Sinh viên đối thoại với các tập đoàn đa quốc gia Mỹ

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
Để vào làm tại các tập đoàn đa quốc gia Mỹ, ngoài kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ, quan trọng nhất sinh viên phải có thái độ làm việc đúng đắn. Đó là tiêu chí lớn nhất các tập đoàn Mỹ mong đợi ở ứng viên tiềm năng.
p1-698374-9538.jpg
Bà Mai Trang Thanh chia sẻ những mong đợi của tập đoàn đa quốc gia Mỹ ở các ứng viên. Ảnh: B.M.
Buổi đối thoại "Hành trang đến với các tập đoàn đa quốc gia Mỹ" tại ĐH Ngoại thương hôm 27/12 thu hút nhiều sinh viên và cựu sinh viên các trường ở Hà Nội. Đến với buổi chia sẻ, sinh viên được giới thiệu về các công ty đa quốc gia Mỹ, môi trường làm việc, yêu cầu nhân sự cũng như nhu cầu nhân lực trong những năm tới đây.

Theo ông Jeremy Showalter, Giám đốc nhóm đơn vị giải pháp thuộc Microsoft Việt Nam, nguồn nhân lực Việt Nam trẻ và năng động, nhưng thiếu kỹ năng sâu về kỹ thuật. Nếu muốn vào làm cho Microsoft, sinh viên cần phát triển các kỹ năng để đáp ứng được đòi hỏi của công ty.

Cùng quan điểm với đại diện đến từ Microsoft, bà Yasue Pai, Tùy viên thương mại của Đại sứ quán Mỹ cho rằng, không chỉ có kiến thức về công nghệ thông tin, các bạn trẻ cần hiểu biết sâu về ngành mình đang theo học để trở thành những "master" (bậc thầy) trong lĩnh vực đó.

Từng có nhiều năm làm việc tại Mỹ, Trung Quốc, Hong Kong, bà Pai nhận thấy, nhiều quốc gia phát triển thường khuyến khích chương trình trao đổi thực tập sinh giữa các nước với nhau. Tùy viên Đại sứ quán Mỹ hy vọng Việt Nam cũng sẽ có nhiều hoạt động trao đổi sinh viên như thế.

doi-thoai-2-698374-1535.jpg
Sinh viên tự tin đặt câu hỏi bằng tiếng Anh với các vị khách mời của buổi đối thoại. Ảnh: B.M.
Nhiều doanh nhân thành đạt đang làm việc cho tập đoàn đa quốc gia Mỹ cũng chia sẻ kinh nghiệm. Từng gắn bó với ba công ty lớn của Mỹ, 17 năm kinh nghiệm trong ngành công nghiệp dầu khí và hiện nắm giữ vị trí Tổng giám đốc tập đoàn Honeywell tại Việt Nam, bà Mai Trang Thanh bộc bạch, là nhà tuyển dụng, bà muốn thấy thái độ làm việc, sự quyết liệt, nhiệt huyết và cách xoay sở, kiểm soát cuộc sống của ứng viên thay vì bằng đỏ hay chứng chỉ Ielts hay Toefl.

Đặc biệt, bà thích tuyển những "sinh viên ngoại tỉnh, gia đình khó khăn, càng đông con càng tốt". Theo bà, làm việc cho các công ty Mỹ cũng "giống y như cuộc sống cá nhân xa nhà". Nếu có thể tự lo, đảm đang, thu vén được cuộc sống của mình, ứng viên đó mới tồn tại được trong môi trường làm việc đầy cạnh tranh của Mỹ.

Trả lời câu hỏi của sinh viên về việc nên theo đuổi công việc yêu thích hay kinh qua nhiều việc sau khi ra trường, bà Thanh đưa ra lời khuyên "phải làm mới biết mình phù hợp với việc gì". Càng kinh qua nhiều công việc, không quan trọng là ở vị trí cao hay thấp, sinh viên sẽ học được nhiều kỹ năng, cách giải quyết khi gặp vấn đề.

"Cơ hội ở trong chính chúng ta và phải nghĩ làm thế nào để đạt được. Mọi thành công đều không có đáp án sẵn", bà Thanh nói.
Buổi đối thoại trở nên sôi nổi và gần gũi khi có những bộc bạch của nhiều nhân viên sáng giá đến từ IBM Việt Nam, KPMG và General Electric.

Chia sẻ kinh nghiệm của mình, chị Thu Hà đến từ tập đoàn KPMG kể, thời sinh viên, chị từng làm rất nhiều công việc như phiên dịch cho hội chợ, làm bán thời gian cho các công ty. "Có cơ hội là đi làm, dù làm gì cũng được. Đừng nghĩ gì to lớn, hãy cứ đi tới bằng nhiệt huyết của mình. Những kinh nghiệm đó sẽ giúp ích cho công việc của mình sau này", chị Hà nói.

Với chị, trong mỗi cuộc phỏng vấn, chị thường gạt CV sang một bên và chỉ nhớ tên ứng viên. "Chị chưa cần biết em đến từ trường nào mà chỉ quan tâm tới những gì em thể hiện trong buổi phỏng vấn, đó là hiểu biết về xã hội, cuộc sống. Vòng phỏng vấn cuối cùng không về chuyên môn mà chỉ là những câu hỏi đời thường", chị Hà bật mí.

doi-thoai-1-698374-8503.jpg
Sinh viên và cựu sinh viên các trường đại học ở Hà Nội tham dự đối thoại. Ảnh: B.M.
Câu chuyện của chị Nguyễn Hiền Chi, chuyên viên phát triển thị trường của công ty General Electric, từng có thời gian du học ở Mỹ và Anh, từng bị "sốc văn hóa" khi về Việt Nam làm việc cũng là kinh nghiệm "xương máu" với sinh viên. Thời gian đầu về nước, chị Chi được giao nhiệm vụ gọi điện thoại để chắc chắn khách mời tham dự sự kiện. Gặp khó khăn trong việc diễn đạt bằng tiếng Việt, chị Chi không thể có được số điện thoại để liên lạc với khách.

"Mất một thời gian dài tôi mới thích nghi được và chấp nhận cách làm việc đó. Tôi nhận ra, kiên trì và chịu khó học hỏi sẽ giúp mình trưởng thành hơn. Ở trường nước ngoài, không ai dạy tôi những kỹ năng nói chuyện điện thoại ra sao", chị Chi tâm sự.
Nhận được những câu hỏi "không thoát ý" của sinh viên, chị Phạm Thị Thanh Long, trưởng bộ phận dự án chính phủ - IBM Việt Nam thẳng thắn chỉ ra bạn đó chưa có suy nghĩ logic. Theo chị, các bạn nên xác định rõ ràng mục đích để có sự chuẩn bị tốt. "Bạn nên chủ động mọi thứ và hãy nghĩ rằng việc học là của bạn chứ không phải bạn học cho bố mẹ, thầy cô. Học gì, học ở đâu, kiếm tài liệu chỗ nào là tự bản thân bạn phải tìm", chị Long khuyên.

Buổi đối thoại của các đại diện đến từ công ty đa quốc gia Mỹ với sinh viên diễn ra khoảng 3 tiếng khiến nhiều bạn sinh viên tâm đắc. Tốt nghiệp ĐH Ngoại thương, Linh Chi vẫn loay hoay chưa kiếm được việc làm. Từng đi phỏng vấn một vài nơi nhưng Chi chưa ưng ý vì muốn làm ở một công ty "hoành tráng". Với Chi, buổi đối thoại bổ ích giúp cô "ngộ" ra thái độ về công việc của mình chưa đúng.

"Trước đây em nghĩ mình học ở trường danh giá thì cũng phải làm ở một chỗ xịn nhưng được lắng nghe chia sẻ của các nhà tuyển dụng ở đây, em nhận ra không nên kén cá chọn canh mà hãy cứ làm đi để tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng và nắm bắt cơ hội phù hợp", Chi cho hay.
Theo vnexpress
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top