WHO xác nhận nghiện game là bệnh lý thần kinh, nghiện selfie được chứng minh là hội chứng tâm thần

Newsun

Believe in Good
Thành viên thân thiết
Tham gia
20/4/2008
Bài viết
9.433
Nghiện game sẽ được Tổ chức sức khỏe thế giới (WHO) công nhận là một dạng bệnh lý tâm thần vào năm tới. Trong khi đó nghiện chụp hình tự sướng cũng vừa được các nhà tâm lý học chứng minh là một dạng hành vi tâm thần bất thường, có thể gọi là hội chứng nghiện selfie quá mức hay selfitis.

Trước tiên với chứng nghiện game, Tổ chức sức khỏe thế giới sẽ công bố Bảng phân loại quốc tế về các loại bệnh (International Classification of Diseases - ICD) mới vào năm 2018, cập nhật cho bảng sửa đổi cuối cùng (ICD-10) được thông qua cách đây 18 năm. Trong bản thảo ICD-11, WHO đã đưa chứng nghiện game vào danh mục Các rối loạn tâm thần, hành vi hoặc rối loạn phát triển tâm thần/rối loạn kiểm soát xung động. Lưu ý rằng đây là bản thảo và sẽ có điều chỉnh khi công bố chính thức.

4205628_Game_nghien.jpg

Theo mô tả của WHO thì rối loạn tâm thần do nghiện game là một dạng hành vi chơi game liên tục hoặc lặp đi lặp lại, game có thể online hoặc offline, được thể hiện dưới dạng: 1. Giảm khả năng kiểm soát hành vi do chơi game (dựa trên các yếu tố như tần suất, cường độ, thời lượng, bắt đầu và kết thúc, ngữ cảnh khi chơi game); 2. Tăng mức độ ưu tiên cho hoạt động chơi game trong phạm vi mà chơi game ngày càng lấn át các hoạt động thường nhật và các mối quan tâm khác trong cuộc sống; 3. Tiếp tục chơi game và ngày một nhiều hơn bất chấp hậu quả tiêu cực. Những hành vi này có mức độ nghiêm trọng đủ để làm suy yếu các khía cạnh như cá nhân, gia đình, xã hội, giáo dục, nghề nghiệp hay các khía cạnh quan trọng khác. Các hành vi tâm thần do nghiện game có thể xuất hiện liên tục hoặc nhiều lần và lặp lại. Do đó, nhằm xác định rối loạn tâm thần do nghiện game cũng như các hành vi liên quan thì cần phải theo dõi trong khoảng thời gian ít nhất là 12 tháng để thực hiện các chẩn đoán. Mặc dù vậy, thời gian này có thể được rút ngắn nếu tất cả các yêu cầu chẩn đoán đều được đáp ứng hoặc bệnh nhân có các triệu chứng nghiêm trọng.

Rõ ràng là game có thể gây nghiện nhưng không chỉ game game mà nhiều chứng nghiện liên quan đến công nghệ khác như nghiện Internet hay nghiện điện thoại vì lý do nào đó chưa được WHO đề cập trong bảng phân loại này.

Nói đến nghiện điện thoại thì các nhà tâm lý học tại đại học Nottingham Trent và Thiagarajar đã thực hiện một nghiên cứu khẳng định rằng chứng nghiện chụp tự sướng, được gọi là selfitis thực sự là một dạng rối loạn tâm thần.

Theo họ, các cá nhân mắc chứng selfitis sử dụng chức năng selfie để cố gắng tăng sự tự tin hoặc cải thiện tâm trạng cùng với các động cơ khác chẳng hạn như để cạnh tranh hay hòa hợp bản thân trong xã hội. Các nhà nghiên cứu nói rằng việc chụp selfie có thể là một hành vi gây nghiện và cũng gây ra những vấn đề về sức khỏe tâm thần tiềm ẩn, chẳng hạn như thiếu tự tin bản thân.

4205697_Selfie_benh.jpg

Họ đã thực hiện một nghiên cứu trên 200 người đến từ quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất do selfie là Ấn Độ. Trong nhóm người này, sự ám ảnh phải chụp selfie tương quan với 6 hành vi khác, trong đó có 2 hành vi đáng chú ý là tìm kiếm sự chú ý và nhẹ nhàng hơn là lưu nhớ khoảnh khắc. Nhóm nghiên cứu cũng xác định được trong nhóm 200 người, 34% mắc chứng selfitis nhẹ, 40,5% cấp tính và 25,5% mãn tính. Chứng ám ảnh selfie có xu hướng ảnh hưởng đến nam giới nhiều hơn với 57,5% so với 42,5% của nữ giới và không quá ngạc nhiên khi nhóm tuổi từ 16 đến 20, độ tuổi trẻ nhất trong nhóm nghiên cứu là những người dễ bị tổn thương nhất. 9% trong số đó chụp nhiều hơn 8 tấm hình tự sướng mỗi ngày trong khi 25% đã chia sẻ ít nhất là 3 hình selfie lên mạng xã hội mỗi ngày.

Tiến sĩ Janarthanan Balakrishnan cho biết thông thường người mắc selfitis bắt nguồn từ sự thiếu tự tin vào bản thân và cố gắng tìm cách hòa hợp với những người xung quanh. Họ cũng có thể có các triệu chứng tương tự như nhiều hành vi nghiện khác. Ông nhấn mạnh rằng chứng nghiện selfie đã được xác nhận và hy vọng sẽ có thêm nhiều nghiên cứu để hiểu rõ hơn về cách thức và lý do tại sao con người lại phát triển những hành vi ám ảnh tiềm năng như vậy, từ đó tìm kiếm liệu pháp điều trị.

Theo: Wccftech & DigitalTrend
Nguồn Tinhte​
 
×
Quay lại
Top