Đa dạng nguồn tuyển và chất lượng đầu vào

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Đến thời điểm này, trên cả nước đã có hơn 50 trường ĐH, CĐ công bố điểm thi của thí sinh. Đúng như nhận định của nhiều chuyên gia tuyển sinh, phổ điểm rộng ở các khối thi, điểm thi của thí sinh nhìn chung cao hơn năm trước, đặc biệt là thí sinh có điểm ở mức trung bình trên sàn.

Dựa vào phổ điểm thi năm nay có thể dự đoán các trường top trên và top giữa vẫn giữ và đảm bảo lựa chọn chất lượng nguồn tuyển. Việc có thêm nhiều nguồn tuyển cũng sẽ giúp trường top dưới nâng cao chất lượng đầu vào.

Phổ điểm thí sinh tăng cao hơn

Theo kết quả điểm thi của một số đại học địa phương, đại học ngoài công lập đã được công bố, có thể thấy phổ điểm thi của các trường như Đại học Công nghiệp Việt Trì, Đại học Công nghiệp Việt - Hung, Đại học Công nghiệp Quảng Ninh, Đại học Hồng Đức, Đại học Tài chính Ngân hàng Hà Nội… nhìn chung đều tăng cao hơn năm 2012.

Nếu điểm sàn được giữ nguyên như năm 2012 thì nhiều thí sinh đạt trên sàn. Các trường ngoài công lập phần lớn sẽ giữ nguyên mức điểm trúng tuyển bằng điểm sàn. Đối với các trường đại học địa phương, đại học khu vực nhiều ngành giữ mức sàn nhưng cũng sẽ có những ngành tăng điểm. Đây là dự báo của nhiều nhà trường cùng với việc công bố điểm thi.

Khối các trường Y - Dược: Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương có gần 11.000 thí sinh dự thi vào trường; trong đó tổng số thí sinh có tổng điểm (điểm 3 môn thi + điểm ưu tiên) từ 18,0 trở lên là 2.917, chỉ tiêu hệ ĐH chỉ là 520. Dự kiến điểm chuẩn của trường này sẽ tăng so với năm 2012.

Theo bà Trần Thị Minh Tâm- Trưởng phòng Đào tạo: Ngành Y đa khoa với 50 chỉ tiêu, là năm đầu tiên tuyển sinh, điểm chuẩn dự kiến cao nhất không thể thấp hơn 24,5 điểm. Còn Học viện Y - dược học Cổ truyền Việt Nam có gần 4.000 thí sinh dự thi, trong đó số thí sinh đạt điểm 5 môn Toán trở lên là 2.410 em, với môn Sinh là 2.006 và môn Hóa là 2.385.

Trường đưa ra điểm chuẩn dự kiến vào hệ ĐH là 21,0 và hệ CĐ là 12,0. Với điểm thi như vậy, các trường sẽ có thêm sự lựa chọn đầu vào để nâng cao chất lượng.
Các trường ngoài công lập như Đại học Đại Nam, Đại học Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội, Đại học Thăng Long… cũng có phổ điểm thi của thí sinh cao hơn năm trước. Những trường này đưa ra dự kiến điểm chuẩn sẽ giữ bằng mức điểm sàn và tuyển nhiều chỉ tiêu ở nguyện vọng bổ sung.

Cũng như vậy, ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Trường Đại học Xây dựng miền Trung (Phú Yên) trong số hơn 1.000 thí sinh dự thi vào trường chỉ có 295 thí sinh đạt từ 13 điểm trở lên. Với hơn 600 chỉ tiêu hệ đại học, trường tính đến việc sẽ gọi nhiều thí sinh ở nguyện vọng sau.

PGS.TS Phan Trọng Phức – Hiệu trưởng Trường Đại học Đại Nam cho biết: “Phổ điểm thi năm nay của thí sinh rộng hơn năm trước, đặc biệt là tỷ lệ thí sinh có điểm tương đương với sàn tăng cao, sẽ tạo điều kiện cho nhiều thí sinh đến với giảng đường, các trường có thêm nguồn tuyển. Tôi cho rằng, đây là thành công của cách ra đề thi năm nay của Bộ GD&ĐT, vừa đảm bảo chọn thí sinh giỏi, nhưng vẫn đủ độ dễ để thí sinh có lực học trung bình khá đến với giảng đường đại học”.

images667788_a1_tr3.JPG

Thí sinh dự thi năng khiếu ở Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội

Trường tốp trên không quan tâm điểm sàn

Khác với các trường tốp dưới và tốp giữa luôn lấy điểm sàn để làm căn cứ gọi nhập học thì trường tốp trên luôn “hớt váng”. Chỉ những thí sinh có điểm thi cao nhất, lực học tốt nhất thì mới có cơ hội trúng tuyển. Những trường này luôn lấy mức điểm trên sàn nhiều nên họ không quan tâm đến điểm sàn.

Trường Đại học Ngoại Thương năm nay có số thí sinh dự thi giảm so với năm 2012, nhưng đại diện trường này cho biết điểm trúng tuyển dự kiến sẽ vẫn không hạ so với năm 2012.

Còn đối với Trường Đại học Hà Nội, theo ông Lê Quốc Hạnh - Trưởng phòng Đào tạo: Điểm chuẩn mấy năm nay ổn định, không có gì đột biến do tỷ lệ dự thi, cách ra đề và chất lượng thí sinh tương đồng với năng lực học tập của mỗi em ở bậc học phổ thông. Ở Trường Đại học Hà Nội mức điểm chuẩn vào trường không phụ thuộc vào điểm sàn mà nhiều năm nay tăng giảm theo quy luật tâm lý chạy theo số đông của thí sinh.

Ông Hạnh đưa ra ví dụ, nếu năm trước điểm chuẩn vào ngành tiếng Anh thấp thì sang năm số thí sinh đăng ký vào ngành này sẽ tăng vọt dẫn đến điểm chuẩn năm đó sẽ tăng theo. Dựa vào số thí sinh đăng ký thi năm nay, rất có thể ngành tiếng Đức, Khoa Quốc tế học của những ngành này sẽ tăng.

Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) Trần Ngọc Liễu cũng đưa ra dự báo một số ngành điểm chuẩn vào trường tương đối ổn định như Đông phương, Báo chí, Khoa học quản lý. Những ngành hay có biến động như Văn, Lịch sử, Du lịch có thể sẽ thay đổi phụ thuộc vào số lượng đăng ký thi của thí sinh. Ngành mới tuyển sinh năm nay là Quan hệ công chúng, chỉ có 50 chỉ tiêu nhưng có tới 300 hồ sơ đăng ký, dự kiến mức điểm chuẩn sẽ tương đối cao.

Ông Nguyễn Văn Hiền - Trưởng phòng Hành chính tổng hợp, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cũng đưa ra nhận định: Với đề thi như năm nay, số thí sinh có điểm thi trên mức trung bình sẽ khá nhiều. Trong khi chỉ tiêu của trường năm nay giảm khoảng 10% so với năm 2012, số thí sinh dự thi lại tăng hơn nên nhiều khả năng điểm chuẩn vào trường sẽ tăng. Nhà trường cũng tính đến việc để chất lượng đầu vào cao hơn, trường sẽ tuyển khoảng 10% chỉ tiêu nguyện vọng 2.

Ông Trần Mạnh Dũng - Trưởng phòng Đào tạo (Học viện Ngân hàng), cho biết: Năm 2012 điểm chuẩn một số ngành của trường cũng đã xuống 18 điểm, thấp hơn hẳn so với các năm trước (từ 20 đến 23 điểm). Để đảm bảo chất lượng nguồn tuyển, Học viện đã quyết định tuyển thêm nguyện vọng 2 để chọn những thí sinh có điểm cao. Năm nay, để đảm bảo chất lượng đầu vào, quyết định có tuyển nguyện vọng 2 hay không cũng sẽ được tiếp tục tính đến.
Theo giaoducthoidai.vn
 
×
Quay lại
Top