Văn hoá là gì? Thế nào là chiếm đoạt văn hoá?

Mèo Cọp

“This world is merciless.”
Thành viên thân thiết
Tham gia
25/11/2012
Bài viết
351
(kenhsinhvien.vn) Văn hoá bao gồm tôn giáo, ẩm thực, trang phục, cách ăn mặc, ngôn ngữ, tục cưới hỏi, âm nhạc. Có nhiều văn hoá khác nhau trên thế giới.

1646311246660.png

Văn hoá là đặc điểm và tri thức của một nhóm người cụ thể, bao gồm ngôn ngữ, tôn giáo, ẩm thực, thói quen xã hội, âm nhạc và nghệ thuật.

Trung tâm Nghiên cứu Tiến bộ về Tiếp nhận Ngôn Ngữ (Hoa Kỳ) còn tiến xa hơn một bước, định nghĩa văn hoá là những khuôn mẫu chung về hành vi và sự tiếp xúc, cấu trúc nhận thức và sự hiểu biết được học hỏi qua quá trình xã hội hoá. Do đó, văn hoá có thể được nhìn nhận là sự phát triển của một bản sắc nhóm được nuôi dưỡng bằng những khuôn mẫu xã hội đặc trưng của nhóm đó.

“Văn hoá bao gồm tôn giáo, ẩm thực, trang phục, cách ăn mặc, ngôn ngữ, tục cưới hỏi, âm nhạc, niềm tin phải trái, cách ta ngồi trên bàn ăn, cách ta chào hỏi khách khứa, cách ta cư xử với những người yêu thương và hàng triệu những thứ khác”, nhà nhân chủng học Cristina De Rossi tại Đại học Barnet and Southgate, London cho biết.

Nhiều quốc gia, như Pháp, Italy, Đức, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nga và Trung Quốc nổi tiếng nhờ có văn hoá, phong tục, truyền thống, âm nhạc, nghệ thuật và thực phẩm phong phú. Đó luôn là điểm thu hút khách du lịch.

Từ “culture” (văn hoá) có nguồn gốc từ tiếng Pháp, từ tiếng Pháp ấy lại xuất phát từ từ “colere” trong tiếng Latin, nghĩa là chăm sóc đất đai và phát triển, hay trồng trọt và nuôi dưỡng. “Nó có cùng từ nguyên với một số từ ngữ khác liên quan đến tích cực nuôi dưỡng sự phát triển”, De Rossi cho biết.


Văn hoá phương Tây

Sự sụp đổ của Đế chế La Mã đã giúp định hình nên nền văn hoá phương Tây. Ảnh: Chase Dekker Wild-Life Images/Getty Images.

Sự sụp đổ của Đế chế La Mã đã giúp định hình nên nền văn hoá phương Tây. Ảnh: Chase Dekker Wild-Life Images/Getty Images.

Cụm từ “văn hoá phương Tây” xuất hiện để định nghĩa nền văn hoá của những quốc gia châu Âu cũng như những quốc gia chịu sự ảnh hưởng sâu sắc bởi sự nhập cư của người châu Âu, ví dụ như Hoa Kỳ. Văn hoá phương Tây có gốc rễ từ thời kỳ Cổ điển của thời đại Hy-La (thế kỷ 5-4 TCN) và sự trỗi dậy của Thiên Chúa giáo vào thế kỷ 14. Các yếu tố khác của văn hoá phương tây gồm có các nhóm dân tộc và ngôn ngữ Latin, Celt, German và Hellen.

Rất nhiều sự kiện lịch sử đã giúp định hình nên nền văn hoá phương Tây trong 2500 năm qua. Sự sụp đổ của La Mã, thường được cho là xảy ra vào năm 476, đã dọn đường cho sự thành lập một loạt các nhà nước hiếu chiến ở châu Âu, mỗi nhà nước đều có nền văn hoá riêng. Cái Chết Đen(*) xảy ra những năm 1300 đã cắt giảm dân số châu Âu đến 1/3 cho đến ½, nhanh chóng tái thiết xã hội. Sử gia John L. Brooke của Đại học Bang Ohio viết rằng, sau dịch hạch, Thiên Chúa giáo trở nên mạnh mẽ hơn ở châu Âu, nhấn mạnh nhiều hơn vào các chủ đề thời mạt thế. Những người sống sót ở tầng lớp lao động có được nhiều quyền lực hơn, vì giới tinh hoa bị buộc phải chi trả nhiều hơn do khan hiếm lao động. Sự gián đoạn của các tuyến giao thương giữa phương Đông và phương Tây đã tạo tiền đề cho sự khám phá mới, và cuối cùng là sự xâm lược của người châu Âu vào Bắc Mỹ và Nam Mỹ.


(*) Cách gọi khác của bệnh dịch hạch thời ấy.

Ngày nay, tầm ảnh hưởng của văn hoá phương Tây được thể hiện ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Văn hoá phương Đông

Phật giáo là một đại bộ phận của một số nền văn hoá phương Đông. Trong ảnh là chùa Seigantoji ở thác Nachi, Nhật Bản. Ảnh: Getty/ Saha Entertainment.

Phật giáo là một đại bộ phận của một số nền văn hoá phương Đông. Trong ảnh là chùa Seigantoji ở thác Nachi, Nhật Bản. Ảnh: Getty/ Saha Entertainment.

Văn hoá phương Đông thường đề cập đến các chuẩn mực xã hội của những quốc gia ở Viễn Đông Á (gồm có Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Triều Tiên và Hàn Quốc) và tiểu lục địa Ấn Độ. Giống như phương Tây, văn hoá phương Đông chịu ảnh hưởng sâu sắc của tôn giáo thời kỳ đầu phát triển, nhưng nó cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền văn minh lúa nước. Nhìn chung ở văn hoá phương Đông, sự phân biệt giữa xã hội thế tục và triết lý tôn giáo không rõ rệt như ở phương Tây.

Tuy nhiên, chiếc ô này che phủ một phạm vi lớn những truyền thống và lịch sử. Ví dụ như Phật giáo bắt nguồn từ Ấn Độ, nhưng nó đã bị Hindu giáo lấn át rất nhiều từ sau thế kỷ 12.

Kết quả là Hindu giáo trở thành yếu tố chính của văn hoá Ấn Độ, trong khi Phật giáo tiếp tục tạo ảnh hưởng ở Trung Quốc và Nhật Bản. Những tư tưởng văn hoá tồn tại từ trước ở những khu vực này cũng ảnh hướng đến tôn giáo. Chẳng hạn như Phật giáo ở Trung Quốc vay mượn triết lý của Đạo giáo, vốn đề cao lòng từ bi, sự thanh đạm và đức tính khiêm nhường.

Nhiều thế kỷ tiếp xúc, cả lúc hoà bình và khi chiến tranh, trong khu vực này cũng khiến các nền văn hoá ảnh hưởng lẫn nhau. Ví dụ như Nhật Bản đã kiểm soát và chiếm đóng Triều Tiên dưới một số hình thức từ năm 1876-1945. Trong khoảng thời gian đó, nhiều người Triều Tiên bị đàn áp hoặc bị buộc phải từ bỏ tên mình để lấy họ Nhật Bản.


Văn hoá Latin

Trẻ em mặc trang phục truyền thống nhân dịp lễ Dia de los Muertos. Ảnh: Getty/Sollina Images.

Trẻ em mặc trang phục truyền thống nhân dịp lễ Dia de los Muertos. Ảnh: Getty/Sollina Images.

Khu vực địa lý của “văn hoá Latin” rất rộng. Châu Mỹ Latin thường được định nghĩa là một bộ phận của Trung Mỹ, Nam Mỹ và Mexico nơi tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là những ngôn ngữ thống trị. Đây đều là những nơi bị thuộc địa hoá hoặc chịu ảnh hưởng của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha từ những năm 1400. Người ta cho rằng các nhà địa lý Pháp đã dùng thuật ngữ “châu Mỹ Latin” để phân biệt giữa ngôn ngữ Anglo và Romance (có gốc Latin), dù một số sử gia, như Michael Gobat, phản đối điều đó.

Các nền văn hoá Latin vì vậy mà rất đa dạng, và nhiều nền văn hoá bản địa pha trộn với ngôn ngữ Tây Ban Nha và Công giáo La Mã do thực dân Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha mang đến. Nhiều nền văn hoá này cũng chịu ảnh hưởng bởi văn hoá châu Phi từ những người châu Phi nô lệ bị đưa đến châu Mỹ từ những năm 1600. Những sự ảnh hưởng ấy rất sâu sắc ở Brazil và các quốc gia vùng Caribe.

Văn hoá Latin tiếp tục phát triển và lan rộng. Một ví dụ điển hình là Día de los Muertos, hay Lễ hội người chết, một ngày lễ dành để tưởng nhớ người đã khuất được tổ chức ngày 1-2 tháng 11. Lễ hội người chết có từ trước khi Christopher Columbus đặt chân lên Bắc Mỹ, nhưng bị chuyển thành ngày tổ chức hiện tại do thực dân Tây Ban Nha đã gộp nó với Ngày Lễ Các Thánh của Công giáo La Mã.

Người Mexico nhập cư vào Hoa Kỳ đã mang theo ngày lễ này cùng họ. Vào những năm 1970, các hoạ sĩ và lễ lộc tập trung vào Día de los Muertos như một cách tôn vinh di sản Chicano (Mexico-Mỹ) của họ. Ngày lễ này hiện rất nổi tiếng ở Hoa Kỳ.


Văn hoá Trung Đông

Một gia đình Trung Đông đang ăn tối cùng nhau. Ảnh: Getty/Jasmin Merdan.

Một gia đình Trung Đông đang ăn tối cùng nhau. Ảnh: Getty/Jasmin Merdan.

Nói nôm na, vùng Trung Đông bao gồm bán đảo Ả rập và phía đông Địa Trung Hải. Các nước Bắc Phi như Libya, Ai Cập và Sudan cũng thỉnh thoảng được tính đến. Cụm từ “văn hoá Trung Đông” là một chiếc ô khác bao gồm các tập tục văn hoá, tín ngưỡng tôn giáo và thói quen sinh hoạt cực kỳ đa dạng. Khu vực này là nơi khai sinh ra Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo, là quê hương của hàng chục ngôn ngữ, từ tiếng Ả rập, Hebrew, Thổ Nhĩ Kỳ đến Pashto.

Dù tôn giáo ở Trung Đông rất đa dạng, nhưng tôn giáo từng áp đảo về số lượng là Hồi giáo, và Hồi giáo cũng đóng vai trò to lớn cho sự phát triển văn hoá trong khu vực. Hồi giáo bắt nguồn từ nơi ngày nay là Ả rập Xê út vào đầu thế kỷ 7. Thời điểm có ảnh hưởng đến văn hoá và sự phát triển của Trung Đông bắt đầu từ sau cái chết của người sáng lập tôn giáo Muhammad năm 632.

Một số người theo đạo cho rằng thủ lĩnh tiếp theo nên là một trong những bạn hữu và tri kỷ của Muhammad; những người khác thì tin quyền lãnh đạo phải được truyền qua huyết thống của Muhammad. Điều đó dẫn đến sự ly khai giữa tín đồ Hồi giáo dòng Shia, những người tin vào tầm quan trọng của huyết thống, và tín đồ Hồi giáo dòng Sunni, những người tin quyền lãnh đạo không nên truyền qua gia đình. Ngày nay, khoảng 85% tín đồ Hồi giáo thuộc dòng Sunni. Các nghi lễ và truyền thống của họ có thay đổi một chút, và sự chia rẽ giữa hai nhóm tôn giáo thường châm ngòi cho những xung đột.

Văn hoá Trung Đông cũng được định hình bởi đế chế Ottoman, vốn cai trị một vành đai hình chữ U xung quanh phía đông Địa Trung Hải từ thế kỷ 14 đến đầu thế kỷ 20. Những khu vực từng thuộc đế chế Ottoman nổi tiếng với lối kiến trúc khác biệt có được từ sự ảnh hưởng của Ba Tư và Hồi giáo.


Văn hoá châu Phi

Một bà mẹ người châu Phi thuộc tộc người Maasai đang ngồi với con mình bên cạnh ngôi nhà ở Kenya, châu Phi. Ảnh: hadynyah/Getty Images.

Một bà mẹ người châu Phi thuộc tộc người Maasai đang ngồi với con mình bên cạnh ngôi nhà ở Kenya, châu Phi. Ảnh: hadynyah/Getty Images.

Châu Phi có lịch sử con người cư ngụ dài nhất so với các châu lục khác: Loài người có nguồn gốc từ đó và bắt đầu di cư đến các khu vực khác của thế giới khoảng 400.000 năm trước. Tom White, nắm giữ chức giám tuyển cấp cao về động vật không xương sống phi côn trùng của bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London và nhóm của ông đã khám phá ra điều đó bằng cách nghiên cứu các hồ cổ ở châu Phi và động vật từng sống trong đó. Tính đến thời điểm của bài báo này, nghiên cứu ấy đã cung cấp những bằng chứng lâu đời nhất về loài người ở bán đảo Ả rập.

Văn hoá châu Phi thay đổi không chỉ giữa biên giới các quốc gia, mà còn ở nội biên. Một trong những đặc điểm chính của nền văn hoá này là số lượng lớn các nhóm dân tộc khắp 54 quốc gia trên châu lục. Ví dụ, tính riêng Nigeria đã có hơn 300 dân tộc. Châu Phi đã nhập khẩu và xuất khẩn văn hoá hàng thế kỷ; các thương cảng ở Đông Phi là một mắc xích quan trọng giữa phương Đông và phương Tây từ đầu thế kỷ 17. Điều đó dẫn đến sự hình thành những trung tâm đô thị phức tạp dọc bờ đông, thường được kết nối bằng sự vận chuyển nguyên liệu thô và hàng hoá từ các vùng nội địa của châu lục.

Ta không thể mô tả hết những đặc điểm đặc trưng của nền văn hoá châu Phi chỉ với vài dòng. Tây Bắc Phi có mối giao hảo thân thiết với vùng Trung Đông, trong khi vùng hạ Sahara có đặc trưng lịch sử, tự nhiên và xã hội rất khác với Bắc Phi.

Một số nền văn hoá truyền thống vùng hạ Sahara gồm có Masaai của Tanzania và Kenya, Zulu của Nam Phi và Batwa của Trung Phi. Truyền thống của các nền văn hoá này phát triển ở những môi trường rất khác nhau. Ví dụ như Batwa là một trong những nhóm dân tộc có truyền thống sống kiểu hái lượm trong rừng mưa. Ngược lại, người Masaai chăn nuôi cừu và dê trên bãi cỏ rộng lớn.


Chiếm đoạt văn hoá là gì?

Oxford Reference miêu tả chiếm đoạt văn hoá như sau: “Một thuật ngữ dùng để mô tả việc một nhóm văn hoá tiếp quản các cách thức, chủ đề hoặc tập tục mang tính sáng tạo hoặc nghệ thuật từ một nhóm văn hoá khác.”

Ví dụ như một người không phải là thổ dân Mỹ bản địa đội mũ lông vũ của người Mỹ bản địa như một phụ kiện thời trang. Chương trình Victoria's Secret từng bị chỉ trích dữ dội năm 2012 sau khi để người mẫu đội một chiếc mũ lông gợi nhớ đến mũ bê rê chiến tranh Lakota. Những chiếc mũ ấy mang đầy ý nghĩa biểu tượng, và việc đội một chiếc mũ như vậy là một đặc ân mà các tù trưởng hoặc chiến binh đạt được thông qua những hành động quả cảm. Người mẫu cũng đeo trang sức màu ngọc lam lấy cảm hứng từ các thiết kế của các bộ lạc Zuni, Navajo và Hopi ở hoang mạc Tây Nam, thể hiện sự chiếm đoạt văn hoá có thể gộp chung các bộ lạc với nhiều nền văn hoá và lịch sử khác nhau thành một hình ảnh khuôn mẫu thế nào.

Gần đây hơn, năm 2019, Gucci đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội tương tự khi bán một sản phẩm có tên “the indy full turban”, khiến cộng đồng người Sikh giận dữ.


Thay đổi không ngừng

Bất kể văn hoá trông ra sao, có một điều chắc chắn là: Văn hoá luôn thay đổi. “Văn hoá dường như đã trở thành chìa khoá trong thế giới gắn kết của chúng ta. Văn hoá được hình thành từ rất nhiều xã hội đa dạng về sắc tộc, nhưng cũng bị rạn nứt bởi những xung đột đi kèm với tôn giáo, dân tộc, tín ngưỡng và nhất là các yếu tố tạo nên văn hoá”, De Rossi cho biết. “Nhưng văn hoá không còn cố định nữa, nếu như trước đây nó từng như vậy. Bản chất của nó là một dòng chảy và luôn biến động”.

Điều đó khiến khó lòng định nghĩa bất kỳ nền văn hoá nào theo một cách duy nhất. Dù thay đổi là tất yếu, nhưng hầu hết mọi người đều thấy được giá trị của việc tôn trọng và gìn giữ quá khứ. Liên Hiệp Quốc đã tạo ra một nhóm gọi là Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên Hiệp Quốc (UNESCO) để xác định các di sản văn hoá và tự nhiên cũng như để bảo tồn và bảo vệ nó. Những tượng đài, toà nhà và địa điểm cũng được liệt kê trong danh sách bảo vệ của nhóm, theo Công ước về Bảo vệ Di sản Văn hoá và Tự nhiên Thế giới. Công ước này đã được UNESCO thông qua năm 1972.


Dịch bởi Kenhsinhvien.vn
(Theo Live Science)
 
×
Quay lại
Top