Bàn về chính tả tiếng Việt

Newsun

Believe in Good
Thành viên thân thiết
Tham gia
20/4/2008
Bài viết
9.433
Nhân WTT đang có một cuộc tranh luận sôi nổi về chính tả tiếng Việt, hôm nay chủ nhật rảnh rỗi, mình cũng xin có một bài viết về vấn đề này. Tất nhiên mình không phải là nhà ngôn ngữ học, nhưng do hoạt động khá nhiều trong lĩnh vực báo chí và ngôn ngữ nên cũng muốn có đôi dòng bàn luận cho vui.

Tiến sĩ ngôn ngữ học Phạm Văn Tình (viện Ngôn ngữ học) viết như thế này: “Chính tả là một vấn đề vừa mang tính quy tắc, nhưng cũng lại là vấn đề thuộc về thói quen, thuộc phạm trù văn hóa.” Chính vì thế, trừ những cách viết chính tả phân biệt đúng/sai rõ ràng, như “bánh chưng” chứ không phải “bánh trưng”…, thì có một số trường hợp viết như thế nào cho đúng vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi, VD: “chia sẻ” hay “chia xẻ”, “i ngắn” hay “y dài”, “dông” hay “giông”…

Sau một quá trình thường xuyên tiếp xúc với thứ tiếng Việt lưu hành trên văn bản, báo chí, từ điển… thì mình có kết luận về cặp “chia sẻ”/ “chia xẻ” như thế này:

“Chia sẻ” và “chia xẻ” đều là những từ đúng trong tiếng Việt, nhưng ý nghĩa có khác nhau nên được sử dụng trong những ngữ cảnh khác nhau. “Sẻ” ở đây là san sẻ, từ “chia sẻ” thường được dùng khi nói đến sự đồng cảm và san sẻ một nỗi niềm, một trạng thái tinh thần, VD: chia sẻ niềm vui nỗi buồn. “Xẻ” nghĩa là cắt xẻ, chia ra làm nhiều phần, VD: chia năm xẻ bảy.

Cũng có ý kiến cho rằng từ “chia sẻ” dùng để chỉ thứ trừu tượng (chia sẻ tình cảm) còn “chia xẻ” dùng cho thực thể (xẻ đất, xẻ gỗ), tuy nhiên mình thấy điều đó chỉ đúng với đa số trường hợp chứ không phải là tất cả. Mình vẫn bảo lưu ý kiến dùng “chia sẻ” hay “chia xẻ” là tùy theo ngữ nghĩa. Chẳng hạn như cùng nói đến một thứ trừu tượng là “quyền lực”, nhưng “chia sẻ quyền lực” lại có nghĩa nhường bớt quyền lực của mình cho người khác, trong khi “chia xẻ quyền lực” nghĩa là phân tách quyền lực, mang tính vị kỷ hơn nhiều. Hay như trong trường hợp “nhường cơm sẻ áo” thì dù chiếc áo là thực thể, nhưng nghĩa ở đây là san sẻ chứ không phải xẻ cái áo làm đôi nên không viết “nhường cơm xẻ áo”. Tất nhiên nếu ai bảo tôi cứ xẻ cái áo làm đôi đem cho một nửa hoặc đem bán thì lại là chuyện khác, nhưng nó lại không mang nghĩa của câu nói đã được xếp vào danh sách các thành ngữ tiếng Việt.
smiley.gif


Từ “dông” và “giông” (theo nghĩa chỉ hiện tượng thời tiết) thì mình thấy cả hai đều được sử dụng rất nhiều trên các văn bản chính thức và đều được chấp nhận là cách viết đúng. Tác phẩm “Giông tố” của cụ Vũ Trọng Phụng – người được mệnh danh là “ông vua phóng sự đất Bắc” – được tái bản rất nhiều lần. Tuy nhiên, khi tra Từ điển Tiếng Việt thì cách viết đúng phải là “dông”.

Lại có ý kiến tranh cãi nên viết “i” hay “y”. Đây quả là một câu chuyện tốn nhiều bút mực. Theo “Quy định về chính tả trong sách giáo khoa cải cách giáo dục” của Bộ Giáo dục và Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam thì có một số quy tắc về viết “i" và “y” như sau:

- Nguyên âm trong các âm tiết mở, theo quy định là phải viết i ngắn: kĩ (thuật), lí (thuyết), mĩ (thuật), hi (vọng), (nghệ) sĩ...

- Nguyên âm
đứng một mình (âm tiết độc lập) thì sẽ viết i ngắn nếu là từ thuần Việt : ỉ (eo), ì (à) ì (ạch), (béo) ị, (ầm) ĩ,... và y dài, nếu là từ Hán Việt: ý (kiến), (lưu) ý, y (sĩ), (chuẩn) y...

- Nguyên âm
đứng đầu âm tiết, có tổ hợp nguyên âm hoặc nguyên âm đôi, viết y dài: yêu (quý), yểu (điệu), yến (tiệc), yêng (hùng), huỳnh huỵch...

- Trong các âm tiết nửa mở, có nhiều trường hợp thể hiện bằng hai con chữ i, y nhưng thực chất có sự khác biệt (do sự nhầm lẫn chính tả). Nếu là tổ hợp nguyên âm [wi], như trong các từ quy (tắc), (thâm) thúy, (ma) túy, (xương) tủy, quỵ lụy... thì viết y dài. Nếu là tổ hợp nguyên âm [uj], như trong các từ cúi (đầu), túi (quần), tủi (hổ), xúi (bẩy), (tàn) lụi... thì viết i ngắn.


Quy định này được áp dụng cho các sách giáo dục và từ điển tiếng Việt. Thế nhưng, quay trở lại vấn đề thói quen ngôn ngữ và văn hóa mà TS Phạm Văn Tình đã đề cập, trong nhiều trường hợp cả “i” và “y” vẫn đều được chấp nhận là cách viết đúng, đặc biệt là tên riêng thì dù không đúng với chuẩn mực vẫn cần được tôn trọng. Chính GS Nguyễn Lân Dũng từng nói rằng ông đã viết quen những từ như “kỹ thuật”, “lý thuyết”…, bây giờ mà sửa lại thấy khó quá. Bản thân chúng ta, với tâm lý sử dụng ngôn ngữ theo thói quen, đôi khi là theo sự thuận tiện, cảm thấy những từ kiểu như thế này mà dùng “i ngắn” trông cứ ngường ngượng thế nào. Chuyện dùng “i” hay “y” cũng từng được bàn luận khá hay trên tạp chí “Ngôn ngữ & Đời sống”.

Về cách sử dụng các âm tiết CH/TR, S/X, D/GI/R, Hoàng Phê (chủ biên cuốn “Từ điển Tiếng Việt” của Viện Ngôn ngữ học đã tái bản lần thứ tám”) đã có một bài viết khá hay trong cuốn “Chính tả Tiếng Việt”, nêu bật một số quy tắc chính tả thông dụng.

Nói chuyện chính tả thì chẳng bao giờ cho hết, và nó đã luôn là vấn đề “thời sự” từ khi ông A. de Rhodes lập ra chữ Quốc ngữ đến nay. Tranh luận về chuyện này cũng vỡ lẽ ra nhiều điều, hẹn khi khác lại bàn thêm cho vui vậy.

Nguồn https://my.opera.com/bichnga/blog/show.dml/1762152
 
Cám ơn bạn đã chia sẽ bài viết!
Tiếng Việt bản thân văn nói còn sai huống chi văn viết chúng ta những con người có công lao góp phần làm đẹp đất nước nhưng bản chất không ai trong cuộc đời chưa bao giờ nhận mình chưa sai chính tả thậm chí 9x 10x ngày nay cỏn dùng những ngôn ngữ khá phong phú làm biến dạng cái vốn tiếng Việt thuần túy. Mỗi dân tộc nói 1 ngôn ngữ tiếng Việt khác nhau như miền tây r=g, miền bắc n=l, miền nam d=v...NGƯỜI TA VẪN NHẬN ĐỊNH ĐÓ LÀ ĐÚNG ĐẤY THÔI, tự do ý thức và thói quen >.<
 
×
Quay lại
Top