Ôn thi, sĩ tử “phát ốm” vì bị ép ăn

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
Không chỉ mệt phờ vì chạy đua với việc “nhồi” kiến thức chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng, nhiều sĩ tử còn “phát ốm” khi được bố mẹ chăm bẵm, bồi bổ quá mức trong thời điểm ôn thi.

Phụ huynh tích cực, con uể oải

Vào mùa cao điểm học sinh ôn luyện chuẩn bị cho các kỳ thi cuối cấp, thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh đại học, nhiều phụ huynh ở thành phố tích cực bồi bổ sức khỏe con học thông qua việc ăn uống với hy vọng con khỏe hơn, tiếp thu bài tốt hơn. Các ông bố bà mẹ không tiếc tiến lùng mua các loại đặc sản, sơn hào hải vị cũng như đầu tư công sức để chăm chút từng bữa ăn cho con.

917368-onthi2-39ba5.jpg

Chuyện ăn uống mùa thi làm nhiều học sinh mệt mỏi, căng thẳng (Ảnh minh họa).

Hơn hai tháng nay, ngày nào cô Dung (có con học lớp 9 tại Q. Bình Thạnh, TPHCM đăng ký thi vào Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) cũng xây dựng thực đơn ăn uống đặc biệt cho con. Không chỉ bữa ăn chính quay vòng như cá tôm, thịt, gà ác, chim bồ câu…, cô Dung còn chuẩn bị nhiều bữa ăn phụ trong ngày để “tiếp” đồ ăn mọi lúc mọi nơi có thể cho cô con gái. Thậm chí khi đưa con đến lớp luyện thi, cô cũng mang theo đồ ăn tranh thủ mọi lúc mọi nơi ép con tẩm bổ.


“Em nó đến lớp luyện thi từ sáng đến tối mới về, không ăn sao học nổi nên tôi càng chuẩn bị nhiều món. Nhưng chẳng hiểu sao mình càng chăm, em càng lười ăn nên bố mẹ phải kèm từng bữa ăn không nó bỏ ăn ngay”, người mẹ này lo lắng.
Nguyễn Thị Ngọc, học sinh lớp 12 ở Q.5, TPHCM chia sẻ dù hiểu rằng mùa thi cần bồi bổ sức khỏe nhưng cứ đến giờ ăn hoặc chỉ cần nghe đến từ “ăn” là em bải hoải trong người. Nhất là khi bố mẹ liên tục “sáng tạo” ra đủ món ăn với mục đích để con tẩm bổ.

“Trước đây em ăn uống rất đơn giản, ngon miệng. Nhưng gần đây ôn thi căng thẳng, ngày nào bố mẹ cũng chuẩn bị các món mới như đủ loại nước cốt tinh, tôm gà hầm… rất trái miệng. Em ăn ít thì bố mẹ lại càng ép rồi kể lể công sức muốn con khỏe để học tốt làm mình vừa mệt vừa thêm áp lực, lo lắng”, Ngọc kể.

Mới đây, cô học trò hốt hoảng khi mẹ xách về gần 10 chục hộp yến sào với hóa đơn trên 3 triệu đồng yêu cầu Ngọc ngày phải dùng hai hũ. “Vị không quen, mới thử nhấp miệng mình đã ớn lắm nhưng mẹ kè kè kiểm soát nên cứ nhắm mắt nhắm mũi mà uống”.

Giữ sức khỏe mùa thi

Thời gian này được coi là lúc cao điểm ôn thi của nhiều bạn trẻ khi học sinh lớp 9 chuẩn bị thi vào lớp lớp 10, học sinh 12 chuẩn bị cho hai kỳ thi quan trọng. Nhiều em theo lịch luyện thi dày đặc từ sáng đến tối, về nhà lại tiếp tục học nên việc mọi sinh hoạt như ăn uống, thể dục thể thao cũng bị ảnh hưởng.

917368-onthi1-39ba5.jpg

Học trò tại TP.HCM “chạy sô” ôn thi vào lớp 10.

Trước các điểm luyện thi ở TPHCM dễ dàng nhìn thấy học trò ăn uống qua loa với ổ bánh mỳ, bịch tráng trộn để lấy sức chạy đua từ lớp ôn này đến lớp luyện khác.

Nguyễn Văn Phi, học sinh lớp 12, nhà ở Q.8 cho hay lịch ôn thi căng, sinh hoạt bị đảo lộn, cậu rất lười ăn uống cho dù được bố mẹ chuẩn bị rất nhiều món ngon. “Về nhà em chỉ thèm ngủ chứ không chẳng mấy khi thèm ăn, chỉ trừ khi thật đói”, Phi nói và cho biết cậu và bạn bè thường xuyên sử dụng cà phê, trà đặc nhằm chống buồn ngủ để thức đêm ôn bài.

Chăm sóc dinh dưỡng cho con cái trong mùa thi là cần thiết nhưng TS Nguyễn Thị Lâm - phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay việc chăm sóc phải phù hợp với nhu cầu của con chứ không nên nhồi nhét. Khi dinh dưỡng đáp ứng vượt quá nhu sẽ làm cho thí sinh thêm mệt mỏi. Đừng quá phức tạp chuyện ăn uống hay ép con ăn trừ với trường hợp đứa trẻ nào quá biếng ăn.

Tuy nhiên, dù ôn thi bận rộn đến mấy, thí sinh không được bỏ bữa mà cần ăn uống đúng giờ. Khẩu phần ăn trong mùa ôn thi cần tăng cường những nhóm dinh dưỡng cần thiết cho phát triển trí não như nhóm Gluco, chất béo thiết yếu, đạm và vitamin, khoáng chất. Khi mệt mỏi có thể bổ sung bằng hoa quả, ly sinh tố, nước ép cam, bưởi, táo, đu đủ… giúp chuyển hóa tốt.

Đặc biệt, điều quan trọng cho sức khỏe mà nhiều thí sinh bỏ quên trong mùa thi là giấc ngủ. Cần đảm bảo ngủ đủ 8 tiếng một ngày, nhiều nhất về đêm, để khi tỉnh dậy các em hoàn toàn tỉnh táo để khả năng hoạt động của trí não tốt nhất”, TS Lâm nhấn mạnh.

Ngoài ra, TS Lâm cho rằng nhiều thí sinh nhầm tưởng uống cà phê, trà đặc sẽ giúp tỉnh táo nhưng thật ra chất kích thích chỉ làm đầu óc mệt mỏi, kém minh mẫn và khó tiếp thu kiến thức. Khi buồn ngủ nghĩa là cơ thể đã mệt mỏi, rất cần được nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, thí sinh cần chú ý các hoạt động thể chất như thể dục, đi bộ, chạy bộ và xen kẽ các hoạt động giải trí.
Theo Dân Trí
 
×
Quay lại
Top