Viết cho những bé hay suy nghĩ

Pagodasto

Thành viên cấp 2
Thành viên thân thiết
Tham gia
11/6/2013
Bài viết
12.016
1016568_746822938698703_9145821637357550889_n.jpg


Tôi cũng là một người hay suy nghĩ, và tôi biết cái cảm giác đó như thế nào. Một hôm tôi xem phim Ngôi Nhà Nhỏ Trên Thảo Nguyên, bà mẹ đã nói với đứa con gái hay suy nghĩ thế này: "Đó là vấn đề của những người biết suy nghĩ". Vấn đề của họ, là mỗi ngày phải đấu tranh với những ý nghĩ, đôi khi không chịu tha thứ cho mình, đôi khi không dám làm một điều gì cả. Dường như, những người hay suy nghĩ là một sản phẩm bị lỗi của thượng đế vậy.

Ngày từng ngày, những người hay suy nghĩ thì vẫn cứ suy nghĩ, về đủ thứ chuyện trên đời. Về ý nghĩa cuộc sống, về cuộc sống màu hồng, về cuộc sống màu đen thui, về tình yêu, về chữ hiếu, về lý tưởng, về ước mơ, về thực tế... Nhưng đáng lẽ thượng đế phải thưởng cho họ những món quà vì chịu khó suy nghĩ thì sự thật lại không phải vậy. Tất cả những gì họ nhận được chẳng có gì hơn là tiếp tục "tự mâu thuẫn" với chính mình.

Có một mẫu số chung giữa những người hay suy nghĩ, đó là họ rất cầu toàn. Người ít cầu toàn thường chấp nhận cuộc sống như nó vốn là, nhưng người hay suy nghĩ thì không như thế. Họ phân tích, từ tích cực sang tiêu cực, từ đúng cho tới sai, từ thiện cho tới ác, từ lý trí cho đến tình yêu... họ như lúc nào cũng muốn tìm ra một sự thấu hiểu mang tính dứt điểm và một lựa chọn mang tính khả quan nhất. Nhưng điểm yếu mà họ ít chịu thừa nhận, là suy nghĩ và lựa chọn của họ luôn luôn có điểm yếu.

Nỗi buồn của những người thường xuyên suy nghĩ đa số là tăng chứ hiếm khi nào giảm. Một ít trong số họ bị nhiễm chứng thường gặp gọi là: Nghiêm Trọng Hóa. Họ thường phân tích quá sâu về một việc, thường thì họ phân tích chuyện buồn chứ ít khi phân tích chuyện vui. Vì hay phân tích về nỗi buồn như vậy, nên họ ngày càng bị cô lập với cuộc sống từ khi họ nhận ra mọi thứ không đẹp như họ tưởng. Dẫu biết rằng, những gì họ phân tích sâu sắc như thế phần nhiều thường đúng, nhưng chẳng giúp ích được cho chính tâm hồn họ.

Món quà nhỏ duy nhất mà họ tự tạo cho mình, là khả năng cảm nhận cảm xúc ở bậc cao. Họ thường hiểu những gì không cần phải nói, và linh cảm được cả những điều ẩn sâu bên trong của vấn đề, hoặc về ai đó. Những người mà thích hợp làm nghệ thuật. Nhưng cái giá họ phải trả, là mang theo tâm trí của mình mỗi ngày, và tự dằn vặt lấy chính nó.

Có lẽ René Descartes đã đúng và có hàm ý khi nói rằng:

Tôi tư duy nên tôi tồn tại.
(I Think, therefore I am)

Những người hay suy nghĩ, dù gì cũng nên hiểu rằng, tư duy là quan trọng, suy nghĩ là quan trọng... thậm chí tìm ra được những điều xấu xa hàm chứa sâu mút chỉ trong tâm tư người khác cũng quan trọng, nhưng vẫn nên biết là bộ óc của họ cần được tôn trọng. Suy nghĩ quá nhiều chẳng những không tìm ra giải pháp mà còn thấy mọi thứ mâu thuẫn hơn. Suy nghĩ quá nhiều, thường làm cho người ta túng quẫn. Nếu thật sự may mắn, biết được sự thật của cuộc sống này nó đen thui hơn mình tưởng thì cũng đừng vội ăn mừng. Nói một cách hững hờ, tìm ra sự thật chưa chắc đã là tốt đẹp.

Trong mắt những kẻ hay suy nghĩ, cuộc đời có thể là đen thui và thối nát; nhân loại có thể là xấu xa, đê tiện, tham lam và nham hiểm. Nhưng đến một lúc, suy nghĩ đủ nhiều, hãy dám dũng cảm đứng lên, bỏ lại những muộn phiền mà ta biết là ta không bao giờ thay đổi được. Cùng lúc đó, thực hiện một cú vươn vai thật sảng khoái. Vì may mắn thay, ngày hôm nay trời còn nắng, và ta có thể đi dạo một vòng nơi mình ở, thăm một ai đó lâu chưa gặp, và phụ ba mẹ một điều gì đó mà khi họ còn ở đây, ta còn có thể làm được, thay vì nhốt mình trong phòng tối, và suy nghĩ, và vẩn vơ, và bỏ lại người thân thương của ta đấu tranh với cuộc đời...


Lục Phong
 
Nhưng đến một lúc, suy nghĩ đủ nhiều, hãy dám dũng cảm đứng lên, bỏ lại những muộn phiền mà ta biết là ta không bao giờ thay đổi được. Cùng lúc đó, thực hiện một cú vươn vai thật sảng khoái.
 
dám từ bỏ, và dám đứng lên mới dũng cảm.
 
×
Quay lại
Top