gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Việc một trường THPT ở Cần Thơ mới đây đã đuổi gần 100 học sinh về nhà thay đồng phục vì quần ống bóp không phải chuyện cá biệt. Trong khi mẫu đồng phục hiện còn đơn điệu và kém chất lượng, nhiều học sinh mang quần áo đi sửa cho thời trang hơn.

dong-phuc-acc09.jpg
Bộ đồng phục của học sinh Trường THPT Chu Văn An Hà Nội đang mặc là kết quả của nhiều lần lựa chọn các nhà may và chất liệu vải khác nhau. Ảnh: TL.

Sửa áo cho thời trang

Giở bộ đồng phục mới được phát cho chúng tôi xem, một học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (Hà Nội) cho biết, chiếc áo trắng này quá dài và rộng so với vóc dáng của em. Nhìn các bạn nước ngoài như Nhật hoặc Hàn Quốc, đồng phục đẹp mà ghen tị. Còn ở mình, vẫn mãi là áo trắng quần xanh/đen. May thì quê ơi là quê, chất liệu đồng phục cứng, thô ráp. Vì vậy, em phải mang đến cửa hàng may để bóp lại và cắt ngắn cho vừa người. Bạn bè em cũng có nhiều người làm như thế vì nếu để nguyên, mặc lên trông buồn cười lắm. Áo thì vừa rộng, vừa dài, ống quần lại loe ra trông rất ngố. Có bạn mới mặc vài hôm đã kêu trời vì đường chỉ ở mông bị bục.

T.L (Trường THPT Trần Hưng Đạo, Hà Nội) chia sẻ, hầu như lớp nào cũng có bạn đi sửa áo quần đồng phục cho đẹp. Có bạn còn cắt ngắn cả áo đi, mỗi lần cúi xuống hoặc với tay lên đều thấy hở cả rốn, cả lưng. “Em nghĩ sửa cho vừa người thì được nhưng để bó chẽn vào đùi hoặc hở hang thì hơi thái quá”, T.L nói.

Hiện các trường đều có mẫu trang phục riêng cho học sinh của trường mình, nhất là đối với bậc tiểu học và THCS. Có trường chọn áo trắng quần xanh/đen. Có trường chọn kiểu váy rời hoặc váy liền áo cho học sinh nữ... Tuy nhiên, về chất liệu và kiểu dáng thì rất nhàm chán. Chị Thúy Hằng, phụ trách HTA Fashion (một trong những đơn vị may đồng phục lớn ở Hải Phòng) cho biết, xu thế hiện nay có nhiều học sinh may đồng phục ở ngoài theo đúng kiểu dáng của trường đưa ra vì chất lượng vải của trường không tốt và không vừa dáng người.

Không phân biệt giàu nghèo

Bạn Thúy Liễu (Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) cho rằng, đồng phục là cùng màu, cùng kiểu dáng, cùng logo chứ không thể cùng kích cỡ. Bạn nào mặc quá rộng thì phải bóp lại cho vừa. Vì vậy, tốt nhất là không nên bắt học sinh mua quần áo đồng phục của cửa hàng độc quyền may. Nhà trường chỉ cần đưa mẫu đồng phục, phụ huynh học sinh mua đâu rẻ theo mẫu đều được.
Còn theo anh Nhật Quang (Hoàng Mai, Hà Nội), học sinh đến trường không chỉ học kiến thức mà quan trọng hơn là học làm người, trong đó có kỷ luật. “Tôi chắc chắn một bộ trang phục theo quy định, tất cả phụ huynh ai cũng đồng ý. Mặc quần áo bó sát thực ra là muốn khoe cơ thể. Cha mẹ nào mà muốn con mặc như thế, nghĩa là muốn khoe đường cong của con mình. Những kiểu mẫu ấy nên mặc khi đi chơi thôi”, anh Quang nói.

Ông Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết, ông tán thành việc mặc đồng phục trong nhà trường để không phân biệt giữa học sinh giàu và nghèo, không phân biệt sang- hèn giữa các học sinh. Tuy nhiên, đồng phục ấy cần đơn giản và có giá phải chăng để các gia đình nghèo không phải khó khăn khi có nó. “Hiện, vì chuyện trích phần trăm mà nhiều trường ép học sinh tự nguyện mua đồng phục là không nên. Ngoài ra, tôi được biết, có nhiều em mang đồng phục đi cắt gấu, bóp áo cho thời trang, như thế là sai quy định. Thậm chí ở một số trường, các em còn cắt ngắn cũn cỡn để hở lưng, hở bụng. Như thế, cần phải quyết liệt nhắc nhở để hôm sau các em không vi phạm, không nên đuổi về như Trường THPT Hà Huy Giáp ở Cần Thơ. Nếu các em vội vã về, lại xảy ra tai nạn thì ai sẽ chịu trách nhiệm?”, ông Cương nói.

Trả lời câu hỏi, làm sao để đồng phục vừa thẩm mỹ nhưng không quá lố lăng và vẫn mang tính giáo dục, ông Cương cho rằng: “Đúng là Việt Nam nên hướng tới những bộ đồng phục trẻ trung, thuận tiện, nhưng điều quan trọng đồng phục không phải là thời trang, không phải là những bộ đồ ăn chơi sành điệu. Đồng phục là để tất cả mọi học sinh đều như nhau, để mỗi khi mặc bộ đồng phục đến trường, bạn luôn cảm thấy rằng, mình là một người học sinh, nhiệm vụ của mình là học hành một cách chăm chỉ và nghiêm túc. Còn khi đi chơi, các em đã có những bộ đồ thích hợp khác. Tốt nhất, nhà trường đưa mẫu còn phụ huynh học sinh mua ở đâu cũng được, miễn đúng quy định. Ở trường tôi, nhiều học sinh đánh giá là đồng phục ở trường rẻ hơn mua ngoài nên các em vẫn đăng kí mua ở đây”.

Để ngăn chặn hiện tượng học sinh sửa sang quần áo trái qui định, có những trường lập đội thanh niên xung kích đứng trước cổng trường hàng ngày, phát hiện đồng phục, tóc tai… của bạn nào có dấu hiệu khả nghi thì báo cho thầy cô giáo. Tuy vậy, nhiều khi vì nể nang nên đội thanh niên xung kích cũng “nhắm mắt cho qua”.
Theo giadinh.net
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
cá nhân mình : mặc sao miễn học tốt là được, gò bó quá rồi khi thoát khỏi cấp 3 lại quậy gấp đôi cũng vậy thôi.
 
đồng phục của mình từ tiểu học lên cấp 3 cái nào cũng na ná giống cái nào:Conan13::Conan13::Conan13:
 
Mặc quần jean, kaki hay quần tây với áo thun hay sơ mi sao cho thoải mái mà không hở hang, lố lăng là được rồi.
Chỉ mặc đồ mà khiến người ta ngoan được thì dễ quá rồi, bao nhiêu cô cậu vẫn khoác đồng phục la cà quán xá nhậu nhẹt, đi bar, nhà nghỉ... đầy ra.
Rồi việc chống phân biệt giàu nghèo lại càng khó, trên các phương tiện truyền thông, ngoài đời thực vẫn đầy rẫy ra những kiểu phân biệt do những người lớn tạo nên sao mà che mắt được các em bằng những bộ đồng phục. Có thì làm sao để tự trong mình nhận ra, nghèo chả có gì phải xấu hổ, phải lo sợ, có chăng chỉ là nhà mình chưa gặp thời, đến đời mình nếu cố gắng giỏi hơn, chăm chỉ hơn sẽ thoát nghèo và con cái ta sẽ bằng bạn bằng bè, không phải khổ như ta.
Còn không biết cố gắng, ỷ lại thì nghèo lại hoàn nghèo và giàu cũng có thể suy thành nghèo.
 
Rồi việc chống phân biệt giàu nghèo lại càng khó, trên các phương tiện truyền thông, ngoài đời thực vẫn đầy rẫy ra những kiểu phân biệt do những người lớn tạo nên sao mà che mắt được các em bằng những bộ đồng phục. Có thì làm sao để tự trong mình nhận ra, nghèo chả có gì phải xấu hổ, phải lo sợ, có chăng chỉ là nhà mình chưa gặp thời, đến đời mình nếu cố gắng giỏi hơn, chăm chỉ hơn sẽ thoát nghèo và con cái ta sẽ bằng bạn bằng bè, không phải khổ như ta.
Còn không biết cố gắng, ỷ lại thì nghèo lại hoàn nghèo và giàu cũng có thể suy thành nghèo.
Người lớn thì nghĩ sâu xa được vậy chứ trẻ con chưa chắc đã nghĩ được như thế đâu ạ. :D:D:D Ngày bé đi học nếu quần áo mình cũ kĩ mà so với bọn nhà giàu được bố mẹ cho ăn mặc đẹp thì cũng tủi thân lắm chứ:D. Mặc đồng phục tránh được những mặc cảm về giàu nghèo và phân biệt tầng lớp.
 
×
Quay lại
Top