Máu vàng: Nhóm máu hiếm nhất thế giới

Mèo Cọp

“This world is merciless.”
Thành viên thân thiết
Tham gia
25/11/2012
Bài viết
351
(kenhsinhvien.vn) Vì có không tới 50 người mang nhóm máu này, nên việc tìm người truyền máu là cực kỳ khó.

Trên thế giới có không tới 50 người có “máu vàng”, hay Rh-null.

Trên thế giới có không tới 50 người có “máu vàng”, hay Rh-null (tạm dịch: Rh- vô kháng). Máu được phân loại là Rh-null khi thiếu tất cả 61 kháng nguyên trong hệ thống nhóm máu Rh. Sự sống của người mang nhóm máu Rh-null cũng lâm nguy vì rất hiếm người sở hữu nhóm máu này.

Máu vàng nghe như một trò lang băm, kiểu như hãy truyền máu vàng để cân bằng lượng tantric midichlorian(*) trong bạn và nhận một suất kem than miễn phí! Nhưng đừng để tên gọi lạ tai ấy làm rối bạn. Máu vàng thực sự là biệt danh của Rh-null, nhóm máu hiếm nhất thế giới.


(*) Tác giả so sánh từ một khái niệm giả tưởng trong bộ phim Star Wars.

Theo báo cáo của Mosaic, nhóm máu Rh-null hiếm đến mức chỉ có khoảng 43 người trên thế giới sở hữu, và đến năm 1961, khi các y bác sĩ lần đầu phát hiện ra nhóm máu này ở một người phụ nữ thổ dân Úc, họ đã cho rằng những phôi thai có nhóm máu Rh-null sẽ sớm chết trong tử cung.

Nhưng vì sao máu Rh-null hiếm đến vậy, và vì sao nó lại nguy hiểm? Để trả lời những câu hỏi ấy, trước tiên chúng ta phải khám phá nguyên nhân các nhà huyết học phân loại nhóm máu như hiện nay.


Lược sử về máu

Tổ tiên của ta không hiểu gì về máu. Ngay cả kiến thức cơ bản nhất về máu (như máu trong cơ thể là tốt, máu bên ngoài không lý tưởng, chảy máu quá nhiều rất đáng ngại) cũng trượt khỏi hiểu biết của nhân loại trong nhiều thế kỷ mông muội.

Vì không có những kiến thức trên nên ông cha ta đã tạo ra những lý thuyết kém khoa học về bản chất của máu, những lý thuyết đã thay đổi rất nhiều theo thời gian và nền văn hoá. Lấy thử một ví dụ, các y sĩ thời Shakespeare tin rằng máu là một trong 4 dịch thể (3 dịch thể còn lại là mật đen, mật vàng và đờm).

Các y sĩ thời Hy Lạp cổ đại lưu truyền nhau thuyết thể dịch. Thuyết này nêu rằng 4 dịch thể trên quyết định tính cách của một người. Máu được coi là nóng và ẩm, dẫn đến tính khí lạc quan. Người ta càng có nhiều máu, sẽ càng dễ nóng giận, cuốn hút và bốc đồng. Thuyết này cũng cho rằng thanh thiếu niên có lượng máu tự nhiên dồi dào, và đàn ông có nhiều máu hơn phụ nữ.

Thuyết thể dịch là nguyên nhân của mọi tư vấn y tế sai lệch. Trong số đó nổi tiếng nhất là chuyện Galen thành Pergamum đã dùng thuyết thể dịch làm cơ sở kê toa trích huyết. Với tâm lý “không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc”, Galen cho rằng máu là dịch thể nổi trội nhất, và trích huyết là cách tốt nhất để cân bằng cơ thể. Mối quan hệ giữa máu và nhiệt cũng khiến trích huyết trở thành một cách thức thần thánh để hạ sốt.

Trong khi trích huyết vẫn còn phổ biến đến thế kỷ 19, thì khám phá của William Harvey về lưu thông máu năm 1628 đã mở ra cho nền y học cánh cửa đến với huyết học hiện đại.

Ngay sau phát hiện của Harvey, người ta đã thực hiện những ca truyền máu đầu tiên, nhưng đến năm 1665 bác sĩ người Britain Richard Lower mới lần đầu tiên thực hiện truyền máu thành công. Ca phẫu thuật của Lower thực hiện trên chó, và thành công của ông đã tạo động lực cho các bác sĩ như Jean-Baptiste Denis tìm cách truyền máu từ động vật sang người, quá trình đó gọi là truyền máu khác loài. Cuối cùng những bệnh nhân tử vong đã khiến hoạt động này bị cấm.

Đến năm 1818, việc truyền máu từ người sang người mới thành công lần đầu tiên, khi bác sĩ sản khoa người Britain James Blundell tìm cách chữa trị chứng băng huyết sau sinh. Nhưng ngay cả khi có kỹ thuật đã được chứng thực lâm sàng, nhiều bệnh nhân được truyền máu vẫn tiếp tục tử vong một cách bí ẩn trong nhiều thập niên sau đó.

Năm 1901, bác sĩ người Áo Karl Landsteiner bắt đầu công trình nghiên cứu phân loại nhóm máu. Từ công trình của Leonard Landois (vị bác sĩ cho rằng khi hồng cầu của một loài động vật được truyền vào một loài khác, chúng sẽ vón cục lại), Landsteiner đã suy đoán phản ứng tương tự có thể xảy ra trong những ca truyền máu của con người. Điều đó giải thích tại sao những ca truyền máu thành công lại không nhất quán. Năm 1909, ông phân loại ra các nhóm máu A, B, AB và O. Với công trình này, ông đã đoạt giải Nobel Sinh lý học và Y học năm 1930.


Nguyên nhân có nhiều nhóm máu là gì?

Ta phải mất một thời gian sau mới hiểu được sự phức tạp của máu, nhưng ngày nay ta biết hợp chất giúp duy trì sự sống này bao gồm:
  • Hồng cầu: tế bào chuyên chở oxi và loại bỏ CO2 trên cơ thể.
  • Bạch cầu: tế bào miễn dịch bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng và những tác nhân ngoại lai.
  • Tiểu cầu: tế bào giúp đông máu.
  • Huyết tương: chất dịch chứa muối và enzim.

Mỗi thành phần có một vai trò trong chức năng của máu, nhưng hồng cầu là yếu tố để phân loại máu. Tế bào hồng cầu có các protein trên bề mặt gọi là kháng nguyên, và sự có mặt hoặc vắng mặt của những kháng nguyên cụ thể sẽ quyết định nhóm máu, như nhóm máu A chỉ có kháng nguyên A, nhóm máu B chỉ có kháng nguyên B, nhóm máu AB có cả hai và nhóm máu O không có kháng nguyên nào. Tế bào hồng cầu còn có một kháng nguyên khác gọi là protein RhD. Khi có kháng nguyên này thì nhóm máu là cộng, và khi không có thì nhóm máu là trừ. Sự kết hợp thường thấy của A, B và các kháng nguyên RhD cho ta 8 nhóm máu chính (A+, A-, B+, B-, AB+, AB-, O+, và O-).

Những protein kháng nguyên trong máu ấy có nhiều vai trò trong tế bào, nhưng sự nhận biết các tế bào ngoại lai trong máu mới đáng lưu tâm nhất trong bài viết này.

Kháng nguyên được ví như những lối đi bí mật dẫn đến dòng máu, trong khi hệ miễn dịch của ta là lính gác cửa. Nếu hệ miễn dịch nhận ra kháng nguyên, nó sẽ để tế bào đi qua. Còn nếu hệ miễn dịch không nhận ra kháng nguyên, nó sẽ bắt đầu các hệ thống phòng vệ của cơ thể và tiêu diệt kẻ xâm nhập. Vậy mới nói hệ miễn dịch là một lính gác cửa hung hăng.

Dù hệ miễn dịch rất cẩn thận, nhưng chúng không phải những kẻ quá sáng dạ. Nếu một người có nhóm máu A được truyền máu nhóm B, hệ miễn dịch sẽ không nhận ra hợp chất mới là vị cứu tinh. Mà nó sẽ coi những hồng cầu ấy là kẻ xâm nhập và tấn công. Đây là lý do tại sao rất nhiều người phát bệnh hoặc tử vong trong lúc truyền máu trước khi Landsteiner sáng suốt nhìn ra vấn đề.

Đó cũng là lý do tại sao người có nhóm máu O- được coi là “người hiến máu toàn năng”. Vì hồng cầu của họ thiếu kháng nguyên A, B và RhD, nên hệ miễn dịch không phát hiện được những tế bào này là kẻ ngoại lai và để chúng được yên.


Nhóm máu Rh-null hiếm đến mức nào?

Giờ thì chúng ta sẽ quay trở lại với máu vàng. Thật ra 8 nhóm máu chính là một sự tĩnh lược quá mức cách thức các nhóm máu thực sự hoạt động. Theo Smithsonian, “mỗi nhóm trong 8 nhóm này có thể được chia nhỏ thành nhiều loại riêng,” dẫn đến hàng triệu nhóm máu khác nhau, mỗi nhóm được phân loại dựa trên vô số tổ hợp kháng nguyên.

Đây là lúc mọi thứ trở nên khó hiểu. Protein RhD được nhắc đến ở trên chỉ đề cập đến 1 trong 61 protein của hệ thống nhóm máu Rh. Máu được coi là Rh-null khi thiếu tất cả 61 kháng nguyên ấy trong hệ thống Rh. Điều đó không chỉ khiến máu Rh-null hiếm, mà còn có nghĩa là nó có thể truyền cho bất cứ ai có nhóm máu hiếm trong hệ thống Rh.

Đây là lý do tại sao Rh-null được coi là “máu vàng”. Bởi nó đáng giá như vàng.

Theo báo cáo của Mosaic, máu vàng rất quan trọng trong y tế, nhưng cũng rất nguy hiểm cho người mang nhóm máu này. Nếu một người nhóm máu Rh-null cần truyền máu, họ khó có thể tìm được người hiến máu cho mình, và máu cũng rất khó vận chuyển quốc tế. Người ta khuyến khích người có nhóm máu Rh-null nên tự hiến máu như một cách bảo hiểm cho chính mình, nhưng với số người hiến ít ỏi trên thế giới và những hạn chế về tần suất có thể hiến máu, điều này cũng có thể tạo ra gánh nặng nhân ái lên những người được chọn phải đồng ý hiến máu cho người khác.


Nếu một người nhóm máu Rh-null cần truyền máu, họ khó có thể tìm được người hiến máu cho mình, và máu cũng rất khó vận chuyển quốc tế.

Một số câu hỏi hay ho về nhóm máu

Vẫn còn nhiều bí ẩn về nhóm máu. Ví dụ như chúng ta vẫn chưa biết vì sao loài người tiến hoá kháng nguyên A và B. Một số giả thuyết chỉ ra những kháng nguyên này là phụ phẩm của những căn bệnh mà nhiều quần thể người đã mắc phải trong lịch sử. Nhưng ta không thể biết chắc.

Vì thiếu kiến thức về vấn đề này, nhiều lầm tưởng và nghi vấn đã xuất hiện xoay quanh khái niệm nhóm máu trong dân chúng. Sau đây là một số câu hỏi phổ biến nhất và câu trả lời tương ứng.

Nhóm máu có ảnh hưởng đến tính cách không?

Giả thuyết tính cách nhóm máu của Nhật Bản là sự tái sinh thuyết dịch thể đương đại. Quan niệm này cho rằng nhóm máu của bạn ảnh hưởng trực tiếp tới tính cách, người có nhóm máu A tốt bụng và khó tính, trong khi người nhóm máu B lạc quan và tự chủ. Tuy nhiên một nghiên cứu năm 2003 lấy mẫu 180 đàn ông và 180 phụ nữ đã nhận thấy không có mối liên hệ nào giữa nhóm máu và tính cách.

Ta có nên thay đổi chế độ ăn theo nhóm máu không?

Bạn còn nhớ câu chuyện về Galen thành Pergamon chứ? Ngoài trích huyết, ông cũng kê toa cho bệnh nhân mình ăn một số loại thực phẩm dựa vào thể dịch cần được cân bằng. Chẳng hạn như rượu vang được coi là thức uống nóng và khô, nên nó được kê toa để trị cảm lạnh. Nói cách khác, quan niệm cho rằng chế độ ăn phải bổ sung cho nhóm máu là một tàn dư khác của thuyết dịch thể.

Chế độ ăn theo nhóm máu do Peter J. D’Adamo đề ra, cho rằng chế độ ăn của một người nên tương thích với nhóm máu. Người nhóm máu A nên ăn chay gồm ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, trái cây và rau củ; người nhóm máu B nên ăn rau xanh, một số loại thịt và sữa ít béo, v.v…

Tuy nhiên một nghiên cứu từ Đại học Toronto đã phân tích dữ liệu từ 1455 người tham gia và nhận thấy không có bằng chứng nào ủng hộ giả thuyết trên. Dù người ta có thể giảm cân và trở nên khoẻ mạnh hơn nhờ chế độ ăn, nhưng có thể nó liên quan nhiều đến việc ăn rau xanh hơn là nhóm máu.

Có mối liên hệ nào giữa nhóm máu và những bệnh tật cụ thể không?

Có những bằng chứng cho rằng mỗi nhóm máu có thể làm tăng nguy cơ mắc một số loại bệnh. Một phân tích cho thấy nhóm máu O làm giảm nguy cơ đột quỵ hoặc đau tim, trong khi nhóm máu AB dường như ngược lại. Theo đó, người nhóm máu O có xác suất bị loét dạ dày và ung thư da lớn hơn.

Điều đó không có nghĩa là nhóm máu sẽ tiên báo tương lai bệnh tật của bạn. Nhiều yếu tố như chế độ ăn và tập luyện cũng ảnh hưởng đến sức khoẻ và có thể còn ảnh hưởng nhiều hơn cả nhóm máu.

Nhóm máu nào phổ biến nhất?

Tại Hoa Kỳ, nhóm máu phổ biến nhất là O+. Khoảng 1/3 dân số mang nhóm máu này. Trong số 8 nhóm máu nổi trội, nhóm máu ít gặp nhất là AB-. Chỉ 1 người trong số 167 người ở Hoa Kỳ mang nhóm máu này.

Động vật có nhóm máu không?

Đa phần động vật đều có nhóm máu, nhưng không giống như của con người. Điểm khác biệt ấy là nguyên nhân những bệnh nhân ở thế kỷ 17, những người đinh ninh “Máu động vật là tấm vé cứu rỗi!”, cuối cùng đã có được tấm vé “cứu rỗi”. Thật ra nhóm máu giữa các loài vốn khác nhau. Các nhà khoa học đôi lúc dùng cùng một hệ danh pháp để mô tả các nhóm máu khác biệt ấy. Ví dụ như mèo có kháng nguyên A và B, nhưng những kháng nguyên ấy không giống với kháng nguyên A và B ở con người.

Điều thú vị là việc truyền máu khác loài đang dần trở lại. Các nhà khoa học đang nghiên cứu biến đổi gen máu lợn nhằm tạo ra loại máu thích hợp cho con người.

Các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu chế tạo máu tổng hợp. Nếu thành công, họ có thể giảm bớt nỗi lo thiếu nguồn máu hiện tại, đồng thời họ cũng đang chế ra cách tạo máu cho những người có nhóm máu hiếm. Tuy điều đó có thể khiến máu vàng trở nên ít quý hiếm hơn, nhưng nó chắc chắn sẽ khiến cuộc sống dễ dàng hơn.


Dịch bởi Kenhsinhvien.vn
(Theo Bigthink)
 
×
Quay lại
Top