Yêu là phải quen ??

gracefulkitten

Vừa già vừa lười !!!!
Thành viên thân thiết
Tham gia
30/5/2010
Bài viết
2.305
0_4858742_30365_1_170x150.jpg
Khi cả hai có tình cảm với nhau, có nhất thiết phải quen nhau để rồi phát sinh những sự ràng buộc và mâu thuẫn không đáng có, cuối cùng chia tay trong đau khổ?
Những người đang yêu có bao giờ tự hỏi: “Khi cả hai cùng có tình cảm với nhau, có nhất thiết phải công khai mối quan hệ này và tạo một sự liên hệ nhất định?”
B.Như (lớp 11 trường N) bày tỏ: “Có tình cảm với nhau mà không quen thì chỉ là tình cảm…con nít! Đó là chưa kể, bản chất của tình yêu là sự ích kỷ, ai cũng muốn người mình yêu chỉ thuộc về mình, không quen nhau sao được”, trong khi Dưa Leo (lớp 12 trường V) đặt vấn đề: “Nhưng nếu quen nhau, dần dà chán nhau, tình cảm không còn như lúc xưa thì sao? Mỗi trường hợp đều có hai mặt cả”.
Người viết bắt đầu tìm hiểu chi tiết hơn để phân tích cả hai trường hợp này.
Họ đang “quen” như thế nào?
Chuyện yêu đương của giới trẻ hiện nay, so với các thế hệ trước, đã thuận lợi hơn rất nhiều. Ba mẹ không quá khắt khe, xã hội phát triển, suy nghĩ của teen hiện nay cũng đa dạng và sâu sắc hơn… Mặt khác, do ảnh hưởng của truyện tranh, phim ảnh, mạng internet…nên họ biết rung động sớm cũng không có gì lạ.
Trong một lớp học tại trường cấp 3, có khoảng 4 - 5 cặp đôi đang quen nhau là chuyện thường tình. Vậy “quen nhau” có gì khác với “yêu nhau”?
Khi cả hai quen nhau (trên phương diện tình yêu), điều đó chứng tỏ họ phải có tình cảm với nhau và muốn tìm hiểu thêm những tính cách, đặc điểm tâm hồn của đối phương, hay đơn giản quen nhau chỉ để được quan tâm, chăm sóc, chia sẻ mọi niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống. Và tất nhiên, khi đã thành một cặp đôi thì không được có tình cảm với những bạn khác giới nữa. Đó là những quy tắc tối thiểu.
Nhưng trên thực tế, phần lớn các cặp đôi teen không quen nhau đơn điệu như vậy, mà họ tạo một sự ràng buộc rất lớn, rất dễ chán nếu suy nghĩ thiếu chín chắn. Vì còn là học sinh, họ có nhiều thời gian bên cạnh nhau hơn, nhiều điều kiện thuận lợi để đi chơi cùng nhau hơn và có nhiều chủ đề để cùng bàn luận hơn… Có những cặp đôi quen nhau mà dính chặt hơn cả…vợ chồng: trong lớp học ngồi chung suốt 5 tiết, đi học trái buổi cũng đi cùng nhau, đi học thêm cũng ngồi chung, giờ ra chơi cũng chỉ nói chuyện với nhau, tối về lên mạng còn chat, trước khi đi ngủ thì nhắn vài tin… Có thể nói, họ như “thần hộ mệnh” của nhau, bên nhau không rời.
Giới trẻ, khi bắt đầu một điều gì đó thường rất hào hứng và nhiệt tình, nhưng về sau cũng sẽ chán nản. Ở khía cạnh tình cảm cũng vậy, còn trẻ, suy nghĩ chưa chín chắn, họ rất dễ thấy nhàm nếu như lúc nào cũng tạo sự ràng buộc khắt khe. P.Lan (lớp 10 trường N) bày tỏ: “Còn quá trẻ để có thể nghĩ đến việc cùng nhau đi đến cuối con đường. Mình thích điều gì đó tinh tế, lãng mạn, ở một mức độ vừa phải. Chứ nếu bên cạnh nhau suốt, mình nói thật, dù yêu cuồng nhiệt thế nào cũng muốn được giải thoát… Cuộc sống còn nhiều việc phải làm hơn là yêu!”
Khi chia tay rồi, teen thường “cường điệu hóa” mọi thứ và ngập chìm trong những kỉ niệm của quá khứ. “Điều gì mất đi rồi mới thấy thật sự giá trị” - chính vì vậy mà quen nhau thì rất chán, nhưng chia tay để giải thoát thì không đành lòng, thế rồi dằn vặt, đau khổ, tự bi kịch hóa vấn đề…
Yêu nhưng không “cặp kè”
Ai cũng biết rằng G.B (lớp 11 trường M) và H.K (học chung) có tình cảm với nhau. Nhưng họ thường chỉ nói chuyện vài câu chóng vánh vào lúc ra chơi, thi thoảng chọc ghẹo đùa giỡn, rồi ra về có khi G.B đi chơi game với cậu bạn thân còn H.K đi uống trà sữa với “hội bà tám”. Vài người trong lớp nói: “Hay thật, không sợ mất nhau à? Chẳng có sự ràng buộc nào, chẳng có mối liên hệ nào…”, nhưng số khác lại bảo: “Thế mới không chán nhau. Thấy vài cặp trong lớp suốt ngày bên cạnh nhau, nhìn phát bực!”
“Tụi mình có tình cảm nhưng không quen nhau, vì quen nhau thì có thể chia tay, mà bọn mình không thích đề cập đến hai từ nặng nề đó. Nếu không quen nhau thì sẽ không chia tay, do vậy bọn mình cứ “nửa vời” thế này có khi lại thú vị bạn ạ” - G.B cho biết.
Khá nhiều cặp đôi cũng bảo rằng: “Bọn mình chỉ cần xác định rằng có tình cảm với nhau, đặt niềm tin nơi nhau và mong chờ về một tương lai tươi sáng là đủ. Đó mới chính là tình yêu tuổi học trò dễ thương. Đôi khi đốt cháy giai đoạn cũng không tốt, ở tuổi này không nên quá u sầu về tình cảm, không nên để nước mắt vào chuyện tình cảm…” - H.K bày tỏ.
Khi nào nên “quen nhau”?
Tình cảm tuổi học trò thường là những xao động nhẹ nhàng. Tuy nhiên, đôi khi đó cũng là một tình yêu nghiêm túc và chân thành, cần được nuôi dưỡng, duy trì…
Không phải cặp đôi nào cũng có suy nghĩ tích cực như G.B và H.K, và cũng không phải ai cũng đủ chững chạc để “quen” khi biết yêu. Vì vậy, những tiêu chí để “quen” khó mà xác định, điều đó còn tùy thuộc vào mong muốn và mục đích tình cảm từ cả hai. Nếu họ tin rằng tình cảm của họ là sâu sắc, chung thủy, bền vững và có thể đối đầu trước mọi sóng gió, thì nên đặt niềm tin cho nhau và xác định một sự liên hệ nhất định, như “công khai” với bạn bè chẳng hạn. Và trong quá trình vun đắp tình cảm, còn vô số mâu thuẫn và thử thách nảy sinh mà không hề lường trước được.
Tình yêu là muôn màu, “quen” hay “không quen” đều có điểm thú vị của nó. Do vậy, cần xác định nghiêm túc tình cảm của mình và phải dự đoán trước những tình huống có thể xảy ra để ứng xử phù hợp. Đôi khi không cần quen nhau mà tình cảm vẫn lâu bền, vấn đề là lòng tin lớn bao nhiêu và tình yêu mãnh liệt đến mức nào. Trong tình yêu teen, khó mà nói trước được tương lai bởi họ còn chưa chín chắn, dễ thay đổi và dễ bị tác động. Do đó, đôi khi không nên tự tạo một “tình yêu tù ngục” bằng cách bên cạnh nhau suốt, điều đó chỉ góp phần làm cảm xúc hao hụt, chai lì dần dần…
Vậy khi yêu có nên quen không? Và lúc nào nên quen? Mỗi bạn hãy tự tìm ra câu trả lời thỏa đáng nhất cho mình.
Twinkle®
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top