Ước mơ du học từ miền núi xa xôi

minhanh4klv

Banned
Tham gia
14/2/2019
Bài viết
0
Sáu giờ sáng. Chị Lê Thị Năm (xã Đồng Sơn, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh) cẩn thận kiểm tra lại xe máy, mũ bảo hiểm, áo quần đi mưa, dụng cụ vá xăm, bơm hơi…, Đó là tất cả những vật dụng cần thiết cho hành trình dài hàng chục cây số. Rồi chị í ới gọi Đạt, cậu con trai mới học lớp 2. Đạt vội vàng cho nốt cuốn sách vào trong balo, nhanh chóng chạy ra xe.

Hôm nay là thứ Bảy, Đạt có lịch học thêm môn tiếng Anh ở dưới thành phố Hạ Long, cách xã miền núi Đồng Sơn nhà em tới 60 km. Đã hơn một năm nay, tuần nào cũng vậy, mỗi thứ bảy và chủ nhật, mẹ Năm trở thành “tay lái lụa” đưa Đạt vượt qua bao núi đồi, bao con suối, khe, đập, để đưa Đạt đến với thứ ngôn ngữ mới lạ ấy.

Đạt vẫn còn nhớ lần đầu tiên nghe thấy người ta nói tiếng Anh trên tivi. Ở khắp xã Đồng Sơn này, toàn người dân tộc Dao, Đạt chỉ nghe thấy hai thứ tiếng là tiếng Dao và tiếng Kinh. Nhưng trên tivi, rõ ràng là một thứ ngôn ngữ khác. “Mẹ, họ nói tiếng gì vậy mẹ?” Đạt ngạc nhiên hỏi mẹ Năm. Mẹ Năm là giáo viên, đương nhiên có câu trả lời cho Đạt: Tiếng Anh con ạ.

Từ khóa “tiếng Anh” ấy lập tức mở ra trong đầu Đạt cả một chân trời mới, ở Vương quốc Anh xa xôi, vượt ra khỏi núi rừng Đồng Sơn, khỏi Hoành Bồ, ra ngoài cả biên giới Việt Nam. Đạt nằn nì, Đạt khẩn khoản, Đạt cầu xin mẹ Năm cho Đạt đi học tiếng Anh.

Nhưng ở giữa huyện miền núi Hoành Bồ này, nơi người ta nói tiếng Kinh còn chưa sõi, nơi mà người dân chỉ mới vừa thoát ra được khỏi diện xã nghèo 135, đi học tiếng Anh ở đâu bây giờ? Mẹ Năm đành khuyên Đạt từ bỏ ước mơ ấy. Đạt buồn lắm, cậu vẫn thích đi học tiếng Anh.

Với nhiều người, đó có thể chỉ là câu nói, niềm yêu thích trẻ con, một đứa trẻ mới 6 tuổi, nay nói mai quên, nay thích mai chán, lại xa vời thực tế. Còn với mẹ Năm, đó không chỉ là ước mơ của Đạt mà còn là ước mơ của cả chính mình, bởi với chị, “điều quan trọng với người mẹ là biến ước mơ của con thành hiện thực.”.

Vì thế, khi tình cờ nghe mọi người nói ở dưới Hạ Long có trung tâm dạy tiếng Anh, chị Năm đã lập tức đi xe máy vượt hơn 60 cây số đường núi xuống thành phố tìm lớp cho con. Chị cẩn thận đi tìm hiểu các trung tâm để chọn nơi ưng ý nhất.

Tìm được chỗ học cho con thì chi phí lại quá lớn so với mức lương giáo viên chỉ vẻn vẹn có 5 triệu đồng, chị đành đề nghị trung tâm cho mình được trả góp theo từng tháng.

“Lúc đó tôi chẳng nghĩ đến việc đi xa hay gần, tốn kém hay không tốn kém, chỉ cần có lớp học tiếng Anh tốt cho con là được, vì đó là mơ ước của Đạt,” chị Năm chia sẻ.

Đạt vẫn còn nhớ cảm giác lần đầu tiên đặt chân tới trung tâm, lần đầu tiên nghe giáo viên người nước ngoài tiếng Anh, lần đầu tiên được nói thứ ngôn ngữ mà cậu hằng mơ ước. Đó là một niềm sung sướng hân hoan tuyệt vời!

Lớp học dưới thành phố thực sự là một chân trời mới với Đạt, không chỉ là việc được học một thứ ngôn ngữ mới, mà còn là một môi trường mới, thầy cô mới, những người bạn mới, phương pháp giáo dục mới, trang thiết bị học tập hiện đại với bảng tương tác điện tử… Tất cả những điều đó hoàn toàn khác với ngôi trường Tiểu học Đồng Sơn, nơi Đạt và các bạn vẫn ngày ngày đến lớp.

Đạt học bằng tất cả sự say mê, không chỉ ở trên lớp mà cả tự ôn luyện ở nhà. Và vì thế, vốn tiếng Anh của cậu dày lên rất nhanh, đến chính các giáo viên cũng phải ngạc nhiên.

Là học sinh duy nhất của Trường Tiểu học Đồng Sơn biết tiếng Anh, Đạt tranh thủ giờ nghỉ để dạy các bạn cùng lớp những câu tiếng Anh cơ bản.

Nhưng có một người còn hạnh phúc hân hoan hơn cả Đạt, đó là mẹ Năm.

Đó cũng chính là động lực để hai mẹ con vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách trên hành trình cả trăm cây số đường núi mỗi cuối tuần, suốt hơn một năm qua.

Chị Năm chia sẻ, đường xa nên hai mẹ con luôn phải đi sớm để trừ hao khoảng thời gian sự cố trên đường, đảm bảo cho Đạt đến lớp đúng giờ. Mùa mưa bão, mưa phả vào rát mặt, nước lũ tràn qua đập, có những lần hai mẹ con phải dừng xe chờ ô tô chở gỗ hoặc nhiều người trợ giúp mới đi được. Mùa đông rét buốt còn vất vả hơn, sương muối giăng mắc khắp cỏ cây, buốt thấu xương, đường ướt trơn trượt, nhưng mẹ con Đạt vẫn bon bon tới lớp.

“Đường núi nên có những đoạn rất dài không có nhà dân, mà xe thì có thể ‘dở chứng’ bất cứ lúc nào, nên trong xe mẹ lúc nào cũng có mang theo bộ vá xăm, gồm cả bơm và miếng vá và xăm xe mới. Xe thủng xăm thì mẹ sẽ bơm, nếu không được thì mẹ sẽ tự ngả xe ra vá, rồi lại tiếp tục đi,” chị Năm cười nói.

“Nhiều người nói cho con đi học xa như vậy quá vất vả, khổ thân con, lại lo ngại rủi ro trên đường. Bố Đạt vì bận đi làm xa nên cũng thương và lo cho hai mẹ con, bảo hay đợi đến khi ở thị trấn có trung tâm tiếng Anh, gần hơn, thì cho con đi học. Dù thật khó khăn nhưng hai mẹ con luôn nghĩ phải thật cố gắng. Nhìn ánh mắt phấn khích và hạnh phúc của Đạt, tôi nghĩ mình đã làm đúng,” chị Năm chia sẻ.

Chị Năm cẩn thận đội mũ bảo hiểm cho con trước hành trình hơn 60km đường núi xuống thành phố Hạ Long tầm sư học... tiếng Anh.

Còn với Đạt, mỗi cuối tuần đi học tiếng Anh là một niềm vui, nên dù mệt và vất vả, em vẫn gần như không bỏ bất cứ một buổi học nào. Khi bị gãy chân, không thể đến lớp trong nhiều tháng, Đạt vẫn nỗ lực tự học qua internet để có thể theo kịp các bạn. “Con không ngại xa, không ngại vất vả. Con sẽ không bỏ cuộc,” cậu bé nói.

Đạt là học sinh duy nhất của Trường Tiểu học Đồng Sơn biết nói tiếng Anh. Lớp một, mỗi ngày, Đạt tự đi bộ bốn cây số đến trường. Lớp hai, cậu được mẹ mua cho xe đạp. “Khi đi bộ con cũng hơi mệt, đi xe đạp đỡ hơn, nhưng lúc lên dốc thì cũng rất mệt. Đi học có các bạn nên con thấy rất vui. Các bạn cũng thích tiếng Anh nhưng không được học, nên con có tranh thủ giờ ra chơi hay lúc rảnh rỗi để dạy cho các bạn những câu cơ bản,” Đạt vui vẻ nói.

Được học tiếng Anh, Đạt bắt đầu nối dài thêm ước mơ: “Con muốn đi du học ngành kỹ thuật ở nước Anh,” cậu học sinh lớp hai dõng dạc chia sẻ.

Câu chuyện của mẹ con Đạt đã truyền cảm hứng cho nhiều người về hiện thực hóa những ước mơ, dù phải vượt qua nhiều khó khăn, trên những hành trình dài cả không gian và thời gian. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh đã tặng cho Đạt học bổng trị giá 5 triệu đồng.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng trực tiếp gửi thư khen cậu học sinh 7 tuổi.

“Thầy cảm động khi biết rằng, hằng tuần, em cùng mẹ vượt hàng chục cây số từ xã Đồng Sơn, một xã vùng cao khó khăn của huyện Hoành Bồ, về thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, để học tiếng Anh. Nỗ lực và ý chí của em là tấm gương cho bạn bè cùng trang lứa phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để học tập tốt, rèn luyện tốt, trở thành những công dân có ích cho đất nước.”

“Thầy rất vui khi biết em sớm có ước mơ sau này được đến nước Anh học tập. Đây là ước mơ lớn nhưng hoàn toàn có thể trở thành hiện thực nếu em tiếp tục cố gắng ngay từ ngày hôm nay.(..) Thầy tin rằng, với sự nỗ lực của em và gia đình, em sẽ đạt được ước mơ của mình,” Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ viết.

Học tiếng Anh cũng giúp Đạt tự tin hơn.

Để tiếp sức cho ước mơ của Đạt, Trung tâm Anh ngữ Apax English nơi Đạt theo học đã quyết định tặng cậu học bổng toàn phần đến năm Đạt 18 tuổi.

“Con thật sự rất hạnh phúc. Con xin cảm ơn mọi người. Con cảm ơn mẹ” Đạt cười tươi nói.

Còn với chị Năm, điều lớn lao nhất mà những nỗ lực không mệt mỏi của hai mẹ con trong thời gian qua và cả những hành trình sắp tới mang lại không chỉ là khả năng tiếng Anh của Đạt, những học bổng giá trị, mà là sự tự tin, năng động, là ước mơ, là thế giới luôn mở ra rộng lớn hơn mỗi ngày trong suy nghĩ của Đạt.

“Tôi luôn luôn đặt niềm tin vào ước mơ rất tươi sáng của trẻ. Dù khó khăn thì hai mẹ con vẫn sẽ luôn luôn cố gắng vượt qua được. Điều quan trọng là ước mơ của bé trở thành hiện thực nên tôi luôn cố gắng giúp con đạt được mục đích của mình. Đó là điều quan trọng nhất thôi thúc tôi luôn đồng hành cùng con trong hành trình đi học tiếng Anh mà chưa bao giờ nghỉ học và bỏ cuộc,” chị Năm nói./.

Ở đất nước Hà Lan xa xôi, nơi mà phần lớn diện tích đất đai nằm dưới mực nước biển, người ta vẫn lưu truyền câu chuyện về một cậu bé không ngại đêm tối, giá lạnh, sự cô đơn và hiểm nguy để đút ngón tay nhỏ bé của mình vào lỗ thủng ở thân đê, cứu cho cả vùng khỏi trận đại hồng thủy. Đó chính là niềm cảm hứng để xứ sở kia làm nên những điều kỳ diệu, được cả thế giới ngưỡng mộ.

Những tấm gương như cậu bé ấy thật ra có ở khắp nơi, nhưng để lan tỏa nó lại là một câu chuyện khác.

Với ý nghĩa đó, Báo điện tử VietnamPlus cùng sữa Cô gái Hà Lan đã đồng hành trong chương trình Little Heroes, nhằm khích lệ những tấm gương “anh hùng nhí” trên mọi miền đất nước. Có thể đấy chỉ là những cô cậu bé bình dị, nhưng ẩn chứa nghị lực lớn lao, mà mỗi em chính là một hạt giống tâm hồn, được gieo mầm để tạo nên những cánh đồng nặng trĩu yêu thương.”
 
×
Quay lại
Top