Từ trao đổi hàng hoá đến bitcoin: Lịch sử tiền tệ

Mèo Cọp

“This world is merciless.”
Thành viên thân thiết
Tham gia
25/11/2012
Bài viết
351
(kenhsinhvien.vn) Tiền tệ đã trải qua một chặng đường dài kể từ ngày tổ tiên chúng ta chủ yếu trao đổi bằng hàng hoá và dịch vụ. Thế nhưng ý tưởng về tiền từ đâu mà có?

Các giao dịch của con người đã có rất lâu kể từ thời Đồ Đá. Hoạt động trao đổi hàng hoá của tổ tiên chúng ta cuối cùng đã nhường chỗ cho tiền bạc, thứ trong mấy ngàn năm qua đã xoay vòng qua các hình thức khác nhau, từ chuỗi vỏ sò, kim loại cho đến giấy bạc. Ở thế kỷ 21, nó thường thể hiện dưới dạng chuyển đổi điện tử vô hình và thậm chí là tiền mã hoá.

Tiền là một trong số các phát minh trọng đại nhất của nhân loại. Trong hàng thiên niên kỷ, nó đã khiến thế giới xoay chiều và không chút cảm tính: Như nhà văn người Latin Publilius Syrus đã viết về nó vào thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, “Riêng bản thân tiền tệ đã khiến thế giới chuyển mình.” Nhưng đại khái nguồn thịnh vượng đang chuyển đổi hình dáng này là gì? Đới với dân Mỹ, những từ gợi nhớ là penny, nickel, hào, xu và đô la. Dĩ nhiên, những thứ trên tạo thành tiền tệ chỉ của một quốc gia, vào một thời điểm nhất định. Liên Hiệp Quốc đã công nhận 179 loại tiền tệ thế giới đang lưu thông khác, và hàng trăm hay hàng ngàn loại tiền nữa đã đi theo vết xe của đồng shilling từ lâu.

Ảnh: nevio - Shutterstock

Ảnh: nevio - Shutterstock

Bên cạnh đó, tiền phức tạp hơn nhiều so với các hoá đơn và đồng xu trong túi xách hay ví của chúng ta. Định nghĩa chính thức nêu rằng nó phục vụ nhiều mục đích: là đơn vị trao đổi thuận tiện, là cách để lưu giữ của cải lâu dài và là thước đo giá trị được chuẩn hoá. Danh sách trên chỉ là một phần trong số các công dụng của tiền.

Tính hữu hình của tiền có lẽ là đặc tính kém quan trọng nhất. Thực ra, hầu hết các nhà kinh tế học đều đồng ý tiền không nhất thiết phải có hình thức vật chất, đặc biệt là ở thời hiện đại. David Orrell và Roman Chlupatý, trong “Sự tiến hoá của tiền”, đã viết rằng “Khái niệm tiền tệ đã ngày càng trở nên trừu tượng, đến mức hình thức tiền xu và tiền giấy chỉ là một phần nhỏ của tiền đang tồn tại.” Tuy nhiên, đó là phần cuối của câu chuyện, ít nhất là cho đến nay. Chúng ta hãy quay trở lại phần đầu.

Sự ra đời của tiền

Hầu hết các nhà tư tưởng về chủ đề này, từ Aristotle đến các nhà kinh tế học chính thống ngày nay, đều suy đoán rằng tiền đã xuất hiện từ thời kinh tế trao đổi tiền sử, nơi người ta trao đổi hàng hoá và dịch vụ một cách trực tiếp.

Một hệ thống như vậy đòi hỏi cả hai bên đều muốn thứ bên kia cung cấp, và họ có thể thương lượng giá trị tương đối của mỗi mặt hàng. 30 quả chuối có bằng giá với một cái lưới bắt cá không? Ba cái lưới bắt cá có bằng một con bò không? Trái lại, tiền là thứ ai cũng muốn có, và là đơn vị đo lường tất cả mọi thứ khác. Điều đó nghĩa là tôi có thể bán những quả chuối của mình cho một ai đó để có tiền, mẫu số chung của nền kinh tế, và dùng nó để mua con bò của bạn.

Tiền cũng giải phóng chúng ta khỏi việc mang vác hết đống của cải cồng kềnh của mình theo. Thử tưởng tượng cảnh đẩy một giạ lúa vào quán cà phê để “trả” cho món cà phê của bạn. Rồi thì cần bao nhiêu con dê để có thể thuê một studio SoHo? Chắc chắn là nhiều hơn số dê bạn có thể đặt vào 800 feet vuông (~74 mét vuông). Xã hội xưa hẳn nhiên không phức tạp đến thế, nhưng khi xã hội phát triển, như nhà kinh tế học Glyn Davies viết trong cuốn “Lịch sử tiền tệ”, “nhu cầu thương mại vượt quá phạm vi trao đổi.” Thế là tiền xuất hiện để cứu vãn tình hình.

Bất cứ thứ gì đều có thể coi là tiền, miễn là chúng bền và hiếm. Trến khắp châu Á và châu Phi, vỏ ốc cowry – từng là nơi trú ngụ của những loài ốc biển lớn nhỏ – đã làm tốt công việc cho đến thời hiện đại. Trên đảo Yap của người Micronesia, những tảng đá vôi khổng lồ hình bánh donut lừng danh đã hoàn thành sứ mệnh tiền tệ của nó, dù không di chuyển được. Trong các trường hợp khác, lựa chọn tốt nhất là một số loại “tiền hàng hoá”, như gia súc, muối hoặc ngũ cốc, những thứ có giá trị nội tại được thừa nhận bởi hầu hết mọi người trong một xã hội nhất định.

Các khối kim loại quý, như vàng và bạc, cũng là hàng hoá, với lợi ích phụ là dễ rèn. Tiền kim loại thống nhất đầu tiên có niên đại từ thời nhà Chu của Trung Quốc, rèn nhiều bản sao nhỏ để đại diện cho vỏ ốc cowry, cùng với dao, thuổng và các công cụ khác. Nhưng đồng xu đầu tiên lại được đúc ở Lydia, một vương quốc thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, vào thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên. Vị vua cuối cùng của vương quốc, cùng với tài sản huyền thoại của ông, sống trên câu nói “giàu như Croesus.”

Ngân hàng và chế độ bản vị vàng

Tiền đúc có giá trị và dễ vận chuyển hơn nhiều – so với việc cân các mảnh kim loại thô – và nó nhanh chóng lan rộng khắp các thành bang Hy Lạp và vượt ra ngoài chúng. Tuy nhiên, cùng lúc đó, tại Trung Quốc, một phương pháp thậm chí còn tiện lợi hơn đang được phát triển.

Thay vì cứ di chuyển các đồng xu từ nơi này đến nơi khác, chính quyền Trung Quốc giữ tất cả đồng xu ở một nơi và phát hành các mảnh giấy thay cho chúng. Đây là khởi đầu của tiền đại diện, trong đó bản thân các vật là tiền không có giá trị. Từ chuyến viễn du của mình đến phương Đông, Marco Polo đã mang khái niệm này trở về châu Âu, thúc đẩy phát triển ngành ngân hàng.

Đầu tiên là ở Ý, sau đó đến Anh quốc, người ta bắt đầu gửi các nén vàng của họ cho những thợ kim hoàn và công chứng viên, quá trình này đã hoạt động một cách hiệu quả và ngày nay chúng ta gọi là ngân hàng. Các cơ sở này phát biên nhận cho các khoản tiền gửi, và qua thời gian các biên nhận này tự mình trở thành một loại tiền tệ – mặc dù chúng luôn có thể được quy đổi thành các đồng xu thực, nhưng người ta chỉ thường lưu hành các tờ giấy bạc ngân hàng này như các khoản thanh toán theo ý mình.

Trong cách sắp xếp này, tiền giấy đại diện vẫn được hỗ trợ bằng tiền hàng hoá dưới dạng các kim loại quý. Hàng thế kỷ sau, vàng và bạc vẫn còn là biểu tượng phổ biến nhất của sự giàu sang. Đến nay, chính phủ Hoa Kỳ đã lưu trữ khoảng 5,000 tấn vàng tại Fort Knox. Vài trăm dặm về phía đông, Ngân hàng Dự trữ Liên bang của New York đang bảo quản lượng vàng ký thác lớn nhất thế giới – 6,190 tấn, được sở hữu bởi khách hàng trên khắp thế giới, tính đến năm 2019 – trong một tầng hầm sâu 80 feet (~24m) bên dưới những con đường của Manhattan.

Chế độ bản vị vàng đã thống trị nền kinh tế thế giới hàng thập kỷ, gắn giá trị của tiền tệ vào giá trị của thứ kim loại màu vàng quý hiếm này. Nhưng trong một trăm năm qua, chính phủ đã tách rời hai yếu tố này. Tiêu chuẩn hiện nay là tiền pháp định (fiat money), không có giá trị nội tại và không được hỗ trợ bởi bất kỳ thứ gì. Bạn không thể đi đến ngân hàng, chìa ra một xấp giấy bạc 100 đô, và yêu cầu đổi một lượng vàng. Những tờ giấy này chỉ có giá trị vì chính phủ đã gán cho chúng, và miễn là người dân có niềm tin vào chính phủ.

Giàu sang trên mạng

Thậm chí tiền tệ cứng cũng càng ngày càng khó kiếm. Như Orrell và Chlupatý đã viết, chúng ta hiện tại đang sống “trong một chế độ ảo, nơi hầu hết tiền được tạo ra theo ý muốn của các ngân hàng tư nhân, chỉ đơn giản bằng cách nhập một con số vào tài khoản máy tính.” Ngày nay, tiền mặt hiếm khi cần phải qua tay ai. Trong nhiều thập kỷ, thẻ tín dụng đã cho phép bit và byte thay cho các đồng bạc xanh, và trong vài năm trở lại đây tiền điện tử đã châm ngòi cho cuộc cách mạng tài chính tiếp theo.

Bitcoin – được biết đến nhiều nhất trong số các nhóm tiền mã hoá đang lên – là loại tiền ảo ngày càng phổ biến, được tạo ra năm 2009 bởi một người hay một nhóm người ẩn danh chỉ được biết đến với tên gọi Satoshi Nakamoto. Thậm chí còn trừu tượng hơn đô la điện tử, nó đơn giản chỉ là một chuỗi các số dư trong một sổ cái trực tuyến phi tập trung, gọi là blockchain.

Bằng cách sử dụng công nghệ ngang hàng, tiền mã hoá loại bỏ các bên trung gian như ngân hàng và chính phủ, cho phép giao dịch trực tiếp giữa một cộng đồng người dùng rộng lớn. Bởi vì có quá nhiều người đang độc lập theo dõi các giao dịch, nên không ai có thể gian lận được. Hình thức này loại bỏ vấn đề tín nhiệm vào hàng triệu người – bạn chỉ cần tin vào hệ thống.

Các nhà kinh tế học vẫn đang tranh luận tiền mã hoá sẽ thay đổi thế giới đến mức độ nào, và theo hướng tốt hơn hay tệ hơn. Nhưng quá trình chuyển đổi điện tử của tiền tệ nói chung đang trên đà tốt đẹp, với nhiều ảnh hưởng sâu rộng. Sự dịch chuyển tiền vào không gian mạng đồng nghĩa với việc tiền “không còn gắn liền với vận mệnh của một chính phủ hay một quốc gia riêng biệt nào,” như lời nhà nhân chủng học văn hoá Jack Weatherford đã viết năm 1997. “Hệ thống mới nổi này sẽ thay đổi ý nghĩa của đồng tiền.” Có lẽ trong một thế kỷ tới, tiền mặt sẽ bị coi là lỗi thời như mấy vỏ ốc cowry.


Dịch bởi Kenhsinhvien.vn
(Theo Discover Magazine)
 
×
Quay lại
Top