Khát vọng sống để yêu

Khoa Thận nhân tạo của chúng tôi


Cả tầng ba là khoa thận nhân tạo của chúng tôi. Vì mới xây dựng nên gọn gàng, khang trang, đẹp đẽ. Trước kia, khoa của tôi có năm nhà chạy thận, là A, B, C, D, E. Bây giờ còn hai nhà, nhà A, B, C đều chuyển lên gác ba. Nhà D dành riêng cho bệnh nhân chạy thận bị HIV nhưng giờ không có ai. Nhà E vẫn ở nhà cũ, tôi là bệnh nhân nhà C nên cũng lên gác ba.
f_332297.file

Đi cầu thang máy lên tầng ba sẽ gặp Khoa Thận nhân tạo của chúng tôi. Rẽ trái, là phòng lọc máu. Tất cả có sáu phòng.
Phòng đầu tiên phía bên phải trước kia là phòng chờ để cho những bệnh nhân đến chạy thận nhưng chưa đến ca của mình ngồi đợi đến lượt. Bệnh nhân ca trước chưa xong, họ chưa ra khỏi gi.ường. Bây giờ, phòng đó trở thành phòng (FVA) nối cầu tay nhân tạo rồi. Trước kia Bệnh viện Bạch mai không làm cầu tay, bây giờ các bác sỹ có làm tiểu thuật này nên bệnh nhân không phải đi sang các bệnh viện khác nữa, thật tiện lợi, lại đỡ rắc rối. Các bác sỹ ở bệnh viện Bạch Mai rất giỏi!
Bên cạnh phòng thủ thuật là một dãy tủ nhỏ giống như tủ để gửi đồ trong siêu thị ấy. Hai người chung nhau một cái tủ đó cất quần áo bệnh nhân và đồ đạc của mình khi lọc máu xong để đỡ phải đem về nhà. Tôi và chú Lai chung một cái nhưng giờ đây chú Lai mất rồi nên một mình tôi sở hữu.
Trước tủ đó là hai hàng ghế dành cho bệnh nhân và người nhà ngồi chờ, đỡ đi lại lộn xộn.
Bây giờ, nếu chạy thận khi chưa nối cầu tay thì có thể chọc ven ở cổ nữa chứ không phải chỉ có “chọc bẹn” giống tôi như ngày xưa. Trong khi chờ đợi để ven ở tay có thể sử dụng được thì họ chỉ phải chọc một lần ở động mạch cổ. Bác sỹ sẽ đút cái ống nhựa vào, sau đó dán cố định luôn, những lần sau không phải chọc lại nữa mà chỉ lắp luôn vào ống nhựa đó để hút máu ra lọc. Đỡ đau rất nhiều và cũng chẳng phải xấu hổ vì bị “thoát y” nữa.
Đối diện với phòng nối cầu tay là phòng hành chính của khoa thận nhân tạo, trong đó có một cái tủ kính rất to chứa đựng những hồ sơ bệnh án của bệnh nhân. Chị Hương và Mai làm việc ở phòng này. Chị Hương và Mai rất tốt và hay cười.
Hiện nay, đời sống của bệnh nhân chạy thận đã cao nên đỡ hơn ngày xưa rất nhiều. Một tháng, chúng tôi được tiêm sáu mũi Eprex, có người là thuốc Epokinefilled, Epocim... hoặc thuốc tăng hồng cầu, có tác dụng thúc đẩy quá trình sản sinh hồng cầu, làm tăng lượng huyết sắc tố, chống thiếu máu, giúp cho cơ thể đỡ mệt mỏi, không xanh xao gầy yếu do thiếu máu nữa. Thuốc đó rất đắt, khoảng 250 nghìn đồng một ống, nếu bảo hiểm không chi trả cho bệnh nhân thì chắc là tôi cũng không bao giờ được biết mùi vị của nó như thế nào...
Bệnh nhân hợp với thuốc nào thì bác sỹ chỉ định cho tiêm thuốc đó và được truyền một ống sắt cùng một lọ đạm. Ngoài thuốc bảo hiểm chi trả, mỗi tháng tôi phải mua thêm một lọ đạm và một ống sắt để đảm bảo sức khoẻ.
Tại dẫy này, mỗi khu A, B, C, D đều có một tủ thuốc và một cái bàn dành cho bác sỹ ngồi khám bệnh. Bác sỹ sẽ đo huyết áp, chỉ định đặt cân và liều dùng của thuốc chống đông, nếu bị làm sao thì báo cáo với bác sỹ khám bệnh. Bác sỹ sẽ kê đơn và dặn dò. Sau đó, y tá sẽ ngồi theo dõi máy và bệnh nhân trong buổi lọc máu xem có gì trục trặc không.
***
Từ cầu thang máy lên tầng ba, rẽ phải là phòng của bác Trưởng khoa Nguyễn Cao Luận, phòng của phó khoa, kế tiếp là phòng của giáo sư Nguyễn Nguyên Khôi và những phòng gì nữa thì tôi không để ý vì chúng tôi không hay đi phía đó. Rẽ trái là phòng y tá, kế tiếp là phòng xét nghiệm, đối diện là phòng sửa máy. Máy chạy thận làm việc liên tục nên thỉnh thoảng bị hỏng, phải đẩy vào phòng sửa máy để sửa.
Phòng lọc máu trên tầng ba chia 4 phòng, một là “phòng lọc máu cấp cứu” dành cho những bệnh nhân mới chạy thận chưa nối cầu tay giống tôi mới lọc máu lần đầu tiên. Bệnh nhân ở phòng này yếu nhất. Kế tiếp, phòng đặc biệt dành cho những người nhiều tiền, nghĩa là, mỗi ca chạy thận dù có bảo hiểm rồi vẫn đóng thêm 400 ngàn đồng, phòng này có ba máy. Chúng tôi hay gọi phòng này là “Gia đình điều kiện”. Tiếp theo, phòng lọc máu cách ly, phòng này không đông lắm, có khoảng mười máy dành cho những người đủ điều kiện và tiêu chuẩn để ghép thận.
Tôi thì không bao giờ mơ được vào hai phòng đấy vì không đủ điều kiện ghép thận và cũng chẳng có tiền. Tôi nằm ở phòng bình dân, phòng này có đội quân hùng hậu và đông nhất. Phòng này lại chia thành bốn khoang nhỏ A, B, C, D nữa.
Tôi lại nằm ở khoang D, khoang cuối cùng. Mỗi khoang có 8 máy, cả bốn khoang cho một ca là 32 người. Một ngày trung bình 4 ca, có hôm lên tới 5 ca. Một ca ba tiếng rưỡi, khoa thận làm việc từ 6 giờ 30 sáng, rất đông người nên cũng đông vui nhộn nhịp lắm.
***
Mỗi người một gi.ường, mỗi gi.ường một máy đặt đằng đầu, trên giá sắt của máy treo hai chai chứa dịch. Một chai một lít và một chai nửa lít. Chai một lít dùng để rửa lại quả lọc cho sạch trước khi hút máu ra và chai nhỏ dùng để dồn máu vào khi kết thúc buổi lọc. Dưới chân máy có hai can dịch A, B, thứ dịch này dùng để “rửa máu”. Khi hút máu ra sẽ hòa lẫn dịch này làm cho máu sạch hơn.
Phía trên trần nhà rất nhiều bóng điện sáng choang. Ở góc tường có một thùng giấy to dùng đựng vỏ chai dịch. Nói chung, khoa thận của chúng tôi rất gọn gàng, ngăn nắp và sạch sẽ. Trên tường có gắn đồng hồ, thứ cần mẫn nhất, chạy suốt ngày đêm, tôi là người hay liếc nhìn nó nhất.
Nằm chạy thận, thỉnh thoảng cũng có những sự cố và dù có bất kỳ điều gì xảy ra cũng phải bình tĩnh “hít sâu thở đều”, đừng hốt hoảng, có thể đau đầu, huyết áp cao, huyết áp tụt, tim đập nhanh…
Vì tim chúng tôi đa số đều rất to, to đùng, tròn xoe. Nhiều lúc tôi nghĩ tim mình to hết cỡ liệu có vỡ ra không nhỉ? Thận của tôi cần to thì lại nhỏ, tim tôi cần nhỏ thì nó lại to.
Có khi tôi hỏi trái tim mình: “Tim ơI, sao đập nhanh thế, đập nhanh thế không mỏi à?”.
Tim lại đập nhanh hơn để trả lời tôi.
Cho nên, những gì có thể xử lý được trong lúc chạy thận thì tự làm, còn cái gì không thể thì phải nhờ y tá, bác sỹ giúp. Nằm chạy thận cũng có thể buồn nôn nữa nên cần phải chuẩn bị túi ni lông để đựng không ra đầy nhà, khiếp lắm. Bệnh nhân lọc máu chu kỳ rồi, sức khoẻ cũng ổn định, đa số phải đi một mình nên đều chuẩn bị trước.
Nằm lọc máu thường rất đói và cả khát nữa vì khi đó, cơ thể đã được lọc bớt chất độc nên rất thèm ăn. Vì vậy phải chuẩn bị thức ăn cùng nước uống.
***
Mệt mỏi và lo lắng là dáng vẻ chung của những bệnh nhân chạy thận trong khoa chúng tôi. Duy chỉ có tôi là hay cười và lắm mồm nhất. Nhiều lúc, toàn thân tôi đau nhừ, tứ chi rã rời, đầu óc mụ đi nhưng vẫn tươi cười. Cười sẽ giảm đau đớn nhiều lần. Các bạn không tin cứ thử xem, sẽ thấy hiệu quả ngay, tôi không nói khoác đâu.

f_332318.file

Dù ai ở trong hoàn cảnh này cũng cần sự quan tâm của gia đình và bạn bè. Bạn của tôi bây giờ đã xây dựng gia đình, đi làm… nên rất ít người vào thăm, nhưng tôi không trách họ, tôi hiểu cuộc sống không bao giờ như ý mình hết, luôn muốn được quan tâm chứ không thể bắt người khác quan tâm. Chạy thận phải rút hết nước nên rất mệt nhưng hễ có người vào thăm, tôi sẽ rất vui dù có mệt hết hơi, đuối sức đến mấy tôi vẫn cố gắng nói chuyện, vừa nói vừa thở, tôi nói luôn miệng.
Tôi thì vậy nhưng đa số những người chạy thận đều có khuôn mặt buồn bã vì đang phải chịu những cơn đau hành hạ, luôn tha thiết mong muốn thay đổi cuộc sống của mình, được bảo vệ, sẻ chia, mong tìm được lối thoát… Nước mắt đã cạn hoặc chỉ chảy ngược vào trong tim. Nó chảy nhiều vào tim quá, bị ứ đọng nên tim to ra (tôi hay trêu mọi người như vậy).
Tất nhiên, không phải ai cũng buồn đâu. Vẫn còn rất nhiều bệnh nhân yêu đời. Khoa của tôi đông bệnh nhân, 8 người nằm cùng khoang có thể nói chuyện được với nhau. Muốn nói với khoang khác phải nói to sẽ ảnh hưởng đến người khác vì có nhiều người đang ngủ mà.
Đối diện với gi.ường của tôi là chú Vinh, quê ở Bắc Ninh, chú đi xe buýt đến chạy thận xong lại về. Chú để đầu ba chỏm giống như Hồng Hài Nhi, cứ nằm lên gi.ường là chú ấy ngủ luôn. Tiếp đến là chú Hòa, chú gầy tong teo nhưng rất hay nói chuyện tình yêu. Kế tiếp là bác Hoàng, bác ấy thuộc giới văn nghệ sỹ chuyên viết tiểu thuyết, nói chuyện với bác ấy rất thú vị… Chú Long nằm cạnh tôI, rồi đến chú Giang Nam, cô Mão. Chúng tôi nói đủ thứ chuyện trên trời dưới biển, chuyện thể thao, chuyện thời sự, các loại chuyện rôm rả lắm. Tôi ít tuổi nhất trong số 8 người đó.
Trong khoa thận chỉ có người mới gia nhập đang yếu là chán đời thôi, còn những người từ một năm trở lên cũng yêu đời lắm. Anh Tuấn trong khoa của tôi, nhiều hơn tôi một tuổi, đã lấy vợ và sinh con. Giờ đây anh ấy khoẻ khoắn lắm. Anh có vợ con động viên nên tinh thần rất vui vẻ.
Còn Sơn, nằm cạnh gi.ường tôi ở ca sau cũng lấy vợ và sinh một cậu con trai rất kháu khỉnh nhưng vì bất mãn với cuộc đời nên Sơn đã dính vào ma túy. Nhìn Sơn vừa chạy thận vừa lên cơn nghiện thật hãi hùng. Bạn ấy không có bản lĩnh để sống nên đã chết rồi…
Em Tùng kém tôi hai tuổi cũng lấy vợ và có một bé gái xinh đẹp như thiên thần. Em ấy vừa đi chạy thận vừa phải bán bánh mỳ để nuôi bản thân và con. Tôi khâm phục Tùng lắm!
Chỉ con trai thôi, còn con gái thì hiếm ai đang chạy thận mà lấy chồng cả vì còn nhiều vấn đề phức tạp. Việc sinh đẻ là không thể. (có em Nhung, mới đây đã lấy chồng. Tôi là một trong những người không lấy chồng, chỉ yêu thôi chứ kết hôn thì không thể. Tôi hiểu rất rõ điều này, liệu có ai đủ can đảm để cưới tôi không?
***
Khi lên gi.ường, cắm hai kim, lắp máy xong đa số mọi người đều ngủ. Hôm nào hoành tráng lắm thì nói được vài ba câu chuyện là ngủ hết. Riêng tôi không ngủ, trong lúc nằm chạy then, tôi rất hay ăn. Bánh mỳ patê của chị đầu ngõ là món tủ của tôi.
Ngày nào tôi cũng ăn bánh mỳ, vừa thưởng thức bánh mỳ vừa đếm xem có bao nhiêu giọt nước nhỏ ra từ máy điều hoà (máy đang có vấn đề nên bị chảy nước). Tôi không hiểu sao máy điều hoà của hãng LG 5 năm liên tục bán chạy nhất mà khoa chúng tôi mới chuyển lên gác được hơn 5 tháng đã có vấn đề rồi. Phòng của chúng tôi có cả tivi nhưng vì mới chuyển lên, mới lắp, không hiểu còn thiếu cái gì nữa mà chưa xem được. Tôi hay trêu mọi người, đấy là phim trừu tượng.
Trong khi nằm chạy then, tôi cũng hay đọc sách báo. Đã từ lâu, sách luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của tôi. Hồi bé, tôi hay đọc báo Nhi Đồng, Hoa Học Trò. Bây giờ, tôi có rất nhiều thời gian rảnh rỗi nên sách báo gì cũng đọc. Báo An Ninh Thế Giới, Gia Đình, Phụ Nữ… Có được cái gì đọc cái ấy, nhờ có sách báo mà đời sống của tôi thoải mái hơn, tầm hiểu biết được mở mang, nâng cao hơn. Đọc sách giúp tôi biết được những vấn đề xảy ra trên trái đất, các vấn đề xã hội. Sách, báo là bạn thân của tôi, nó đã mang đến niềm tin, hạnh phúc cho tâm hồn.
Tôi cũng rất thích giải ô chữ của báo Lao Động Cuối Tuần. Tôi rất chịu khó suy nghĩ để tìm ra đáp án nhưng chưa bao giờ hoàn thiện được các ô. Tôi thấy mình hơi ngố. Anh Đức, anh Chung chị Thoa, chị Châm là y tá và kỹ thuật viên trong khoa của tôi cũng rất say mê giải các ô chữ. Các anh chị ấy siêu lắm, mỗi khi giải ra một ô là sung sướng vô cùng. Tôi luôn hòa mình vào trò chơi này. Rất nhiều lần các anh chị ấy hoàn thành ô chữ nhưng không bao giờ chúng tôi gửi đi cả, chỉ để giải trí thôi.
Chúng tôi chạy thận được khoảng hai tiếng thì các chị hộ lý vào thay dịch. Chị Dung, chị Hà, chị Thường, Nhung, các chị ấy đến nói chuyện rất sôi nổi. Nhìn các chị ấy chêu trọc nhau vui vẻ, tôi cảm thấy yêu đời hơn. Tôi hay nói chuyện với chị Dung nhất vì chị vui tính, trò chuyện thoải mái. Những câu chuyện của chị làm tôi cảm thấy phấn chấn, hứng khởi và thời gian nằm chạy thận dường như không bị kéo dài lê thê nữa.
Nhiều khi nằm chạy thận, tôi hay nghĩ lẩn thẩn về cái chết. Liệu mình có phải là người kế tiếp không? Chúng tôi cũng hay bàn luận về cái chết, người ngoài nghe lại tưởng chúng tôi bi quan nhưng chúng tôi nói về điều này thường xuyên. Nhiều khi, tôi muốn “mục sở thị” cái đám ma của mình, không hiểu nó ra sao, chắc sẽ rất đông người...
Trước kia, gi.ường của tôi ở ngoài do tôi bị lupus nên cơ thể rất nóng, nóng hơn nhiều người bình thường. Chú Giang Nam thấy vậy đã đổi chỗ nằm cho để tôi nằm gần máy điều hoà. Tôi luôn biết ơn chú Giang Nam.
gi.ường của tôi nằm ở phía ngoài nên chỉ cần kéo rèm lên, nhìn qua cửa kính trong suốt là tha hồ ngắm cảnh. Từ đó, tôi hay nhìn xuống khoa thận cũ. Bây giờ, cả ba nhà đều làm phòng cấp cứu, cạnh đó là sân cầu lông.
Ca của tôi từ 3 giờ đến 6 giờ 30. Hai tiếng đầu, tôi đọc báo, giải ô chữ và ăn. Một tiếng rưỡi sau thì tha hồ ngắm cảnh, soi gương xem xấu hay xinh, ngắm các bác sỹ, y tá chơi cầu lông rất ăn diện, quần áo nhiều mốt. Họ là những con người khoẻ mạnh, sung sướng, được ăn ngon mặc đẹp, tràn đầy sức sống. Nhìn họ thật thích. Tôi cũng cảm thấy mình khí thế lên rất nhiều. Tôi luôn ngưỡng mộ cuộc sống vui tươi của họ và nghiệm ra rằng, sống nhiệt tình sẽ khám phá được nhiều cái hay tiềm ẩn của cuộc đời hơn.
Bên cạnh sân cầu lông là hai cây hoa đại. Những chùm hoa đại lấp ló sau tán lá vẫn đằm thắm tỏa hương. Cây Hoàng Lan nở hoa mơ màng, đủ cho tôi có những phút giây thả hồn phiêu du trong sự giao hòa của thiên nhiên. Tôi có mơ mộng không, điều đó không quan trọng. Điều mà tôi cảm nhận được là cuộc sống vẫn hối hả và đẹp tuyệt vời! Tôi bị rất nhiều cơn đau hành hạ, những cơn đau quặn trào từ trái tim đến đỉnh đầu. Trời đẹp quá, cảnh đẹp quá mà lòng tôi đau quặn thắt!
Tôi vẫn muốn được thưởng thức khung cảnh tuyệt đẹp và cả những hương vị ngọt ngào của cuộc sống này nữa. Ngày nào tôi cũng ngắm cảnh này mà vẫn thấy đẹp, vẫn thích. Tôi sống được đến ngày hôm nay đã “lãi” lắm rồi. Khi mới mắc bệnh, bố mẹ tôi chỉ hy vọng tôi sống được hai năm là may mắn! Vậy mà giờ đây, được đến năm…
***
Tôi muốn nói với các bạn rằng, khi biết mình bị mắc bệnh bất kỳ thì đừng bi quan, cứ vui vẻ sống mà hưởng thụ tất cả những gì thượng đế đã ban cho mình, đừng nản chí.
Khiếp hãi nhất trong lúc nằm chạy thận là lúc có những bước chân vội vã, nét mặt căng thẳng của bác sỹ, y tá. Một lát sau, thấy bác sỹ lắc đầu, nghe tiếng khóc thảm thiết tôi biết lại có người ra đi. Chúng tôi và không ai có thể quyết định được tuổi thọ của mình.
Không biết có phải do tôi nằm viện lâu quá hay không mà cứ thấy ai mặc áo blue cũng thấy thân thiết. Các y tá trong khoa như chú Hải, anh Đức, chị Hương, Hậu, Hải, Mai, Quỳnh, Châm, Thoa... rất tốt với tôi. Họ rất xinh đẹp và lại dễ gần nữa. Trong khoa của tôi có cả các anh kỹ thuật viên nữa đấy. Các anh ấy rất đẹp trai và hài hước. Nếu các bạn không tin cứ thử đến khoa thận nhân tạo của tôi mà xem, tôi không nói đùa đâu. Nhiều khi các anh ấy trêu chúng tôi cười chảy cả nước mắt ấy chứ.
Y tá trong khoa chỉ hơn hoặc kém tôi vài ba tuổi nên rất hòa đồng với nhau. Hơn nữa, trừ những lúc mệt mỏi ra, tôi luôn vui vẻ và nói rất nhiều, lại hay cười nữa. Không biết có phải bởi tôi hay cười không mà mồm tôi rộng ngoác ra rồi.
Từ nhỏ đến giờ tôi gặp rất nhiều bác sỹ, đa số các bác sỹ đều có tình cảm sâu nặng. Nhất là các bác sỹ trong khoa thận. Nhờ có họ mà tôi sống được đến ngày hôm nay, tôi vô cùng cám ơn họ, những vị cứu tinh của đời tôi! Đứng trước bác sỹ, đa số bệnh nhân đều có khuôn mặt lo lắng, buồn bã nhưng riêng tôi vẫn cười rất tươi. Bác sỹ giúp tôi hồi sinh, tại sao tôi lại không cười chứ?
Trong khoa của chúng tôi, bệnh nhân đông nên phải chia ra để bác sỹ điều trị. Qua 10 năm tôi đã gặp hết thảy các bác sỹ của khoa Thận nhân tạo vì khi ở nhà này thì bác sỹ này, khi ở nhà khác lại bác sỹ khác. Tôi là bệnh nhân lâu năm nên chuyển hết nhà này sang nhà khác. Khi tôi đang ở nhà A thì bác Châu, nhà B thì cô Bích, chị Hải. Sang đến nhà C, tôi bị mắc nhiều bệnh nhất nên bác Thu, chú Cường, chị Ngọc… và tất cả các bác sỹ đều cho tôi đơn thuốc.
Vì tôi bị lupus hệ thống kháng thuốc nên điều trị không dễ dàng như bệnh nhân khác. Thuốc này uống được ở bệnh này thì bệnh khác lại không nên với tôi, phải có thuốc đặc trị. Bác sỹ rất thận trọng khi kê đơn thuốc cho tôi. Các bác sỹ đều rất thương tôi vì tôi bé tí mà mắc nhiều loại bệnh quá.
Tôi nhớ hình ảnh của chị Ngọc, chị ấy rất trẻ và giỏi. Khi tôi bị thêm bệnh gì, chị thường đem quyển danh mục thuốc rất to, dày cộp để tìm thuốc phù hợp và ít tác dụng phụ nhất cho tôi. Tôi biết ơn vô cùng!
Bây giờ bác sỹ Long điều trị cho tôi, tôi gọi bằng anh Long. Anh ấy rất trẻ, cao, trắng trẻo và đẹp trai nữa. Mỗi khi khám bệnh cho tôi hay bất kỳ ai, anh ấy đều dặn dò rất cẩn thận. Tôi bây giờ mắc chứng hay quên nên anh dặn tôi phải đánh dấu thuốc vào và phải hẹn chuông đồng hồ để uống thuốc cho đúng giờ. Anh Long rất vất vả và nỗ lực tận tình tìm tòi các loại thuốc điều trị cho tôi. Tôi cảm thấy ái ngại vô cùng, và lại nghĩ rằng bệnh tật không còn quan trọng nữa. Khi xem kết quả xét nghiệm của tôi, anh ấy nói có vẻ không quan trọng về bệnh tình là tôi yên tâm.
 
×
Quay lại
Top