Dự án môi trường nào đang "hot"?

dgoanh

Ước mơ tôi...
Thành viên thân thiết
Tham gia
19/11/2010
Bài viết
1.453
ThumbnailSizeOrigin.aspx

(SVVN)Không chỉ có “Radio online về môi trường” của Đào Thị Bích Vân (sinh viên trường đại học KHXH&NV TP.HCM), “Xây dựng, vận hành trang web trao đổi sách cũ” của Trần Huỳnh (sinh viên trường đại học Ngoại thương cơ sở 2, TP.HCM) và “Tạo nước ngọt, muối khoáng từ nước biển, ánh sáng mặt trời” của Nguyễn Thành Phi (sinh viên trường đại học Kiến trúc Đà Nẵng), “Đại sứ môi trường Bayer 2011” trình làng thêm những dự án mới lạ.

“Coupon” xanh
Nguyễn Ngọc Huy Vũ (sinh viên đại học Bách khoa TP.HCM), kết hợp game giáo dục ý thức môi trường với hình thức mua hàng theo nhóm đang “hot” với giới trẻ hiện nay. Vũ giải thích: "Nếu một trang web mua theo nhóm được thiết kế mà điều kiện để mua được phiếu mua hàng giảm giá là tham gia một trò chơi thú vị về môi trường thì sẽ cùng lúc mang lại hai lợi ích: bán hàng và giáo dục ý thức môi trường". Huy Vũ đang tiến hành và mở rộng dự án mình với các trang web bán hàng giá trẻ qua mạng như zing deal, mua chung, rẻ mỗi ngày…
“Nhuộm xanh” doanh nghiệp
Nghe tên đề tài "Xanh hóa bộ nhận dạng doanh nghiệp", nhiều người nghĩ dự án của Lê Minh Quốc (sinh viên đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM) là đưa ra tiêu chuẩn để đánh giá và cấp chứng nhận cho doanh nghiệp. Nhưng không phải vậy, dự án của Quốc hướng đến đề xuất cho doanh nghiệp chuyển sang sử dụng những vật liệu thân thiện với môi trường để áp dụng vào bộ nhận diện doanh nghiệp như: namecard, bút, viết, văn phòng phẩm, bao bì gói sản phẩm, tặng phẩm cho khách hàng. Và trên những sản phẩm đó, nếu được, sẽ có những câu nhỏ nhỏ kiểu dạng như "Tiết kiệm điện là tiết kiệm tiền"... Điều đó sẽ làm cho hình ảnh doanh nghiệp trở nên đẹp hơn trong mắt người tiêu dùng. Người tiêu dùng sẽ đi từ ấn tượng với những sản phẩm đẹp tới hình thành ý thức về bảo vệ môi trường “xanh” hơn.

Le%20Minh%20Quoc%20gioi%20thieu%20du%20an%20Xanh%20hoa%20bo%20nhan%20dang%20doanh%20nghiep.jpg

Lê Minh Quốc giới thiệu dự án “Xanh hóa bộ nhận dạng doanh nghiệp”.

Ý thức môi trường từ trò chơi trẻ nhỏ
Bùi Hoàng Mỹ Linh (sinh viên đại học Ngoại thương cơ sở 2, TP.HCM) triển khai “Mô hình chương trình nâng cao ý thức tiết kiệm giấy bảo vệ môi trường trong buổi sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh tiểu học”. Linh đi vào các trường tiểu học quan sát các em học sinh về thói quen sử dụng giấy vở cũng như nhận thức của các em về việc tiết kiệm giấy, phỏng vấn các em về: hiểu biết môi trường, sở thích sinh hoạt ngoại khóa (hát, chơi trò chơi, xem phim...) và việc sử dụng giấy của các em. Từ đó, mô hình chương trình của dự án sẽ là hướng dẫn cụ thể về cách thức tổ chức một buổi sinh hoạt ngoại khóa lấy môi trường làm đề tài, bao gồm các phần: kể chuyện về môi trường, xem phim về môi trường, trò chơi tập thể, hát, vẽ tranh, hướng dẫn làm sản phẩm từ giấy vụn... Chương trình của Linh sẽ hướng đến lấp những “lỗ hổng" trong nhận thức về môi trường và thói quen sử dụng giấy của các em để xây dựng một chương trình theo đúng sở thích, thu hút được sự chú ý của các em hơn.
Đẩy mạnh ý thức môi trường ở học sinh phổ thông
Hướng tới phát triển toàn diện về nhận thức, ý thức về môi trường, nâng cao giá trị của mỗi cá nhân, của đất nước, Châu Chí Thành (sinh viên trường đại học Mở TP.HCM) đề tài “Green share – Đẩy mạnh công tác giáo dục môi trường đến học sinh phổ thông”). “Xanh hóa thế hệ tương lai Việt Nam” là sứ mạng Chí Thành đặt ra cho dự án của mình. “Green share” là tổ chức những buổi chia sẻ về chủ đề môi trường đến các bạn học sinh tại trường phổ thông khu vực TP.HCM (khoảng 90 trường). Nội dung chính: các chủ đề môi trường, các tiết mục giải trí, phát tặng thẻ cẩm nang “xanh” cho các bạn học sinh. Chương trình củng cố, nâng cao ý thức “sống xanh” cho đối tượng học sinh phổ thông, khuyến khích các bạn chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm “sống xanh” đến gia đình, người thân, bạn bè, hàng xóm… Qua đó, Thành kêu gọi giảm thiểu tình trạng xả rác bừa bãi, tiêu dùng, sử dụng lãng phí của cải, tài nguyên, năng lượng…
Lớp học xanh
Góp phần gióng hồi chuông cảnh báo về ô nhiễm và mất cân bằng sinh thái, Nhan Kiết Lệ (sinh viên trường đại học KHXH&NV TP.HCM) tâm huyết với dự án "Lớp học xanh". Ngoài việc vẽ lớp học bằng những màu sắc gợi liên tưởng về thiên nhiên tươi đẹp, Lệ còn trang trí lớp học bằng các bức tranh về môi trường do học sinh vẽ, các tranh ảnh sưu tầm được về hình ảnh môi trường bị hủy hoại...
Không gì là vứt đi!
Một cái tên kêu rất to nhưng bản chất lại là từ những việc rất nhỏ. Dự án “EC-Shop” của Lê Thị Trang (sinh viên đại học FPT) giúp mọi người nhận ra rằng, có rất rất nhiều hành động nhỏ như việc sử dụng vật dụng từ những thứ vứt đi hay đóng góp những thứ ấy cho EC-Shop sẽ góp phần đưa “cuộc hành trình bảo vệ màu xanh” đi đến đích nhanh hơn. Trang tâm sự: “Ngoài mong muốn tạo trào lưu sử dụng sản phẩm Eco trong cộng đồng lan tỏa dự án đến nhiều nơi, thì mình còn một h.am m.uốn lớn hơn. Đó là từ nguồn thu của EC-Shop, mình sẽ hỗ trợ lại cho các dự án về môi trường của các câu lạc bộ, đội, nhóm... khi có chương trình đề xuất”.
Thu gom và tái chế xỉ than tổ ong
Dự án “Tách riêng xỉ than từ rác thải sinh hoạt” của Trần Thị Hồng (sinh viên đại học Ngoại thương cơ sở 2, TP.HCM) xuất phát từ ý nghĩ những bãi rác tự phát đang chứa đầy xỉ than, xỉ than bị vứt giữa lòng đường, gây cản trở giao thông. Câu hỏi bật ra trong đầu Hồng là: “Tại sao xỉ than số lượng lớn từ các cơ sở kinh doanh thải ra được quan tâm thu gom, mà của hộ gia đình thì không?”. Trong khi đó, nhiều người khi cần lại không tìm ra nguồn cung xỉ than. Vậy là Hồng quyết định theo đuổi đề tài với hai công việc chính là thu gom và tái chế xỉ than. Người thu gom sẽ là công nhân vệ sinh thu gom rác thải sinh hoạt của địa phương.
Hồng thúc đẩy việc gia tăng tái chế xỉ than, tìm thêm nhiều tác dụng, giá trị khác từ xỉ than, tạo nên một công việc mới, có thể kiếm thêm thu nhập từ việc thu gom xỉ than như thu gom ve chai. Các cơ sở có thể thu mua xỉ than được Hồng nhắm đến là: cơ sở sản xuất phân bón, cơ sở sản xuất gạch block (gạch không nung), chủ thầu cần xỉ để đắp nền nhà. Qua đó, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân, không vứt xỉ than bừa bãi, sử dụng than sạch.
Giỏ đi chợ cũng cần… thân thiện
Nhằm hạn chế lượng rác thải từ túi nylon mà hằng ngày chúng ta vẫn vô tình vứt ra môi trường, Nguyễn Thanh Tiến (sinh viên trường đại học Sài Gòn) triển khai dự án “Cải tiến chiếc giỏ đi chợ truyền thống thành giỏ đa ngăn vì môi trường”.
Từ xưa, hoạt động trao đổi mua bán được sự trợ giúp của những chiếc thúng và việc phân loại thực phẩm là dùng những chiếc lá như lá chuối, lá dong. Sự ra đời của túi ni lông là một bước tiến, nhưng tác hại của nó với môi trường là không nhỏ. Bởi vậy, Tiến cổ vũ sử dụng giỏ đi chợ đảm bảo hai yếu tố tiện lợi và thân thiện môi trường như túi giấy, dùng giỏ nhựa. Nhưng điều đó chỉ là một sự giảm thiểu một chiếc túi ni lông lớn, chưa giải quyết được cho bài toán rác ni lông dùng trong việc phân loại thực phẩm. Điều này, đòi hỏi Tiến phải đi thêm một bước nữa trong việc thiết kế lại chiếc giỏ đi chợ có nhiều ngăn, làm bằng vật liệu thân thiện như tre, nứa, lục bình… Cách làm này có thể tận dụng được nguồn nguyên liệu trong tự nhiên và giải quyết việc làm tại nông thôn. Chiếc giỏ của Tiến có nhiều khay, ly đựng chất lỏng, có thể gấp lại ½, đựng được 6-9 ký thức ăn, phù hợp với gia đình 4-6 người.
Lúc nào cần tắt máy xe khi dừng đèn đỏ?
“Đã đến lúc không thể để muộn hơn nữa rồi! Quá nhiều xăng, dầu và than được bơm vào cỗ xe kinh tế để rồi tung vào bầu không khí một lượng lớn chất ô nhiễm. Trong khi đó, ở nhiều khu phố, người dân và phương tiện cơ giới phải chen chúc nhau đến nổi không còn đủ khoảng không cho chúng kịp phát tán trước khi con người hít thở vào phổi” - Nguyễn Thị Bảo Thoa (sinh viên trường đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội), chia sẻ. Nhận thức điều đó, Thoa hăng hái “Tuyên truyền tắt máy khi dừng đèn đỏ”.
Thoa dựa vào kết quả của Viện Cơ khí động lực - phòng thí nghiệm động cơ đốt trong đã tiến hành khảo sát đo lượng khí CO, CO2, HC, NOx phát thải, lượng tiêu hao nhiên liệu khi khởi động cũng như để chế độ chạy không tải dòng xe máy thông dụng nhất Hà Nội (xe Wave). Từ đó, cô bạn lập ra một bảng so sánh, đưa ra khuyến nghị cần thiết cho các đối tượng tham gia giao thông: nên tắt máy xe khi phải dừng xe từ 15 giây trở lên. Chiến dịch tuyên truyền của Thoa đang bước đầu truyền thông qua internet, diễn đàn, facebook…
 
×
Quay lại
Top