Thi thử tốt nghiệp THPT, đại học: Mất tiền mua thêm áp lực

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Thi thử tốt nghiệp THPT, đại học (ĐH) từ lâu đã được coi là màn “tập rượt” giúp nhà trường lẫn thí sinh có sự phân loại, bồi dưỡng để có kết quả tốt khi thi chính thức.Tuy nhiên, nếu quá lạm dụng thi thử, hay thi ở các trung tâm thiếu nghiêm túc, sẽ tạo lãng phí, gây ra áp lực không nhỏ cho các thí sinh.

857257-copy-of-thi-thu-dh-2013-18a65.jpg

Thí sinh tìm hiểu thông tin về các lớp luyện thi, thi thử ĐH tại một trung tâm gần Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Q.Huy


Thi thử tiếp tục bị thả nổi

Trong hướng dẫn ôn tập thi tốt nghiệp THPT năm 2013 của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội tiếp tục không đề cập đến chuyện thi thử tốt nghiệp, thi thử ĐH tổ chức tại các trường THPT. Hiện nay, hoạt động thi thử tốt nghiệp, thi thử ĐH tại các trường vẫn theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, tổ chức nhiều hay ít tùy trường. Còn đối với các trung tâm luyện thi, hoạt động thi thử ĐH vẫn diễn ra theo kiểu bát nháo trong nhiều năm nay, hầu như không có sự kiểm soát của các cơ quan chức năng.




Thi thử khắp nơi
Sau khi Bộ GD&ĐT công bố 6 môn thi tốt nghiệp THPT năm 2013, nhiều trường THPT tại Hà Nội đã tích cực triển khai công tác ôn luyện, bồi dưỡng cho học sinh. Mặc dù giống như mọi năm, cả Bộ lẫn Sở GD&ĐT Hà Nội vẫn chưa có quy định hướng dẫn cụ thể về công tác thi thử tốt nghiệp, song nhiều trường đã tổ chức các đợt tập rượt giống như thi tốt nghiệp để giúp học sinh làm quen với kỳ thi, nhà trường phân loại được học sinh để có kế hoạch bồi dưỡng, phụ đạo giúp các em.

Không chỉ thi thử tốt nghiệp, nhiều trường còn tổ chức thi thử ĐH cho học sinh khối 12. Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh là một ví dụ. PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Khối 12 của Trường Lương Thế Vinh đã học xong chương trình, giáo viên có môn thi tốt nghiệp đã xây dựng đề cương, hướng dẫn ôn tập, thường xuyên kiểm tra kiến thức, phân loại học sinh. Để giúp học sinh làm quen với không khí thi cử, tránh sai sót trong quá trình làm bài thi… trường cũng đã tiến hành 2 đợt thi thử ĐH cho học sinh khối 12. Học sinh được chia phòng, thi theo khối thi A, B, C, D giống như thi ĐH”.


Đáp ứng nhu cầu của các thí sinh, từ đợt ra Tết đến nay, tại khu vực gần Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Sư phạm Hà Nội… liên tục mở lớp ôn luyện, tổ chức thi thử cho các thí sinh. Hàng loạt các website học online đã tổ chức các đợt thi thử ĐH với sự tham gia của rất nhiều học sinh.

Lợi ít, hại nhiều

Đánh giá về chuyện thi thử tốt nghiệp, PGS. Văn Như Cương cho rằng: “Thi thử tốt nghiệp giúp học sinh làm quen phòng thi, những vật dụng được mang, không được mang vào. Nếu quên thẻ học sinh hay chứng minh nhân dân thì sẽ xử trí ra sao? Những vấn đề đó đều phải luyện tập cho các em. Thi thử sẽ thấy ngay những em nào còn thiếu sót để các thầy cô tập trung vào ôn luyện. Nếu như chỉ làm bài kiểm tra học kì thì không thể đánh giá hết được lực học, làm quen với chuyện thi cử như tốt nghiệp được”.

Không chỉ thi thử tại trường, nhiều học sinh còn tìm đến các trung tâm để thi thử ĐH. Và không ít những hệ lụy đã phát sinh từ đây. Đức Anh (THPT dân lập Lương Thế Vinh) chia sẻ: “Trường em cũng tổ chức thi thử ĐH, nhưng em muốn thử sức thêm nên thi ở ngoài. Thi ở các trung tâm kết quả rất khác nhau, nhưng điểm lại cao hơn nhiều so với ở trường. Em mang đề thi về hỏi thầy cô, thì được biết đề thi nhiều sai sót, chấm bài cẩu thả”. Bất an sau những lần thi thử ĐH tại các trung tâm, Việt Hoàng (THPT Quang Trung) cho biết: “Em đi thi thử nhiều lần ở các trung tâm, kết quả đều không như mong đợi. Gia đình em rất kỳ vọng em thi đỗ ĐH, nên em luôn cảm thấy lúc nào cũng bị áp lực, mệt mỏi”.

Trải qua nhiều lần “mất tiền oan” thi thử tại các lò luyện, sinh viên Trần Đức Hưng (Khoa Kinh tế, ĐH Bách Khoa Hà Nội) rút ra kinh nghiệm: “Hầu hết các trung tâm đều làm theo kiểu dịch vụ. Đề thi thì nhặt nhạnh, thuê sinh viên chấm. Nhiều trung tâm còn cố tình chấm điểm thấp để mời thí sinh tham gia các lớp ôn kèm lới hứa đỗ ĐH. Theo em, thí sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa, tham khảo giải bài trong các bộ đề, các đề thi của các năm trước rồi nhờ thầy cô, bạn bè chấm giúp. Đây là cách học hiệu quả, tiết kiệm nhất”.

Nhiều nhà quản lý giáo dục cho rằng, nếu như thi thử quá nhiều sẽ làm cho thí sinh mất thời gian, lại dễ bị dao động bởi kết quả thi thử sẽ dẫn tới chủ quan nếu có kết quả tốt và bi quan, chán nản khi có kết quả không tốt. Hơn nữa, tình trạng thi thử hiện nay ở nhiều trung tâm cũng rất bát nháo, thí sinh lãng phí tiền bạc lại không biết được lực học thực chất. Theo đó, thay vì thi thử nhiều lần thí sinh nên tập trung thời gian ôn luyện kiến thức để có một kết quả tốt trong các kỳ thi chính thức.
Nguồn :giadinh.net.vn
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top