Tuyển thẳng HS giỏi Quốc gia vào ĐH: Có thực sự bình đẳng cho những người giỏi?

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
-Đây không phải là lần đầu tiên Bộ GD&ĐT áp dụng chế độ ưu tiên tuyển thẳng ĐH đối với các HS đạt giải quốc gia. Từ năm 2006 trở về trước, quy chế này đã được áp dụng.

Từ năm 2012, theo Thông tư số 56/2011/TT-BGDĐT Quy chế thi chọn Học sinh (HS) giỏi cấp quốc gia của Bộ GD&ĐT thì những HS đạt giải (gồm giải nhất, nhì, ba) trong kỳ thi quốc gia và tham gia tập huấn chuẩn bị dự thi quốc tế được tuyển thẳng vào các trường ĐH. Theo Bộ GD&ĐT đây là quy chế nhằm tạo động lực cho các em HS. Nhưng trong kỳ tuyển sinh năm nay, hầu hết các trường đều cho rằng hồ sơ xét tuyển thẳng cao hơn năm trước, trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh không có thay đổi. Như vậy, “chỗ” học còn lại cho các thí sinh khác trở lên ít đi, cơ hội cho những HS giỏi khác khi thi tuyển trực tiếp cũng ít hơn. Vì vậy, có nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT nên xem lại quy định này.

ab0IMG2439.JPG

Thí sinh dự thi ĐH năm 2013

Tuyển thẳng có chọn được nhân tài?


Đây không phải là lần đầu tiên Bộ GD&ĐT áp dụng chế độ ưu tiên tuyển thẳng ĐH đối với các HS đạt giải quốc gia. Từ năm 2006 trở về trước, quy chế này đã được áp dụng. Nhưng năm 2007, Bộ GD&ĐT bãi bỏ quy định tuyển thẳng vào ĐH đối với HS giỏi đạt giải quốc gia, giao quyền tự quyết cho các trường ĐH với yêu cầu các HS này vẫn phải dự thi ĐH và đạt từ điểm sàn trở lên. Việc bãi bỏ quy định này cũng xuất phát từ một số bất cập mà chúng ta gặp phải trong bồi dưỡng đội tuyển HS giỏi. Trong đó phải kể đến tâm lý luyện “gà nòi” chỉ để đi thi, khiến các em học không đồng đều các môn học. Một HS giỏi lý chỉ cần chuyên môn lý, các môn khác sẽ được thầy cô giáo “nương nhẹ” nếu kết quả học có kém. Thêm nữa, có những tiêu cực liên quan đến “chạy” giải HS giỏi của các địa phương đã khiến Bộ GD&ĐT phải cân nhắc bỏ quy định này.

Nhưng hai năm trở lại đây, Bộ lại cho phép ưu tiên xét tuyển thẳng. Bởi theo Bộ GD&ĐT, việc khôi phục chế độ tuyển thẳng là cần thiết, nhằm tạo động lực cho HS học tập, ôn luyện, góp phần nâng cao chất lượng của các đội tuyển HS giỏi. Vài năm gần đây, chất lượng giải thưởng của Việt Nam tại các kỳ thi quốc tế có chiều hướng giảm. Hay nhiều HS giỏi không thiết tha tham gia đội tuyển vì còn phải dồn sức cho thi ĐH.

Thế nhưng khi áp dụng lại quy định này, việc luyện “gà nòi” vẫn chưa thể có cách khắc phục hiệu quả. Trong khi đó lại phát sinh những vấn đề khác đối với các trường khi cân nhắc, xét duyệt những hồ sơ tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển.

Tạo sức ép chỗ học cho những thí sinh còn lại

Theo nguyên tắc, các trường phải nhận và xem xét cho hồ sơ xin tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển. Trên thực tế, hầu hết các trường ĐH năm nay đều có hồ sơ tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển cao hơn năm trước.

Theo PGS. TS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội, năm nay trường có gần 100 hồ sơ tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển, hầu như nguyện vọng của các em làm hồ sơ ưu tiên xét tuyển đều vào ngành Bác sĩ đa khoa. Trong khi đó, ngành Bác sĩ đa khoa có 550 chỉ tiêu. Về nguyên tắc, hồ sơ đủ điều kiện là nhà trường sẽ tuyển thẳng. Như vậy, con số chỉ tiêu còn lại giảm đi chỉ còn lại khoảng hơn 450 chỉ tiêu. Như vậy, rõ ràng chỉ tiêu thực tế ít đi sẽ đẩy điểm chuẩn vào ngành Bác sĩ đa khoa cao hơn mọi năm, đồng nghĩa với việc sẽ loại đi một số không nhỏ những em HS thi đạt kết quả cao khác. Cũng theo ông Nguyễn Đức Hinh, số lượng hồ sơ ưu tiên năm nay quá nhiều là bởi Bộ quy định cũng phải xét cả các em đạt giải ba. Mọi năm, trường ĐH Y chỉ xét tuyển thẳng với học sinh đạt giải nhất.

Thạc sĩ Đoàn Thị Phương Dung, Uỷ viên Hội đồng tuyển sinh, Học viện Ngoại giao cho biết: Năm nay học viện có 46 hồ sơ đăng ký tuyển thẳng trong đó có 14 học sinh đã được xét tuyển thẳng luôn vào ngành tiếng Anh. Còn số hồ sơ còn lại nhà trường đang xem xét xem giải các em đạt được có phù hợp với ngành các em đăng ký hay không. Bà Đoàn Thị Phương Dung cũng cho rằng: Riêng với hồ sơ tuyển thẳng, Bộ nên có các quy định chặt chẽ hơn về việc với những giải nào thì được làm hồ sơ ưu tiên tuyển thẳng, bởi nếu xét từ giải ba trở lên thì quá nhiều. Cũng cần có quy chế cho các trường chủ động xem xét giải thưởng đó có phù hợp hay không đối với từng trường ĐH nói riêng.

PGS. TS Bùi Ngọc Sơn, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương cho rằng: “Thực ra quy định cho nhiều đối tượng xét tuyển thẳng cũng hơi khó khăn cho các trường, năm nay trường tôi có đến 250 hồ sơ tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển. Thêm nữa, một em HS giỏi thực sự thì thi ĐH các em cũng sẽ vẫn đỗ. Nên để cho các em bình đẳng dự tuyển như thế các em còn được phát triển toàn diện, mà cũng tạo sự bình đẳng cho các em thí sinh có thực lực khác khi cạnh tranh một suất vào ĐH”.

Nên cân nhắc cộng điểm thay vì tuyển thẳng


Trên thực tế, nhiều em HS giỏi vẫn trực tiếp dự thi và đỗ với kết quả cao trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2013 này.

Em Lương Thùy Vy, học sinh lớp chuyên sử Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) dù đã được tuyển thẳng vào ĐH ngành Sư phạm Sử trường ĐH Huế nhưng vẫn thi ĐH và giành tiếp danh hiệu thủ khoa ĐH Luật TP HCM với điểm số 26,5.

Dù đã được xét tuyển thẳng vào trường ĐH Y Hà Nội, nhưng vì muốn thử sức mình nên em Phan Thị Hồng Hải đã đăng ký dự thi khối B ĐH Quốc gia Hà Nội. Và kết quả Hồng Hải đỗ thủ khoa khối B với số điểm 29.

Như vậy, đối với học sinh giỏi thực sự, chuyện tham dự kỳ thi ĐH cũng không phải là thách thức quá lớn.

PGS.TS Bùi Ngọc Sơn, trường ĐH Ngoại thương đề nghị: Nhiều năm nay chúng tôi đã có đề nghị Bộ GD&ĐT nên xem lại vấn đề xét tuyển thẳng này. Nên chăng khuyến khích cộng điểm cho các em đạt giải. Như vậy sẽ hợp lý hơn.
Theo phapluatxahoi.vn
 
×
Quay lại
Top