Vẫn còn cổ tích tình yêu

h1nn1

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
9/11/2009
Bài viết
68
TTO- Hai câu chuyện tình như một minh chứng: tình yêu đích thực luôn vượt qua mọi chông gai, thử thách để đến được bến bờ hạnh phúc.

z118074050.jpg


Đây là hai câu chuyện hoàn toàn có thật, người viết chứng kiến từ đầu và là khách mời đám cưới. Vì lý do tế nhị nên tên nhân vật xin được thay đổi.
Đôi tình nhân “lì lợm”
Thúy An bị ba bỏ rơi từ nhỏ. Hai mẹ con thuê nhà trọ, sống dựa vào chiếc xe bán nước mía và nghề làm nút áo thuê, may gia công cho các tiệm may trong xóm. Vậy mà Thúy An cũng “leo” lên được đại học. Tốt nghiệp khoa toán Đại học Sư phạm TP.HCM, An được phân về một trường THPT. Người nhỏ nhắn, khuôn mặt dịu hiền với nụ cười có chiếc răng khểnh duyên dáng, chẳng khó gì cho cô chinh phục tình cảm của anh Tấn Trung, giáo viên vật lý dạy cùng trường.
Chuyện sẽ chẳng có gì nếu Tấn Trung không là con một, bố đang sống ở nước ngoài, mẹ sở hữu một biệt thự khang trang tại quận 3. Gia đình Tấn Trung cương quyết cấm cản mối tình này. Một ngày năm 2005 Trung bệnh nặng, bác sĩ chẩn đoán anh có một khối u trong thận. Gia đình Trung ít người, Thúy An không nỡ bỏ mặc Tấn Trung. Hằng ngày, sau giờ giảng dạy mệt nhọc ở trường cô ra vào bệnh viện chăm sóc anh.
Chi phí ăn uống tại bệnh viện, An dè sẻn từ đồng lương căn bản của giáo viên. Nhiều lúc toa thuốc đến, mẹ Trung chưa vào kịp, cô không ngần ngại vay mượn bạn bè để mua cho Trung. Ngày ngày, sau một đêm tận tụy bên Trung, sáng ra cô vội vã đến trường để kịp giờ đứng lớp. Tối cô ngồi hành lang bệnh viện soạn bài cho tiết học ngày mai, chấm bài sau các kỳ kiểm tra.
Mổ lần đầu Trung bị nhiễm trùng. Thế là sau đó ba tháng Thúy An lại miệt mài bên Trung ở lần mổ thứ hai. Hết một học kỳ... Rồi xong một năm học... Tấn Trung mạnh khỏe, trở lại bục giảng. Trước đây học sinh thấy anh chở cô Thúy An. Lúc này, các em lại thấy cô giáo nhỏ bé của mình “đèo” ông thầy dạy lý to lớn phía sau.
Thời gian cứ thế trôi qua... Anh Tấn Trung nhất định không yêu, không lấy ai ngoài Thúy An. Anh tuyên bố như đinh đóng cột: “Làm sao tôi có thể quên được hình ảnh Thúy An bón cho tôi từng muỗng cháo, canh cho tôi từng buổi tối uống thuốc”. Còn Thúy An thẳng thắn: “Tôi chăm sóc anh không phải để mẹ anh động lòng thừa nhận tôi hay tạo cho anh áp lực mang ơn. Nếu anh nói lời chia tay và đi cưới vợ giàu theo lệnh ba mẹ, tôi sẵn sàng gạt nước mắt quên anh”.
Cuối cùng ba mẹ Tấn Trung cũng phải đồng ý, khi anh đã hết ngưỡng cửa “băm” mà ông bà chưa có đứa cháu nào... Đầu năm 2010 Tấn Trung - Thúy An nên duyên vợ chồng. Bạn bè, đồng nghiệp thở phào nhẹ nhõm trước hạnh phúc của đôi tình nhân “lì lợm” này.
“Cái đó mới đúng là tình yêu...”
Tuyết Mỵ lớn lên trong một gia đình không hạnh phúc tại quận Gò Vấp, TP.HCM. Ba nhậu nhẹt, mẹ buôn bán kiếm sống qua ngày, anh ruột buồn đời vướng vào heroin, cướp giật để rồi chết trong tù vì AIDS. Phải rất bản lĩnh Tuyết Mỵ mới vào được lớp chuyên toán Trường Nguyễn Thị Minh Khai. Mỵ gặp Phong, con nhà khá giả, học Trường Lê Hồng Phong, cũng lớp chuyên toán.
Tình yêu học trò thật đẹp. Biết hoàn cảnh của Mỵ, hằng ngày trước khi đến trường, từ nhà quận 3 Phong ghé Trường Minh Khai dúi cho Mỵ khi thì ổ bánh mì thịt, lúc gói xôi, lúc 5.000 đồng để Mỵ ăn sáng. Phong còn đóng các khoản photocopy bài vở cho Mỵ, thậm chí có lần đóng luôn học phí của Mỵ khi mẹ Mỵ không có tiền. Mọi người đều nói Mỵ lợi dụng Phong. Bạn Phong nói Phong “dại gái”.
Năm 2003, gia đình Tuyết Mỵ bất ngờ xuất cảnh sang Mỹ, cậu ruột Mỵ bảo lãnh với điều kiện sang bên đó Mỵ phải trả lại tiền. Đó cũng là năm Phong vào đại học. Mỵ sang Mỹ làm công nhân. Mỵ vừa trả tiền cho cậu, vừa dành dụm tiền để về Việt Nam thăm bạn bè. Với nghị lực và bản lĩnh của một cô gái con nhà nghèo nhưng là học sinh giỏi 12 năm liền, chẳng bao lâu Mỵ được nhập tịch, đậu bằng lái xe, mua xe và năm 2008 nhờ cuộc khủng hoảng kinh tế, Mỵ mua được căn nhà trả góp với giá hời. Đã đến lúc Mỵ nghĩ đến hạnh phúc của riêng mình. Cô mạnh dạn về Việt Nam đề nghị Phong...làm đám cưới.
Gia đình Mỵ mắng cô té tát: “Đẹp, giỏi như mày thiếu gì Việt kiều cao giá, dân Mỹ chính gốc theo, sao lại trở về Việt Nam lấy thằng chồng bèo như vậy?”. Vâng, Phong đã tốt nghiệp đại học, không kiếm được chỗ làm đúng nghề nên đành làm công nhân cho một công ty tại TP.HCM. Với đồng lương tổ trưởng, xem ra Phong chẳng là gì trước một Việt kiều có chân đứng vững vàng tại Mỹ như Mỵ. Tuy nhiên, Mỵ chân thành nói: “Phong đến với tôi khi tôi chưa có gì. Cái đó mới đúng là tình yêu”.
Đám cưới của Mỵ diễn ra tại TP.HCM, rước dâu và đón dâu tại nhà... chú rể và chỉ có gia đình chú rể. Đại diện bên cô dâu là... bạn bè. Mỵ chia sẻ: “Cưới nhau rồi ba mẹ Mỵ cũng sẽ chấp nhận thôi. Gạo nấu thành cơm chẳng lẽ ông bà cứ chống đối hoài. Hơn nữa, bọn mình đã có nhà riêng, ăn riêng, ở riêng, không đụng chạm gì...”.
Có người lo sợ Phong sẽ là gánh nặng của Mỵ khi sang Mỹ, Mỵ cười: “Anh ấy là công nhân ở Việt Nam được thì sang Mỹ dư sức...làm công nhân. Hơn nữa, suốt mấy năm cấp III Mỵ là gánh nặng của anh Phong đó... Có sao đâu!”.
Thế đấy, đầu năm 2010 tôi đã dự hai đám cưới khá đặc biệt như vậy. Đọc đến đây, chắc chắn có bạn bĩu môi: “Chuyện mơ! Làm gì có những mối tình như cổ tích thế kia”. Không đâu bạn ạ. Tình thực dụng khi ta thực dụng tình. Bạn hãy yêu người yêu mình bằng tình cảm thật sự đến từ trái tim, bằng sự hi sinh, bằng sự cho đi bất vụ lợi. Chắc chắn bạn sẽ trở thành nhân vật của chuyện cổ tích thời @ đấy.
 
Mọi điều đều có thế xảy ra trong tình yêu. Cám ơn bạn nha!!
 
Uh, ở đâu đó trên thế giới này vẫn còn những tình yêu chân thành, cảm động lòng người.
Nó là nguồn hi vọng cho mọi người
Mình cũng hi vọng điều đó sẽ đến với mình dù biết rằng điều đó là ko thể!
 
câu chuyện giống như truyện cổ tích giữa đời thường vậy. thanks bạn, câu chuyện bạn kể làm cho mình tin trên đời này còn có những mối tình chân thật giữa cái cuộc đời đầy thực dụng này.
 
Truyện rất hay và ý nghĩa. Mình cũng tin vào câu nói: yêu thật lòng thì dù cho gian lao trắc trở thì cuối cùng vẫn đến được với nhau thôi. Thanks!!!
 
tình yêu là vậy đó chuyện gì cũng có thể xảy ra. thanhks bạn nha
 
×
Quay lại
Top