Một số vấn đề lý luận về đăng ký tài sản tại Việt Nam

HuongNguyen_93

怠惰なエディタ
Thành viên thân thiết
Tham gia
31/12/2011
Bài viết
3.333
PGS.TS. Phùng Trung Tập
(Trường Đại học Luật Hà Nội)

I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TÀI SẢN VÀ KHÁI NIỆM ĐĂNG KÝ TÀI SẢN

1. TÀI SẢN
Tính từ giai đoạn trước năm 1945, ở Việt Nam theo quy định tại Điều 450 Dân Luật Bắc (1931), Điều 459 Dân Luật Trung (1936) và Sắc Luật điền thổ năm 1925 đều chia tài sản làm hai loại: Động sản và Bất động sản.
1.1. Về bất động sản
a) Dựa theo tính chất (Điều 3 Sắc lệnh điền thổ ngày 21 tháng 7 năm 1925) gồm: Điền địa; Nhà cửa (trừ những nhà có thể tháo ra, lắp lại mà không hư hại nhiều); tường vây xung quanh, hàng luỹ, hàng rào; ao, hồ, hào, rãnh, sông đào và lòng sông; đê, đập và các công trình xây đắp khác để chắn nước; rừng núi và cây cối mọc liền trên đất; các thứ mỏ khoáng chất cùng hầm đá mà chưa khai thác; các hoa lợi mùa màng tuy đã chín rồi mà chưa gặt hái.
b) Dựa vào công dụng: Là những động sản mà người chủ đặt trong nhà, trên đất của mình một cách vĩnh viễn hay tạm thời, để trang trí, để khai thác để mưu lợi ích (Điều 4 Sắc lệnh Điền thổ năm 1925).
c) Dựa vào đối tượng: Theo quy định tại Điều 5 Sắc lệnh điền thổ năm 1925, thì những vật quyền thuộc về bất động sản:
- Quyền sở hữu;
- Quyền dụng ích;
- Quyền dùng và quyền ở.
- Quyền cho thuê dài hạn;
- Quyền địa dịch;
- Quyền cầm cố bất động sản;
- Quyền để đương và quyền đi kiện đòi một bất động sản đều thuộc về vật quyền.
1.2. Về động sản
Là tất cả những tài sản không thuộc bất động sản.
Theo tính chất của vật thì vật đó di dời được; các tàu, thuyền, nhà cửa tháo ra lắp vào được đều là động sản; những vật quyền thuộc về động sản và quyền đi kiện để đòi một động sản; những cổ phần trong một hội buôn; những nghiệp sản thương mại; các món nợ; công trái; quyền sở hữu các sản phẩm trí tuệ (văn học, nghệ thuật, khoa học...).
Hiện nay, theo quy định của Bộ luật dân sự hiện hành thì tài sản được quy định tại Điều 163: “Tài sản gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”.
Căn cứ vào quy định về tài sản tại Điều 163 đã viện dẫn, cũng theo tính chất tài sản được quy định gồm bất động sản, động sản và hoa lợi, lợi tức theo quy định tại các Điều 174 và 175 Bộ luật dân sự.
Điều 174 BLDS quy định: “1. Bất động sản là các tài sản bao gồm: a) Đất đai; b) Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai, kể cả tài sản gắn liền với nhà, công trình xây dựng đó; c) Các tài sản khác gắn liền với đất đai; d) Các tài sản khác do pháp luật quy định.
2. Động sản là những tài sản không phải là bất động sản”.
Điều 175 BLDS quy định: “1. Hoa lợi là sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại. 2. Lợi tức là các khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản”.
Theo quy định tại Điều 163 BLDS thì quyền tài sản là tài sản và quyền tài sản được quy định tại Điều 181 BLDS: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự, kể cả quyền sở hữu trí tuệ”.
Căn cứ vào những quy định đã viện dẫn, thì tài sản được xác định:
- Thứ nhất, là VẬT
Vật là tài sản bao gồm vật đang tồn tại và vật được hình thành trong tương lai. Căn cứ vào tính chất của vật gồm động sản và bất động sản. Căn cứ vào cơ cấu hoá, lý, sinh vật còn được xác định là vật tiêu hao, vật không tiêu hao, vật chia được và vật không chia được. Căn cứ vào tính phụ thuộc lẫn nhau có vật chính, vật phụ, vật đồng bộ... Như vậy, vật tồn tại thuộc một trong ba trạng thái của vật chất là rắn, lỏng và khí.
- Thứ hai, TIỀN
Tiền trước hết do Ngân hàng Nhà nước độc quyền phát hành và được hiểu là Việt Nam đồng. Các loại ngoại tệ được phép giao dich tại Việt Nam thì phải quy đổi thành giá trị Việt Nam đồng. Tiền giữ chủ quyền quốc gia, có giá trị sử dụng ổn định, được sử dụng rộng rãi trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam, do vậy tiền có chức năng trao đổi (thanh toán) ngang giá với các loại tài sản khác và trong quan hệ dịch vụ... Tiền còn có chức năng dự trữ, bình ổn giá trên thị trường...
- Thứ ba, GIẤY TỜ CÓ GIÁ: Như các loại trái phiếu...
- Thứ tư, QUYỀN TÀI SẢN: Như quyền sử dụng đất, quyền được bồi thường thiệt hại, quyền đòi nợ, quyền sở hữu trí tuệ...
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 163 BLDS, thì các loại năng lượng chưa được quy định là tài sản, nhưng thực chất năng lượng là một loại tài sản quan trọng trong thời đại ngày nay. Về vật lý, thì điện một dạng vật chất gắn liền với tương tác điện điện từ. ĐIỆN có hai loại tích : ÂM và DƯƠNG, chúng có tính lượng tử với giá trị cơ bản 1,602176462 (63).10 mũ (-19) C (Culông). Điện được hiểu là năng lượng điện. Điện được sử dụng trong kinh tế quốc dân.
Chúng tôi điểm lại những nét cơ bản của tài sản theo quy định cuả BLDS năm 2005 (Điều 163) để có được những đánh giá tổng quan về tài sản, qua đó xác định được các căn cứ và nguyên tắc đăng ký tài sản nói chung và đăng ký quyền sở hữu tài sản nói riêng ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai.
2. KHÁI NIỆM ĐĂNG KÝ TÀI SẢN
Theo Từ điển tiếng Việt, thì: «Đăng ký là đứng ra khai báo với cơ quan quản lý để chính thức được công nhận cho hưởng quyền lợi hay làm nghĩa vụ nào đó».
Như vậy, đăng ký hiểu theo nghĩa rộng là tổng hợp các quy phạm pháp luật quy định về trình tự, thủ tục, hình thức đăng ký một đối tượng trong một quan hệ pháp luật nhất định và chủ thể của quan hệ phải tuân theo những điều kiện luật định, thì quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể được bảo hộ; ngược lại, một đối tượng hoặc một quan hệ nhất định mà pháp luật đã quy định phải đăng ký, nhưng chủ thể của quan hệ không tuân theo thì các quyền và nghĩa vụ của chủ thể phát sinh, thay đổi và chấm dứt quan hệ do chủ thể xác lập không được pháp luật thừa nhận và bảo hộ. Trong nhiều quan hệ, chủ thể vi phạm nghĩa vụ đăng ký một đối tượng hoặc một quan hệ nhất định mà theo pháp luật buộc phải đăng ký thì hành vi không đăng ký của chủ thể là hành vi trái pháp luật.
Đăng ký tài sản là một thủ tục đăng ký nhằm bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của chủ thể có tài sản trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt và dùng tài sản để tham gia các quan hệ dân sự, thương mại, chuyển giao công nghệ, xuất nhập khẩu... là căn cứ xác định chủ thể có quyền khởi kiện khi tài sản của mình bị xâm phạm yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm, kiện đòi lại tài sản, kiện đòi bồi thường thiệt hại và kiện yêu cầu chấm dứt các hành vi xâm phạm, hoặc cạnh tranh không lạnh mạnh trong việc triển khai, sử dụng và lưu thông sản phẩm thuộc quyền sở hữu trí tuệ của chủ thể và những sản phẩm được tạo ra từ những sản phẩm thuộc quyền sở hữu trí tuệ như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, giống cây trồng, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, bí quyết kỹ thuật... quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả các tác phẩm văn học, nghệ thật, khoa học.
Như vậy, đăng ký tài sản là việc chính thức ghi vào văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những thông tin cần thiết của sự kiện là một căn cứ làm phát sinh hoặc thay đổi hoặc chấm dứt những quan hệ về tài sản giữa các chủ thể. Hay nói cách khác, đăng ký là một bằng chứng công nhận sự bắt đầu của một quyền được xác lập hoặc chấm dứt một quan hệ pháp luật nhất định liên quan đến tài sản.
II. LUẬN ĐIỂM VỀ ĐĂNG KÝ TÀI SẢN TẠI VIỆT NAM
1. Đăng ký tài sản theo quy định của luật thực định
Căn cứ vào những quy định trong BLDS, Luật Đất đai, Luật Nhà ở và các văn bản dưới luật quy định về đăng ký bất động sản như đăng ký quyền sở hữu, đăng ký quyền sử dụng, đăng ký giao dịch bảo đảm liên quan đến đối tượng là bất động sản hoặc động sản buộc phải đăng ký quyền sở hữu.
Theo quy định tại Điều 167 BLDS, thì: «Quyền sở hữu đối với bất động sản được đăng ký theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đăng ký bất động sản. Quyền sở hữu đối với động sản không phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác ».
Theo những quy định chung về hợp đồng mua bán tài sản, tại khoản 2 Điều 439 BLDS quy định: «Đối với tài sản mua bán mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì quyền sở hữu được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản đó».
Thời điểm xác định quyền sở hữu tài sản được xác lập ở bên mua đối với tài sản buộc phải đăng ký quyền sở hữu, là căn cứ xác định chủ thể chịu rủi ro. Theo quy định tại khoản 2 Điều 440 BLDS: «Đối với hợp đồng mua bán tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó phải đăng ký quyền sở hữu thì bên bán chịu rủi ro cho đến khi hoàn thành thủ tục đăng ký, bên mua chịu rủi ro kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký, kể cả khi bên mua chưa nhận tài sản, nếu không có thoả thuận khác».
Về mua bán quyền tài sản, theo quy định tại khoản 3 Điều 449 BLDS: «Thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với quyền tài sản là thời điểm bên mua nhận được giấy tờ xác nhận về quyền sở hữu đối với quyền về tài sản đó hoặc từ thời điểm đăng ký việc chuyển quyền sở hữu, nếu pháp luật có quy định khác».
Theo quy định tại khoản 5 Điều 459 BLDS: «Việc mua bán bất động sản bán đấu giá được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu pháp luật có quy định».
Tặng cho động sản, theo quy định tại Điều 466 BLDS: «Hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực khi bên được tặng cho nhận tài sản; đối với động sản mà pháp luật có quy định đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký».
Tặng cho bất động sản (Điều 467) : «1. Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu theo quy định của pháp luật bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu. 2. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản».
Đăng ký bất động sản phổ biến nhất ở Việt Nam là đăng ký đất đai. Đăng ký đất đai là thủ tục ghi sổ để xác nhận quyền sử dụng và quản lý đất đai. Đây là một thủ tục hành chính bắt buộc do Uỷ ban nhân dân xã, huyện (Quận, thị xã) thực hiện theo quy định của Luật Đất đai. Theo đó có hai loại đăng ký: Đăng ký ban đầu được thực hiện cùng với các cuộc điều tra đất đai và đăng ký khi giao đất; đăng ký sự thay đổi trong quá trình sử dụng, có sự thay đổi về diện tích, mục đích sử dụng và loại đất. Thông qua thủ tục đăng ký đất đai, Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ thể có quyền sử dụng, việc đăng ký này là cơ sở pháp lý bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể có quyền sử dụng đất trong việc sử dụng, chuyển nhượng, chuyển đổi, cho thuê, thế chấp, cầm cố, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, tặng cho, để lại thừa kế quyền sử dụng đất.
Đối với các phương tiện cơ giới như ôtô, xe máy và các phương tiện thuỷ nội địa, được quy định tại một số thông tư của Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải.
Theo Thông tư số 36/2010/TT- BCA ngày 12 tháng 10 năm 2010 «Qui định về đăng ký xe» của Bộ Công an, tại Điều 2 đối tượng áp dụng của Thông tư này: «1. Thông tư này áp dụng đối với công an các đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài có trụ sở hoặc cư trú hợp pháp trên lãnh thổ nước Cộng hoà XHCN Việt Nam.
2. Thông tư này không áp dụng đối với việc đăng ký các loại xe cơ giới của quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng».
Theo quy định tại thông tư này, thì ôtô, xe máy buộc phải đăng ký phương tiện. Theo chúng tôi, các xe ôtô, xe môtô là các phương tiện giao thông cơ giới, khi hoạt động luôn luôn tiềm ẩn một nguy cơ gây thiệt hại cho con người về tài sản, về sức khoẻ, tính mạng và được coi là nguồn nguy hiểm cao độ được quy định tại Điều 623 BLDS. Phương tiện giao thông như ôtô, mô tô buộc phải đăng ký phương tiện, nhằm xác định chủ sở hữu để có căn cứ quy trách nhiệm dân sự, bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Việc đăng ký tài sản là phương tiện giao thông cơ giới không căn cứ vào giá trị tài sản, mà căn cứ vào ý nghĩa xã hội của tài sản và tài sản đó được dùng vào giao thông, nguy cơ tiềm ẩn có thể gây thiệt hại bất ngờ cho con người và tài sản. Vì vậy, việc đăng ký phương tiện giao thông cơ giới là một việc thật sự cần thiết đối với bất kỳ một xã hội nào. Việc đăng ký phương tiện giao thông cơ giơí là căn cứ để xác định chủ sở hữu của phương tiện, sự hoạt động của phương tiện đó gây ra những thiệt hại về tài sản, sức khoẻ, tính mạng của người khác thì chủ sở hữu phương tiện giao thông cơ giới (nguồn nguy hiểm cao độ) có trách nhiệm bồi thường thiệt hại không cần điều kiện lỗi.
Về đăng ký phương tiện thuỷ nội địa, theo quy định tại Thông tư số 21/2011/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải, ngày 31 tháng 3 năm 2011 quy định tại Điều 1 về phạm vi điều chỉnh và áp dụng: «1. Thông tư này quy định về thủ tục đăng ký phương tiện thủy nội địa và việc tổ chức đăng ký phương tiện thuỷ nội địa. 2. Phương tiện thuỷ nội địa của tổ chức, cá nhân đưa vào hoạt động trên đường thuỷ nội địa phải đăng ký theo quy định của Thông tư này, trừ phương tiện thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 01 tấn hoặc có sức chở đến 05 người hoặc bè. Thông tư này không áp dụng đối với viêc đăng ký các phương tiện sau đây: a) Phương tiện phục vụ quốc phòng, an ninh; b) Tàu cá; c) Tàu, thuyền thể thao».
Như vậy, các phương tiện thuỷ nội địa là tư liệu sản xuất buộc phải đăng ký phương tiện theo quy định của phápp luật.
Một trong những loại tài sản vô hình thuộc quyền sở hữu trí tuệ, thì việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý thì việc đăng ký các loại sản phẩm thuộc quyền sở hữu trí tuệ được thừa nhận và được pháp luật bảo hộ. Quyền đăng ký các đối tượng sở hữu công nghiệp đã viện dẫn, được quy định tại các điều từ Điều 86 đến Điều 99 LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ của Việt Nam.
+ Đối với quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn thì tổ chức, cá nhân là tác giả, tổ chức cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc; trường hợp nhiều cá nhân, tổ chức cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí thì tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký và quyền đăng ký đó chỉ được thực hiện nếu tất cả các tổ chức, cá nhân đó đồng ý (khoản 1 và 3 Điều 86 Luật SHTT và theo khoản 4 Điều này thì: «Người có quyền đăng ký quy định tại Điều này có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp đã nộp đơn đăng ký».
Đối với việc đăng ký nhãn hiệu, Điều 87 Luật SHTT quy định có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hoá do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp. Các cá nhân, tổ chức tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó (Khoản 2 Điều 87 Luật SHTT). Tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể... (Khoản 3 Điều 87 Luật SHTT).
Những quy định về việc đăng ký nhãn hiệu chứng nhận được quy định tại khoản 4 Điều 87 Luật SHTT...
Theo quy định tại Điều 98 Luật SHTT thì «sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp là tài liệu ghi nhận việc xác lập, thay đổi và chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý» đều phải tuân theo quy định của Luật SHTT.
Theo quy định tạ khoản 2 Điều 98 Luật SHTT thì: «Quyết định cấp bằng bảo hộ, nội dung chủ yếu của văn bằng bảo hộ, quyết định sửa đổi, chấm dứt, huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ, quyết định đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp được ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp». Khoản 3 Điều 98 Luật SHTT quy định: «Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp do cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp lập và lưu giữ ».
Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành thì những tài sản là bất động sản, quyền sử dụng đất, các phương tiện giao thông cơ giới, các phương tiện thủy nội địa, một số đối tượng thuộc quyền sở hữu trí tuệ buộc phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, theo đó những loại tài này khi chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng hay dùng để bảo đảm các nghĩa vụ dân sự, góp vốn vào các công ty, doanh nghiệp đều phải tuân theo những thủ tục đăng ký nhất định.
2. Môt số vấn đề về xây dựng Dự án Luật đăng ký tài sản tại Việt Nam
Đã dến lúc ở Việt Nam cần thiết phải ban hành Luật đăng ký tài sản, nhằm điều chỉnh các quan hệ tài sản trong xã hội ngày một phong phú, đa dạng, lớn về quy mô và giá trị.
Với những quy định của pháp luật thực định quy định về vấn đề này đã không được tập trung, mà còn không bảo đảm tính chất nhất thể hoá giữa các quy định về cùng một vấn đề. Vì vậy, trong bài viết này chúng tôi mạnh dạn nêu ra những căn cứ khoa học pháp lý để nhằm xác định việc xây dựng Dự án Luật đăng ký tài sản tại Việt Nam nên theo một hệ thống logíc nào.
Luật đăng ký tài sản trước hết phải dựa trên những nguyên tắc và chuẩn mực chung của những quy định về tài sản, tính chất tài sản, phân loại tài sản, ý nghĩa xã hội và ý nghĩa kinh tế của tài sản...
Cần quy định thật rõ về tính chất tài sản là động sản, bất động sản, quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất để có căn cứ quy định loại tài sản nào phải đăng ký, loại tài sản nào không buộc phải đăng ký, để làm căn cứ xác định các quan hệ liên quan đến tài sản trong các giao dịch dân sự, thương mại..., cụ thể là các hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu, hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng tài sản, các biện pháp bảo đảm như cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược tài sản và các thủ tục đăng ký các đối tượng thuộc quyền sở hữu công nghiệp và chuyển giao công nghệ...
2.1. Đối với bất động sản
Tại phần trên chúng tôi đã xác định tài sản là bất động sản theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành và những tham chiếu về quy định bất động sản trong Dân luật Bắc kỳ và Trung kỳ, để có được những đánh giá khách quan và toàn diện hơn về những quy định đối với bất động sản.
Bất động sản được xác định, thì việc đăng ký bất động sản nên quy định bằng quy phạm mệnh lệnh và xem đó là nghĩa vụ của chủ sở hữu, nghĩa vụ của người có quyên sử dụng bất động sản có thời hạn hoặc vô thời hạn (quyền tài sản gắn với đất đai).
Từ quy định bất động sản buộc phải đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng, để có căn cứ đảm bảo tính nhất thể hoá của pháp luật là việc chuyển giao quyền sở hữu, chuyển giao quyền sử dụng bất động sản thì hình thức của hợp đồng phải bằng văn bản, có công chứng, chứng thực mới hợp pháp. Từ cách đặt vấn đề như trên đây, thì khi bất động sản được dùng để bảo đảm các nghĩa vụ dân sự về tài sản là tài sản bảo đảm trong các giao dịch bảo đảm thì giao dịch này buộc phải đăng ký mới có giá trị pháp lý.
Tính nhất thể hoá của những quy định này nhằm bảo đảm không những quyền của chủ sở hữu tài sản, mà còn ngăn chặn được sự xáo trộn thị trường bất động sản và còn ngăn chặn được những hành vi giả mạo trong giao dịch liên quan đến bất động sản.
2.2. Đối với động sản
Cần căn cứ vào những quy định về động sản trong Bộ luật dân sự và các văn bản pháp luật khác có quy định hay hướng dẫn về việc xác định động sản; để từ đó có hai quy định mang tính riêmg biệt là động sản buộc phải đăng ký và động sản không buộc phải đăng ký.
Động sản buộc phải đăng ký, là những phượng tiện giao thông vận tải thuộc nhóm nguồn nguy hiểm cao độ, không phụ thuộc vào giá trị tài sản của các phương tiện đó là lớn hay nhỏ, đều phải đăng ký phương tiện. Vì sự hoạt động tự thân (tự tại) của các phương tiện cơ giới này tiềm ẩn một nguy cơ gây thiệt hại về tài sản, sức khoẻ, tính mạng cho người khác cho nên cần phải xác định rõ chủ sở hữu phương tiện là cá nhân hay pháp nhân, để có căn cứ quy trách nhiệm dân sự khi các phương tiện cơ giới hoạt động gây thiệt hại. Theo quy định này, thì những bất động sản phải đăng ký khi được dùng để bảo đảm các nghĩa vụ về tài sản thì các giao dịch bảo đảm này cũng phải đăng ký.
b) Động sản không buộc phải đăng ký, thì chủ sở hữu có thể đăng ký, có thể không đăng ký, theo đó động sản không buộc phải đăng ký được dùng để bảo đảm các nghĩa vụ tài sản thì giao dịch này không buộc phải đăng ký.
c) Các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp buộc phải đăng ký
Sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, giống cây trồng được bảo hộ theo Pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ phải đăng ký để được bảo hộ trong thời hạn luật định, thì khi chuyển giao các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp như chuyển giao công nghệ, chuyển giao quyền sử hữu, hoặc dùng các đối tượng này để bảo đảm nghĩa vụ về tài sản thì giao dịch buộc phải đăng ký.
d) Đăng ký cây cổ thụ, cây cảnh có giá trị văn hóa, lịch sử
Pháp luật đăng ký tài sản cũng cần dự liệu quy định về việc đăng ký cây cổ thụ, cây cảnh có giá trị hay ý nghĩa về nhân thân, văn hoá, lịch sử. Việc chuyển giao các loại cây này cũng tuân theo nguyên tắc của tài sản có đăng ký.
e) Đăng ký quyền sử dụng bề mặt bất động sản
Dự án luật đăng ký tài sản tại Việt Nam cũng nên dự liệu việc đăng ký quyền sử dụng bề mặt. Khi xã hội phát triển, các công trình công nghiệp phát triển theo ttrình độ khoa học và công nghệ thế giới thì việc sử dụng bề mặt của bất động sản cũng nên đuợc quy định bằng thủ tục đăng ký quyền sử dụng bề mặt bất động sản, tài nguyên nước như vùng biển, đoạn sông, bề mặt bất động sản khác...
Kết luận, việc đăng ký tài sản là một nhu cầu tất yếu của toàn xã hội, cho nên cần thiết phải có kế hoạch để xây dựng Dự án Luật đăng ký tài sản tại Việt Nam, để điều chỉnh có hiệu quả các quan hệ tài sản trong xã hội, bảo đảm các quan hệ dân sự, thương mại đều được thực hiện tốt nhất.

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
1. Bộ Dân luật Bắc kỳ, 1931 ;
2. Bộ dân luật Trung kỳ, 1936 ;
3. Bộ luật dân sự năm 2005 ;
4. Luật sở hữu trí tuệ ;
5. Luật Đất đai ;
6. Thông tư số 36/2010/TT-BCA ngày 12/10/2010 của Bộ Công an qui định về đăng ký xe ;
7. Thông tư số 21/2011/TT-BGTVT của Bộ giao thông vận tải ngày 31/3/2011 của Bội Giao thông vận tải qui định về đăng ký phương tiện thuỷ nội địa ;
 
×
Quay lại
Top