Đã hơn bốn tháng là sinh viên

Sun Glare

Tân Sinh Viên
Thành viên thân thiết
Tham gia
26/6/2009
Bài viết
2.855



Là sinh viên, bạn phải đối mặt với nhiều khó khăn và áp lực, những thử thách đầu tiên đôi khi làm bạn cảm thấy mệt mỏi ...
Cầm trên tay tờ giấy báo nhập học Đại học, Cao đẳng, hẳn bạn học sinh nào cũng cảm thấy sung sướng và tự hào bởi thành quả đạt được sau thời gian dài “dùi mài kinh sử”. Không ngủ quên trên chiến thắng, các bạn đã chuẩn bị chu đáo để đối mặt với những thử thách tiếp theo của hành trình thực hiện những ước mơ được ấp ủ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đến nay đã được một học kì làm tân sinh viên, việc học tập, sinh hoạt đã dần đi vào nề nếp nhưng những cảm nhận ban đầu về môi trường học tập mới thật khó quên.
sv.jpg
Những khó khăn đầu tiên
Không rời được mẹ những ngày đầu đặt chân vào Sài Gòn nhập học, khóc tỉ tê khi mẹ lên xe về quê, Thu Lê (ĐH Sài Gòn) cho biết: “Tối hôm trước khi bắt đầu buổi học đầu tiên, mình nằng nặc đòi mẹ phải đi cùng đến lớp, mình giải thích với mẹ là mình sợ cảm giác lạc lõng, đặc biệt là khi mình không quen biết ai cả. Hôm đó vì mình mà mẹ trở thành một “sinh viên” bất đắc dĩ”. Vốn là người nhút nhát nên khó khăn lớn nhất với Lê những ngày đầu là việc tiếp xúc và làm quen với các bạn cùng lớp. “Hồi đó mình giống con rô bốt được lập trình sẵn vậy, đi đi về về, lúc nào cũng câm như hến, ai hỏi thì trả lời chứ mình chẳng chủ động bắt chuyện. Có lần mình còn nghe thấy mấy bạn trong lớp nói mình bị tự kỉ nữa. Điều này khiến mình không thể hoạt động nhóm tốt được nên những môn làm bài theo nhóm mình luôn bị đánh giá thấp”.
Quê ở Long An, Văn Tuấn (ĐH Nông Lâm HCM) đã một mình khăn gói lên Sài Gòn nhập học. Thuộc hộ gia đình chính sách nên Tuấn dễ dàng làm được thủ tục xin vào kí túc xá. Là con trai nên những khó khăn về cảm xúc luôn được Tuấn kiềm chế tối đa. Điều luôn làm Tuấn băn khoăn và khó thích nghi đó là cách giảng dạy của thầy cô. Những câu hỏi xuất hiện đột ngột trong quá trình học khiến Tuấn không kịp tư duy, những bài tập liên tục được giao về nhà khiến bạn luôn cảm thấy căng thẳng và mệt mỏi. Tuấn cho biết: “Rất nhiều lần mình bị stress do áp lực học tập trong tháng học đầu tiên, lo âu vì sợ không theo kịp các bài giảng, sợ ảnh hưởng đến kết quả học tập nên mình gắng “cày”, đến mức quên cả ăn. Đi khám, mình được bác sĩ chuẩn đoán là suy nhược cơ thể vì thiếu ăn, thiếu ngủ”.
“Mình học hoá, phải thường xuyên đối mặt với các con số và công thức, lớp học lại quá đông nên việc tiếp thu bài vở dường như dậm chân tại chỗ trong tháng học đầu. Nhiều lúc thấy bài tập khó quá mình cũng nản, tính buông xuôi nhưng nghĩ lại đến ước mơ trở thành một nhà hoá học tài giỏi, nghĩ đến bố mẹ ở nhà luôn tin tưởng và mong mỏi nên mình cố gắng tìm tòi cách học riêng, từng ngày cải thiện việc tiếp thu kiến thức trên lớp”, Nguyễn Quang (ĐH KHTN HCM) chia sẻ.
Kiếm tìm phương pháp
Đối với mọi sinh viên, tìm ra phương pháp học tập đúng và phù hợp với năng lực tiếp nhận kiến thức của bản thân luôn là yếu tố quan trọng quyết định kết quả học tập. Để làm được điều này không dễ, vì thế bản thân mỗi sinh viên phải luôn tự tìm tòi, đặt ra mục tiêu phấn đấu cho mình và có quyết tâm cao độ để hoàn thành những mục tiêu đó.
Trên bàn học, giá sách của Quang chằng chịt những công thức hoá học, Quang tâm sự rằng tính bạn nhanh quên, với số lượng công thức khổng lồ, bạn chỉ có cách nhìn và học đi học lại thường xuyên mới mong ghi nhớ được hết. Đến lớp, Quang ghi chép bài đầy đủ, phần bài giảng của thầy cô có gì khó hiểu là bạn tranh thủ hỏi ngay. Ngoài ra, mỗi ngày, Quang đều giành ít thời gian giải thêm một số bài tập trong các sách ngoài chương trình. Cứ như thế, bạn đã tiến bộ rất nhiều, đối mặt với những bài toán khó giờ đây không còn là nỗi sợ hãi nữa mà là lòng quyết tâm chinh phục đến cùng.
Tuấn cũng chia sẻ: “Mình đã lên hẳn một thời khoá biểu tự học cho bản thân, chủ yếu thời gian mình đến thư viện, vừa yên tĩnh vừa có nhiều sách để tra cứu. Mỗi ngày mình đều giành một ít thời gian để chơi các môn thể thao và chạy bộ. Mình đã bắt đầu cân bằng được giữa việc học và việc đảm bảo sức khoẻ. Những lúc quá căng thẳng thì mình sẽ nghĩ ngơi, thư giãn bằng cách nghe nhạc hoặc trò chuyện với vài người bạn thân. Kết quả học tập của mình được cải thiện rõ rệt”.
“Lúc đầu mình tưởng ngành mình học chỉ cần chăm chỉ đọc sách là được, ngờ đâu nào làm việc nhóm, nào thuyết trình, nào các hoạt động xã hội,… tất cả buộc mình phải năng động, không thể suốt ngày cứ chăm chăm vào mấy cuốn sách. Nhờ những buổi giao lưu, trò chuyện cởi mở từ các hoạt động Đoàn hội mà mình đã mạnh dạn lên rất nhiều. Giờ thì mình không sợ làm việc nhóm nữa, ngược lại, mình đủ tự tin để nêu ra ý kiến của bản thân và bảo vệ chúng trước tụi bạn”, Thu Lê hí hửng.
Là sinh viên, bạn phải đối mặt với nhiều khó khăn và áp lực, những thử thách đầu tiên đôi khi làm bạn cảm thấy mệt mỏi và khó thích nghi, tệ hơn nữa là muốn bỏ cuộc. Đừng vội đổ lỗi cho người khác, hãy nhận ra năng lực thật của bản thân, nổ lực hết mình để phát huy năng lực đó, đồng thời khắc phục những khiếm khuyết đang tồn tại rồi dần dần loại bỏ nó. Những thử thách lớn hơn của “chặng đường” sinh viên đang chờ đón bạn, quan trọng là bạn dám vượt qua và khắc tên mình - người chiến thắng lên đó.
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top