Đàn ông và Phụ nữ: Không có sự khác biệt gì cả

rubi_mos2002

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
28/10/2011
Bài viết
824
17lk2j01ltdmkjpg.jpg


Những nghiên cứu cho thấy giới tính của một người có rất ít hoặc không có liên quan gì đến tính cách, nhận thức và khả năng lãnh đạo cả.

Sự thật về sự “khác biệt” giới tính:

Sự khác biệt về giới tính giữa sao Hỏa và sao Kim có vẻ như chỉ là hoang đường.

Karen Horney là một nữ bác sĩ, một nhà phân tâm học vào thời điểm mà hầu hết các bác sĩ và nhà phân tâm học đều là đàn ông. Bà thách thức và đặt nghi vấn trước những thuyết phân tâm học của Freud, sửa lại một số ý tưởng và tạo ra khía cạnh nữ quyền trong sự phát triển về tính cách. Ví dụ như bà phản ứng khá mạnh mẽ trước khái niện “ghen tỵ d.ương v.ật” của Freud (penis envy). Freud phân tích giai đoạn d.ương v.ật (phallic stage) đối với phụ nữ như thể mâu thuẫn t.ình d.ục (sexual conflict), bắt đầu từ lúc bé gái nhận ra nó không có d.ương v.ật. Horney lại cho rằng d.ương v.ật là biểu tượng của quyền lực xã hội (social power) hơn là một bộ phận mà bé gái muốn có. Horney viết rằng, bé gái, ở độ tuổi rất trẻ đã bị từ chối không được có quyền lực xã hội bởi vì giới tính của nó. Bà tranh luận rằng con gái không thật sự có mong muốn bí mật muốn trở thành con trai. Mà thật ra, con gái mong muốn có được quyền lực xã hội và những thứ được quy chụp thành quyền lợi của con trai trong nền văn hóa. Nền văn hóa là tập hợp của những tiêu chuẩn được chia sẻ cho nhiều hành vi. Ví dụ một người có thể cảm thấy xấu hổ về những hành vi quan hệ t.ình d.ục bừa bãi hay không tùy thuộc vào những định kiến văn hóa mà họ sinh sống. Hơn nữa, nền văn hóa có thể có những tiêu chuẩn khác biệt cho đàn ông và đàn bà, ví dụ như đàn bà phải cảm thấy xấu hổ khi quan hệ t.ình d.ục bừa bãi còn đàn ông thì nên tự hào về những hành vi đó, và thậm chí còn có thể đi khoe khoang chiến tích của mình. Ví dụ về việc này có thể thấy nhan nhản qua khắp báo đài, được cổ súy bởi một nền văn hóa và hệ thống truyền thông vẫn còn bị ảnh hưởng mạnh bởi những tư tưởng cổ hủ như đàn ông có quyền ba vợ bốn bà, có quyền ngoại tình, có quyền coi đó là thành tích, là cái chứng tỏ sức mạnh của mình, trong khi phụ nữ thì phải chung thủy, chịu đựng vì chồng vì con, dù chồng mình có tệ bạc, có đánh đập, đối xử tàn nhẫn với mình thế nào đi chăng nữa thì mình cũng phải chịu, không được bỏ chồng. Và chúng ta cũng có thể thấy ví dụ này điển hình trong những chuyện tình tay ba, những vụ cưỡng bức, và chụp hình s.ex, mới đây nhất là vụ em gái sinh năm 2000 bị tung ảnh s.ex lên mạng thì phần nhiều những lời chỉ trích, chê bai luôn hướng về người phụ nữ, về em gái ấy trước tiên và hiếm thấy lời chỉ trích nào dành cho người đàn ông, hay cậu trai kia cả.

Karen Horney là một trong những nhà phân tâm học đầu tiên nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa và những yếu tố lịch sử quyết định nên tính cách. Horney để ý thấy rất nhiều vai trò giới tính được xác định bởi nền văn hóa. Ví dụ, bà đã tạo ra khái niệm “sợ thành công” để làm nổi bật sự khác biệt về giới tính trong cách phản ứng trước những tình huống cạnh tranh và thành tích. Rất nhiều phụ nữ, bà tranh luận, cảm thấy nếu họ thành công thì họ sẽ mất đi rất nhiều bạn bè. Như một hệ quả, rất nhiều phụ nữ – bà nghĩ thế, nuôi dưỡng nỗi sợ hãi thành công từ trong tiềm thức. Bà đồng thời cũng cho rằng, ngược lại ở đàn ông, họ sẽ có thêm nhiều bạn nếu họ thành công và do đó, họ hề sợ hãi khi dám thử thách và theo đuổi những thành tích. Điều này chỉ ra tầm quan trọng của sự ảnh hưởng từ văn hóa lên hành vi con người.

Dễ nhận thấy khái niệm sợ thành công này vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Ngay cả trong gia đình, cha mẹ đều khuyên con gái không nên học nhiều, nhưng ngược lại khuyến khích con trai mình nên học cao hơn, cố gắng thành công hơn. Tôi có một cô bạn, khi cô bày tỏ ý muốn được học lên thạc sĩ và không muốn lấy chồng sớm thì được ba mẹ bảo là “Ôi chào, mày là con gái, học cho cố vào rồi chả lấy được chồng. Gái giỏi quá ế đó con.” Chính vì những ý kiến khái niệm cổ hủ này làm hạn chế không biết bao nhiêu cơ hội được thành công và tạo ra những thay đổi của những người phụ nữ tài năng.

Horney nhấn mạnh một điểm rằng mặc dù sinh học xác định giới tính nhưng chính những định kiến văn hóa mới là cái được dùng để xác định những hành vi chấp nhận được cho đàn ông và đàn bà. Một phần bởi vì Horney mà ngay nay chúng ta dùng những thuật ngữ như nam tính và nữ tính để nói về những đặc điểm hoặc vai trò liên quan tới đàn ông và đàn bà trong một nền văn hóa đặc biệt nào đó, và chúng ta quy những điểm khác biệt trong nền văn hóa quy chụp vai trò và đặc điểm của đàn ông và đàn bà dưới dạng khác biệt giới tính (gender difference), không phải là khác biệt giới tính sinh học (s.ex differences). Sự khác biệt này rất quan trọng trong nữ quyền hiện đại, và có thể quy ngược về cho Karen Horney. Điều đáng tiếc rằng Horney đã mất vào năm 1952 nên bà không thể chứng kiến được quá trình, thành quả tạo thành từ làn sóng nữ quyền, lĩnh vực mà bà có thể được coi như là người dẫn đầu sớm nhất.

Vào năm 2005, bản phân tích về 46 bản nghiên cứu phân tích tổng hợp khác được thực hiện vào hai thập niên cuối thế kỉ 20 nhấn mạnh rằng phụ nữ và đàn ông về mặt căn bản rất giống nhau trên phương diện tính cách, nhận thức và khả năng lãnh đạo. Nhà tâm lý học Janet Shibley Hyde, tiến sĩ của trường đại học Wisconsin ở Madison, khám phá ra đàn ông và phụ nữ từ thời thơ ấu cho đến lúc trưởng thành thường giống nhau hơn khác nhau ở hầu hết các mặt thay đổi tâm lý, tạo thành cái mà bà gọi là “thuyết về những sự giống nhau trong giới tính”. Sử dụng kỹ thuật nghiên cứu phân tích tổng hợp đã cách mạng hóa nghiên cứu về sự khác biệt giới tính bắt đầu vào những năm 1980, bà phân tích cách mà những nghiên cứu trước đó đánh giá mức ảnh hưởng của giới tính về những đặc điểm và khả năng tâm lý bao gồm khả năng nhận thức, giao tiếp ngôn ngữ và không ngôn ngữ, tính công kích, khả năng lãnh đạo, sự tự tôn, lập luận đạo đức và vận động.

Hyde quan sát thấy qua hàng tá nghiên cứu, kiên định với thuyết về những sự giống nhau trong giới tính, sự khác biệt về giới tính có rất ít hoặc không có ảnh hưởng gì đến những biến thiên tâm lý nêu trên. Chỉ có một số sự khác biệt chủ yếu là: so với phụ nữ, đàn ông có thể ném vật xa hơn, có xu hướng công kích vật lý hơn, thủ dâm nhiều hơn, và có thái độ tích cực về t.ình d.ục trong những mối quan hệ không cam kết hơn.

Hơn nữa, Hyde tìm ra sự khác biệt về giới tính dường như phụ thuộc vào phạm vi mà họ được kiểm tra. Trong những nghiên cứu loại trừ những tiêu chuẩn về giới tính, những nhà nghiên cứu đã chứng minh thấy vai trò giới tính (gender roles) và ngữ cảnh xã hội có ảnh hưởng rất mạnh mẽ tới hành vi của một người. Ví dụ, sau khi người tham gia thí nghiệm được bảo là họ không được nhận dạng là đàn ông hay phụ nữ, cũng không thể mặc những đồ nhận dạng, không cần phải theo lề thói, khuôn mẫu hành xử về giới tính của họ khi ở trong tình huống có thể chủ động. Thực tế chứng minh, họ làm ngược lại với những gì được mong chờ – đàn bà thường chủ động nhiều hơn, và đàn ông thì bị động nhiều hơn.

Cuối cùng, bản báo cáo vào năm 2005 của Hyde nhìn sâu vào quá trình phát triển của sự khác biệt có thể có của giới tính – làm sao những khoảng cách biệt mở rộng hoặc thu hẹp theo thời gian. Bản phân tích trình bày những bằng chứng cho thấy sự khác biệt giới tính biến đổi theo độ tuổi, dần dần trở nên nhỏ hơn hoặc lớn hơn vào những khoảng thời gian khác nhau xuyên suốt cuộc đời. Sự biến đổi này chứng minh rằng bất kỳ sự khác biệt nào cũng không phải là ổn định và bền vững.

Tìm hiểu những chuyện hoang đường về sự khác biệt giới tính

Truyền thông miêu tả đàn ông và phụ nữ cơ bản là “khác nhau” góp phần tạo nên quan niệm sai lầm này mặc dù thiếu bằng chứng chứng minh. Điều này tạo nên những “truyền thuyết” về sự khác biệt giới tính có thể ảnh hưởng tới phụ nữ và đàn ông ở nhà, ở cơ quan, những người làm cha làm mẹ, hay làm vợ làm chồng. Ví dụ như, những nghiên cứu tại cơ quan làm việc cho thấy phụ nữ phản đối những định kiến xã hội về phụ nữ như dịu dàng, chăm sóc, nuôi dưỡng thường gặp khó khăn khi được nhận làm việc hay được đánh giá. Và trong những mối quan hệ cá nhân, ngay cả những cuốn sách, tạp chí bán chạy nhất, thường bảo rằng phụ nữ và đàn ông thường không hợp nhau vì cách họ nói chuyện quá khác biệt. Hyde cho rằng, thay vào đó, phụ nữ và đàn ông dừng cuộc nói chuyện sớm bởi vì họ được dạy để tin rằng họ không thể nào thay đổi những đặc điểm giới tính “bẩm sinh” được.

Hyde quan sát rằng trẻ em cũng chịu những hệ quả về những lời phóng đại về sự khác biệt giới tính ví dụ như, mọi người thường hay tin rằng con trai giỏi hơn con gái trong môn toán. Tuy nhiên dựa vào bản phân tích tổng hợp của bà thì con trai và con gái đều học tốt môn toán ở trường trng học, thời điểm mà con trai có những lợi thế nhỏ. Điều này không phản ánh về sự khác biệt về sinh lý nhiều bằng sự mong muốn của xã hội.

Như một hệ quả về những định kiến suy nghĩ này, những bé gái có tài trong môn toán ở trường tiểu học thường bị lờ đi bởi cha mẹ, những người có ít hy vọng về thành công của con gái mình trong môn toán. Hyde dẫn chứng từ những nghiên cứu trước đó cho thấy sự mong chờ của ba mẹ về thành công của con cái trong toán học có liên quan rất lớn tới sự tự tin và biểu hiện của trẻ.

Vượt qua những “truyền thuyết”

Hyde và những đồng nghiệp của bà hy vọng rằng mọi người sẽ dùng những bằng chứng thích hợp và chắc chắn rằng đàn ông và phụ nữ về cơ bản là giống nhau để làm nhẹ bớt những sự hiểu lầm và thay đổi phương thức đối xử không công bằng. Hyde không một mình trong việc quan sát và xóa nhòa sự xuyên tạc bóp méo về khác biệt giới tính, mặc cho việc thiếu bằng chứng ủng hộ, gây hại cho phụ nữ và đàn ông ở bất kỳ độ tuổi nào. Vào tháng 9 năm 2005, khi trình bày nghiên cứu của bà, Hyde đã nói, “Những lời phát biểu về sự khác biệt giới tính có thể gây hại tới những cơ hội cho phụ nữ trong môi trường làm việc, ngăn cản những cặp đôi trong việc cố gắng giải quyết những mâu thuẫn, và vấn đề trong giao tiếp và tạo nên những trắc trở không cần thiết có thể gây hại tới sự tự tôn của trẻ em và thiếu niên.

Nhà tâm lý học Diane, tiến sĩ, giáo sư tại trường Claremont College, từng đảm nhiệm chức chủ tịch hiệp hội tâm lý học Mỹ (APA), chỉ ra, cho dù những xu hướng khác biệt về nhận thức giữa đàn ông và phụ nữ có thật đi chăng nữa thì “sự khác biệt không phải là khiếm khuyết.” Bà tiếp tục, “Dù cho những sự khác biệt này được tìm thấy, chúng ta cũng không thể kết luận rằng nó sẽ không biến đổi được vì sự tác động giữa sinh lý và môi trường luôn tiếp diễn và nó có thể thay đổi kích thước, hướng đi của những ảnh hưởng sau này.

Những sự khác biệt về giới tính có các bằng chứng ủng hộ gây ra những sự lo lắng, bà tin như vậy, bởi vì nó đôi lúc có thể sự dụng để ủng hộ những suy nghĩ định kiến và phân biệt đối xử đối với các bé gái và phụ nữ. Bà đề xuất rằng bất kỳ ai khi đọc những tài liệu về sự khác biệt giới tính nên tìm hiểu xem mức độ khác biệt ấy có lớn đủ để có ý nghĩa hay không, nhận biết rằng những thay đổi về tương tác sinh lý và môi trường có thể tạo ra những ảnh hưởng khác biệt, và nên nhớ rằng những kết luận mà chúng ta đồng ý ngày hôm nay có thể thay đổi trong tương lai.

Sự so sánh khập khiễng

Có một quan điểm tương đối phổ biến trong xã hội hiện tại rằng, nhiều nghề và các vị trí quan trọng hoặc những người thành đạt đều là đàn ông, rất hiếm trong số đó là phụ nữ. Từ đó một số người kết luận “xanh rờn” rằng phụ nữ kém hơn hẳn đàn ông và không có năng lực bằng đàn ông cho dù có cố gắng thế nào, nếu có thành công thì cũng chỉ là may mắn. Luận điểm này rất yếu và không có cơ sở vì ngay từ đầu đàn ông và phụ nữ đã không có chung một xuất phát điểm, họ không có cùng một môi trường nuôi dạy hay nói cách khác: Phụ nữ không có nhiều cơ hội học tập và bị cản trở bởi định kiến nhiều hơn. Vả lại, sự tương quan không đồng nghĩa với quan hệ nguyên nhân – kết quả (Correlation does not mean causation). Một số tài liệu cho rằng thời phong kiến phụ nữ nếu bị phát hiện cải trang đi học có thể bị khép vào tội chết. Sự tự do trong các quyền học tập, làm việc mới phổ biến vài chục năm trở lại đây và chủ yếu là ở các nước phát triển. Còn ở các nước khác, đặc biệt là châu Á – thì việc phụ nữ bị trả lương thấp hơn, bị hạn chế khi học cao hơn hoặc bị phân biệt đối xử vẫn còn khá phổ biến. Điều này tương tự với việc một số người phát biểu về người da đen rằng người da đen không có khả năng theo đuổi các ngành học thuật, mà chủ yếu chỉ làm được việc chân tay. Phát ngôn này cũng rất sai lầm vì người da đen vẫn bị phân biệt đối xử và họ phải trải qua những năm dài đau đớn làm nô lệ từ thời xa xưa.

Khi chúng ta nhận định điều gì, trước hết hãy nhìn vào hoàn cảnh phát triển của họ để đánh giá. Cũng giống như việc chúng ta so sánh hai đứa trẻ, một đứa được sinh ra có đầy đủ điều kiện nhưng về sau vẫn chỉ thành đạt ngang bằng với đứa trẻ sinh ra ở vùng quê nghèo khó, không được ăn uống hay học hành đầy đủ – là có khả năng như nhau được. Quay lại về vấn đề giới, do có quá nhiều định kiến cho đến tận bây giờ vẫn đang thịnh hành như đã nói ở trên mà phụ nữ cũng tự giới hạn mình trong công việc, sự nghiệp hay học hành. Chứ thật ra, hầu như không có sự khác biệt nào trong tư duy cả. Để phá bỏ những rào cản về giới, điều quan trọng là xã hội nên điều chỉnh nhận thức rằng phụ nữ và đàn ông khác biệt hay có những “nghề” chỉ dành cho phụ nữ hay đàn ông. Vì suy cho cùng về mặt bản chất, công việc hay nghề không có đặc thù giới tính. Năng lực cũng vậy.

_______

Dịch và viết: Hải Đường Tĩnh Nguyệt, Khánh Linh

Tham khảo: APA (American Psychology Association) – Men and Women: No Big Differencehttps://www.apa.org/research/action/difference.aspx

Personality Psychology: Domain of Knowledge About Human Nature. Randy Larsen and Davis Buss. 5th Edition

------
Nguồn: https://beautifulmindvn.com/2015/11/03/da...iet-gi-ca/
 
×
Quay lại
Top