UNESCO vinh danh Đại thi hào Nguyễn Du (14/11/2013)

ly quoc

I'm fine!
Thành viên thân thiết
Tham gia
18/4/2013
Bài viết
12.616
Tổ chức UNESCO đánh giá cao hồ sơ về Đại thi hào Nguyễn Du của Việt Nam, vì đã nêu bật tầm ảnh hưởng của nhà thơ: Tác phẩm Truyện Kiều của ông được dịch ra hơn 20 thứ tiếng trên thế giới; tư duy độc lập, sáng tạo, tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc đã giúp ông dũng cảm vượt qua rào cản nặng nề hàng nghìn năm của Hán văn để viết tác phẩm bằng chữ Nôm.

2013_318_8_a3.jpg


Danh nhân Văn hóa Thế giới Nguyễn Du

1. Tại kỳ họp lần thứ 37 Ðại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) vừa diễn ra tại thủ đô Paris (Pháp), UNESCO đã ra Nghị quyết vinh danh Đại thi hào Nguyễn Du của Việt Nam cùng với nhiều danh nhân văn hóa khác trên thế giới. Đây là vinh dự lớn đối với Việt Nam. Năm 1965, Hội đồng Hòa bình thế giới công nhận Đại thi hào Nguyễn Du là Danh nhân Văn hóa Thế giới và ra quyết định kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông. Còn với UNESCO, đây là lần đầu tiên vinh danh Nguyễn Du - Đại thi hào của dân tộc Việt Nam.
Nguyễn Du (1766 – 1820) tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, sinh tại phường Bích Câu, Thăng Long trong một gia đình quan chức đại quý tộc. Ông là con thứ 7 của Nguyễn Nghiễm với người vợ thứ 3. Nguyễn Nghiễm (1708 - 1776), quê ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, làm tới chức Tể tướng. Ngược dòng lịch sử, có thể thấy thời đại Nguyễn Du (cuối thế kỷ XVIII, đầu XIX) là một thời đại đầy biến động. Xã hội phong kiến tràn ngập bão táp, phong ba. Cuộc đời Nguyễn Du lắm những thăng trầm gió bụi. Thế giới tư tưởng và tâm trạng của ông phong phú nhưng cũng vô cùng phức tạp, thương đau. Viết về một thời lớn lao như vậy, về một thế giới tâm hồn nhiều cung bậc và sắc thái như vậy, cần phải có một tài năng lớn, một bút pháp nghệ thuật tầm cao rộng mới có thể làm nên một sự nghiệp vĩ đại như Nguyễn Du.

2. Thế nhưng, khi viết Truyện Kiều, Nguyễn Du khiêm tốn gọi tác phẩm của mình là sách giải trí "mua vui cũng được một vài trống canh”. Tuy nhiên, suốt hơn 200 năm qua, tác phẩm này đã ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt của đời sống văn hoá, xã hội Việt Nam. Truyện Kiều phản ánh tâm hồn, tình cảm, tính cách, con người Việt Nam ở mọi tầng lớp xã hội. Ngôn ngữ Truyện Kiều đặc biệt trong sáng và hàm súc, là tinh hoa của ngôn ngữ Việt Nam. Truyện Kiều được đưa vào dạy ở các cấp học, được nghiên cứu ở nhiều góc độ: văn bản học, ngôn ngữ học, thi pháp học, triết lý nhân sinh, so sánh văn bản… Truyện Kiều cũng bước lên sân khấu, bước vào điện ảnh từ rất sớm. Người Việt Nam ai cũng có thể dễ dàng dùng những câu thơ giàu ẩn ý trong Truyện Kiều để bình giải cho từng hoàn cảnh, từng số phận của cuộc đời mình. Truyện Kiều cũng vượt thời gian, không gian để gia nhập vào thế giới văn chương của nhân loại.

3. Bên cạnh kiệt tác Truyện Kiều, cả ba tập thơ chữ Hán gồm: Thanh Hiên tiền hậu tập, Nam trung tạp ngâm và Bắc hành tạp lục cho thấy những chặng đường sáng tác phù hợp với các chặng đường đời và tư tưởng của tác giả. Đặc biệt với tập thơ đi sứ Bắc hành tạp lục, xuyên suốt tập thơ chữ Hán này là tiếng nói trữ tình, tiếng nói nhân văn giữa một thời tao loạn, tiếng nói khắc khoải tìm về ý nghĩa đích thực của cuộc sống con người. Đứng giữa trời đất phương Bắc, Nguyễn Du chỉ ra những câu hỏi chung về số phận con người, chỉ ra những khát vọng về giá trị nhân văn chung cho mọi kiếp chúng sinh. Nhận diện về điều này, nhà nghiên cứu Trương Chính kết luận: "Cuốn Bắc hành tạp lục của Nguyễn Du có 131 bài, so với toàn bộ thơ chữ Hán của ông, trong một năm đi sứ, ông sáng tác bằng mấy chục năm ở nhà. Nhà thơ không triền miên, ngây ngất trước những danh lam thắng cảnh. Ông chú ý nhiều nhất đến con người và cuộc đời trên đất nước Trung Quốc. Và lúc nào ông cũng xuất phát từ lập trường dân tộc đúng đắn và chủ nghĩa nhân đạo chân thành. Vì vậy mà tới hôm nay, đọc Bắc hành tạp lục chúng ta tìm ra được những điều đáng nói…”.

Sinh thời, trong bài thơ Độc Tiểu Thanh kí, Nguyễn Du từng đặt câu hỏi: Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa/ Thiên hạ ai người khóc Tố Như? Nhưng không phải đợi đến 300 năm sau, tên tuổi của Nguyễn Du đã làm rạng rỡ dân tộc Việt Nam. Không chỉ người Việt mà quốc tế cũng đồng cảm với tư tưởng, tình cảm của ông. Con người và những tác phẩm của Nguyễn Du đã trở thành biểu tượng nhân văn trường tồn với thời gian.

Theo Báo Đại đoàn kết
 
×
Quay lại
Top