6 sai lầm khi lần đầu gặp nhà đầu tư mạo hiểm

daihoctructuyen

Thành viên
Tham gia
20/9/2011
Bài viết
11
Muốn làm cách mạng, mô tả vòng vèo, dò đá qua sông, chạy theo mốt kinh điển... Đó là những sai lầm mà hầu hết doanh nhân trẻ đều gặp phải khi lần đầu tiếp xúc với các quỹ đầu tư mạo hiểm, kể cả những người đã có một số thành công ban đầu.


Tại cuộc thi Khởi nghiệp Châu Á Thái Bình Dương 2011 tại Ấn độ, hai nhóm đạt giải Nhân tài Đất Việt 2010 MIMAS và CNC Mobile do TOPICA Founder Institute đề cử đã có cơ hội thuyết trình trước các quỹ đầu tư quốc tế

"Làn sóng thứ 2" của ngành Internet và Mobile VN đang được báo hiệu bởi các thương vụ đầu tư lớn gần đây của nước ngoài vào VMG, MJ Group, Vatgia, VNG... Trong bối cảnh đó, các quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động tích cực, và nhiều doanh nhân trẻ đang háo hức xây dựng sản phẩm, mô hình kinh doanh, và gọi vốn đầu tư.

Dưới đây là những kinh nghiệm từ thực tế tại Việt Nam, qua ươm tạo, huấn luyện hơn 30 doanh nhân trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực này. Nhiều người trong số họ đã gọi vốn thành công từ quỹ đầu tư mạo hiểm và xây dựng được những doanh nghiệp hàng đầu trong mảng thị trường của mình. Nhiều người khác đã có những thành công ban đầu như đạt doanh thu hàng năm từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng, với quy mô nhân sự từ 20-70 người, và đạt vị trí cao tại các cuộc thi trong nước và quốc tế như Trí Tuệ Việt Nam, Nhân Tài Đất Việt, Khởi nghiệp Châu Á Thái Bình Dương, và đang dồn tâm huyết xây dựng mô hình kinh doanh mới, huy động vốn từ các quỹ đầu tư để tạo bước đột phá mới. Hầu hết trong số họ đều mắc phải những sai lầm dưới đây trong "lần đầu bỡ ngỡ".

1. Muốn làm cách mạng

"Mô hình, công nghệ của tôi tốt hơn Google, tốt hơn Facebook, hoặc chưa có ai làm trên đời này".

Có những công ty khởi nghiệp có tính cách mạng như vậy, "hạ bệ" được cả các đế chế như Myspace, Yahoo, Nokia, Microsoft, thay đổi cả thế giới. Khoảng 10 năm một lần trên toàn cầu. Nếu bạn có niềm tin sắt đá là đó chính là mình, thì rất nên theo đuổi mô hình đó. Tuy nhiên, khả năng lớn là các nhà đầu tư dày kinh nghiệm không ai tin bạn. Vậy sao không thử thực dụng một chút, trình bày mô hình nào tin được, gọi vốn, triển khai thành công, rồi hãy theo đuổi giấc mơ của mình cũng chưa muộn?

Đó cũng là lý do, mặc dù có vẻ không được "hào hùng" lắm, nhưng phần đông các nhà đầu tư trong lĩnh vực Internet và Mobile khuyên các startup nên "học tập", "sao chép" (clone) các mô hình đã thành công ở các thị trường lớn hơn. Khi đã có trong tay doanh nghiệp hàng trăm triệu "đô", bạn có thể thể hiện bản lĩnh với những sản phẩm đột phá, chưa ai làm với khả năng thành công cao hơn.

2. Mô tả vòng vèo

"Sản phẩm của tôi có tính năng tuyệt vời như thế này thế này, người dùng họ thích cái này nhưng không thích cái kia vì thế này, giao diện thế này nhưng trong hoàn cảnh đó họ sẽ hay dùng chức năng kia..."

Nếu bạn là anh Lê Hồng Minh của VNG hay anh Nguyễn Ngọc Điệp của Vatgia, nhà đầu tư sẽ chăm chú lắng nghe bạn. Với những founder mới toanh, hoặc mới bước đầu thành công, anh Nguyễn Thành Nam FPT hay có câu: "Tóm lại sản phẩm của bạn là gì, bán bao nhiêu một cái?" Hoặc khi nào ở thị trường Việt Nam có hàng trăm quỹ đầu tư mạo hiểm, hàng ngàn startup về Internet và Mobile đã thành công, thì có thể có nhiều nhà đầu tư đủ kiên nhẫn để lắng nghe. Còn bây giờ, cách tốt nhất để gây chú ý trong lần gặp đầu tiên là: "Tôi làm mô hình giống như Salesforce".

3. Dò đá qua sông

"Công ty tôi đang kiếm tiền tốt từ gia công phần mềm, dịch vụ làm web, nội dung giá trị gia tăng trên di động... Tôi cứ gọi vốn để phát triển tiếp, rồi vừa làm vừa tìm hướng đi."

Các quỹ đầu tư mạo hiểm chấp nhận rủi ro cao, và muốn đầu tư vào các công ty có khả năng tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, định giá doanh nghiệp gấp hàng chục, hàng trăm lần hiện nay. Họ cần nhìn thấy hướng đi rõ ràng, ý tưởng sản phẩm, mô hình kinh doanh, mô hình tài chính cụ thể, có thể phản biện, bảo vệ được. Kể cả nếu bạn đã gây được ấn tượng về năng lực, những thành công trước đây, hiệu quả kinh doanh hiện nay... thì họ cũng sẽ tiếp tục xúc tiến bàn việc đầu tư, nhưng chỉ chốt khi đã thống nhất được mô hình cụ thể, đột phá.

4. Chạy theo "Mốt kinh điển"

"Tôi muốn làm mạng xã hội vì Facebook kiếm được rất nhiều tiền. Tôi muốn làm mô hình tương tự như Groupon, Zynga, Amazon, Alibaba,Twitter, Weibo... vì họ rất thành công. "

Đúng là các mô hình này tiềm năng rất lớn, nhưng ai cũng biết vậy, và từ các "ông lớn" đến các startup chắc chắn có hàng chục công ty đã làm, đang làm hoặc sắp làm. Nếu công ty của bạn cũng được liệt vào hàng "ông lớn", hoặc bạn đang nắm trong tay một thế mạnh khủng khiếp, hoặc bạn nằm trong số 3 công ty đầu tiên làm và có khả năng chiếm lĩnh thị trường rất nhanh, thì bạn may ra có cơ hội thành công.

Lĩnh vực Internet và Mobile còn khắc nghiệt hơn các lĩnh vực khác ở khía cạnh này. Khi lập công ty môi giới chứng khoán còn là trào lưu "hot", bạn vẫn có thể sống tốt nếu bạn là công ty thứ 30-40 trên thị trường, chỉ khi bạn là đối thủ thứ 100 thì mới hết cơ hội. Nhưng trong Internet và Mobile, hầu như không ai còn biết đến portal đứng thứ 3 sau Yahoo và MSN, đến trang search thứ 3 sau Google và Bing, đến trang đấu giá thứ 2 sau Ebay, đến trang Ecommerce "truyền thống" thứ 2 ở Mỹ sau Amazon (các đối thủ như Zappos phải tạo sự khác biệt rất lớn, và nhỏ hơn rất nhiều), đến mạng xã hội đứng thứ 2 sau Facebook (Google+ mới chỉ nhem nhóm, và LinkedIn theo mô hình khác khá xa). Nguyên nhân là "hiệu ứng mạng" (network effect), có thể hiểu nôm na là càng nhiều người dùng Facebook, thì những người mới lại càng thích dùng Facebook, vì bạn bè của họ đều ở trên đó, nên ít người muốn dùng dịch vụ của đối thủ.

Nếu chạy theo "mốt kinh điển", ai cũng biết là "ngon", trong lĩnh vực có hiệu ứng mạng cao, thì bạn phải nắm chắc vị thế top 3, thì mới có cơ hội muốn tồn tại lâu dài và tạo ra công ty định giá vài chục triệu USD.

5. Chạy theo "Mốt mới"

Nếu "Mốt kinh điển" ai cũng biết là ngon, thì "Mốt mới" ai cũng tưởng là ngon. Đây là những mô hình được báo chí nhắc đến nhiều, nhưng chưa khẳng định được bằng định giá "tỷ đô" qua niêm yết, chuyển nhượng hoặc gọi vốn lớn trong đợt đầu tư thứ 4, thứ 5 (Series D, Series E). Tức là bạn sẽ có rất nhiều đối thủ, mà bản thân "hình mẫu" ở nước ngoài mà tất cả đang cố gắng "học tập" cũng chưa chắc thành công. Các danh sách kiểu như "10 công ty triển vọng 2010", "10 công ty nên theo dõi 2011"... rất thú vị để tham khảo, nhưng hầu hết thuộc loại "mốt mới" này.

Đáng nhớ nhất là Color chạy theo "mốt mới" chia sẻ ảnh do Instagramm khởi xướng, nhận khoản đầu tư "khủng" 40 triệu USD ngay vòng đầu, để rồi nhanh chóng xịt hơi. Ở nơi có văn hóa "thua keo này ta bày keo khác" mạnh mẽ như Silicon Valley, các founder của Color vẫn còn nhiều cơ hội làm lại, nhưng ở các nơi khác thất bại ngoạn mục rồi đứng dậy sẽ khó hơn rất nhiều.

Kể cả những mô hình mới lên hàng "kinh điển" như Groupon, cũng khiến các nhà đầu tư dựng tóc gáy, vì mới từ chối giá mua 6 tỷ của Google năm ngoái, vài tháng trước đây đạt định giá 25 tỷ USD và tưởng chừng không gì cản nổi, nhưng bây giờ được giới phân tích lo ngại chưa chắc đã đạt 6 tỷ nếu niêm yết và đang gây ra nhiều tranh luận trái chiều.

Tại sao có con số "tỷ đô"? Khi quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tư vòng 1 (Series A) ở VN, định giá công ty bạn thường nằm trong khoảng từ 500 ngàn đến 4 triệu USD (https://tba.topica.edu.vn/blog/goi-von/dinhgia/). Với rủi ro cao hơn các hình thức đầu tư khác, và thời hạn đầu tư 5-7 năm, họ sẽ kỳ vọng có được định giá ít nhất 20-30 triệu USD. Một cách tính "đơn giản hóa" mà các nhà đầu tư hay dùng, là dân số Mỹ gấp khoảng 3 lần VN, GDP trên đầu người gấp khoảng 20 lần, nên cùng một mô hình kinh doanh tương tự có thể đạt doanh thu, lợi nhuận, định giá doanh nghiệp ở thị trường Mỹ gấp khoảng 50-60 lần ở VN. Do đó để đạt 20 triệu USD ở VN, hình mẫu mà bạn "học tập" phải đạt 1 tỷ USD ở thị trường Mỹ. Tương tự như vậy, các hình mẫu ở Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Đức... phải đạt 300-500 triệu USD.

6. Đa tình mà xin tiền cưới vợ

Nhiều founder sau khi tìm được mô hình tốt, say sưa kể chuyện, nhà đầu tư nghe sướng bùi tai. Mấy hôm sau gặp lại thấy say sưa kể mô hình khác. Về chủ đề này có một bài phân tích khác sâu hơn.

https://tba.topica.edu.vn/blog/mo-hin...-doanh/chonvo/

Nhà đầu tư muốn founder tập trung, hết mình hết sức, 5-7-10-20 năm ròng rã nếu cần, khó khăn chết lên chết xuống nếu cần, nhưng phải gắn bó với 1 mô hình, 1 công ty. Hết sức rồi nếu thấy sai hướng thì mới đổi. Chưa gì đã nhăm nhe 2-3 hướng khác nhau, rất mất lòng tin.

Vậy nên làm gì?

Nên bắt đầu câu chuyện với nhà đầu tư bằng một mô hình kinh doanh "Ngon ít người biết". Có thể chọn trong danh sách "100 công ty startup giá trị nhất thế giới" (https://www.businessinsider.com/2011-digital-100). Nên chọn ở đoạn giữa, đoạn trên là các mô hình "mốt kinh điển", đoạn dưới là các "mối mới" chưa được khẳng định. Nhưng phải nhanh chân, vì việc bạn đang đọc bài này có nghĩa là những mô hình đó đang có nguy cơ trở thành "mốt mới" hoặc "mốt kinh điển", ai cũng biết.

Một cách khác là tự mầy mò tìm những mô hình rất ngon, lâu lắm không được báo chí nhắc đến, hay các mô hình "kinh điển" ở những thị trường như Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Nga, Đức... ít được báo chí tiếng Anh "ưu ái".

VNG nhẩy vào mô hình phân phối online game nhập vai nhiều người chơi (MMORPG) năm 2004 khi mô hình này mới thành công vang dội ở Hàn Quốc và Trung Quốc, còn các thị trường khác kể cả Mỹ vẫn coi game là "trò trẻ con". Vatgia, công ty được một tập đoàn lớn ở Nhật mệnh danh là trang Ecommerce lớn nhất Đông Nam Á, không "học tập" Amazon mà theo Rakuten, một đại gia lớn của Nhật mà kể cả hiện nay cũng ít người biết tới ở VN. VTC Online, VMG tự tin và thành công trong các lĩnh vực đã trở thành "mốt kinh điển" như online game, nội dung giá trị gia tăng trên mobile do có lợi thế "khủng" là các tập đoàn nhà nước đứng đằng sau, và họ cũng luôn tìm kiếm các lĩnh vực "ngon ít người biết" tiếp theo để khai phá.

Nếu muốn vượt suối, bạn hãy dò từng viên đá. Nếu chưa vượt suối bao giờ, chưa nên ra biển. Nếu muốn vượt biển để khai phá một hòn đảo tốt tươi nào đó, hãy sắm sửa đủ bản đồ, la bàn, tầu lớn, lương thực, và chiêu mộ thủy thủ đoàn kiên cường. Nhưng phải xác định chính xác hòn đảo nào bạn đang nhắm đến, và đừng chọn hòn đảo nào đang có hàng chục con tàu giăng buồm thẳng tiến.

Ngày 12/10 tới, 150 doanh nhân trẻ đã, đang và sắp khởi nghiệp tại Hà Nội sẽ có cơ hội trải nghiệm "gặp gỡ lần đầu" với nhà đầu tư tại buổi "Phản biện mô hình kinh doanh", với 3 doanh nghiệp kiên cường bảo vệ mô hình của mình trước ban giám khảo là đại diện IDG Ventures và TOPICA Founder Institute.

https://tba.topica.edu.vn/blog/mo-hin.../phanbien1210/
TS. Phạm Minh Tuấn
(TOPICA Founder Institute)
 
Mời anh em xem phần phản biện về mô hình kinh doanh của
Tim Books (CNC mobile) với các nhà đầu tư gồm anh Trần Việt Đức phó tổng giám đốc IDG Ventures và anh Phạm Minh Tuấn chủ tịch HĐQT Tổ hợp giáo dục TOPICA







 
Thông tin về buổi Phản biện Mô hình kinh doanh, đã có 2 chiến sĩ cảm tử xung phong

https://www.pcworld.com.vn/articles/quan-ly/tu-van/2011/10/1228616/phan-bien-mo-hinh-kinh-doanh-linh-vuc-internet-va-mobile/
 
×
Quay lại
Top