Tương lai thê thảm của đồ ăn ngon khi Trái đất nóng lên

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
Với tình trạng biến đổi khí hậu mạnh mẽ, chocolate sẽ trở thành xa xỉ phẩm, cà phê có nguy cơ biến mất và hàu thì nhiễm đầy vi khuẩn...

Tình trạng biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ; gây ảnh hưởng không nhỏ tới hệ sinh thái, môi trường trên Trái đất và cuộc sống của chúng ta.

Chúng ta đang phải đối mặt với nhiều hậu quả bất ngờ và khó lường như hạn hán, sự tan chảy băng kỷ lục ở Bắc Cực, sự nóng lên toàn cầu, khan hiếm nước sạch... Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng, với tình trạng như thế này, nguy cơ một số loại thực phẩm sẽ biến mất trên Trái đất là hoàn toàn có thể xảy ra.

tuong-lai-the-tham-cua-do-an-ngon-khi-trai-dat-nong-len.jpg

Cùng điểm lại một vài loại thực phẩm có khả năng "tuyệt chủng" khiến con người khó có cơ hội được thưởng thức trong tương lai dưới đây.

1. Chocolate trở nên khan hiếm

Ít ai biết rằng, hơn một nửa số chocolate trên thế giới đến từ các cây cacao được trồng tại Ghana và Bờ Biển Ngà. Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới quốc tế (CIAT) đã đưa ra cảnh báo về việc chocolate có thể trở thành xa xỉ phẩm nếu như nông dân các quốc gia châu Phi này không tiếp tục phát triển được cây cacao trên đất của họ.

tuong-lai-the-tham-cua-do-an-ngon-khi-trai-dat-nong-len.jpg

Các báo cáo của CIAT đã chỉ ra, vào năm 2030, nhiệt độ ở đây sẽ tăng 1 độ C; đến năm 2050, con số này là 2,3 độ C. Với mức nhiệt này, nó sẽ gây ức chế sự phát triển của cây, vỏ cacao - một loại cây trồng rất nhạy cảm với nhiệt.

tuong-lai-the-tham-cua-do-an-ngon-khi-trai-dat-nong-len.jpg

Cùng với sự biến đổi khí hậu với mức nhiệt tăng cao, chính phủ các quốc gia đã kêu gọi nông dân trồng các giống cây trồng chịu hạn tốt hơn, nghiên cứu giống cây cacao chịu hạn tốt hơn, đồng thời lên phương án để bảo vệ sự phát triển của cây cacao - nguồn nguyên liệu chính tạo ra chocolate cung cấp cho thị trường thế giới.

2. Cà phê có nguy cơ bị biến mất

Những cốc cà phê sẽ trở nên khan hiếm hơn khi nhiệt độ Trái đất tăng quá mức kiểm soát. Tình trạng biến đổi khí hậu sẽ đe đọa đến sản lượng của cà phê Arabica tự nhiên (chiếm đến 70% cà phê trồng trên thế giới) khi năng suất của cây trồng sẽ giảm nghiêm trọng.

tuong-lai-the-tham-cua-do-an-ngon-khi-trai-dat-nong-len.jpg

Theo thống kê, 1/3 diện tích cà phê Arabica sẽ "bốc hơi" vào năm 2080 hay tình trạng xấu nhất, chúng sẽ biến mất hoàn toàn.

tuong-lai-the-tham-cua-do-an-ngon-khi-trai-dat-nong-len.jpg

Thay đổi khí hậu cũng khiến cho các nhà máy sản xuất cà phê ở Mỹ Latinh gặp tình trạng nguy cấp khi một loại bệnh nấm chuyên ký sinh trên cây có tên gọi là Hemileia vastatrix gây ra. Chúng gây hại chủ yếu trên lá, đôi khi ở thân và quả. Cây nhiễm bệnh sẽ bị rụng lá, kiệt sức, sản lượng kém và nếu nặng có thể gây chết cây.

3. Hàu nhiễm ký sinh trùng nhiều gấp đôi

Nước biển ấm lên đồng nghĩa với việc, nhiều vi khuẩn sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ. Một trong số đó là loài vi khuẩn Vibrio trong hàu. Vi khuẩn này sẽ gây cho người bệnh nhiều triệu chứng như buồn nôn, tiêu chảy...

tuong-lai-the-tham-cua-do-an-ngon-khi-trai-dat-nong-len.jpg

Trong môi trường ấm áp, số vi khuẩn, ký sinh trùng "tá túc" trong thịt hàu nhiều dinh dưỡng càng có cơ hội gia tăng gấp bội, gây ảnh hưởng sức khỏe không nhỏ cho người sử dụng.

4. Mật ong trở thành "siêu xa xỉ phẩm"
tuong-lai-the-tham-cua-do-an-ngon-khi-trai-dat-nong-len.jpg

Với tình trạng thời tiết mùa đông ẩm ướt, mùa hè mưa nhiều sẽ khiến loài ong suy giảm về số lượng cũng như số lần hút mật, lấy phấn hoa. Trong hoàn cảnh đó, chúng sẽ bị đói, bệnh và khó có thể sản xuất được lượng mật nhiều, đảm bảo về chất lượng.

tuong-lai-the-tham-cua-do-an-ngon-khi-trai-dat-nong-len.jpg

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn cả là việc thụ phấn nhờ ong sẽ giảm sút do cây trồng trở nên khan hiếm hơn. Và đương nhiên, sản lượng mật ong tinh túy, đảm bảo chất lượng sẽ không còn nhiều, trở thành mặt hàng xa xỉ phẩm.

5. Chai rượu vang nho ngon chỉ còn "đếm trên đầu ngón tay"

Để tạo ra những chai rượu vang nho đậm đà, nhà sản xuất luôn chú trọng đến nhiệt độ môi trường, thời tiết, sâu bệnh... tránh gây hại cho các vườn nho. Tuy nhiên, cùng với sự biến đổi khí hậu, mưa, nắng nhiều sẽ gây ra sự thay đổi hàm lượng đường, nồng độ acid của nho trong đợt thu hoạch.

tuong-lai-the-tham-cua-do-an-ngon-khi-trai-dat-nong-len.jpg

Các chuyên gia dự đoán rằng, rất có thể nhiều địa danh sản xuất rượu vang nổi tiếng ở Pháp sẽ phải ngừng sản xuất vào năm 2050. Lý do là bởi, đất đai, thời tiết không còn phù hợp với việc trồng những loại nho đặc sắc để sản xuất rượu.

tuong-lai-the-tham-cua-do-an-ngon-khi-trai-dat-nong-len.jpg

Bên cạnh đó, ở một vài nơi như Bordeaux, Rhone, Tuscany, rượu vang nho cũng có nguy cơ sụt giảm sản lượng tới 85% vào cuối thế kỷ này. Tiếp sau đó là rượu vang Úc, Mỹ...sụt giảm tới hơn 70% sản lượng. Theo chuyên gia, nếu không có những biện pháp để ứng phó kịp thời, việc sản xuất rượu vang nho sẽ mai một dần ở nhiều khu vực.

6. Táo "biến dạng" về mùi và vị

Sau khi nghiên cứu và phân tích, các nhà khoa học Nhật Bản đã khẳng định, việc biến đổi khí hậu có ảnh hưởng rõ rệt với mùi vị, hình thức của những quả táo. Những thay đổi này là do cây táo ra hoa sớm hơn, nhiệt độ tăng cao hơn trong thời kỳ phát triển của cây.

tuong-lai-the-tham-cua-do-an-ngon-khi-trai-dat-nong-len.jpg

Tiến hành theo dõi, các chuyên gia đã tiến hành đo hàm lượng axit, đường, độ giòn của quả táo ở vườn táo Fuji (Nhật Bản) trong khoảng thời gian dài. Theo đó, các nhà khoa học nhận thấy, do biến đổi khí hậu như nhiệt độ tăng trung bình 0,3 độ C trong 10 năm nên độ ngọt của táo có xu hướng tăng lên, nhưng độ giòn thì lại sụt giảm.

tuong-lai-the-tham-cua-do-an-ngon-khi-trai-dat-nong-len.jpg

Đây được coi là nghiên cứu đầu tiên chỉ ra những thay đổi về mùi vị, hình thức của hoa quả do tác động của biến đổi khí hậu. Những nghiên cứu trước đó đã chỉ ra, sự thay đổi về lượng mưa, nhiệt độ không khí đã làm cây táo ra hoa sớm hơn và sản lượng quả cũng bị ảnh hưởng nhiều.

7. Những cốc bia nguyên chất không còn

Một nghiên cứu năm 2008 của các nhà khoa học Đức đã chỉ ra, những mùa hè với nhiệt độ tăng mạnh sẽ làm tổn hại không nhỏ tới sự phát triển của lúa mạch và khan hiếm nước sạch - 2 thành phần thiết yếu để làm nên bia.

tuong-lai-the-tham-cua-do-an-ngon-khi-trai-dat-nong-len.jpg

Lúa mạch và cây hoa bia (được sử dụng để tạo vị đắng cho bia) chỉ có thể phát triển được trong môi trường ẩm ướt. Do đó, các nhà thực vật đến từ châu Âu đã cố gắng tạo ra giống mới có thể chịu được khí hậu ấm hơn và có kế hoạch lắp đặt hệ thống thủy lợi lớn, nơi các nhà máy truyền thống không quá vất vả để tưới nước bổ sung cho cây.

tuong-lai-the-tham-cua-do-an-ngon-khi-trai-dat-nong-len.jpg

Mặc dù nhiều chuyên gia đưa ra giải pháp thay thế nguyên liệu bằng ngô nhưng các nhà sản xuất bia không thực sự quan tâm bởi họ rất cẩn trọng trong việc giữ uy tín, thương hiệu của mình.

8. Nhiều loài cá sẽ tuyệt chủng

Sự nóng lên của toàn cầu không chỉ ảnh hưởng tới bề mặt biển mà còn ảnh hưởng tới những khu vực sâu hơn. Theo đó, ở vùng biển sâu hơn 700m, thậm chí là nơi sâu nhất của đại dương, nhiệt độ nước đang ấm dần lên.

tuong-lai-the-tham-cua-do-an-ngon-khi-trai-dat-nong-len.jpg

Nhiều loài cá đang di chuyển ra xa để tránh cái nóng.

Cùng với nhiệt độ nước tăng, lưu lượng nước cũng ảnh hưởng sâu sắc tới hoạt động của các loài sinh vật. Việc di cư để tránh cái nóng này có ảnh hưởng xấu đến sự sinh tồn của các loài cá bởi nhiều loài sẽ bị đánh bắt quá mức dẫn đến tình trạng gần như tuyệt chủng. Theo dự đoán của các chuyên gia, nếu khí hậu vẫn tiếp tục nóng lên, cá hồi sẽ tuyệt chủng vào năm 2090.

Tạm kết: Tác hại của biến đổi khí hậu quả thực là ghê gớm. Bên cạnh những biện pháp mà các nhà khoa học đưa ra để nhằm giảm thiểu tình trạng này, tất cả chúng ta cũng cần chuẩn bị tinh thần để đón nhận và thích ứng với những hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ, sự đột biến trong thực phẩm sẽ xảy đến trong tương lai.

Theo Kenh14
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top