sao cứ nháy mắt như trêu ngươi, nghe còn cả tiếng cười của người còn trẻ lắm. Trong veo và ngọt. Rồi như là đã lâu lắm ko còn gặp, tiếng cười của người cũng xa như mùa thu không còn vương giọt trên cành vắng. Cả những gì là kỷ niệm của mùa sao giờ cũng chỉ tan theo những mùa khác. Mùa sao giờ cũng hoang vắng mất rồi. Nghe những giai điệu ngày xưa cũng xa như tuổi xa. Chỉ ông sao là chẳng khác, vẫn khuôn mặt ấy, vẫn là những gì người đã gieo vào lòng tuổi nhỏ. Giờ lớn rồi, ông sao không chỉ biết cười thôi, ông sao còn biết khóc, hằng hà sa số những ông sao kia ông sao nào về đêm cũng thắp lên trong lòng một điều bí mật. Có những bí mật là quá vãng về một mùa hè khô và nóng. Người chẳng đã hứa là mùa thu sắp về hay sao?
Một ngày lạ, tim cảm được sự giao thoa như giữa hai mùa thu và hạ. Nhớ lời hẹn về cặp sao tình nhân vẫn còn dang dở mà thấy mình trơ trọi làm sao. Quên mất khuôn mặt của người rồi, quên cả những cái nháy mắt hồn nhiên ngày nhỏ. Giấc mơ được nằm trên thảm sao nữa, giờ người cũng giống những ông sao, về đêm cũng gieo một điều bí mật.
Tìm hết rồi, đã thấy lòng mệt, tim cũng không còn đủ sức mới ngộ ra một điều mình còn nặng nợ quá. Đã bao lâu rồi, chắc Người cũng quên, vậy mà mang chi cho thêm mệt. Ông sao chẳng còn nhớ kẻ hay ngồi đếm mình đâu. Bao nhiêu thời gian đã qua, ông sao vẫn cứ vậy, cứ cái màu xanh trong trẻo và hồn nhiên như những ngày đầu của vũ trụ, ông sao ở đó đã rất lâu rồi, ông sao cũng đã nhàm mặt những kẻ ngồi tơ tưởng tình yêu mà tìm kiếm cặp sao tình nhân. Ngộ ra rằng hằng hà sa số những ông sao kia chưa bao giờ là của mình cả, Người đã đánh lừa bằng những mộng mị ngây ngô. Sau bao nhiêu cuộc tìm kiếm, sau bấy nhiêu đợi chờ cuối cùng cũng ko bao giờ đến đích, cuối cùng mới nhận ra chừng đó thời gian chỉ đủ luẩn quẩn quanh đây, dưới vòm trời sao kỷ niệm. Ông sao không biết già, còn mình giờ đã lớn đã đến cái lúc những suy nghĩ ngây ngô tan đi. Những người bạn sau này cũng như ông sao, thức trọn đêm với mình nhưng không ai có thể cùng hiểu mình như khi ngồi dưới bầu trời ấy. Hiểu ý Người rồi, ai cũng có một ông sao cho riêng mình, Người có cùng cặp sao tình nhân, sẽ tìm thấy thôi. Cả hằng hà sa số nhưng bình yên vẫn là ngôi sao ấy, ngôi sao của riêng mình, Người bảo mình đi tìm là vậy. Người biết mình sẽ kiên trì.
Rồi mùa thu cũng đã sang gieo chút heo may vào cành vắng. Những ông sao trốn bặt, không còn cái hương trong trẻo mỗi buổi tối mùa hè cùng Người đếm sao. Nhưng cũng không cô đơn nữa vì đã có Người làm ông sao cho riêng mình.
Những ông sao tuổi nhỏ là những ông sao không biết già
Ông sao ơi, ngủ ngoan nhé! Mùa đã sang rồi...

Starry starry night- Don Mclean

· Thưa các bạn, kết thúc chương trình hôm nay, chúng tôi xin tiễn biệt mùa thu bằng một truyện ngắn xuất sắc của Úc Thanh, đồng thời cũng mong muốn để lại cho quý các bạn một dư vị về buổi sinh hoạt trung thu cho các em khuyết tật mà các bạn trong diễn đàn đã tổ chức thành công. Hi vọng câu chuyện sẽ khơi gợi ở các bạn những suy tưởng đáng giá.

Giấy chứng nhận làm người
Úc Thanh – Nguyễn Công Hoan dịch

Trên đoàn tàu, cô soát vé hết sức xinh đẹp cứ nhìn chằm chằm vào người đàn ông lớn tuổi áng chừng đi làm thuê, hạch sách:
-Vé tàu!
Người đàn ông lớn tuổi lục khắp người từ trên xuống dưới một thôi một hồi, cuối cùng tìm thấy vé, nhưng cứ cầm trong tay không muốn chìa ra.
Cô soát vé liếc nhìn vào tay anh, cười trách móc:
- Đây là vé trẻ em.
Người đàn ông đứng tuổi đỏ bằng mặt, nhỏ nhẹ đáp:
- Vé trẻ em chẳng phải ngang giá vé người tàn tật hay sao?
Giá vé trẻ em và người tàn tật đều bằng một nửa vé, đương nhiên cô soát vé biết. Cô nhìn kỹ người đàn ông một lúc rồi hỏi:
- Anh là người tàn tật?
- Vâng, tôi là người tàn tật.
- Vậy anh cho tôi xem giấy chứng nhận tàn tật.
Người đàn ông tỏ ra căng thẳng. Anh đáp:
- Tôi… không có giấy tờ. Khi mua vé cô bán vé bảo tôi đưa giấy chứng nhận tàn tật, không biết làm thế nào, tôi đã mua vé trẻ em
Cô soát vé cười gằn:
- Không có giấy chứng nhận tàn tật, làm sao chứng minh được anh là người tàn tật?
Người đàn ông đứng tuổi im lặng, khe khẽ tháo giầy, rồi vén ống quần lên – Anh chỉ còn một nửa bàn chân.
Cô soát vé liếc nhìn, bảo:
- Tôi cần xem chừng từ, tức là quyển sổ có in mấy chữ “Giấy chứng nhận tàn tật”, có đóng con dấu bằng thép của Hội người tàn tật!
Người đàn ông đứng tuổi có khuôn mặt quả dưa đắng, giải thích:
- Tôi không có hộ khẩu của địa phương, người ta không cấp sổ tàn tật cho tôi. Hơn nữa, tôi làm việc trên công trường của tư nhân. Sau khi xảy ra sự cố ông chủ bỏ chạy, tôi cũng không có tiền đến bệnh viện giám định…
Trưởng tàu nghe tin, đến hỏi tình hình.
Người đàn ông đứng tuổi một lần nữa trình bày với trưởng tàu, mình là người tàn tật, đã mua một chiếc vé có giá trị bằng vé của người tàn tật …
Trưởng tàu cũng hỏi:
- Giấy chứng nhận tàn tật của anh đâu?
Người đàn ông đứng tuổi trả lời anh không có giấy chứng nhận tàn tật, sau đó anh cho Trưởng tàu xem nửa bàn chân của mình.
Trưởng tàu ngay đến nhìn cũng không thèm nhìn, cứ nhất quyết nói:
- Chúng tôi chỉ xem giấy chứng nhận, không xem người. Có giấy chứng nhận tàn tật chính là người tàn tật, có giấy chứng nhận tàn tật mới được hưởng chế độ ưu đãi vé người tàn tật. Anh mau mau mua vé bổ sung.
Người đứng tuổi bỗng thẫn thờ. Anh lục khắp lượt các túi trên người và hành lý, chỉ có bốn đồng, hoàn toàn không đủ mua vé bổ sung. Anh nhăn nhó và nói với trưởng tàu như khóc:
- Sau khi bàn chân tôi bị máy cán đứt một nửa, không bao giờ còn đi làm được nữa. Không có tiền, ngay đến về quê cũng không về nổi. Nửa vé này cũng do bà con đồng hương góp mỗi người một ít để mua giùm, xin ông mở lượng hải hà, giơ cao đánh khẽ, nương bàn tay cao quý, tha cho tôi.
Trưởng tàu nói kiên quyết:
- Không được.
Thừa dịp, cô soát vé nói với Trưởng tàu:
- Bắt anh ta lên đầu tàu xúc than, coi như làm lao động nghĩa vụ.
Nghĩ một lát, trưởng tàu đồng ý:
- Cũng được.
Một đồng chí lão thành ngồi đối diện với người đàn ông đứng tuổi tỏ ra chướng tai gai mắt, đứng phắt lên nhìn chằm chằm vào mắt vị trưởng tàu, hỏi:
- Anh có phải đàn ông không?
Vị trưởng tàu không hiểu, hỏi lại:
- Chuyện này có liên quan gì đến tôi có là đàn ông hay không?
- Anh hãy trả lời tôi, anh có phải đàn ông hay không?
- Đương nhiên tôi là đàn ông!
- Anh dùng cái gì để chứng minh anh là đàn ông? Anh đưa giấy chứng nhận đàn ông của mình cho mọi người xem xem?
Mọi người chung quanh cười rộ lên.
Thừ người ra một lát, vị truởng tàu nói:
- Một người đàn ông to lớn như tôi đang đứng đây, lẽ nào lại là đàn ông giả?
Đồng chí lão thành lắc lắc đầu, nói:
- Tôi cũng giống anh chị, chỉ xem chứng từ, không xem người, có giấy chứng nhận đàn ông sẽ là đàn ông, không có giấy chứng nhận đàn ông không phải đàn ông.
Vị trưởng tàu tịt ngóp, ngay một lúc không biết ứng phó ra sao.
Cô soát vé đứng ra giải vây cho Trưởng tàu. Cô nói với đồng chí lão thành:
- Tôi không phải đàn ông, có chuyện gì ông cứ nói với tôi.
Đồng chí lão thành chỉ vào mặt chị ta, nói thẳng thừng:
- Cô hoàn toàn không phải người!
Cô soát vé bỗng nổi cơn tam bành, nói the thé:
- Ông ăn nói sạch sẽ một chút. Tôi không là người thì là gì?
Đồng chí lão thành vẫn bình tĩnh, cười ranh mãnh, ông nói:
- Cô là người ư? Cô đưa giấy chứng nhận “người” của cô ra xem nào…
Mọi hành khách chung quanh lại cười ầm lên một lần nữa.
Chỉ có một người không cười.
· Chúng tôi xin chân thành cảm ơn các bạn đã theo dõi chương trình của Phút 46 online. Mặc dù chương trình phát sóng khi mùa Trung thu đã đi qua nhưng chúng tôi hi vọng đã làm nên một trung thu trọn vẹn hơn trong lòng những con người tri âm chúng tôi.

nguồn: yeusaonam.vn
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top