Tuyển tập truyện ngắn hay và cảm động về thầy cô trong ngày 20/11

hotgirlthekymoi

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
28/10/2016
Bài viết
56
Thời cắp sách tới trường của mỗi chúng ta là khoảng thời gian đẹp nhất, thời của tuổi mộng mơ, của những ý tưởng vụt đến rồi vụt đi, của cả sự ngỗ nghịch. Chính thầy cô là những người thay đổi cuộc đời chúng ta, uốn nắn chúng ta từng chút một trên con đường học tập. Ngày ngày đến lớp đều được nghe những lời nói ngọt ngào và ấm áp của thầy cô. Ôi! Những lời nói thân thương chứa đựng biết bao tình cảm như những dòng sữa rót vào lòng chúng em. Từ khi chúng em còn bi bô tập nói thì đã được đưa tới trường mẫu giáo để tập làm quen với trường lớp. Cũng chính tại đó, thầy cô đã dạy cho chúng em biết thế nào là lễ nghĩa, là biết cách cư xử cho phải phép. Ngày ngày trôi qua, chúng em dần dần bước lên những bậc cao hơn của nấc thang kiến thức và thầy cô luôn dõi theo chúng em. Từ một con điểm tốt, một ý tưởng hay cho đến một sai phạm nhỏ, một lần không thuộc bài, thầy cô đều chú ý khen ngợi hoặc nhắc nhở. Thầy cô là những người thầm lặng đưa chúng em đến đỉnh cao của kiến thức, cho chúng em một tương lai tươi đẹp.

Ngày 20 – 11 này các bạn đã biết tặng gì cho thầy cô nhân ngày đặc biệt này chưa? Không chỉ những bông hoa tươi thắm; những điểm 9, 10 là những món quà ý nghĩa mà bạn có thể tặng thầy cô – người cha, người mẹ thứ hai của mình những câu chuyện ngắn hay về tình cảm thầy trò, về thầy cô. Qua những câu chuyện bạn sẽ hiểu hơn về những công lao to lớn của thầy cô và những vất vả mà thầy cô đã làm để dạy dỗ ta nên người. Mời các bạn và thầy cô cùng xem!



 
1. Những giấc mơ bục giảng

Có những điều dù không muốn, Vân vẫn cứ phải trải qua mỗi đêm. Đó là những giấc mơ. Những giấc mơ thường không có bắt đầu và cũng không có kết thúc. Nó chỉ thực sự tạm dừng lại khi Vân choàng tỉnh lúc đồng hồ báo thức giòn giã và lạnh lùng báo một ngày mới nữa lại đến để quăng quật Vân vào vòng xoáy của một chuỗi công việc bộn bề nhưng giống y hệt nhau ở sự ngao ngán đang chờ đợi mình.

Từ dạo Vân bỏ quê lên Bình Dương đi làm công nhân, những giấc mơ đến thường xuyên hơn - ngay cả trong những đêm rất khó ngủ dù cho suốt cả ngày cô tăng ca làm việc đến rã rời. Phải vất vả lắm Vân mới chìm vào giấc ngủ thì ngay lập tức giấc mơ như chực sẵn đâu đó hiện ra cuốn Vân đi. Có khi Vân như người chứng kiến giấc mơ, có khi Vân lại là người dẫn chuyện cho giấc mơ bước đi đầy mê hoặc... Và lạ lùng là có rất nhiều đêm, Vân nằm mơ nhưng lại biết rất rõ là mình đang mơ. Tiềm thức của cô tỉnh táo mách bảo ý thức rằng đó chỉ là mơ thôi.

Đó là khi Vân mơ về bục giảng...

Nơi Vân về thực tập là ngôi trường phổ thông quen thuộc ngày nào. Học trò lóc chóc và chíu chít như bầy chim non. Hồi đó, học lớp 10, thấy mấy anh chị lớp 12 sao mà chững chạc, thì bây giờ, khi Vân là sinh viên sư phạm năm thứ tư lại thấy các em thật trẻ con và bé bỏng. Từng thời khắc trôi qua đều thật tuyệt vời và hạnh phúc. Học trò không phải em nào cũng ngoan, giờ lên lớp không phải tiết nào cũng dễ nuốt... và hàng loạt phong trào mà không phải hoạt động nào tụi Vân cũng tổ chức thành công. Tuy nhiên, đợt thực tập trôi qua trong sự nuối tiếc của những thực tập sinh lần đầu tập tành làm thầy cô giáo. Và Vân mơ tới ngày ra trường sẽ được trở lại trường mình thực tập ngày nào để làm một cô giáo thực sự.

thelecuocthicogiaocuatoi2.jpg


Và Vân đã trở về. Hôm đó, hình như Vân mặc một chiếc áo dài màu thiên thanh. Vân không nhớ rõ vì có vẻ như bầu không gian hôm đó hơi tối, có nhiều đám mây rất lạ từ đâu bay về giăng đầy trời. Thầy cô trong ban giám hiệu thì thấp thoáng qua lại nhưng dường như họ không quá bận tâm có một cô giáo rất trẻ mới về trường. Có người đi ngược chiều và đụng mặt nhau ngay trên hành lang của trường, Vân đang ấp úng và bối rối chưa biết chào hỏi thế nào thì đáp lại, họ cứ thẳng đường mà tiến về lớp học của mình. Vân băn khoăn, hình như ai cũng rất tất tả với những mối bận tâm riêng. Lương bổng, nhu cầu sống thiết yếu của gia đình? Những áp lực từ số sách, chương trình, các hoạt động phong trào chủ điểm... tất cả phải chăng đã lấy đi hết những phản xạ giao tiếp thông thường? Vân vội vã vào lớp với giờ lên lớp đầu tiên. Giờ học này, lạ là đã bắt đầu tự bao giờ. Vân không nhớ rõ hôm đó mình phải dạy bài học gì. Bao nhiêu kiến thức bốn năm học ở trường lũ lượt cuồn cuộn về rồi dường như bị cuốn đi theo những mùa thi. Thôi kệ, coi như tiết học này Vân sẽ làm quen với học trò của mình.

Lớp học dễ chừng cũng có hơn năm mươi em. Ôi, như thế này làm sao Vân nhớ hết tên của chúng? Làm sao Vân có thể theo sát từng em để biết nó tiến bộ như thế nào sau mỗi bài kiểm tra? Vân chưa kịp hỏi tên học trò của mình thì có một em nữ sinh ngồi phía dưới - không thèm đứng dậy, hỏi vọng lên, cô giới thiệu tên của cô đi để tụi em tìm cho cô một nickname không đụng hàng. Vân chưa hết ngỡ ngàng, mắt tròn xoe thắc mắc thì loáng thoáng nơi bàn nhất, Vân nghe tiếng xì xào làm mình hoa cả mắt, ù cả tai. Cô nói đi, để lớp tặng cô một biệt danh. Chẳng hạn cô Bình dạy văn, tụi nó kêu là "Cáo Bình Ngô” - nói lái lại là "Cô Bình ngáo". Thầy Tùng dạy toán, tụi nó thêm họ và chữ lót cho thầy là Lê Quốc Tùng để đọc ngược là "Lùn Quốc Tế"... vậy đó! Cô tên gì, đừng tên Bích, tên Trinh... nghe cô, toàn là tên "nhạy cảm" không đó! Vân nghe tim mình đập thình thịch, nếu có cái gương nhỏ để nhìn vào hẳn Vân nghĩ mặt mình đang tái đi là cái chắc. Vân cố cất giọng nhỏ nhẹ, các em à, như vậy thật là không nên... Thầy cô là người lớn và đáng kính, hơn nữa, thầy cô đã bỏ ra bao nhiêu vất vả để dạy mình học hành nên người; các em không nên mang thầy cô ra mà cợt nhả như vậy... Một giọng lạnh lùng từ cuối lớp, trời ơi, đùa thôi mà cô, làm gì dữ vậy! Cô không tự tin với tên mình chứ gì? Cô nói đi, cô tên gì? Cô tên gì?... Vân bỏ chạy ra khỏi lớp với những tiếng cười rượt đuổi phía sau...
May quá đó chỉ là một giấc mơ thôi.

1468485732-3.jpg


Vân ra trường xếp loại giỏi. Năm thứ tư Vân làm khóa luận và bảo vệ rất thành công với điểm số gần như tuyệt đối từ những đánh giá của các thầy cô trong hội đồng. Không may năm đó khi Vân và bạn bè ra trường thì tình trạng thừa giáo viên đã ở mức báo động. Sở giáo dục công khai số chỉ tiêu tuyển dụng của tất cả các trường phổ thông trong toàn tỉnh. Tuyệt đối không có chỉ tiêu nơi trường Vân đã về thực tập. Một cuộc thi công chức quy mô lớn được tổ chức. Về mặt lý thuyết cuộc thi để nhằm đảm bảo sự công bằng. Chẳng hạn như trường A có hai chỉ tiêu cho môn văn nhưng đến năm bạn đăng ký tuyển dụng. Vậy thì cuộc thi sẽ dành ưu tiên cho hai người điểm cao nhất trong số năm người. Và tất nhiên, ba người còn lại tự "năng động" giải quyết số phận của mình. Hoặc ngậm ngùi chờ khoa thi tuyển dụng năm sau, hoặc có tiền thì khăn gói tự học nâng cao trình độ, hoặc bi quan hơn thì nhỏ vài giọt nước mắt tạm biệt bục giảng mà dứt áo chuyển nghề. Vân thuộc trường hợp thứ ba.

Thứ nhất, Vân không thể lủi thủi về nhà tiếp tục làm gánh nặng cho mẹ chờ thêm một năm may rủi bởi khóa sau lại có một lứa đàn em tiếp tục ra trường. Thứ hai, Vân cũng không có khả năng tài chính bỏ mặc mọi người trong gia đình vất vả để mình tiếp tục ôn và thi cao học. Vân lẳng lặng về xếp cất những trang giáo án vào ngăn tủ, dặn mẹ đừng xem đó là mớ giấy vụn vô nghĩa, rồi khăn gói theo người chị lưu lạc đến tận Bình Dương làm công nhân một nhà máy công nghiệp chỉ đòi hỏi lao động tay chân. Vân không tham gia thi tuyển còn vì mong muốn tỉ lệ chọi ở một trường nào đó giảm bớt chứ không phải Vân không tin vào khả năng của mình. Thôi thì nghề đã không chọn mình thì mình ra đi, có điều Vân không nói cho bạn bè biết là mình sẽ đi đâu. Vân muốn chọn một nơi xa nhà để trải nghiệm và mưu sinh. Có điều những giấc mơ bục giảng cứ trở về ám ảnh...

20160801163255-lay-chong1.jpg


Vân đã đi dạy được bao lâu, Vân cũng không nhớ rõ. Chỉ biết, ở thế hệ nào, Vân cũng có những học trò rất tuyệt vời. Ngay cả những tập thể cá biệt, Vân luôn tìm thấy ít nhất một ánh mắt cảm thông chia sẻ, một sự ngưỡng mộ lẫn yêu thương. Có điều dù cố lục lọi ký ức, Vân không rõ là hồi nào, ngay cả lớp học, trường học mà Vân đến dạy cũng mơ hồ, chỉ có những hình ảnh về học trò là rõ ràng nhất. Những cô bé cậu bé học trò nghèo khó, buổi sáng nhịn đói băng đồng đến trường dép vẫn còn dính bùn non chưa kịp khô; buổi chiều ra rẫy hoặc xuống ruộng phơi tấm thân học trò ra nắng mưa để gồng gánh tiếp gia đình. Vân chỉ nhớ buổi sáng Vân lên lớp, buổi chiều không hiểu sao Vân không về nhà mà lại lặn lội theo học trò. Hình như là Vân đi vận động một học sinh nghèo của mình ra lớp. Học trò hỏi, cô kêu em đi học làm gì, cô có tiền nuôi em không? Vân nghe ai đó trong lòng mình trả lời, cô còn cho em cái quý hơn cả tiền, cái đó không chỉ có thể nuôi sống bản thân em mà còn cho cả gia đình em, thậm chí em còn có cơ hội làm một điều gì đó có ích cho cuộc đời này nữa. Học trò thắc mắc, không hiểu. Vân cũng không nhớ mình có giải thích cho em hiểu hay không nhưng Vân cảm nhận cái đó rất rõ trong đầu mình, trong tim mình. Nó hiện lên trong những đêm chong đèn soạn giáo án. Nó nằm đâu đó trong rất nhiều những quyển sách mà Vân đã đọc, trên những trang web mà Vân đã download về và cả trong những bài giảng của thầy cô Vân ngày xưa đã truyền lại cho Vân mà Vân thấy mình không thể không truyền tiếp cho thế hệ sau... Lạ một điều là Vân nhìn thấy rõ ràng học trò của mình khóc, vậy mà sau giấc mơ đó, tỉnh lại, Vân thấy môi mình mặn chát còn một bên gối nằm thì đẫm nước...

Dẫu sao thì đó cũng là hai giấc mơ có vẻ hiền lành hơn. Điều Vân sợ nhất đầu hôm, trước mỗi giấc ngủ là mơ lại những cơn ác mộng vừa đáng sợ vừa rối rắm. Đó là những khi Vân mơ thấy mình rất căng thẳng sau một tiết dạy, Vân đi ra cổng trường trong một trạng thái không trọng lượng và với một tâm trạng đầy bất an. Thì ra có một trận ẩu đả ngay tại cổng trường. Hai nhóm học sinh đang lao vào nhau. Một con dao nhọn hoắt được rút ra, Vân thét lên ngăn cản thì lại thấy con dao đó đâm thẳng vào tim mình, đau nhói.

lam-sao-de-thoat-khoi-ac-mong-2.jpg


Có khi Vân thấy mình như chết đi, để mơ một giấc mơ khác trong giấc mơ đang có. Vân thấy mình biến thành một con mọt sách gặm nhắm mãi những trang giáo án chưa bao giờ được lên lớp, rồi chỉ một lúc sau Vân lại biến thành con nhện to nhả mãi không ngừng để giăng dày đặc những sợi tơ dày và đục lên chiếc bàn học quen thuộc trong phòng ký túc xá ngày nào. Rồi lại biến thành bướm bay chập chờn trên những cành phượng đỏ rực đầu hè, tìm về một ngôi trường cực kỳ quen thuộc nơi mình có cả một trời kỷ niệm khi đi học và những ngày quay về thực tập. Nhưng khủng khiếp hơn cả là có khi Vân thấy tay chân mình tê cứng, rồi d.a thịt mình biến thành một thứ kim loại lạnh và cứng. Vân không nhấc nổi chân mình để bỏ chạy bởi một cuộc rượt đuổi không rõ nguyên nhân từ phía sau... Rồi Vân rơi vào một nơi toàn là máy móc, là tiếng ì ầm của động cơ. Những cái hỗn tạp ấy chui tọt vào đầu mình, băm bổ, giằng giật... Vân hét to lên một tiếng. Và thường tỉnh dậy trong ngơ ngác, khi nhận thức trở lại hoàn cảnh thực tại thì một nỗi buồn sâu thẳm lan thấm vào từng mạch máu.

Những giấc mơ cứ thế đưa Vân đi đâu không rõ. Vân ước gì một ngày tỉnh lại, thấy mình đứng trên bục giảng, hoàn toàn thật chứ không phải là mơ; để Vân cảm nhận rõ viên phấn trắng mình cầm trong tay và được nhìn ngắm thật sự những gương mặt học trò mà Vân biết không có một thứ máy móc vô hồn nào có thể thay thế. Những gương mặt ấy có thể làm cho Vân cười, có thể làm cho Vân khóc, nhưng được vui được buồn với nghề mà mình yêu, mới thật sự là một hạnh phúc.

Hạnh phúc nhiều khi rất đơn giản nhưng sao lại khó tìm đến vậy?
Để rồi những con người như Vân lại cứ mắc phải một cơn bệnh, đó là bệnh rơi vào những giấc mơ.
Hằng đêm, và hầu như mỗi đêm...

TRẦN TÙNG CHINH
 
×
Quay lại
Top