Ông cố vấn - hồ sơ một điệp viên

5.

Hai Long thả mình vào dòng người hỗn loạn trên đường phố Sài Gòn. Anh muốn được chứng kiến những giờ tàn của Mỹ - ngụy.

Cơn hoảng loạn bắt đầu từ những đám binh lính, những đám dân chúng thoát chết từ miền Trung, từ Tây Nguyên đổ về. Nỗi hoảng sợ của họ không phải do xe tăng và pháo 130 ly của quân Giải phóng gây ra mà là sự khiếp đảm vì những quang cảnh họ đã tham gia và chứng kiến trên đường rút chạy. Hàng vạn người điên cuồng giành giật nhau một chỗ ngồi trên một chiếc máy bay, một chiếc tàu nhỏ, một chiếc xe đò. Những người bám càng trực thăng bị rớt từ trên cao xuống. Những chiếc xe đò lật nhào vì chở quá nhiều người và phóng quá nhanh. Những chiếc xuồng và những chiếc tàu bị sóng biển Đông nuốt chửng. Khắp thành phố loan truyền sẽ có những cuộc tắm máu khi Việt Cộng vào thành phố. Những người di cư lo bị xâu tay, xiềng chân, đi bộ trở về miền Bắc. Những cô gái lo bị rút hết móng tay vì tội đã dùng kem đỏ. Những luận diệu tuyên truyền chống Cộng hoang đường do bọn tâm lý chiến tạo nên đã quay trở lại làm hại chính cho chúng. Không còn cái gì có thể làm giảm bớt sự hốt hoảng lan tràn khắp thành phố.

Sự hốt hoảng càng tăng lên khi tiếng đại bác nổ gần và những chiếc trực thăng từ hạm đội Mỹ ở ngoài khơi bay vào di tản những người Mỹ. Họ cũng hoảng sợ không kém, vội vã ra đi, bỏ lại những building lộng lẫy, những cửa hàng còn đầy ắp hàng hóa. Rợp trời Sài Gòn những chiếc trực thăng Mỹ thực hiện cuộc hành quân "Người liều mạng". Trực thăng hạ cánh trên nhưng nóc nhà cao tầng, lấy khách rồi bay ra biển. Bốn mươi lính thủy đánh bộ Mỹ, tiểu liên lăm lăm trong tay, không giữ được trật tự trước đoàn người đông như kiến vây quanh hàng rào của Tòa đại sứ Mỹ kêu khóc, gào thét, giầy xéo lên nhau cố lọt vào trong khuôn viên Tòa đại sứ để được ông chủ cho cùng chạy trốn.

Bọn cảnh sát và mật vụ đã biến mất trên đường phố Sài Gòn. Chúng có những lý do đích thực để sợ hãi. Cuộc hôi của bắt đầu từ những ngôi nhà người Mỹ đã di tản, những kho tàng không còn người cai quản, nhanh chóng biến thành những cuộc cướp phá khắp nơi. Binh lính ngụy chạy trốn từ các mặt trận về trở thành những kẻ dẫn đầu trong các vụ hôi của, ăn cướp. Những chiếc xe ba bánh, xe gắn máy chở đầy của hôi phóng như điên để kịp quay lại làm thêm những chuyến mới. Có đủ mọi thứ từ tủ lạnh, máy giặt, hòm rượu, tới bàn ghế, gi.ường nệm và cả những tủ đựng hồ sơ. Nhiều chú bé cũng hăng hái như người lớn. Có em thồ trên người cả một tấm nệm mút. Có em khoác trên vai mấy khẩu tiểu liên.

Đối với chính quyền ngụy, Martin vẫn không tỏ ra vội vàng. Trần Văn Hương còn ngồi ở ghế tổng thống gần trọn một tuần sau khi Thiệu từ chức. Ngày 27-4, quốc hội ngụy mới ra biểu quyết trao quyền cho Dương Văn Minh làm tổng thống để tiến hành thương lượng với Mặt trận Giải phóng.

Ngày 28-4, Dương Văn Minh nhậm chức, cử Nguyễn Văn Huyền làm phó tổng thống, Vũ Văn Mẫu làm thủ tướng, Cao Văn Viên, Nguyễn Bá Cẩn cùng với 60 nghị sĩ vội chạy ra nước ngoài. Ba giờ chiều, 5 chiếc máy bay A.37 của Mỹ do phi công ta lái, ném bom và nã súng liên thanh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, phá hủy hàng chục máy bay đỗ trên mặt đất. Đạn liên thanh bắn trúng chiếc xe Jeep của Nguyễn Cao Kỳ chạy trên đường băng. Kỳ thoát chết vì nhảy kịp khỏi xe náu xuống một hố trú ẩn bên đường băng.

Sài Gòn bắt đầu những trận mưa rào mùa hè. Từng lúc, những trận mưa lại bất thần ập xuống. Hai Long trùm chiếc áo mưa gần kín người và đeo chiếc kính râm to sậm màu đi trên đường phố nhớp nháp, đầy ngập rác rưởi bốc hơi nồng nặc. Những kẻ thù nguy hiểm nhất của anh đều đã tháo chạy. Nhưng anh vẫn phải thận trọng. Anh đã đi gần trọn chặng đường cuối cùng của chiến tranh. Ngày hôm nay, Dương Văn Minh đã ra thông báo đòi Mỹ rút hết nhân viên, đóng cửa Tòa đại sứ Mỹ trong 24 giờ. Như vậy có nghĩa là người Mỹ sắp di tản hết, giờ cuối cùng của Mỹ, ngụy đã điểm. Tiếng pháo lớn nổ dồn dập phía sân bay Tân Sơn Nhất. Kho nhiên liệu tại sân bay bốc cháy, lửa khói mù mịt một góc trời. Khắp các phía chung quanh Sài Gòn đều ran tiếng súng. Anh được biết sớm muộn trong ngày mai quân ta sẽ có mặt tại Sài Gòn. Một ngày rất gần anh sẽ gặp lại Hòe và Trọng. Những ngày sôi nổi của mình sắp chấm dứt. Còn vài năm nữa anh sẽ bước vào tuổi 50. Có những người bạn của anh lại lên đường ra đi. Nhưng với anh, cuộc chơi đã đi vào giai đoạn kết thúc. Anh chỉ mong những tập hồ sơ của mình và các bạn ở những bộ phận lưu trữ của chính quyền ngụy còn nguyên vẹn... Tối nay, anh còn một việc cuối cùng phải làm, anh sẽ gặp tướng Dương Văn Minh. Trung tâm muốn trong ngày mai, 30-4-1975, anh sẽ có mặt ở dinh Độc Lập với tư cách một người của lực lượng thứ ba.

Anh hòa vào dòng người đông đặc, nhớn nhác, hốt hoảng, lòng bình thản và bâng khuâng.

Anh dừng chân trước ngôi nhà cao tầng quét vôi màu vàng ở phố Duy Tân. Ngôi nhà vẫn vắng vẻ như lần anh đến trước. Anh chậm rãi leo lên cầu thang, tay đặt trên thành cầu thang bằng đá mát lạnh. Anh muốn dành sớm cho chị một niềm vui bất ngờ. Để tới ngày mai thì mọi chuyện đã quá rõ ràng. Anh muốn chị nhận ở đây lời cảm ơn thầm lặng của mình.

Cô hầu gái mở cửa ngơ ngác:

- Thưa, ông hỏi ai...?

Cô ta không nhận ra anh, vì anh chỉ tới đây có một lần.

- Tôi muốn gặp ông bà luật sư.

Người hầu gái có vẻ lúng túng.

- Tôi đã tới đây. Cô còn nhớ bà đã sai cô đi mua kem và trái cây về cho tôi không? Lâu ngày mới có dịp lại thăm.

Cô ta ngước mắt nhìn anh, rồi nói:

- Thưa ông, ông bà con di tản 2 ngày nay rồi.

- Đi đâu?

- Qua Mỹ.

Anh tự hỏi mình tới đây có chậm không rồi tự an ủi: quả đất vẫn tròn và trở nên quá nhỏ trong thời đại ngày nay, biết đâu có ngày anh sẽ gặp lại chị...


6.

Chiều ngày 29-4-1975.

Nguyễn Cao Kỳ lái trực thăng tới Bộ Tổng tham mưu. Vợ Kỳ đã di tản ngày hôm trước bằng một máy bay Mỹ khi đường băng sân bay Tân Sơn Nhất chưa bị không quân ta phá hỏng. Y vẫn cố níu lấy chút hy vọng mong manh cuối cùng, có thể liên lạc được với những đơn vị quân ngụy ở đồng bằng sông Cửu Long. Ngôi nhà lầu của Bộ Tổng tham mưu cực kỳ vắng vẻ. Trong văn phòng tổng tham mưu trưởng chỉ có viên tướng 3 sao Đồng Văn Khuyên ngồi ủ rũ. Khuyên cho biết tổng tham mưu trưởng đã từ chức và rời Sài Gòn trước đây 2 ngày. Y được chỉ định làm quyền tổng tham mưu trưởng, nhưng đã mất liên lạc với hầu hết những người chỉ huy các đơn vị quân ngụy. Kỳ biết tình hình đã trở nên hoàn toàn tuyệt vọng. Kỳ quay xuống cầu thang thì gặp Ngô Quang Trưởng, cựu tư lệnh vùng I chiến thuật.

- Anh làm gì ở đây?

- Tôi cũng không biết phải làm gì nữa!

- Vậy thì đi với tôi.

Kỳ bay trở về ngôi nhà ở sân bay Tân Sơn Nhất. Tiếng đại liên của quân Giải phóng nổ cách đó khoảnh nửa dặm. Đầy trời trực thăng Mỹ đang chen chúc nhau có kết thúc nhanh cuộc di tản trước khi trời tối. Gần một chục phi công xô nhau lên chiếc trực thăng của Kỳ. Y vội vàng bay ra biển.

Sài Gòn đầy những đám đông chạy xuôi ngược và lốm đốm những đám lửa màu da cam. Trên mặt biển xanh chi chít tàu, thuyền đủ loại, có những chiếc thuyền chèo bằng tay nhỏ xíu của những người đang rút chạy.

Chiếc trực thăng hạ cánh xuống tàu Blue Ridge. Một viên đại tá Mỹ đã đứng chờ, đón họ bằng tiếng quát lớn:

- Tất cả lại đây!

Cả bọn được dẫn tới trước một chiếc bàn.

- Cảm phiền các ông cho khám người.

Khi đưa Kỳ về căn phòng nhỏ trên tàu, viên đại tá hỏi:

- Ông là ông Kỳ phải không?

Kỳ chỉ còn biết gật đầu.

Đại sứ Mỹ Martin cũng xuống tàu này. Kỳ nhận thấy ông ta, đôi mắt trũng sâu, khoác chiếc áo tắm màu xanh, đứng trên boong tàu đang ăn một quả táo. Người hầu của Martin, tay dắt con chó lông xù, đứng gần đó. Lúc này, họ không còn gì để nói với nhau. Martin đã hấp tấp rời Tòa đại sứ, bỏ quên cả tấm ảnh của Nixon có mang chữ ký và lời đề tặng: "Để ghi nhớ sự nghiệp to lớn của ông ở Đông Dương".

Viên đại tá chỉ huy tàu lại đến gặp Kỳ. Y không còn nhịn được, nói:

- Tôi hiểu rằng ông có thể nghi ngờ, nhưng xét cho cùng, chúng tôi đã hy sinh tất cả cho cuộc chiến tranh này. Chúng tôi có thể (!) đã thua, nhưng không phải chỉ riêng chúng tôi thua - người Mỹ các ông cũng thua. Điều mà tôi không hiểu được là tại sao ông lại đối xử với chúng tôi như ông đã làm? Dầu sao chúng ta cũng là bạn chiến đấu. Chúng tôi không phải là Cộng sản, ông biết mà!

Viên đại tá xin lỗi.

Các phóng viên có mặt trên tàu yêu cầu Kỳ họp báo. Martin hay tin này đến buồng thuyết phục Kỳ khước từ.

Những tiếng nhộn nhịp trên con tàu bắt đầu lắng xuống khi hệ thống phóng thanh trên tàu vang lên giọng nói quen thuộc: "Bây giờ, hãy nghe đây...". Tiếng ông mục sư tuyên úy Hải quân ngọt ngào: "Hỡi các anh em, các anh em đã giải thoát những đứa con sinh sau đẻ muộn nhất của dân tộc Do Thái. Bây giờ tôi muốn các anh em hãy cầu nguyện cho Việt Nam, và sau đó tôi muốn rằng tất cả các anh em hãy vui đùa đôi chút...".

Kỳ hỏi viên sĩ quan quân y xin vài viên thuốc ngủ. Viên sĩ quan mang tới đưa Kỳ một viên thuốc và một cốc nước, đứng chờ cho tới khi y uống xong mới rời khỏi căn buồng. Y lo Kỳ tự tử. Nhưng Kỳ không có ý định đó.


7.

Lúc 11 giờ 30 ngày 30-4-1975.

Chiếc xe tăng tiến vào xô đổ cánh cổng sắt của dinh Độc Lập. Từ trên xe nhảy xuống một tổ chiến sĩ Quân Giải phóng trẻ măng, mặc quân phục màu lá cây, cầm lá cờ màu đỏ xanh có ngôi sao vàng, lao nhanh về phía dinh.

Những thành viên của chính phủ Dương Văn Minh mới nhậm chức ngày hôm trước, tề tựu tại phòng họp chính của dinh Độc Lập, đứng dậy khi những người cán bộ của Quân đoàn 2, mặt sạm khói súng và bụi đường xa bước vào. Họ đã tiến quân qua nhiều thành phố suốt dọc bờ biển miền Trung tới đây.

Dương Văn Mình nói:

- Toàn thể chính phủ Việt Nam cộng hòa đều có mặt, đợi các ngài tới để bàn giao chính quyền.

Một cán bộ nói:

- Các ông còn gì nữa để bàn giao! Các ông phải đầu hàng vô điều kiện.

Hai Long đừng gần kề Dương Văn Minh. Từ sáng anh đã có mặt ở dinh Độc Lập với tư cách một người đại diện cho lực lượng thứ ba. Người anh ngây ngất khi nhìn những lá cờ sao như những ngọn đuốc thắp sáng cả thành phố Sài Gòn. Ba mươi năm trước anh đã chứng kiến giờ phút rừng cờ Cách mạng xuất hiện ở Thủ đô Hà Nội. Mắt anh nhòa đi. Anh nhớ tới Người. Bác không còn để cùng vui với chúng con trong ngày sự nghiệp của Người đã hoàn tất, ước mơ lớn của Người đã trở thành hiện thực. Anh nhớ tới các bạn. Thắng đã được trao trả từ tháng 7-1973, nhưng Hòe vẫn còn bị cầm giữ tại Côn Đảo. Trọng đã bị chúng đưa về giam tại tiểu khu Hậu Nghĩa. Họ đã đi trọn chặng đường, nhưng liệu họ có còn gặp nhau đông đủ không...? ---

[1] tức trung tướng Nguyễn Văn Minh

[2] một câu trong Kinh thánh
 
Mười hai năm sau. Tháng 9-1987.

Tôi trở lại Sài Gòn lấy thêm tài liệu để hoàn chỉnh tập bản thảo đã được chuẩn bị từ 4 năm qua.

Ở ngoài cuộc đời, những nhân vật chính của tôi đều là những người ít lời. Vì yêu cầu nghề nghiệp, các anh đã cố tạo cho mình một dòng máu lạnh. Họ có thói quen tránh nói nhiều về những công việc mình đã làm. Bù lại, tôi đã được cung cấp một nguồn tài liệu khá phong phú. Đó là những báo cáo của các anh từ bên kia chiến tuyến gửi về trong những năm chiến tranh. Những bản tổng kết. Toàn bộ hồ sơ Mật về "Cụm tình báo chiến lược A.22" mà Tổng nha Cảnh sát quốc gia của ngụy quyền không kịp hủy trước ngày giải phóng. Những chồng báo chí ở Sài Gòn vào năm đó. Những tập hồi ký, ký sự ở trong nước và nước ngoài về những sự kiện, nhân vật có liên quan, kể cả những phim, ảnh, thư từ, bút tích nguyên bản... Nếu không có những cuộc hành quân thần tốc của các chiến sĩ ta năm 1975 và chiến thắng giải phóng trọn vẹn đất nước, chắc chắn tôi không có được sự may mắn này.

Thành phố rợp màu cờ đỏ nhân ngày quốc khánh mừng 2-9. Tôi rời phố H. náo nhiệt, rẽ vào căn hẻm yên tĩnh. Cánh cửa sắt hé mở. Bé Liên, giờ đây đã là một bác sĩ, đón tôi với nụ cười:

- Chú mới vô.

Tôi ngạc nhiên khi thấy cả lưới A.22 đều có mặt tại phòng khách của anh Hai Nhạ.

- Sao lại có may mắn gặp đông đủ các anh chị thế này?

Thắng nhanh nhảu:

- Mỗi năm một lần, cứ vào ngày này, chúng tôi lại gặp nhau ở nhà đồng chí trưởng lưới.

Tôi nhìn một chị lạ mặt, mặc bộ quần áo bà ba, có dáng dấp người ngoại thành. Anh Hai giới thiệu:

- Đồng chí Út Dẻo.

- "Chết bỏ không khai!". - Tôi làm quen với chị.

Chị hơi mỉm cười.

Anh Hai cho biết, sau chiến tranh chị đã xuất ngũ, trở về với bà má ở đất Củ Chi. Tôi hỏi thăm sức khỏe của má.

- Má em vẫn mạnh.

- Chị được mấy cháu rồi?

Chị im lặng. Tôi cảm thấy mình đã lỡ lời. Anh Hai nói đỡ:

- Cô Út vẫn ở một mình...

Thắng nói:

- Các cô gái đã bị chúng tra tấn, khi trở về không thể nghĩ tới chuyện chồng con.

Các anh chị hỏi tôi về những chuyện ngoài Bắc. Không ai nhắc gì về những năm chiến tranh. Họ gặp nhau không phải để ôn lại những kỷ niệm cũ. Họ cần gặp nhau để động viên nhau tiếp tục phấn đấu trong bối cảnh đất nước đang đi lên, với muôn vàn khó khăn gian khổ, và còn vì cứ qua một vài năm, đội ngũ của họ lại vắng thêm.

Anh Nhạ đưa tôi vào chào chị Hai ở nhà trong. Vừa ngồi nói chuyện thì Liên cầm một gói nhỏ trong tay hớt hải chạy vào:

- Ba ơi, cô Út đi rồi!

- Con đạp xe đuổi theo cô, nói quà gửi về biếu má.

Vì sao cô Út vội vã ra đi...?

Ở những người chiến sĩ trên mặt trận thầm lặng này còn một cái gì đó rất giống nhau. Đó là cái mà tôi chưa thật hiểu. Đây cũng là điều tôi muốn nói với bạn đọc khi kết thúc tập hồ sơ này.Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh

1987 - 1988

H.M.
 
Vĩnh biệt "Ông Cố vấn", Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ

Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ

(1928-2002)

Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ và tác giảThầy Bốn và những cái tênTrận chiến đấu thật sự của nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ bắt đầu vào một buổi sáng tháng 12-1958. Bị Tá Đen, một tên chiêu hồi chỉ điểm, anh đã bị bọn mật vụ thuộc đoàn công tác đặc biệt của Ngô Đình Cẩn bắt. Sau hơn một tháng bị giam giữ tại một địa điểm bí mật ở đường Bến Vân Đồn, quận 4, TP Hồ Chí Minh, Vũ Ngọc Nhạ bị bọn mật vụ chuyển ra trại Tòa Khâm (Huế). Suốt tám tháng trời, mọi ngón nghề khai thác, lừa bịp, mị dân của đối phương vẫn không làm lộ diện con người thật của Vũ Ngọc Nhạ. Trước sau, chúng chỉ biết những gì tổ chức đã chuẩn bị sẵn khi đưa anh vào sống trong lòng địch: Tên thật: Vũ Đình Long, sinh ngày 30-3-1928 tại xã Vũ Hội, Vũ Thư, Thái Bình; tham gia Việt Minh sau ngày Toàn quốc kháng chiến; vào Đảng Cộng sản năm 1947, năm 1951 trở thành Thị ủy viên của thị xã Thái Bình. Bị kỳ thị vì xuất thân gia đình là địa chủ, Công giáo nên anh bỏ Việt Minh, về sống ở quê ngoại tại Phát Diệm, Ninh Bình. Giai đoạn này, anh tham gia "Tổng bộ tự vệ Phát Diệm" do giám mục Lê Hữu Từ và linh mục Hoàng Quỳnh lãnh đạo, trở thành phụ tá của hai vị thầy tu khét tiếng chống Cộng này. Sau năm 1954, anh theo quân Pháp rút về nước, hy vọng tiếp tục được theo học ở phương Tây. Vỡ mộng vì chỉ kiếm được một công việc độ nhật tại một trang trại trồng nho trên đất Pháp, anh trở về Việt Nam đưa vợ con di cư vào Sài Gòn làm ăn lương thiện và phụ giúp việc đạo cho linh mục Hoàng Quỳnh tại giáo xứ Bình An (Sài Gòn) cho đến ngày bị bắt. Bảo bối chứng minh cho lời khai là một bức ảnh chụp chung với giám mục Lê Hữu Từ và giám mục Jean Cassaigne - Tổng tuyên úy Pháp tại Đông Dương, chụp tại Phát Diệm năm 1952.Gia đình Vũ Ngọc Nhạ lúc xuống tàu di cư tại Hải Phòng tháng 12-1955.Bản lý lịch trên là một sự pha trộn tuyệt vời giữa thực và bịa để che mắt địch. Kỳ thực, vị catholique de coeur (Công giáo tại tâm) Vũ Ngọc Nhạ đã trải một đoạn đường đời có rất nhiều điểm khác: Anh đã từng là một trong 300 đại biểu kháng chiến được mời về dự Hội nghị chiến tranh du kích đồng bằng Bắc Bộ. Tại đó, sau vài lần gặp gỡ chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn anh vào hàng ngũ những người tiên phong làm công tác tình báo của Quân đội nhân dân Việt Nam. Chuẩn bị cho cuộc đấu tranh lâu dài với Mỹ - ngụy, anh được đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh phái vào Nam hoạt động. Để tạo vỏ bọc, người cán bộ Cộng sản Vũ Ngọc Nhạ đã được hóa thân vào quân đội Liên hiệp Pháp và có cơ hội chụp ảnh chung với cha Lê, cha Cassaigne tại Hải Phòng, vào cuối năm 1954, trước khi lên tàu di cư vào Nam không lâu lắm. Tại Sài Gòn, nhờ kiến thức tôn giáo uyên bác, thầy Bốn (được phong 7 chức thánh và trở thành linh mục) Vũ Ngọc Nhạ đã được linh mục Hoàng Quỳnh tin cậy, không hề nghi ngờ gì việc anh có từng cộng tác với Tổng bộ Phát Diệm trong quá khứ hay không.Trong trại Tòa Khâm, Vũ Ngọc Nhạ bắt được liên lạc và được "anh Mười" - tức đồng chí Trần Quốc Hương - giao nhiệm vụ trèo cao, chui vào chính quyền Sài Gòn. Với một bản tường trình phân tích kỹ bốn nguy cơ "đe dọa chế độ mà Ngô Tổng thống đã dày công vun đắp", anh đã khiến Ngô Đình Cẩn, sau đó là cả Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Diệm quan tâm, chú ý. Khi được hỏi, Vũ Ngọc Nhạ đã khéo léo hé cho anh em họ Ngô biết rằng tất cả những ý kiến trong tờ trình đều là chủ kiến của giám mục Lê Hữu Từ, anh chỉ là người lĩnh hội và được thừa nhiệm báo nguy chế độ. Đánh giá rất cao "trách nhiệm" và sự sâu sắc của "bản báo nguy chế độ", đồng thời tưởng nắm được cơ hội bằng vàng để tranh thủ sự ủng hộ của khối Công giáo di cư do giám mục Lê Hữu Từ và linh mục Hoàng Quỳnh lãnh đạo, anh em Diệm - Nhu đã mời Vũ Ngọc Nhạ về làm cố vấn. Trong khi đó nhờ anh, mối bất hòa giữa Phát Diệm với anh em Ngô Tổng thống cũng được dỡ bỏ nên cha Lê, cha Hoàng cũng hởi lòng, coi Vũ Ngọc Nhạ như người cật ruột. Linh mục Hoàng Quỳnh đã lấy họ mình đặt cho anh tên mới là Hoàng Đức Nhã.Ông Vũ Ngọc Nhạ (thứ hai từ trái sang) trong buổi chuẩn bị đón Phó Tổng thống Mỹ Johnson sang thăm Sài Gòn tháng 5-1961.Tại Dinh Độc Lập, những ý kiến sâu sắc về sách lược, chiến lược và chiến thuật đối phó với thời cuộc sâu sắc của Vũ Ngọc Nhạ đã khiến anh em Diệm - Nhu vì nể. Chẳng bao lâu, anh đã trở thành một người tâm phúc, thường xuyên được cùng bàn bạc những vấn đề cơ mật, sinh tử với anh em họ Ngô, trở thành "con rồng thứ 5" trong gia đình quyền lực nhất miền Nam này, với tên gọi là Hoàng Long, do chính Ngô Đình Nhu đặt tặng. Bốn "con rồng" kia là Hồng Long (Ngô Đình Thục), Bạch Long (Ngô Đình Diệm), Thanh Long (Ngô Đình Nhu) và Hắc Long (Ngô Đình Cẩn)."Điệp viên siêu hạng"Mở được cánh cửa quyền lực của anh em họ Ngô, Vũ Ngọc Nhạ nhanh chóng liên kết với các đồng chí của mình như Lê Hữu Thúy, Vũ Hữu Ruật, Nguyễn Xuân Hòe... hình thành nên một lưới tình báo (lưới A22) nắm giữ các vị trí chóp bu trong ngụy quyền Sài Gòn để khai thác tin tức chiến lược phục vụ đấu tranh cách mạng. Thành công ngoạn mục nhất của cụm tình báo A22 là tổ chức được Huỳnh Văn Trọng, một người giàu tình cảm dân tộc, vào lưới và giữ chức phụ tá tổng thống cho Nguyễn Văn Thiệu. Huỳnh Văn Trọng từng là một bộ trưởng dưới thời Bảo Đại. Dưới thời Đệ nhất Cộng hòa của Ngô Đình Diệm bị bỏ rơi hoàn toàn nên tỏ ra bất mãn. Vũ Ngọc Nhạ đã vẽ đường đi nước bước cho Huỳnh Văn Trọng tạo dần thanh thế, rồi dùng uy tín của mình trợ giúp Nguyễn Văn Thiệu chạy đua vào ghế Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, được Thiệu vừa hàm ơn vừa sủng ái đặt vào ghế phụ tá tổng thống (tương đương bộ trưởng). Ở vị trí này, Huỳnh Văn Trọng đã có điều kiện tiếp xúc và lấy được hàng loạt văn kiện, chính sách tối mật của Mỹ - ngụy, giao lại cho Vũ Ngọc Nhạ để chuyển cho Trung ương Cục Miền Nam, kịp thời có đối sách đấu tranh. Tháng 8-1968, dưới sự sắp xếp và tham mưu của Vũ Ngọc Nhạ, Nguyễn Văn Thiệu đã cử Huỳnh Văn Trọng cầm đầu một phái đoàn của Việt Nam Cộng hòa sang Hoa Kỳ tiếp xúc, gặp gỡ với hàng loạt tổ chức, cá nhân trong chính phủ và chính giới Hoa Kỳ để thăm dò thái độ của Chính phủ Johnson đối với cuộc chiến của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Chính những thông tin này đã góp một phần vô giá cho Cách mạng trước khi ngồi vào bàn đàm phán tại Paris với Mỹ.Thành công của phái đoàn Huỳnh Văn Trọng lớn tới mức chính Nguyễn Văn Thiệu cũng lấy làm hả hê, không hay biết rằng sứ mạng của Việt Nam Cộng hòa đã được đặt trọn vào tay "tình báo Việt Cộng"!Với bề ngoài là một con chiên kính Chúa, luôn sẵn sàng tử vì đạo, con người có công với mọi chế độ quyền lực ở miền Nam này vẫn không hề nhận bất kỳ một ân sủng, chức tước, bổng lộc nào của những kẻ đứng đầu chế độ mong muốn ban tặng, trả ơn. Bù lại, sự tin cậy của chế độ đã giúp anh lấy được hàng loạt tài liệu chiến lược, sách lược tuyệt mật, từ kế hoạch xây đựng ấp chiến lược, kế hoạch Stanley Taylor... thời Diệm, đến kế hoạch Bình định nông thôn, kế hoạch Phượng Hoàng, kế hoạch đổ quân của Mỹ, sách lược chiến tranh đặc biệt.,. thời Thiệu v.v... để Đảng kịp thời có đối sách lãnh đạo đường lối đấu tranh.Thêm một điều oái oăm nữa là, cố vấn của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nhưng trong trận Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân 1968, theo kế hoạch, chính Vũ Ngọc Nhạ sẽ là người chỉ huy biệt động thành tấn công Dinh Độc Lập, bắt hoặc tiêu diệt Nguyễn Văn Thiệu. May cho ông Thiệu đã cùng vợ con về quê ngoại (Tiền Giang) ăn Tết nên không có mặt. Đêm giao thừa, để chuẩn bị, khi tiếng súng tổng tấn công nổi lên khắp nơi, Vũ Ngọc Nhạ - đang nhận lời thay Thiệu "trực" tại Dinh Độc Lập - đã chủ động cho mở hầm rượu của Tổng thống để "úy lạo anh em binh sĩ khiến lực lượng phòng vệ trong Dinh say bò lăn bò càng. Tuy nhiên, do hợp đồng chiến đấu có thay đối nên cuộc tấn công vào Dinh đã không nổ ra, để kết quả là sau Tết, Nguyễn Văn Thiệu đã hết lời khen và cảm ơn "ông Cố vấn" với sáng kiến mở hầm rượu "lên dây cót anh em", cho nên Dinh Độc Lập đã được giữ nguyên lành, trong khi Tòa đại sứ Mỹ ở cách đó chỉ 300m thì đã bị quân Giải phóng giã nát!Từ "Điệp vụ bất khả thi" đến "Vụ án chính trị lớn nhất thời đại"Do những sơ hở trong khâu lấy tin, CIA đã đánh hơi và sau đó khám phá được lưới tình báo A22. Ngoại trừ đồng chí Trần Quốc Hương, người chỉ huy cao nhất của lướt đã kịp thời rút lui an toàn ra vùng giải phóng, còn lại từ Vũ Ngọc Nhạ, toàn bộ các điệp viên đến các liên lạc viên đều bị cảnh sát đặc biệt ngụy bắt giữ vào trung tuần tháng 7-1969.Sau hơn một tháng giam giữ, cảnh sát ngụy và CIA đã dồn xuống thể xác nhỏ nhắn của Vũ Ngọc Nhạ 32 trận đòn tra tàn bạo nhất nhưng anh vẫn tuyệt nhiên không khai báo một câu. Đau đớn về thể xác, Vũ Ngọc Nhà còn chịu đựng được, nhưng nỗi vò xé về tinh thần thì không chịu nổi: toàn bộ hoạt động của lưới tình báo, kẻ địch đã nắm được quá đầy đủ, quá chi tiết. Để cứu những người bị bắt oan, đồng thời để có cơ hội tiếp tục đấu tranh công khai khi phiên tòa được mở, Vũ Ngọc Nhạ quyết định thừa nhận những gì mà kẻ địch đã có đủ bằng chứng.Hy vọng Vũ Ngọc Nhạ chịu hợp tác, CIA đã cử người đến gặp anh, đề nghị Vũ Ngọc Nhạ nhận mình là CIA! Lời đề nghị này tưởng chừng là một nước cờ cao: vừa nâng uy tín CIA, vì lúc này cái tên Vũ Ngọc Nhạ và lưới tình báo A22 đã nổi tiếng, vừa có cơ may tháo dần mớ bòng bong chính trị đang ngày càng rối tung lên do vụ bê bối đưa đến. Nước cờ cao nên cái giá không thể thấp: khởi điểm CIA sẽ trả cho riêng Vũ Ngọc Nhạ 2 triệu USD, trương mục mở vào bất kỳ ngân hàng nào đo anh yêu cầu, cộng với khoản lương tháng cực cao được tính từ khi Nhạ gật đầu. Nhưng Vũ Ngọc Nhạ đã không gật. Anh cũng từ chối mọi thiện chí giúp đỡ của các luật sư từ chối biện hộ trước tòa để biến phiên tòa xử các anh thành vô giá trị.Vậy là từ thắng lợi vì phá được một "vụ án gián điệp lớn nhất mọi thời đại", CIA và ngụy quyền Sài Gòn rơi tõm vào sự thảm bại của một vụ bê bối chính trị không có lối gỡ. Mọi công việc của các bị cáo đều là do... Tổng thống hợp hiến ủy thác hoặc ra lệnh. Nhân chứng quan trọng nhất của "vụ án" chắc chắn tòa sẽ không triệu tập được vì đó chính là... Tổng thống.Tất cả mọi vụ việc, tình tiết có thể nêu tên đều hoàn toàn là chính sách, chú trương công việc của chính phủ, và đều dính tới các chóp bu chính quyền từ tổng thống, bộ trưởng đến dân biểu, CIA, thậm chí dính đến cả... Tổng thống Mỹ. Ở một khía cạnh khác, Nguyễn Văn Thiệu cũng nhảy dựng lên: Chính CIA cố tình dàn cảnh để chặt tay, chặt chân của Thiệu.Chưa hết, Tòa thánh Vatican và cộng đồng Thiên Chúa giáo di cư cũng cho rằng, đây là âm mưu của CIA và chính quyền Thiệu nhằm làm Thiên Chúa giáo Việt Nam suy yếu "Điệp vụ bất khả thi" nhanh chóng vỡ ra thành một đống lùi nhùi không lối thoát, thành "vụ áp chính trị lớn nhất thế kỷ".Mớ bòng bong đã khiến những kẻ ngồi ghế quan tòa lúng túng, không hề dám tuyên bố một án tử hình nào. Cả 4 người chủ chốt gồm: Nhạ, Trọng, Thúy, Hòe đều bị kêu án khổ sai chung thân, đày ra Côn Đảo. Ngoạn mục hơn nữa, ngày 23-6-1971, tại Roma có một đại lễ cầu nguyện cho những ân nhân của Giáo hoàng, Phêrô Vũ Ngọc Nhạ đã được ghi nhận "người con hiếu thảo của Chúa, vệ sĩ nhiều công đức của Giáo hội, ân nhân của Giáo hoàng Paul VI", được Đức Thánh Cha ban ơn chết lành, tặng bằng khen và huy chương của Giáo hoàng. Hai ngày sau, 25-6, một linh mục khâm sai của Vatican đã vào tận khám Chí Hòa trao tặng các phần thưởng cho Vũ Ngọc Nhạ.Sự tưởng lệ của Giáo hoàng Paul VI đã giúp Vũ Ngọc Nhạ dù đang ngồi tù, uy tín vẫn tăng vùn vụt. Suốt những năm nhà tình báo chịu cảnh lưu đày tại Côn Đảo, hàng loạt dân biểu, chính khách, chức sắc tôn giáo và cả cha tuyên úy trong quân đội Mỹ đều viết thư, nhắn hoặc ra tận nơi để thăm hỏi và xin Vũ Ngọc Nhạ cho ý kiến!Chiều ngày 23-7-1973, Vũ Ngọc Nhạ được trao trả tại Lộc Ninh, với danh xưng là "linh mục Giải phóng". Cho đến lúc đó, khắp miền Nam Việt Nam vẫn không một kẻ nào nghi ngờ vị trí, ảnh hưởng của anh trong chính trường miền Nam. Linh mục Hoàng Quỳnh và nhiều vị chức sắc khác của nhà thờ Vatican vẫn đều đặn từ Sài Gòn liên lạc với anh ở vùng giải phóng. Niềm tin lớn đến mức, ngày 12-11-1974, vị linh mục chống Cộng khét tiếng Hoàng Quỳnh còn sẵn lòng theo chân Liên - con gái lớn của Vũ Ngọc Nhạ - ra vùng căn cứ của ta ở Đồng Lớn (Trung Lập Thượng, Củ Chi) để cùng anh bàn bạc về lực lượng thứ 3 và chính phủ ba thành phần ớ miền Nam theo Hiệp định Paris.Và chính với tư cách của một người thuộc lực lượng thứ 3, trưa ngày 30-4-1975, Vũ Ngọc Nhà đã đứng cạnh Dương Văn Minh khi viên Tổng thống cuối cùng của chế độ Sài Gòn tuyên bố đầu hàng Cách mạng vô điều kiện. Vào phút đó, với tâm trạng rối bời, Tổng thống cuối cùng đã không hề để ý thấy một chi tiết: Con người nhỏ bé đứng bên cạnh ông ta đang nở một nụ cười, nhẹ nhàng nhưng rất tươi tắn và mãn nguyện - nụ cười của người chiến thắng.NGUYỄN ĐỨC VINH

(Báo An ninh thế giới)
 
Chuyện về tấm căn cước của Nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ

Nhờ có sự giúp đỡ của người dân vùng tề làng Cổ Ninh, ông Vũ Ngọc Nhạ đã có được một tấm căn cước giả, biến ông trở thành người phía bên kia. Chính tấm căn cước làm năm 1951 này đã bắc cây cầu đầu tiên đưa ông vào sự nghiệp tình báo hiển hách của mình.

Từ trái sang phải: Bác Vũ Cao Đệ, cơ sở đầu tiên của nhà tình báo ở nội đô Sài Gòn; Cụ Ý (thôn Cổ Ninh); Ông cố vấn; Ông Vũ Ngọc Khoa

(em ruột ông Nhạ, người giả danh làm căn cước). Thôn Cổ Ninh có một ngôi nhà, từ đấu trụ, rường cột, cánh cửa, đều thửa bằng gỗ lim. Nhà trước kia là của cụ Chánh Kì bên Cổ Am, cụ Nguyễn Đăng Ý mua về dựng lại trên đất Cổ Ninh. Ngôi nhà ấy nơi lưu giữ bao chuyện hấp dẫn, huyền thoại, về tấm căn cước của nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ.

Cụ Nguyễn Đăng Ý năm nay 95 tuổi, người đào căn hầm nhỏ trong buồng ngôi nhà cổ nuôi người tình báo; rồi cùng với ông Đỗ Đăng Bính, ông Vũ Ngọc Khoa (em ruột ông Nhạ) bàn mưu tính kế làm tấm thẻ căn cước cho Vũ Ngọc Nhạ bắc cây cầu đầu tiên vào nghề tình báo, sau này làm nên bao chuyện kinh thiên động địa qua các thời kỳ tổng thống của ngụy quyền Sài Gòn.

Năm 1951 làng Cổ Ninh đã tề, giặc đóng bót Niềm ngay đầu làng. Vũ Ngọc Nhạ đã tìm sự an toàn nhất cho mình vào trong lòng địch đào hang giấu mình ngay buồng nhà cụ Ý.

Sau hội nghị tổng kết chiến tranh du kích toàn quốc ở Việt Bắc (10-1951) về, một buổi tối ông Vũ Ngọc Nhạ từ dưới hầm bí mật chui lên gọi ông Đỗ Đăng Bính đến bàn bạc "Anh được giao nhiệm vụ đặc biệt, chẳng những ở Thái Bình, còn ở Hà Nội hoặc đi xa hơn nữa". Giọng ông thật nghiêm cẩn, ông Bính không dám hỏi lại, rồi ông tiếp: "Anh cần tấm thẻ căn cước dân tề người làng Cổ Ninh để dễ bề hoạt động. Muốn có căn cước phải có giấy khai sinh, nơi ở, nơi làm việc, tất cả nhờ vào chú Bính, chú Khoa và cụ Ý bên Cổ Ninh mới được".

Sau hôm ấy ông Bính đã tìm đến nhà Nguyễn Ngọc Trúc, Mai Doãn Thăng là chánh, phó lý làng Cọi, để lên phủ Kiến Xương xin tờ khai hợp thức cho ông Nhạ, giấy khai theo nguyên mẫu của ngụy quyền, áp triện hình chữ nhật hằn phẩm xanh. Có giấy tờ rồi cụ Ý, ông Khoa, ông Bính tìm đường đi, nước bước tiếp theo; Việc đầu tiên ông Bính dẫn ông Nhạ đi chụp hình ở hiệu ảnh Hồng Phát phố Lê Lợi thị xã Thái Bình. Hiệu ảnh mở ngay góc đường vào nhà thờ tỉnh bây giờ. Hồng Phát hồi ấy là thông phán tỉnh Thái Bình đứng tên. Sau này hiệu ảnh đổi thành hiệu Á Đông. Ông Nhạ đã chọn cửa hàng ông thông phán chụp tấm hình đi làm nghề tình báo. Không ngờ tấm ảnh chụp được, nhà hàng thấy đẹp, phóng to làm mẫu treo quảng cáo câu khách, anh em ông Khoa - Bính cùng cụ Ý lo lắm, mãi mới tìm cách gỡ được tấm ảnh đó khỏi cửa hiệu.

Thời ấy tên tuổi ông Nhạ cứ mờ mờ ảo ảo, người ta chỉ biết tên chứ không biết người. Ông Khoa là em ruột ông Nhạ, hai người rất giống nhau, cách nhau dăm bẩy tuổi, các ông bàn nhau để ông Khoa đến gặp chánh Tuân hương chủ làng Cổ Ninh làm căn cước thay cho ông Nhạ. Ông Khoa phải đối đầu với Chánh Tuân, một tay ghê gớm. Hôm ông Khoa đến cậy việc, thấy đầu "cụ Chánh" gối lên chiếc gối bông trắng, mắt "cụ" thật sắc sảo. "Cụ" bắc chân chữ ngũ, kéo thuốc phiện kêu ro ro, thơm phức. Chiếc tẩu dài được ghé sát ngọn đèn dầu mỡ chó. Dầu mỡ chó là thứ dầu quý hiếm, đây là lối chơi ngông của dân bàn đèn nhà quê. Mỡ chó vàng thơm hơn mỡ lợn, mỡ gà, dầu lạc. "Cụ bảo kéo thuốc phiện đốt bằng dầu mỡ chó mới khoái".

Chánh Tuân giọng hanh hách tay hắn sờ lên mặt hộp khảm đựng hạt na nói ra rả. Ông Khoa khom lưng lắng nghe giả vờ như nuốt lấy từng lời "cụ" dạy, hai tay ông dâng tờ giấy bạc 5 đồng Đông Dương thưa: "Thầy cháu bên nhà xin có chút đỉnh hầu cụ tiền trà nước", mắt hắn lim dim hất hàm hỏi :

- Cụ Khóa bên Cọi phải không?

- Dạ thưa phải, rồi ông Khoa lựa lời tiếp: Bên cháu không được yên ổn. Bên cụ đã quy quốc gia, cháu sang xin cụ cái căn cước là người làng bên này, để đi học trường Yersin (tên vị bác sĩ người Pháp).

"Cụ cầm tờ giấy bạc gấp bỏ tráp, ký luôn vào giấy cho làm thẻ, miệng "cụ" gọi anh Sáng chánh bảo an cùng ông Khoa mang giấy tờ vào bót Niềm cho đồn trưởng ký, rồi về phủ Kiến Xương xin dấu nổi.

Bước ra ngõ, ông Khoa nhớ lời anh Nhạ dặn dúi tiền vào tay Sáng. Vào bót đưa biếu đồn trưởng 20 đồng hắn chẳng kịp xem, ký ngay và dặn:

- Sau này công thành danh toại nên nhớ đến tôi đấy!

Thế là người trong ảnh, và người ngoài đời khác nhau mà chẳng đứa nào biết, cứ tưởng căn cước cấp cho Khoa nhưng chánh Tuân đã manh nha biết sự gian lận giữa Nhạ và Khoa, ông ta bảo: "Tao nom ảnh trong căn cước là Nhạ đâu phải là mày" nhưng Tuân đã cầm tiền rồi, vả lại ông Khoa và chánh Tuân đều là cháu cụ Ý cả, lẽ nào móc mãi chuyện...

Tấm thẻ màu vàng nhạt, in giấy cứng cấp cho Vũ Ngọc Nha (tức là Khoa) trong thẻ ghi 20 tuổi hợp với tuổi ông Khoa, sau ông cố vấn đã vặn nhỏ đèn ở nhà cụ Ý tự tay ngoắc cái móc vào đầu số 0 thành số 6. Chữ Nha thêm dấu nặng thành Nhạ, có lúc lại đổi thành Nhã là vậy.

Có tấm căn cước ông Nhạ lên nhà ông Ba ngõ 21 Hàng Chuối Hà Nội để ở nhờ, rồi đi dự thi vào làm kế toán cơ quan phòng nhì Pháp. Với tấm căn cước ấy nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ đưa vợ con vào Sài Gòn trên chiếc tàu Esperanel cập bến tại Sài Gòn Khánh Hội 2-1955, có con bác Đệ ra đón để đi vào sào huyệt giặc.

Khi đi ông Nhạ để lại tặng ông Khoa chiếc bút Sa-tô -đô, ngòi vàng, khắc chữ ở thân bút "Tặng em Thanh Hùng" và chiếc khăn len là hai kỷ vật nay ông Khoa vẫn còn lưu giữ.

Tấm căn cước do cụ Ý - ông Khoa, ông Bính tạo dựng trong căn nhà cổ gỗ lim ở thôn Cổ Ninh, đã đưa ông Nhạ thành người phía bên kia rồi. Nếu không có tấm căn cước ấy, chắc chắn ông Nhạ trở thành con người khác, không là người theo giặc thì đâu phải để các đồng chí trong Thị ủy Thái Bình khai trừ ông ra khỏi Đảng!

Người ta bảo ông theo giặc phản Đảng, nhưng ông cứ ngâm nga câu thơ: "Cái còn thì vẫn còn nguyên/Cái tan thì tưởng vững bền vẫn tan (thơ Trần Đăng Khoa).

Đúng vậy, có thời tưởng chính quyền Sài Gòn vững bền, nhưng vẫn tan. Còn ông đối với Đảng bao giờ cũng là hòn máu tươi rói trong người ông nguyên vẹn. Làm tình báo như ông là chấp nhận sự nguy hiểm, nhiều lúc giáp ranh với cái chết, ông bị tra tấn bị treo tới 32 lần. Nhưng rồi vượt qua đó là sự gan dạ, trung thành của ông đối với Đảng, với dân tộc. Phố Đậu, 3-2003

BÁ CƯỜNG

(Báo Tiền phong)
 
Ngô Đình Nhu chuẩn bị đón phó tổng thống Johnson tại nhà khác sân bay Tân Sơn Nhất tháng 5-1961.

Ngô Đình Thục, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Trác (con trai Ngô Đình Nhu) tại Huế năm 1961.

Ngô Đình Nhu, Trần Lệ Xuân, con gái Ngô Đình Lệ Thủy trong dịp đi duyệt đội danh dự của "Phong trào Phụ nữ Liên đới" tháng 4-1962.

Bút tích của Hồng y Spellman trong lần trao đổi với cố vấn Vũ Ngọc Nhạ về vị trí của Thiệu - Kỳ trong chính quyền Sài Gòn.

Thiệu - Kỳ trong trước kỳ bầu cử tổng thống.

Thư của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu gửi cố vấn Vũ Ngọc Nhạ.

Thư của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu giới thiệu phụ tá Huỳnh Văn Trọng đi Mỹ năm 1968.

Thư của linh mục Raymond De Jaegher gửi cố vấn Vũ Ngọc Nhạ.

Thư của William E. Colby gửi phụ tá Huỳnh Văn Trọng

Phụ tá Huỳnh Văn Trọng và Clement J. Zablocki, chủ tịch Ủy ban châu Á - Thái Bình Dương của Quốc hội Mỹ.Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và vợ.

Các báo thông tin về vụ án "Ông cố vấn".Các thành viên chủ chốt của vụ án "Ông cố vấn"

Cố vấn Vũ Ngọc Nhạ và phụ tá Huỳnh Văn Trọng trong thời gian bị lưu đày ở Côn Đảo.

Thiệp chúc Tết Quý Sửu 1973 của cố vấn Vũ Ngọc Nhạ với hình Huy chương "Vì hòa bình" do Giáo hoàng tặng.Cuộc hội kiến giữa cố vấn Vũ Ngọc Nhạ với linh mục Hoàng Quỳnh tại Củ Chi tháng 11-1974.Dương Văn Minh, tổng thống cuối cùng của VNCH ngày 30-4-1975. Cố vấn Vũ Ngọc Nhạ báo cáo công tác (người ngồi cạnh ông là Mười Cúc, tức Nguyễn Văn Linh, sau là Tổng bí thư Đảng CSVN; và Năm Xuân, tức Mai Chí Thọ, sau là Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ)

Cố vấn Vũ Ngọc Nhạ chụp hình lưu niệm với thủ tướng Phạm Văn Đồng.
 
×
Quay lại
Top