“Xin lỗi” và “Cảm ơn” - bài học từ người Mỹ

ly quoc

I'm fine!
Thành viên thân thiết
Tham gia
18/4/2013
Bài viết
12.616
"Xin lỗi" là câu cửa miệng của người Mỹ, dù thực sự họ có lỗi hay không. Mà lời "Cảm ơn" đối với người Mỹ cũng phức tạp không kém.


Sau vài hôm lấy ngày làm đêm vì lệch múi giờ tới 13 tiếng, việc đầu tiên của tôi trong nhiệm kỳ công tác ở Mỹ là ra đường "giải ngố", xem nước Mỹ mặt mũi ra sao. Đang mải ngó phố xá, tôi vô tình va vào người bên cạnh, làm ông ta suýt đổ cốc cà phê đang cầm trên tay. Chưa kịp định thần thì nạn nhân đã rối rít

"Ôi, tôi xin lỗi! Anh có làm sao không?"

Tôi ngớ người. Tôi va vào ông mà ông lại xin lỗi tôi là sao? Ừ thì cái này lạ, nhưng vẫn cứ thấy có gì đó nữa không quen tai lắm. Nghĩ mãi mới ra là câu "Xin lỗi", cái này càng lạ lẫm bên ta, mà nhân chứng vật chứng là việc Cảng Hàng không Nội Bài năm ngoái đã phải phát động phong trào "4 xin": Xin chào - Xin lỗi - Xin cảm ơn - Xin phép.

Một thời gian sau, quen rồi mới hiểu, "Xin lỗi" là câu cửa miệng của người Mỹ, dù thực sự họ có lỗi hay không. Tận mắt chứng kiến thêm một vụ việc, mới thấy lời xin lỗi, dù có vẻ đơn giản, nhưng lại tác dụng lắm. Đang đi trên đường, một chiếc ô tô, không hiểu thế nào mà bị xe sau húc lên, tan cả ba-đờ-sốc. Quả này mà ở quê mình thì dễ đánh nhau to, hay chí ít thì bố mẹ, ông bà, cụ kỵ cũng được xướng danh nở mặt nở mày.




Lời xin lỗi, ai cũng có thể nói được nhưng để xin lỗi một cách đúng nghĩa thì e là không đơn giản. (Ảnh minh họa).

Thế nhưng chuyện lại đơn giản chưa từng thấy. Sau khi đánh xe vào vệ đường, hai tài xế xuống bắt tay nhau, cùng nói xin lỗi, hỏi han tíu tít, rồi ai nấy rút điện thoại, một người gọi cảnh sát, người kia gọi bảo hiểm, cứ như mọi thứ đều được lập trình sẵn. Cách hành xử của họ khiến tôi nghĩ đến chuyện từng gặp ở Việt Nam.

Một lần đi xe máy trên phố Hàng Điếu, tôi cũng bị một anh xế hộp tông thẳng vào đằng sau, tí ngã. Tôi xuống xe, thấy ống xả bị móp một chút. Còn anh ta thì vẫn ngồi nguyên trên xe, điềm nhiên như không có chuyện gì xảy ra chứ đừng nói đến xin lỗi hay hỏi han sự tình. Có tí bực mình, tôi bảo:

"Anh đi kiểu gì thế?"

Chắc thấy mặt mình hèn hèn, anh ta lạnh tanh

"Đi kiểu đấy đấy thì làm sao?"

Đến nước này thì đúng là mình hèn thật, đành dựng xe đi tiếp, chả dám ho he câu nào nữa, chỉ nghĩ bụng

"Hôm nay mà gặp phải thằng không hèn thì mày đứt phừn phựt".

Lời xin lỗi, ai cũng có thể nói được nhưng để xin lỗi một cách đúng nghĩa thì e là không đơn giản. Tôi đã học được điều này từ một bà mẹ Mỹ. Hai đứa trẻ chừng 5 tuổi, con của hai gia đình khác nhau chơi trong công viên. Một đứa nghịch cầm hòn sỏi ném vào đầu đứa kia. Hòn sỏi không đủ lớn để gây chảy máu nhưng cũng đủ để đứa kia bươu đầu, khóc giãy lên. Bà mẹ của đứa ném, không nói không rằng, nắm tay con mình lôi ra một góc. Thằng bé không hiểu sao cũng khóc thét, mặt trắng bệch. Nghe hai mẹ con nói chuyện, mới biết bà mẹ đã bóp nghiến bàn tay ném đá của thằng bé. Chờ cho thằng bé nín, bà mẹ mới hỏi :

"Tay con có đau không?" - thằng bé mếu máo gật đầu.

"Con đau thế nào thì bạn bị ném đá cũng đau như thế. Bây giờ đã hiểu bạn đau thế nào rồi, vậy con ra xin lỗi bạn đi".

Nghĩ thấy mà đúng. Nếu cứ một mực bắt nó xin lỗi ngay từ đầu thì chưa chắc nó đã tâm phục khẩu phục. Có thấu hiểu hoàn cảnh người khác thì mới thực sự hối lỗi, lời xin lỗi mới chân thành được.

Chả cứ gì "Xin lỗi", mà lời "Cảm ơn" đối với người Mỹ cũng phức tạp không kém. Trong quầy bán đồ ăn ở một siêu thị, một bà mẹ đi cùng hai đứa con, đứa lớn khoảng 4 tuổi, đứa bé đang ẵm ngửa. Đứa lớn muốn uống nước còn bà mẹ đang mải lo đứa nhỏ nên không chú ý. Thằng bé cầm cốc đến bình nước nhưng cao quá không với tới. Tôi giúp thằng bé lấy nước, lúc này bà mẹ cũng vừa nhìn thấy và lập tức nhắc

"Con phải nói gì?"

"Cảm ơn chú!" - Thằng bé vội vàng nói

Tôi đang định khen một câu thì bà mẹ đanh giọng

"Chưa được"

Thằng bé luống cuống cảm ơn một lần nữa, bà mẹ vẫn lắc đầu. Thằng bé ngơ ngác, không hiểu chuyện gì. Bà mẹ mới nói

"Hãy nhìn vào mắt chú ấy!"

Ra thế, cảm ơn không phải là để cho có, mà cũng phải đúng cách, đúng nghĩa.

"Xin lỗi", "Cảm ơn" là sự thể hiện tối thiểu của một con người văn hoá, một xã hội văn minh. Mà muốn xây dựng một xã hội văn minh thì không thể dựa vào vài câu khẩu hiệu suông. Chừng nào mà xin lỗi hay cảm ơn vẫn còn là của hiếm trong ứng xử hàng ngày thì vế cuối cùng của mục tiêu xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh vẫn còn xa vời lắm.

Nhật Quỳnh
Theo VOV-Washington
 
Bài viết thật hay và có ý nghĩa.
 
×
Quay lại
Top