Mặt tối của nghề PR/Event - quá nhiều chiêu mánh

Suzibimon

Evergreen
Thành viên thân thiết
Tham gia
8/4/2011
Bài viết
817
Gà nhà đá nhau, gặp chiêu bài bẩn, thù trong - giặc ngoài với rất nhiều cạm bẫy... là những điều nhân viên PR/Event cần phải chuẩn bị sẵn tâm lý trước khi vào nghề.

>> "Đãi vàng, nhặt sạn" nghề thời thượng - PR/Event Nhặt sạn

Có "cung" ắt sẽ có "cầu", càng có nhiều doanh nghiệp cần đến dịch vụ thương hiệu thì ngày càng có nhiều công ty tổ chức sự kiện được thành lập và hồ hởi chen chân vào bữa tiệc event đang đà sôi nổi. Để xác lập vị trí và uy tín trên cuộc đua cạnh tranh thị trường nhằm kêu gọi đối tác, không ít công ty đã tự biến mình thành những "con sâu làm rầu nồi canh" bằng những chiến lược có chiều hướng tiêu cực. Chính vì thế, nghề thời thượng cũng có khi khiến các lao động trẻ của chúng ta phải... chạy dài vì ngán ngẩm.
e1.jpg
Gà nhà đá nhau, gặp chiêu bài bẩn, thù trong - giặc ngoài với rất nhiều cạm bẫy... là những điều nhân viên PR/Event cần phải chuẩn bị sẵn tâm lý trước khi vào nghề

Gà nhà đá nhau

Có thể nói rằng, trên đường đua sự kiện, các doanh nghiệp luôn ưu tiên lựa chọn những gói dịch vụ quảng bá thương hiệu của công ty nào có chiến lược hiệu quả và giá thành thấp. Chính vì vậy, để thu hút đối tác, nhiều chiến lược gia event đã vô tình đầu tư tâm sức để thiết kế ra những chương trình hành động có khả năng mời gọi đối tác ký kết hợp đồng, nhưng đó lại là những lộ trình... hành tội nhân viên chạy sự kiện. Với chi phí được cắt giảm tối đa, ngân sách bỏ ra là tối thiểu, nhiều chiến dịch quảng bá yêu cầu PG/PB (Nhân viên nam/nữ quảng bá sản phẩm) tiến hành công việc mà không chuẩn bị trang thiết bị hỗ trợ cơ bản (như bục đứng, bàn, ghế,...). Quốc Thành (quản lý PG) cho biết: "Mới đây mình nhận một chương trình với yêu cầu mỗi ngày giới thiệu sản phẩm mới và phát hàng khuyến mãi trong 6 tiếng ở một số điểm công cộng. Đến lúc đưa đội đi làm mới ngớ người ra là công ty chỉ liên hệ chỗ đứng, chứ không hề có bàn ghế cho nhân viên ngồi nghỉ. Đứng chào mời liên tục trong 6 tiếng được mấy hôm, có bạn mệt quá muốn bỏ không làm nữa, nhưng đã ký hợp đồng rồi nên đành phải cố cho xong."

Bên cạnh việc tiến hành công việc thiếu ăn ý và thiếu tương tác giữa các phòng ban, dưới trướng mỗi đơn vị tổ chức là rất nhiều "chân chạy" nhạy bén, chuyên "đánh hơi" cơ hội hợp tác. Chính vì vậy, giữa những đối tượng này cũng có một cuộc ganh đua ngấm ngầm để kiếm được hợp đồng béo bở để kiếm chác phần trăm hoa hồng, cũng như được chỉ định thực hiện chiến dịch. Do đó, không thiếu cảnh dù là nhân viên cùng một công ty nhưng lại "mạnh ai nấy được", người thì quà cáp lấy lòng, người thì lén lút giảm giá thành dịch vụ... Họ tìm trăm phương ngàn kế để giành phần thắng về cho mình.

Ăn tiền - những chiêu bài bẩn

Để "làm giàu không khó", nhiều công ty cũng như nhân viên các cấp đã tìm mọi cách để bớt xén một cách tối đa trong khả năng của họ. Với những hạng mục vật dụng cần thiết và chi phí được lên danh sách từ trên xuống, một nhân viên tổ chức sự kiện có thể đầu tư thời gian đi tìm một chỗ thuê rẻ hơn để tiết kiệm cho công ty. Tuy nhiên, điều đáng lên án ở đây là người đó có thể lại thuê một vật dụng tương tự với chất lượng kém hơn để đút túi số tiền chênh lệch cho riêng mình. Một khi đang hân hoan với độ dày của chiếc ví, họ không còn thời gian để lưu tâm đến sự an nguy của chương trình hay của bất cứ cá nhân nào khác.
e2.jpg
Nghề thời thượng cũng có khi khiến các lao động trẻ của chúng ta phải... chạy dài vì ngán ngẩm
Không chỉ có thế, lợi dụng đặc thù công việc của các PG/PB là "lính đánh thuê", không phải là nhân viên trực thuộc của công ty, nhiều quản lý sự kiện thêm một lần nữa lại có được một khoản tiền từ trên trời rơi xuống. Với mức chi trả theo hợp đồng của công ty là 300.000đ/ngày/người, nhưng Hà Mai (PG) kể lại rằng chỉ nhận được 100.000đ/ngày, và bạn nhận được lời giải thích như sau: "Các em được tuyển qua nhiều cấp khác nhau, nên để công việc này đến tay các em, cũng nhờ công lao của các tuyến quản lý. Vì vậy chi phí được trích ra cho họ mỗi người một ít."

Chấp nhận mức lương thấp hơn nhiều so với định mức cho phép của công ty, nhiều bạn trẻ đã cố gắng làm thử để nhận ra rằng: số tiền thực tế mình nhận được không hề tương xứng với khối lượng công việc. Thậm chí có một số công ty tuyển ít nhân viên quảng cáo để tiết kiệm chi phí nên mặc dù nhân viên đã kiệt sức nhưng vẫn không có người thay ca.

Trường hợp của Hà Mai cũng vậy, bạn phải đứng chào mời, giới thiệu sản phẩm, tặng hàng khuyến mãi và lưu lại danh sách khách hàng trong liên tục 6 giờ đồng hồ mà không được phép nghỉ ngơi. "Ban đầu em còn tưởng lương 100.000đ/ngày và có ăn trưa nên mới chấp nhận làm, ai ngờ sau đó chẳng hề có. Tính ra mỗi hôm đi làm mệt như vậy, trừ tiền ăn xong, em chỉ cầm về được 80.000đ cho 6 tiếng làm việc."

Thù trong, giặc ngoài

Người nhà làm khổ nhau còn chưa thấm vào đâu, mối họa lớn nhất lại nằm ở chính nguồn cung cấp ngân sách: đối tác. Bỏ một khoản tiền không nhỏ để đầu tư cho mảng quảng bá thương hiệu, các doanh nghiệp lúc nào cũng nơm nớp lo bị... chơi xỏ. Họ sợ bản kế hoạch chỉ là "treo đầu dê, bán thịt chó", và cũng muốn bớt được chút khoản này, chi phí nọ, nên họ vừa tìm cách lách các điều khoản trong hợp đồng, vừa chăm chăm bắt lỗi trong quá trình tiến hành dịch vụ. Người làm event chỉ cần đôi chút lơ là, mất cảnh giác là có thể bị doanh nghiệp "đánh úp" bất cứ lúc nào.
Ngọc Hải (quản lý sự kiện) ngậm ngùi chia sẻ với chúng tôi việc chỉ vừa xảy ra cách đây vài hôm: "Em thấy các bạn PG mệt quá, nên bảo các bạn ấy ngồi nghỉ một lúc. Cả ngày tất tả thì không sao, các bạn ấy vừa ngồi xuống chưa được 2 phút thì em đã nhận được điện thoại mắng xối xả từ công ty vì ảnh ngồi nghỉ đã được đối tác email đến để khiếu nại dịch vụ." Cậu bạn của chúng ta không khỏi nghi ngờ rằng người của đối tác đã "chầu chực" sẵn từ lâu, chỉ chờ có cơ hội là ra tay "hạ thủ" một cách tàn nhẫn và không thương tiếc.

Nguy hiểm chực chờ

Đối mặt với những chiêu bài chèn ép về tài chính và áp lực từ công việc có lẽ cũng không đến nỗi khiến các bạn PG phải thấy sợ hãi và ngán ngẩm như việc phải đối mặt với khách hàng, nhất là những bạn làm PG thuốc lá, rượu bia. Để giới thiệu tới đúng đối tượng tiêu thụ sản phẩm, các bạn nữ thường xuyên phải lui tới các nhà hàng, quán bar, vũ trường - nơi đầy rẫy những tên đàn ông thích "trêu hoa, ghẹo nguyệt" sau khi nhấp men cay. Từ những chia sẻ của các bạn làm PG, việc bị nam giới buông lời lả lơi, thậm chí bị đụng chạm cơ thể là chuyện chẳng hề "xưa nay hiếm" trong nghề. Cá biệt, có trường hợp của bạn P.H (sinh viên), sau khi hết giờ làm việc, bạn còn bị một kẻ theo đuôi và quấy rối đến tận cổng ký túc xá.

Chính vì những hạt sạn tiêu cực như vậy, mặc dù PR/Event đang là một lĩnh vực ngành nghề mới đầy hứa hẹn, với tốc độ phát triển nhanh chóng cũng như cơ hội việc làm khá đa dạng, nhiều bạn trẻ sau một lần tham gia đã "dứt áo ra đi" mà không một lần quay đầu nhìn lại.

Tuy nhiên, mọi yếu tố trong xã hội đều có hai mặt, bên cạnh những khuyết điểm luôn còn có những ưu điểm để giữ chân những người ở lại. Với những người có thể do may mắn hơn, hoặc do dạn dày kinh nghiệm hơn sau những lần vấp ngã, họ đã sống chết với nghề, để nhận lại một sự nghiệp vững vàng khiến họ hết lòng gắn bó. Đây cũng chính là chìa khóa thành công của những con người thành đạt trong cuộc sống và trong sự nghiệp.




Nguồn: tintuconline
 
×
Quay lại
Top