Tiếng nói chuyên gia trong ngày: Kinh nghiệm chọn trường, ngành

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Kì thi ĐH, CĐ sắp tới gần, hạn nộp hồ sơ cũng đã đến ngày cận kề nhưng thực tế nhiều học sinh vẫn hoang mang không biết nên lựa chọn trường, ngành nghề nào cho phù hợp. Dưới đây là những ý kiến tư vấn của các chuyên gia, thầy cô giúp các em có những định hướng rõ ràng và có sự lựa chọn đúng đắn cho tương lai.

Ông Nguyễn Quốc Cường, Chuyên viên tuyển sinh Bộ GD&ĐT tại TPHCM chia sẻ kinh nghiệm chọn ngành nghề: Thông thường, ngành học tại trường quyết định nghề nghiệp sau này của bạn. Tuy nhiên, thực tế giờ đây đã thay đổi do ngành nghề phong phú hơn, khoa học - kỹ thuật có nhiều bước đột phá hơn, những yêu cầu công việc đa dạng hơn.

Một người học ngành tài chính sau này có thể làm chuyên viên nhân sự, một kỹ sư cơ khí có thể làm chuyên viên thiết kế web, một cử nhân văn chương có thể làm du lịch... và rất nhiều người thật sự làm tốt công việc nhờ biết khai thác những khả năng tiềm ẩn của mình.

Nhiều sinh viên không biết rõ mong muốn của bản thân mình là gì, trong khi quãng đời sinh viên là khoảng thời gian có ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống và sự trưởng thành của họ sau này.

Không ít người chọn ngành học không phải vì niềm đam mê cá nhân mà do sự tác động của người thân, vì áp lực về địa vị xã hội, vì trào lưu chung... Vì thế đến khi gặp khó khăn trong tìm việc, họ trở nên hoang mang.

DSC33167024d_be124.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Trong việc chọn ngành học cũng như chọn việc làm, những hứa hẹn về tài chính mà ngành học mang lại luôn được cân nhắc khá kỹ lưỡng. Khi đã xác nhận được thiên hướng cá nhân rồi, cần xem xét việc làm đó có mang lại cho bạn nguồn lợi tài chính đáng kể hay không để chọn trường.

Nếu không trúng tuyển ĐH, Đối với nam, nên chọn những khóa học từ một năm trở lên tại các trường đào tạo về điện công nghiệp và dân dụng, đầu bếp, cơ khí, điện máy, sửa chữa ô tô, thợ hàn, thợ cắt gọt kim loại, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, thiết kế đồ họa, xây dựng, điện tử viễn thông…Đối với nữ, những em không vào đại học nên chọn các chương trình trung học nghiệp vụ về kế toán, ngoại ngữ và học thêm các lớp chuyên đề như PR, marketing, nghiệp vụ bán hàng, công nghệ chế biến nông lâm sản, du lịch, dược, nhà hàng khách sạn, thợ may công nghiệp…

Chọn ngành, chọn trường phù hợp với sức học là ý kiến tư vấn của Tiến sĩ Phan Ngọc Minh (Trưởng phòng Đào tạo ĐH Ngân hàng TP.HCM): Đối với các bạn học sinh học lực chỉ ở mức trung bình. Kiến thức không thật sự chắc chắn thì nên chọn những trường và những ngành (dĩ nhiên trường và ngành mà em yêu thích) có điểm chuẩn trúng tuyển vừa với năng lực học tập của các em (ước khoảng 13-16 điểm). Một lựa chọn khác đó là em là thi vào hệ CĐ, cơ hội sẽ cao hơn rất nhiều ĐHNH có điểm chuẩn đối với hệ CĐ năm 2011 là 13 điểm, 2012 là 14,5 điểm theo đề thi ĐH.

Thạc sĩ Tạ Quang Lâm, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết: “Nếu có học lực trung bình khá trở lên mới nên nộp hồ sơ đăng ký dự thi vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Bởi lẽ, điểm trúng tuyển ngành thấp nhất cũng trên điểm sàn vài điểm”. Thạc sĩ Lâm nhấn mạnh: “Một số ngành điểm trúng tuyển các năm trước khá cao như: sư phạm toán, sư phạm hóa (trên 20 điểm, không nhân hệ số), sư phạm tiếng Anh (30 điểm, nhân hệ số 2 môn tiếng Anh). Trong đó, giáo dục tiểu học là ngành có “tỷ lệ chọi” cao nhất. Điểm chuẩn khối D4 (tiếng Trung) và D6 (tiếng Nhật) thường thấp hơn, khoảng dưới 20 điểm (đã nhân hệ số 2 môn ngoại ngữ). Đây là khối thi có ít thí sinh dự thi”.

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), gợi ý: “Qua các năm, một số ngành điểm trúng tuyển luôn ở mức cao gồm: báo chí truyền thông, quan hệ quốc tế, tâm lý học, du lịch, ngôn ngữ Anh. Ngược lại, có những ngành điểm trúng tuyển chỉ bằng hoặc cao hơn điểm sàn như: nhân học, giáo dục học, thư viện thông tin, triết học, ngữ văn Đức…”.

Trong khi đó, tiến sĩ Trần Thế Hoàng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, khuyên chân tình: “Điểm trúng tuyển vào trường nhiều năm qua luôn ở mức 19. Thí sinh dự thi vào trường cần phải có học lực từ khá, giỏi trở lên”. Thạc sĩ Lê Văn Hiển, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM, cũng cho biết điểm chuẩn các ngành học tại trường trong năm 2012 từ 17,5 - 21, thí sinh nên cân nhắc năng lực bản thân để thi vào. Dự kiến trong năm nay, điểm chuẩn các khối A và D có thể cao hơn. Vì vậy, nếu cảm thấy không đủ sức thi vào trường, có thể chọn ngành luật tại một số trường ĐH khác như ĐH Mở TP.HCM, ĐH Sài Gòn.

Theo PGS-TS Đặng Văn Tịnh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, ở các trường ĐH y dược, điểm tuyển vào ngành bác sĩ đa khoa là cao nhất, kế đến là bác sĩ răng hàm mặt, bác sĩ y học cổ truyền, thấp nhất là bác sĩ y học dự phòng. Những học sinh có sức học khá giỏi chỉ nên thi vào bác sĩ y học cổ truyền hoặc y học dự phòng. Nếu muốn học bác sĩ đa khoa và răng hàm mặt, nên chọn thi vào các trường ĐH có điểm thấp hơn như: ĐH Y Dược Cần Thơ, ĐH Tây nguyên, ĐH Y Dược Huế, một số trường ĐH phía bắc. Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu Nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM: Thị trường lao động cần rất lớn nguồn nhân lực giỏi nghề đó là những kỹ thuật viên, nhân viên nghiệp vụ Cao đẳng, Trung cấp; Công nhân kỹ thuật lành nghề. Trong xã hội đã có nhiều người thành đạt lớn từ khởi nghiệp học nghề. Nhưng thực tế các học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT không muốn học nghề đang trở thành vấn đề của xã hội. Nguyên nhân do những định kiến, tâm lý trọng bằng cấp còn tồn tại ở hầu hết các bậc phụ huynh. Bên cạnh đó còn nhiều lý do như việc thiếu thông tin về ngành học, chưa biết giá trị bản thân phù hợp với ngành mình học, thiếu định hướng trong việc chọn nghề. Do thiếu thông tin về nhu cầu và tiêu chí tuyển dụng lao động nên nhiều người không biết chọn nghề hoặc học nghề trái với nhu cầu xã hội.

Thực tế thị trường lao động đã minh chứng, khi người thanh niên chính thức bước vào thị trường lao động, trình độ và cấp bậc học Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, hay Sơ cấp chỉ là phần cơ bản của nghề, điều cốt lõi là mỗi thanh niên phải xây dựng được những giá trị năng lực hành nghề chính là xây dựng ý chí, quyết tâm để có hoài bão làm việc và không ngừng học tập. Việc học ở nhà trường chỉ là giai đoạn đầu của quá trình học tập suốt đời trong một xã hội hiện đại. Để phát triển nghề nghiệp phải có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, nâng cao năng lực, tư duy khoa học, độc lập, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, áp dụng công nghệ mới để không ngừng phát triển kỹ năng nghề nghiệp.

Tổng hợp
nguồn :tinmoi.vn
 
×
Quay lại
Top